Bài 1: Tai nạn lao động nỗi lo không của riêng ai
Tai nạn lao động là sự cố đáng tiếc xảy ra ngoài ý muốn nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu người lao động và người sử dụng lao động quan tâm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về An toàn vệ sinh lao động.
Thực trạng
Tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) là điều không ai muốn nhưng vẫn vô tình xảy ra, mà hậu quả nó thiệt khôn lường. TNLĐ, BNN không chỉ gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động (NLĐ), mà còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước.
Vì vậy, việc loại trừ các nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, tạo điều kiện và môi trường làm việc tiện nghi, thuận lợi, an toàn nhằm góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa TNLĐ, BNN, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho NLĐ đang là vấn đề cấp bách hiện nay.
Nói về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, BNN, qua khảo sát cho thấy phần lớn đều xuất phát từ sự chủ quan của người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của Bộ luật Lao động (không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện, trang bị phương tiện bảo hộ lao động); bản thân NLĐ chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành đúng các quy trình kỹ thuật an toàn, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Điều đáng lưu ý là đại đa số NLĐ chưa có ý thức tự bảo vệ mình, chưa chủ động phòng tránh TNLĐ, BNN trong lao động sản xuất. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, cơ sở lao động vi phạm pháp luật về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chưa đủ sức răn đe nên hiệu quả ngăn ngừa chưa cao.
Tuy nhiên, có một thực khác rất nguy hiểm làm ảnh hưởng, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe và khả năng làm việc của NLĐ, đó là tai nạn giao thông (TNGT). Nhiều năm qua, TNGT luôn chiếm một tỷ lệ rất lớn trong số các vụ được tính là TNLĐ và hầu hết đều có nguyên nhân từ lỗi do người khác gây nên hoặc sự cố bất ngờ.
Nhưng dù từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì ý thức đề cao cảnh giác khi tham gia giao thông, chấp hành Luật An toàn giao thông, quan sát tốt hành trình giao thông, chủ động tránh chướng ngại vật, làm chủ tốc độ… vẫn cần được mọi người nghiêm chỉnh thực hiện. Có thể nói rằng, TNGT đang là một vấn nạn, là nỗi đau của toàn xã hội mà tất cả mọi người phải có ý thức phòng tránh.
Do làm tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền, vận động, từng bước kiềm chế, giảm thiểu TNLĐ, BNN trong quá trình lao động sản xuất nên năm qua trên địa bàn tỉnh nhà, số vụ TNLĐ có tính sản xuất công nghiệp xảy ra thấp, chỉ có 6 vụ làm 2 người chết, 4 người bị thương. Số vụ TNGT được hưởng chế độ TNLĐ là 14 vụ (trong đó có 4 người chết và 10 người bị thương).
Về bệnh nghề nghiệp, qua công tác giám định lần đầu tiên tỉnh ta phát hiện được 8 trường hợp, trong đó giảm khả năng lao động 7% có 1 trường hợp; 5% có 2 trường hợp và bị tổn thương thực thể 2% có 5 trường hợp (chưa đến mức được hưởng chế độ).
Những mảnh đời bất hạnh
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, chỉ vì một chút sơ suất để bụi bẩn bay vào mắt mà ông Nguyễn Văn Đực (sinh năm 1943, ngụ 91/2 Lý Thường Kiệt, khu phố 8, phường 5, TP. Mỹ Tho), là công nhân vệ sinh phải chịu cảnh đui mù suốt đời, giám định thương tật tỷ lệ 85%.
Giọng ông thiệt buồn: Cũng tại tui và cũng tại hoàn cảnh. Quét dọn trấu mà không chịu đeo khẩu trang và kính bảo hộ nên bị trấu bay vào mắt. Đã vậy, mới đầu mắt bị sưng không chịu đi chữa trị nên mới ra nông nỗi. Thiệt tình thì, hoàn cảnh gia đình tui quá khó khăn, nghèo khổ, lúc bấy giờ (1978) cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để mà đi mổ, đành phải chịu. Là lao động chính, 36 năm sống trong cảnh đui mù nên cuộc sống của gia đình ông Đực hiện nay lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Khuôn mặt dị dạng bởi cái đầu bị móp xọp một bên, anh Trần Minh Hoàng (sinh năm 1964, ngụ ấp Đồng, xã Trung An, TP. Mỹ Tho), làm công nhân bảo vệ cho Công ty TNHH CP, chi nhánh Tiền Giang buồn rầu kể:
Tôi bị xe nâng đụng bể đầu, chấn thương sọ não phải mổ, giám định thương tật bị mất sức lao động 71%. Ngoài nỗi đau thể xác, tinh thần tôi bị suy sụp nặng do người vợ thân yêu nhất dẫn hai đứa con bỏ đi vì cho rằng tính tình tôi thất thường, thần kinh không ổn định, dung nhan không còn được như xưa. TNLĐ đã làm cho gia đình tôi tan nát.
Vừa mới 20 tuổi, anh công nhân xây dựng Đặng Phúc Nhiên (sinh năm 1964, ngụ ấp Ông Cai, xã Tân Trung, thị xã Gò Công) bị sập giàn giáo, chấn thương cột sống, liệt một nửa thân dưới, tỷ lệ thương tật 81%. Sống cuộc đời tàn phế, anh Nhiên buồn rầu than thở:
Suốt 30 năm nay không tự làm chủ được bản thân trong sinh hoạt là một nỗi đau không thể nói được bằng lời. Không chỉ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đau xót hơn, tai nạn đã cướp đi của tôi hạnh phúc của một người không còn được làm chồng, làm cha.
Bị TNGT trên đường đi họp tại Phòng Giáo dục huyện Châu Thành, cô Lê Thị Mai (sinh năm 1954, ngụ Kinh 2A, xã Long Định, huyện Châu Thành) bị chấn thương sọ não, tỷ lệ mất sức 95%, suốt 13 năm nay nằm một chỗ, sống cuộc đời thực vật. Cũng từng ấy thời gian, chị Phạm Thị Thùy Mai phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc cho mẹ. Cuộc sống của gia đình cô Mai vì vậy rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ.
Bị mất sức lao động, ngoài nỗi đau về thể xác và tinh thần, hầu hết những nạn nhân TNLĐ đều lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Thông qua phóng sự này, mọi sự giúp đỡ xin gởi về Tổ Từ thiện Báo Ấp Bắc (số 289 Tết Mậu Thân, phường 4, TP. Mỹ Tho) hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG