Nhà giàn DK mùa biển động: Lên thăm nhà giàn
Bài 1: Nhà giàn DK mùa biển động: Vượt sóng đến với nhà giàn
Bài 2: Nhà giàn DK mùa biển động: Nước mắt nơi thềm lục địa
Bài 3: Nhà giàn DK mùa biển động: "Cột mốc chủ quyền" giữa biển khơi
Bài 4: Nhà giàn DK mùa biển động: Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển
Trong những chuyến công tác đến huyện đảo Trường Sa, cánh nhà báo thường nhắc đến sóng gió ở đảo An Bang là dữ dội nhất, nhưng khi đến thăm các nhà giàn trong mùa biển động thì nhận thấy mức độ nguy hiểm cũng khó khăn không kém. Khi sóng biển ở cấp 6, 7 và giật cấp 8, tàu phải thả neo xa nhà giàn để tránh trường hợp tàu bị sóng xô dạt vào các trụ làm gãy đổ nhà giàn.
Từng cơn sóng to vỗ vào các trụ nhà giàn làm nhô ra những con hà cạnh sắc bén, có thể cắt đứt da người nếu chạm phải. Xuồng máy chở người và hàng hóa vào đến gần nhà giàn, nếu người điều khiển không cẩn thận, làm xuồng va chạm vào các trụ nhà giàn gây lật xuồng là hết sức nguy hiểm.
Trước tình huống khó khăn như vậy, Thượng tá Mai Biên Thùy, Trưởng đoàn công tác, đã quyết định bố trí từng nhóm nhà báo cùng các thành viên trong đoàn lần lượt lên thăm và chúc Tết các điểm nhà giàn. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 953 liên hệ với chỉ huy nhà giàn để chuẩn bị phương án chuyển người và hàng hóa Tết lên nhà giàn được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Cán bộ, chiến sĩ trên tàu thả túi quà xuống biển sau khi cột dây. |
Nhà giàn DK1/15 (còn gọi là Nhà giàn Phúc Nguyên 2) là điểm đầu tiên mà đoàn công tác lên tặng quà, chúc Tết trong điều kiện sóng lớn, gió giật ngày càng tăng. Chiếc xuồng máy chồm lên trên những con sóng bạc đầu ào ào ập đến. Mọi người ngồi trên xuồng đều mặc áo phao, hành lý đã được cho vào túi ny-lon bọc kín, ngồi bám chặt vào mạn xuồng và vuốt nước biển văng tung tóe lên đầu. Xuồng cập sát vào cầu thang dẫn lên nhà giàn chỉ đưa được 3 thành viên leo lên, rồi phải lái ra xa vì sóng lớn dồn dập ập đến…
Thấy quá nguy hiểm, Ban chỉ huy nhà giàn lập tức chuyển sang phương án chuyển người và hàng hóa lên bằng “đường hàng không”. Cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn thả xuống sợi dây thừng có cột thanh gỗ to bằng cổ tay, dài khoảng 20cm. Sợi dây được kéo bằng ròng rọc treo trên nhà giàn, được giữ bằng 3 sợi dây mồi khác để đảm bảo người được kéo lên không bị sóng, gió đẩy xô vào chân nhà giàn.
Một sĩ quan trên xuồng chuyển tải chụp thanh gỗ và bảo người ngồi dùng chân kẹp chặt thanh gỗ, tay ôm chặt sợi dây. Sau khi sĩ quan dưới xuồng thấy ổn định và hô khẩu lệnh “Rồi. Lên!”, nhóm người ở trên nhà giàn ra sức kéo người dưới xuồng lên đến sàn nhà giàn. Tuần tự như vậy, các thành viên trên xuồng cùng hàng hóa được kéo lên sàn, sau đó leo cầu thang để lên nhà giàn an toàn.
Đến lúc chia tay về tàu, khách cũng xuống xuồng chuyển tải bằng đường “hàng không” như vậy. Để làm được điều này, đã có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý của 3 nhóm cán bộ, chiến sĩ ở 3 địa điểm (xuồng, sàn nhà giàn và trên nhà giàn).
Sự an toàn của mỗi người khách lên nhà giàn được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi trên từng gương mặt cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn cùng nụ cười tươi vui vì được đón hơi ấm từ đất liền, có cả những giọt nước mắt sướng vui của những người khách trong đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn vì được sum họp với nhau.
Lên được mỗi nhà giàn trong điều kiện sóng gió để thăm hỏi, tặng quà và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ là niềm hạnh phúc lớn nhất của đoàn công tác, vì không phải nhà giàn nào cũng lên được. Trong chuyến đi này, điều day dứt lớn nhất của các thành viên trong đoàn là không thể lên được Nhà giàn DK1/12 và DK1/14 (thuộc cụm nhà giàn Tư Chính) vì sóng gió không cho phép.
Thượng tá Đinh Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Phó Trưởng đoàn cho biết: Trong chuyến đi thăm, tặng quà và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đoàn cũng không lên 2 nhà giàn này được vì sóng to, gió lớn. Vậy là thêm 1 năm nữa đành phải lỗi hẹn! Tàu HQ 953 thả neo cách xa nhà giàn khoảng 200 - 300 m mà không thể thả xuồng chuyển tải xuống để tiếp cận nhà giàn được.
Nhìn từ xa, thấy cán bộ, chiến sĩ đứng ở trên sàn nhà giàn để chờ khách mà lòng người trên tàu thật ray rứt, xót xa. Cuối cùng, Ban Chỉ huy tàu HQ 953 đành lựa chọn biện pháp truyền thống được sử dụng trong nhiều năm qua để chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế và quà Tết lên nhà giàn bằng cách thả dây phao.
Trên nhà giàn sẽ thả sợi dây thừng dài, có buộc phao (thường là thùng nhựa) trôi theo dòng hải lưu trên biển. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu chuẩn bị sẵn quà Tết và lương thực, thực phẩm tiếp tế vào các túi ny-lon cột chặt để tránh bị nước vào. Sĩ quan lái tàu điều khiển tàu tiếp cận dây phao để người trên tàu móc dây lên, cột các túi quà vào rồi thả trở lại xuống biển. Người trên nhà giàn kéo dây để lấy quà lên…
Sau khi nhận được quà Tết xong, Thượng tá Đinh Văn Dũng đang có mặt trên buồng lái, thay mặt đoàn đã chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn qua máy bộ đàm. Phía bên kia máy bộ đàm, chúng tôi nghe tiếng nói nghẹn ngào của chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/14 - Trung tá Hoàng Quốc Việt:
“Anh em đã nhận được quà từ đất liền rồi. Mặc dù không được đón tiếp các đồng chí lên nhà giàn, nhưng tình cảm quý báu của đoàn công tác sẽ là niềm động viên lớn đối với chúng tôi! Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14 hứa sẽ khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, canh giữ biển trời cho nhân dân vui Xuân, đón Tết! Cảm ơn đoàn công tác. Cảm ơn đất liền!”.
Sau đó, 2 nữ nhà báo trong đoàn công tác thay mặt các nhà báo chúc Tết và hát tặng 1 bài hát cho cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn, nhưng các chị không hát trọn hết bài vì quá xúc động.
Buổi chia tay với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không giống như chia tay ở các đảo chìm, đảo nổi, vì người đi - người ở lại chỉ nhìn loáng thoáng xa xa giữa muôn trùng sóng gió biển khơi. Tàu chạy vòng quanh nhà giàn 3 lần rồi rút lên 3 hồi còi tạm biệt những người con thân yêu của Tổ quốc đang kiên cường bám trụ trên nhà giàn để ngày đêm giữ gìn vùng biển và chủ quyền thềm lục địa phía Nam trong điều kiện khắc nghiệt, dữ dội của thời tiết ở Biển Đông.
PHÙNG LONG