Nhà giàn DK mùa biển động: "Cột mốc chủ quyền" giữa biển khơi
Bài 1: Nhà giàn DK mùa biển động: Vượt sóng đến với nhà giàn
Bài 2: Nhà giàn DK mùa biển động: Nước mắt nơi thềm lục địa
Bất chấp thời tiết khắc nghiệt của Biển Đông, cán bộ, chiến sĩ trong các nhà giàn DK sừng sững trên thềm lục địa phía Nam vẫn ngày đêm bám trụ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1 (viết tắt của cụm từ “Cụm dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật”) được xây dựng vào tháng 7-1989, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong cụm nhà giàn DK1, nhà giàn xa đất liền nhất là Ba Kè C, cách đất liền khoảng 630 km, nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cách Vũng Tàu gần 700 km; nhưng cách mũi Cà Mau chỉ gần 200 km. Nhà giàn DK1 đương nhiên được xem là “cột mốc chủ quyền Quốc gia đặc biệt” trên biển, được xây dựng dựa trên “tiêu chí” Luật Biển quốc tế quy định, nhằm khẳng định chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam.
Hệ thống các nhà giàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Nhiệm vụ chính của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân ra đánh bắt hải sản, thu thập số liệu thủy văn, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc…
Nhà giàn DK1/15 - Phúc Nguyên. |
Theo tư liệu của Vùng 2 Hải quân, những nhà giàn ban đầu được thiết kế khá thô sơ, dạng phao lớn hình khối hộp, làm bằng kim loại (còn gọi là pông-tông), đặt trên nền san hô. Nhà giàn thiết kế kiểu này dễ bị dịch chuyển khi có sóng lớn hoặc dòng chảy mạnh và dễ đổ sập khi có bão lớn xảy ra.
Theo thống kê, đã có một số nhà giàn bị bão đánh sập như: Nhà giàn DK1/3 (còn gọi là nhà giàn Phúc Tần), bị cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đánh sập vào tháng 12-1990, làm 3 người thiệt mạng. Nhà giàn DK1/4 (còn gọi là nhà giàn Ba Kè A), xây dựng hoàn thành ngày 16-6-1989, đã bị bão đánh sập chưa đầy nửa năm sau khi xây dựng hoàn thành.
Nhà giàn Phúc Nguyên 2A (được xây dựng trên cơ sở nhà giàn DK1/4 đã bị bão đánh sập), bị cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp 12 đánh sập vào ngày 13-12-1998, làm 9 cán bộ, chiến sĩ bị rơi xuống biển, trong đó có 3 đồng chí là Nguyễn Hữu An, Lê Đức Hồng và Vũ Quang Chương hy sinh. Sau tai nạn này, các nhà giàn thế hệ cũ còn lại là DK1/1 và DK1/5 đã chấm dứt sử dụng để đảm bảo an toàn.
Trong chuyến đi này, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn (Tiểu đoàn DK1), đã có mặt rất sớm trên nhà giàn DK đầu tiên trên thềm lục địa phía Nam (từ năm 1995). Từ đó đến nay, Thiếu tá Đoàn đã từng công tác ở 3 nhà giàn.
Trong chuyến công tác này, anh tiếp tục ra Nhà giàn DK1/10, với chức vụ chỉ huy trưởng. Thiếu tá Đoàn cho biết: “Các nhà giàn cũ đã được thay thế bằng các nhà giàn mới, được thiết kế vững chắc hơn với 4 cọc thép cắm sâu vào đáy biển.
Phần kiến trúc thượng tầng bên trên được thiết kế làm nơi làm việc và sinh hoạt, cao hơn mặt nước biển khoảng 30 mét, để tránh bị sóng đánh gây hư hại. Các nhà giàn hiện nay đều được trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời hoặc điện gió để cung cấp điện cho các hoạt động trên nhà giàn.
Các trạm BTS mới được lắp đặt cùng các trạm tiếp sóng vệ tinh, giúp việc liên lạc thông tin với đất liền và các lực lượng, ngư dân trên biển được thông suốt. Đặc biệt, 8/15 nhà giàn đang hoạt động có sàn để trực thăng đáp.
Những mốc thời gian gắn liền với lịch sử Nhà giàn DK1 Ngày 17-10-1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký Văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là khu DK1). Cùng thời gian này, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã khẩn cấp giao cho Lữ đoàn 171 nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Đông Nam. Với những trang thiết bị đo độ sâu, biên đội tàu HQ 713 và HQ 668 do Trung tá Lữ đoàn trưởng Phạm Xuân Hoa chỉ huy, đã ra khơi khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000km2, tìm ra các điểm cạn và định vị các bãi đá ngầm san hô: Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính và Huyền Trân. Chính từ những dữ liệu đó, hệ thống Nhà giàn DK1 được xây dựng.
Khu vực Nhà giàn DK1 gồm 6 cụm: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính và Ba Kè, với 15 nhà giàn dựng trên thềm lục địa. Giai đoạn đầu, các nhà giàn tương đối thô sơ, kết cấu dạng pông-tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng kim loại) đặt trên nền san hô, dễ bị dịch chuyển bập bềnh trong nước khi có sóng lớn cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh. |
Theo nhận xét của Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân: Qua 25 năm xây dựng, nay đã có một hệ thống nhà giàn hiện đại, vững chãi để trấn giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi được đầu tư về cơ sở hạ tầng, cán bộ, chiến sĩ sống và làm việc trên hệ thống nhà giàn DK1 vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi điều kiện làm việc đặc trưng nơi đây.
Đó là, họ phải luôn đối mặt với sóng to, gió lớn, có nguy cơ làm sập đổ nhà giàn; nỗi cô đơn khi làm việc trong suốt thời gian ít nhất từ 6 tháng cho đến 1 năm hoặc có thể lâu hơn do yêu cầu công việc; thiếu nước ngọt và rau xanh…
Tuy nhiên, dù phải đối mặt với khó khăn, thách thức, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đến thăm các nhà giàn DK1 trong chuyến đi này, mọi người đều khâm phục tinh thần tự lực tự cường trong việc tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ qua hình ảnh những vườn rau xanh tươi mơn mởn được trồng bên hông nhà giàn, cùng kho dự trữ nước mưa mát lạnh.
Có thể nói, trồng được rau xanh trên các nhà giàn là một kỳ tích, vì bộ đội phải tận dụng từng thùng nhựa đựng chất mùn mang từ đất liền ra, đem trộn với xương, đầu cá để làm phân và được che chắn gió biển.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, các anh tận dụng tất cả mặt bằng để hứng nước mưa dự trữ; sử dụng tiết kiệm và tận dụng tối đa (sau khi tắm, nước dùng để tưới rau).
Có những lúc vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải dè sẻn nước đến mức mỗi người chỉ được phát từng lít nước để sinh hoạt. Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15 cho biết:
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều quyết tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.
Trong năm 2013, đơn vị đã tăng gia sản xuất được 1.080 kg rau xanh, 2.160 kg cá, còn nước ngọt đủ để sử dụng trong năm.
Thượng tá Lê Hồng Trường, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, nhận xét: Được sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên cùng ý chí và quyết tâm cao, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
PHÙNG LONG (Trên tàu HQ 953)