Thứ Hai, 20/01/2014, 08:58 (GMT+7)
.

Nhà giàn DK mùa biển động: Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Bài 1: Nhà giàn DK mùa biển động: Vượt sóng đến với nhà giàn

Bài 2: Nhà giàn DK mùa biển động: Nước mắt nơi thềm lục địa

Bài 3: Nhà giàn DK mùa biển động: "Cột mốc chủ quyền" giữa biển khơi

Từ khi xây dựng đến nay, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn KD1 trên thềm lục địa phía Nam đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân khi đánh bắt ở ngư trường này. Dù thiếu thốn nhiều thứ trong cuộc sống giữa nhà giàn, nhưng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn sẵn sàng dành cho ngư dân lương thực, thực phẩm và nguyên liệu…

Bên cạnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thềm lục địa phía Nam là một trong những ngư trường truyền thống của ngư dân đánh bắt xa bờ của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng. Để đến được những ngư trường này, ngoài việc đầu tư trang thiết bị máy móc, tàu thuyền, ngư dân còn phải có quyết tâm bám biển, đánh bắt lâu ngày trên biển.

Trong thời gian dài lênh đênh trên biển, ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối mặt với thời tiết xấu và những tai nạn rủi ro xảy ra trong quá trình đánh bắt. Trong những tình huống đó, ngư dân thường tìm đến các nhà giàn như một chỗ nương tựa vững chắc giữa biển khơi mênh mông. Trong những tình huống đó, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn là hết sức quý báu, giúp ngư dân vượt qua khó khăn để có thời gian bám biển xa.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tiểu đoàn DK1, hàng năm các nhà giàn đã tiếp nhận và giúp đỡ, hỗ trợ cho hàng trăm lượt ngư dân, trong đó chủ yếu là sơ cấp cứu và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Ngay khi xuồng chở đoàn công tác đến Nhà giàn Phúc Nguyên 2 để tặng quà và chúc Tết, chúng tôi đã gặp 1 chiếc tàu đánh cá của ngư dân vừa rời khỏi nhà giàn.

Tàu ngư dân neo đậu gần nhà giàn DK1/15.
Tàu ngư dân neo đậu gần nhà giàn DK1/15.

Qua tìm hiểu, được biết đây là tàu đánh cá BS TG93268-TS của ngư dân ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến xin nước ngọt. Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên 2 cho biết: Nhà giàn tiếp nhận trung bình mỗi năm từ 20 - 30 lượt tàu ngư dân đến nhà giàn để nhờ sự giúp đỡ, phần lớn là sơ cấp cứu tai nạn lao động trên biển, xin hỗ trợ nước ngọt và nguyên liệu chạy tàu.

Theo Thiếu úy Nguyễn Thành Đạt, y sĩ nhà giàn, trong năm 2013 nhà giàn đã sơ cấp cứu 25 lượt ngư dân mắc các trường hợp đau ruột thừa, tắc ruột, sỏi thận, bí bàng quang… và đã chữa trị 24 trường hợp. Riêng trong mấy ngày đầu năm 2014, đã có 3 phương tiện ghé nhà giàn để nhờ sơ cấp cứu ngư dân.

“Mặc dù lương thực, thực phẩm và nguyên liệu dự trữ trên nhà giàn để đảm bảo hoạt động của cán bộ, chiến sĩ có hạn, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn của họ trong lúc đánh bắt xa bờ” - Trung tá Hùng khẳng định.

Được biết, dù hàng ngày phải tiết kiệm từng ca nước ngọt (mùa khô phải 2 - 3 ngày mới tắm giặt), nhưng khi ngư dân thiếu nước, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn sẵn sàng giúp đỡ; kể cả lượng rau xanh hiếm hoi tăng gia sản xuất trên nhà giàn. Để đáp lại tình cảm của bộ đội, một số ngư dân khi đánh bắt trúng mùa đã tranh thủ ghé nhà giàn tặng hải sản và những sản vật mang từ đất liền ra.

Tại nhà giàn DK1/15 ở bãi cạn Cà Mau, trong năm 2013, đơn vị đã cấp 6.000 lít nước ngọt, cấp cứu, chữa bệnh và cấp thuốc cho hàng trăm lượt ngư dân. Đặc biệt, nhà giàn đã cấp cứu thành công 11 ca bị bệnh hoặc bị tai nạn lao động trên biển.

Cụ thể, ngư dân Nguyễn Đức Chính (tàu cá Bạc Liêu) bị rách tay, phải khâu 11 mũi; ngư dân Mai Anh Tuấn (tàu cá Kiên Giang) bị gãy tay; ngư dân Nguyễn Văn Sang (tàu cá Bạc Liêu) bị chấn thương trán… Trung tá Bùi Xuân Hoạt, chính trị viên Nhà giàn DK1/10 kể lại trường hợp cứu sống ngư dân Nguyễn Văn Dũng, 40 tuổi (tàu cá Bạc Liêu) trong tình trạng hôn mê vào cuối tháng 6-2013.

Anh Dũng trong lúc ướp cá đã sơ suất bị nắp thùng cá đập vào đầu, ngã xuống hầm tàu, chấn thương toàn thân, tàu đã tìm đến nhà giàn và phát tín hiệu cấp cứu, được cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đưa nạn nhân lên nhà giàn tiến hành cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh, nạn nhân được cấp thêm thuốc, đưa xuống tàu trở về đất liền điều trị.

Khi đến bất kỳ các nhà giàn nào trên thềm lục địa phía Nam, khi gặp khó khăn trên biển, các ngư dân đều được tận tình giúp đỡ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu TG2995-TS (ấp Lăng, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) nhớ hoài sự việc anh và các thuyền viên được cứu sống trong sự cố tàu bị chìm tại ngư trường của thềm lục địa phía Nam trong cơn áp thấp nhiệt đới năm 2000.

Lúc đó, cả 3 trong 4 chiếc tàu của gia đình anh bị ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới làm chìm tàu. Chiếc tàu do anh lái đã chìm ngay cửa biển. Anh và các thuyền viên đeo phao và bám với nhau trôi dạt trên biển, phó mặc số phận theo dòng nước gần 1 đêm. Khi phao trôi gần đến Nhà dàn DK1/14, sóng to nên không thể tắp vào được. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn liên hệ với trung tâm cứu hộ nên toàn bộ thuyền viên của tàu được trực thăng cứu hộ đưa vào đất liền.

Tuy nhiên, khi vào đất liền, rất tiếc có 1 thuyền viên tử vong, do trước đó đã bị mất nhiều sức vì cái lạnh và đói trên biển. Anh Tuấn chia sẻ: “Lúc đó, nếu không có các anh trên nhà giàn thì toàn bộ thuyền viên chúng tôi khó có khả năng sống sót. Do vậy, các anh trên nhà giàn cũng như trên các đảo được xem là vị cứu tinh của ngư dân trên biển khi gặp tình huống thời tiết xấu!”.

Cũng trong chuyến hành trình đến với Nhà giàn DK1/14, tàu HQ 953 nhận được tín hiệu cầu cứu từ 1 tàu đánh cá của ngư dân trên biển đang bị trôi dạt. Nhận được thông tin, chỉ huy tàu HQ 953 xin ý kiến trưởng đoàn công tác và phân công lực lượng tiếp cận, tìm cách hỗ trợ trong điều kiện sóng gió to ở cấp 6 - 7 và đoàn còn nhiều điểm nhà giàn khác phải đến tặng quà.

Theo cán bộ kỹ thuật trên tàu, tàu cá mang số hiệu QNg97029-TS do thuyền trưởng Lê Thắng Nghề điều khiển, bị trục trặc ở hộp số, không thể điều khiển được, để tàu tự trôi và đã được tàu HQ 953 giúp đỡ.

Trong đêm đó, chúng tôi bắt gặp hình ảnh Thượng úy Mai Tiến Hải, thuyền trưởng tàu HQ 953 gần như thức suốt đêm vừa cứu giúp tàu bị nạn và cũng vừa đảm bảo lịch trình của đoàn công tác. Sau đó tàu gặp nạn được lai dắt về điểm nhà giàn, bộ phận máy được khắc phục và tàu ngư dân tiếp tục đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống vào trưa ngày hôm sau.

Sự hiện diện và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nói riêng cũng như các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nói chung đã giúp ngư dân yên tâm, vững lòng tin bám biển xa, đặc biệt là những ngư trường truyền thống ở thềm lục địa phía Nam, Trường Sa và Hoàng Sa; tạo mối gắn kết tình quân - dân và hình thành thế trận “chiến tranh nhân dân” trên biển, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía Nam và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

PHÙNG LONG (Từ tàu HQ 953)

.
.
.