Đồng Tháp Mười ngày mới: Về nơi "Tháp Mười đẹp nhất bông sen"
Kỳ I: Đồng Tháp Mười ngày mới: Đổi thay trên vùng "rốn lũ" Tiền Giang
Qua khỏi Hậu Mỹ Bắc B, xe chúng tôi vào địa phận xã Đốc Binh Kiều (Tháp Mười, Đồng Tháp). Đốc Binh Kiều, Tháp Mười, Gò Tháp...là những địa danh lịch sử, gợi trong chúng tôi những giai đoạn hào hùng trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước ở phương Nam. Đó là khởi nghĩa chống Pháp của Thiên Hộ Dương, của Đốc Binh Kiều, của di chỉ văn hóa Phù Nam “Gò Tháp”, của câu thơ nổi tiếng thể hiện lòng kính yêu lãnh tụ:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên cụ Hồ
Tháp Mười ngày nay đã có biết bao thay đổi. Trên địa phận xã Đốc Binh Kiều, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những cánh đồng lúa thu đông vừa mới sạ, đang thì con gái khoe một màu xanh mơn mởn trải dài. Vốn đã nghe tiếng địa danh Đốc Binh Kiều từ trước, tôi bảo xe dừng lại rồi bước xuống chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm trước cổng Trường Trung học cơ sở Đốc Binh Kiều.
Lên xe, tôi nói với bạn Trí tôi không thể tin được trong mùa nước nổi mà ngày xưa chỉ có lúa ma, lúa nổi nay lại làm được lúa ba vụ. Âu đó cũng nhờ các công trình thủy lợi, đê bao ngăn lũ đang phát huy hiệu quả thực sự mang lại bát cơm đầy cho bà con Đồng Tháp Mười.
Tác giả thăm ruộng lúa vừa mới gieo sạ. |
Đốc Binh Kiều nói riêng và các huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp nói chung đất đai còn rộng và dân cư thưa thớt hơn phía Tiền Giang. Dọc con đường đi qua, chúng tôi thấy có xe buýt chạy tuyến Cái Bè - Mỹ An và nhiều xe con mang biển số TP. Hồ Chí Minh bon bon về miệt Cao Lãnh, Tân Châu, Hồng Ngự qua lối này.
Theo cánh lái xe, nếu từ Tiền Giang đi Tam Nông hoặc Mỹ An, Trường Xuân theo tỉnh lộ 865 gần hơn rất nhiều so với theo quốc lộ 1 rồi rẽ về quốc lộ 30. Giao thông phát triển không chỉ mở ra cơ hội phát triển, cơ hội giao thương mà cả chuyện chăm sóc sức khỏe, đến việc học hành, nâng cao dân trí của con em nông thôn.
Đường sá thuận tiện, bệnh viện, trường học mọc lên ở khắp nơi chúng tôi đi qua đã kéo Đồng Tháp Mười gần với các trung tâm thương mại và thành phố lớn phía Nam cũng như cả nước. Cả một cổ máy đang hoạt động đồng bộ hướng tới dân giàu nước mạnh là vậy.
Qua địa phận Đốc Binh Kiều là tới thị trấn Mỹ An, huyện lỵ của huyện Tháp Mười, nơi có địa chỉ khảo cổ Gò Tháp nổi tiếng. Đến Mỹ An, trên suốt chặng đường đi qua tôi cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc về thủy lợi. Nhờ mạng lưới thủy lợi hoàn thiện kết hợp với giao thông, đất đai Đồng Tháp Mười cơ bản đã làm được 3 vụ lúa/ năm. Là dân nông nghiệp chính cống nhưng nếu không đi khảo sát hôm nay, chắc tôi cũng không tin ở đây làm được lúa 3 vụ/ năm.
Nhớ nơi này cách đây 30 năm tôi từng có dịp đến đây. Thời đó, để đến được miệt Mỹ An, Bằng Lăng chỉ có một phương tiện giao thông duy nhất là vỏ lải. Võ lãi khởi hành từ thị xã Cao Lãnh vào đến Mỹ An phải mất vài ba tiếng đồng hồ. Đi đã cực nhưng chuyến từ Mỹ An trở về Cao Lãnh còn khó nhọc hơn, phải thức giấc từ 2 - 3 giờ khuya, ra đứng đợi ven kinh, tay cầm cây đèn dầu chờ đón vỏ lải chạy ngang rước. Nếu lỡ chuyến đò thì phải ở lại Mỹ An thêm một ngày nữa bởi mỗi ngày vỏ lải chỉ chạy có một chuyến mà thôi.
Ngày nay, được biết tuyến vỏ lải chở khách không còn nữa và hình thức chở khách bằng vỏ lải từ Cao Lãnh về Mỹ An cũng như một số tuyến đường sông khác đã cáo chung bởi không thể cạnh tranh được với hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện đang phát triển sâu rộng tại Đồng Tháp Mười. Đường bộ đến đâu, xe khách, xe tải đến đó và giao thông thủy, tàu đò, tàu khách phải ngậm ngùi nhường chỗ, để lại bao nỗi hoài cảm cho những người từng trải qua một thời gian khổ.
Thực tế là như vậy. Cao Lãnh - Mỹ An chỉ cách nhau có 30 km, xe buýt chạy chỉ mất khoảng 1 giờ và chạy liên tục suốt ngày. Thật quá tiện lợi cho khách có nhu cầu. Vào một quán café ven tỉnh lộ 865 thuộc địa bàn thị trấn Mỹ An hỏi thăm lại địa điểm ngày xưa tôi đón vỏ lải về Cao Lãnh thì được biết nơi đó cách quán café không xa, ven bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu tình hình sản xuất của bà con nơi đây, anh bảo vệ làm cho một công ty sản xuất giày xuất khẩu nằm đối diện quán café cho biết, một trong những nơi dân cư sầm uất, sung túc, giàu có nhờ phát huy tiềm năng đất đai, lao động Đồng Tháp Mười là xã Trường Xuân, cách Mỹ An chừng vài chục cây số.
Thấy đây là cơ hội để “mục sở thị”, chúng tôi quyết định địa điểm tiếp theo phải đến lần lượt là Gò Tháp, Trường Xuân. Hành trình xe qua thị trấn Mỹ An đến xã Mỹ Hòa. Ngay chợ Mỹ Hòa có một ngã ba rẽ phải là đến Gò Tháp. Hiện nay, cảnh quan Gò Tháp còn hoang sơ lắm. Xung quanh rừng tràm – loại rừng đặc trưng cho Đồng Tháp Mười.
Tại trung tâm Gò Tháp có Văn phòng Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp. Gần đó có một ngôi chùa và một ngôi miếu cổ. Nghe nói ngày xa xưa lắm tại đây có một ngôi tháp cổ - dấu tích của văn hóa Phù Nam, nay đã đổ nát và gần như mất dấu hẳn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông đang được khẩn trương xây dựng trong khu di tích - chắc là phục vụ du lịch, tham quan.
Đến Trường Xuân, chúng tôi muốn tìm hiểu vì sao nằm trong vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, một thời xa xôi khuất nẽo mà lại có thể giàu có nhanh trong một thời gian ngắn sau công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười. Trường Xuân ngày trước được biết với tên gọi Phước Xuyên. Trong ký ức chúng tôi, Phước Xuyên luôn gợi lên một địa danh xa lắc.
Thế mà giờ đây, chỉ sau một quãng đường đi qua, Trường Xuân đã hiển hiện ra ngay trước mắt với hình ảnh một ngôi chợ bề thế, to đẹp, mọi người mua bán tấp nập. Xung quanh chợ, mọc lên rất nhiều nhà cao tầng với kiểu dáng rất đẹp. Phố xá nơi đây - thực sự là phố xá đúng nghĩa, không thua kém bất cứ một đô thị nào ở miền Nam.
Thăm chợ búa, ngắm nhìn nhà cửa, xe cộ không khác cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” cho mãn nhãn, chúng tôi chọn điểm ghé vào là một cửa hàng vật tư nông nghiệp rất to ở đầu chợ Trường Xuân. Anh Sáu Huyến vừa là chủ cửa hàng vừa là nông dân Đồng Tháp Mười “thứ thiệt” bởi đang sở hữu đến hàng chục ha đất trồng lúa niềm nở tiếp chúng tôi.
Qua anh Sáu chúng tôi nhận được những thông tin hết sức thú vị. Diện tích lúa từng hộ ở đây tương đối lớn, gấp nhiều lần phía Tiền Giang. Bình quân mỗi hộ có 5 - 6 ha đất canh tác. Những hộ nhiều đất có thể sở hữu đến vài chục ha. Năng suất lúa cũng cao nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm và đất mới khai phá nên rất màu mỡ.
Các giống lúa chất lượng cao được trồng khá phổ biến: Nàng Hoa 9, Jasmine... cho nông dân thu nhập mỗi năm đến 50 triệu đồng/ ha. Chỉ cần có trong tay 5 - 6 ha mỗi năm bỏ túi từ 250 - 300 triệu đồng như chơi (!). Đặc biệt, bà con không chuộng giống IR 50404 như một số nơi khác bởi bán không được giá mà chuộng lúa chất lượng cao bán được giá từ 5.500 – 6.000 đồng/kg tùy thời điểm. Trồng lúa chất lượng cao cũng là một định hướng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương luôn khuyến khích.
Ngoài ra, bà con còn chú trọng dùng giống lúa xác nhận để sản xuất. Nghĩa là khoa học kỹ thuật nông nghiệp đang lan tỏa đến tận các vùng xa xôi, hẻo lánh Đồng Tháp Mười, đang thực sự mang lại cơ hội no cơm ấm áo cho người dân.
Ở lại Trường Xuân trong một thời gian ngắn ngủi, chúng tôi phải tiếp tục cuộc hành trình đến điểm cuối: Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông). Từ Trường Xuân đến Tràm Chim không xa. Xe chạy một lèo là tới. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy hơi bị thiệt thòi là không vào được Vườn quốc gia trong mùa nước nổi bởi cán bộ Vườn cho biết phải có người của Vườn đưa đi, nghĩa là phải có phép mới được vào.
Còn nhớ, Công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp từng quảng bá Vườn quốc gia Tràm Chim là một trong những điểm đến hấp dẫn của Đồng Tháp. Thế nhưng khách đến thì cửa đóng then cài. Thật là tiếc. Chúng tôi đành ngắm Vườn quốc gia trong một ngày nắng đẹp giữa mùa nước nổi Đồng Tháp Mười qua cửa kính ô tô. Thế thôi. Xe quay lại đường cũ.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm anh em ở UBND xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) để nhân tiện hỏi han về tình hình xây dựng nông thôn mới tại đây. Anh em quá hiếu khách, đãi chúng tôi món cá lóc nấu canh chua bông điên điển và cá nướng trui. Chỉ rất tiếc một điều, ngay cả ở nông thôn từng nổi danh là vựa lúa, vựa cá đồng mà không tìm ra được một chú cá đồng nào ngon cả.
Cá lóc các anh em đãi cũng là cá nuôi. Hỏi thăm mới biết thủy sản nội đồng bây giờ không còn nhiều, nếu không muốn nói là cạn kiệt. Tăng mùa, chuyển vụ, thâm canh cũng phải trả những giá đắt đỏ về môi trường. Nguồn cá đồng cạn kiệt, trở thành của quí hiếm ngay tại cái nôi sinh trưởng ngàn đời nay của nó là một trong những thực tế đáng buồn mà chúng tôi tận mắt chứng kiến.
Tuy nước ta còn là nước nghèo so với một số nước trong khu vực nhưng nông thôn sâu đã có thay đổi rõ rệt, khấm khá hẳn lên. Đó là điều đáng mừng. Nhà cửa dân cư ngày một khang trang, không còn mái tranh, vách lá nữa mà hầu hết là nhà tường. Xã nào cũng có trường học to đẹp. Những thị trấn, thị tứ có cả trường trung học phổ thông hẳn hoi như ở Mỹ Phước Tây, thị trấn Mỹ Phước, thị trấn Mỹ An.
Công việc sản xuất hầu hết đã cơ giới hóa nhiều khâu, đặc biệt là khâu làm đất và thu hoạch. Điện lưới quốc gia và nước máy đã đến tận từng hộ dân, tạo cho bà con những tiện nghi tốt trong cuộc sống. Những thị trấn, thị tứ mới đang ngày một sung túc, sầm uất, trở thành những trung tâm thương mại - dịch vụ đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của toàn vùng: Tràm Chim, Trường Xuân, Mỹ An, Mỹ Phước Tây, Mỹ Phước.
Mừng cho bà con Đồng Tháp Mười. Mai này, khi tỉnh lộ 865 chạy qua hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp hoàn thiện và sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa chặt chẽ hơn, chắc chắn diện mạo Đồng Tháp Mười sẽ còn thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.
NGUYỄN MINH CHÂU