Bài 2: Vững vàng trên biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc
Bài 1: Đảo Phú Quý xưa và nay
Với trạm ra đa quan sát tại Hòn Tranh, Đồn Biên phòng Phú Quý có thể kiểm soát toàn bộ tuyến đường hàng hải quốc tế từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và tuyến hải vận quốc tế từ Đông Bắc Á xuống vịnh Thái Lan.
Có đi mới đến, có đến mới biết, đảo Phú Quý là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, bởi qua lời giới thiệu của Thượng tá Phạm Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý thì: Trong hệ thống hải đảo Việt Nam, ít có đảo nào đông dân cư và có vị trí nằm gần đường hải vận quốc tế như đảo Phú Quý.
Với trạm ra đa quan sát biển hiện nay tại Hòn Tranh, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý có thể kiểm soát toàn bộ tuyến đường hàng hải quốc tế từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và tuyến hải vận quốc tế từ Đông Bắc Á xuống vịnh Thái Lan.
Cụm đảo Phú Quý gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ, nằm ngoài cùng hệ thống ven bờ biển cực Nam Trung bộ, trên tuyến giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa. Trong đó, Hòn Hải có vị trí là điểm nhô xa nhất của đường viền nội thủy Việt Nam ở Đông Nam Biển Đông và nằm trên đường cơ sở để tính lãnh hải của nước ta.
Ngoài vai trò đảo tiền tiêu bao quát vùng biển quan trọng ở vùng biển Nam Trung bộ, đảo Phú Quý còn giữ vai trò của một điểm trung chuyển chủ yếu giữa đất liền và các đảo trên Biển Đông, là hậu cứ quan trọng đối với quần đảo Trường Sa.
Với vị trí là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đảo Phú Quý giữ một vai trò đặc biệt quan trọng về tình hình an ninh, quốc phòng trên Biển Đông. Vì vậy, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, tại thành phố Hải Phòng, đơn vị 754 (tiền thân của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý) được thành lập.
Ngày 4-5-1975, đơn vị hành quân đến tỉnh Bình Thuận và ngày 11-5-1975 có mặt trên đảo, chính thức làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biên giới hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Gần 40 năm đã trôi qua, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã thay nhau gắn bó với đảo, trong đó có không ít cán bộ, chiến sĩ đã nhận đảo Phú Quý làm quê hương thứ hai của mình, cùng chung sức xây dựng đảo ngày càng giàu đẹp.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình an ninh - chính trị trên tuyến biên giới hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Chính trị viên Phạm Ngọc Sơn phấn khởi cho biết: “Từ sau ngày giải phóng đến nay, tình hình an ninh - chính trị biên giới biển đảo Phú Quý luôn được giữ vững, chưa có một trường hợp nào xâm nhập trái phép xảy ra trên lãnh hải thuộc địa phận đơn vị phụ trách. Tuy nhiên, do ở cách xa đất liền hơn 100 km, giữa trùng khơi sóng dữ, Phú Quý luôn phải hứng chịu nhiều thiệt hại do sự khắc nghiệt của thời tiết gây ra.
Đồng hành cùng với chính quyền địa phương và nhân dân huyện đảo, những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý đã tích cực tham gia giúp dân trong công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Điển hình như: sáng 30-9-2009, tàu cá công suất 250CV mang số hiệu BTh 88054 do ông Nguyễn văn Được (SN 1950) làm thuyền trưởng, trên đường đi tránh cơn bão số 9 đã bị sóng đánh chìm cách đảo Phú Quý 2,5 km về hướng Tây Nam. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Qúy đã nhanh chóng điều 4 tàu công suất lớn ra cứu hộ và đã cứu được tất cả 5 ngư dân trên tàu BTh 88054 đưa vào bờ an toàn.
Để làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn trên biển, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý đã tích cực tổ chức luyện tập cho cán bộ, chiến sĩ nắm và xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, có bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và địa bàn. Trong tổ chức thực hiện, Ban chỉ huy Đồn luôn quán triệt phương châm 4 tại chỗ nhằm chủ động lực lượng và phương tiện, phối hợp với các ngành chức năng khác cùng nhân dân cứu hộ, cứu nạn, kịp thời tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngoài ra, Đồn còn chỉ đạo trạm kiểm soát, các đội nghiệp vụ rà soát nắm danh sách các phương tiện đang hoạt động trên biển chưa cập bến, tổ chức thông báo, kêu gọi và hướng dẫn ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, Đồn thường xuyên phối hợp với lực lượng quân sự, công an thực hiện hàng trăm lượt tuần tra kiểm soát; đồng thời, phối hợp với chính quyền, đoàn thể của địa phương tuyên truyền, giáo dục cho người dân trên địa bàn 3 xã của huyện và hàng ngàn lượt ngư dân vãng lai về Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển quốc tế; Luật Biển Việt Nam; Quy chế khu vực biên giới biển; Quy định đánh bắt bảo vệ tài nguyên biển.
Điều đáng mừng là mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận đã tổ chức Lễ ra mắt Trạm Tìm kiếm cứu nạn Phú Quý. Trạm Tìm kiếm cứu nạn Phú Quý được thành lập nhằm tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa trên vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quý và vùng biển lân cận thuộc tỉnh Bình Thuận. Kịp thời phát hiện tình hình thiên tai, tai nạn, thảm họa môi trường trên khu vực được phân công. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với các cơ quan chức năng và các phương tiện hoạt động trên biển nhằm phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn.
Tập huấn nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cho đơn vị, các lực lượng và ngư dân trên đảo. Phối hợp các lực lượng, ngư dân trên huyện đảo tổ chức tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa trong phạm vi đảm nhiệm. Phối hợp các ngành có liên quan trong khu vực tuyên truyền giáo dục nhân dân ý thức cảnh giác phòng chống thiên tai, tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trạm Tìm kiếm cứu nạn Phú Quý có tổng mức đầu tư gần 84 tỷ đồng, sau gần ba năm triển khai đến nay, Trạm cơ bản đã được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Đây là Trạm Tìm kiếm cứu nạn xa bờ, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, thiết bị cấp cứu qua vệ tinh; thiết bị y tế cần thiết để cấp cứu người bị nạn.
Đặc biệt, để bảo đảm công tác cứu hộ, Trạm được trang bị hai xuồng composite động cơ đẩy hơi và một tàu tuần tra. Tàu có công suất gần 4.000 CV, lượng giãn nước 160 tấn, tốc độ lớn nhất 20 hải lý/giờ, tầm hoạt động 50 hải lý, có khả năng chịu sóng cấp 8 và khả năng lai dắt trong điều kiện sóng đến cấp 6. Ngoài ra, Trạm còn được trang bị một xe cứu thương, một xe cẩu 25 tấn.
Để đảm bảo an ninh trên biển và công tác cứu nạn cứu hộ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý đã ký hợp đồng với các tổ đoàn kết của ngư dân giữ vững thông tin liên lạc giữa Đồn biên phòng và các tàu đánh cá hoạt động trên biển; tiến hành xây dựng trạm tìm kiếm cứu nạn với nhiệm vụ tuần tra, cứu nạn cứu hộ. Trong cơn bão số 1 đầu năm nay, ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý đã chủ động triển khai kế hoạch thông báo cho ngư dân khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.
Đồng thời, thành lập 3 tổ ứng cứu tìm kiếm cứu nạn trên biển, phối hợp với các đơn vị khác chằng chống nhà dân, kéo toàn bộ những tàu thuyền có thể kéo được của ngư dân lên bờ. Liên tục thông tin tuyên truyền, vận động bà con không được chủ quan với bão, sẵn sàng di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên cử người đi kiểm tra, không cho người dân ở lại trên các lồng bè nuôi cá trên biển. Ngay sau khi bão đi qua, đơn vị đã cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, trục vớt tàu thuyền bị chìm, tham gia khắc phục hậu quả.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc tuyến biên giới hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân tham gia tích cực trong mọi hoạt động, công tác trên đảo, góp phần xây dựng huyện đảo Phú Quý ngày càng phát triển vững mạnh về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG