Thứ Hai, 19/05/2014, 10:44 (GMT+7)
.

Xóm ghe cào Long Uông - ngày ra khơi

Tiếng máy nổ ầm ầm vang dội cả một vùng không gian tĩnh lặng của buổi sớm mai dường như khá quen thuộc với người dân sống khu vực cống Long Uông (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông). Ở đó, còn có những ngư dân vùng đất quê hương Gò Công dù khó khăn nhưng vẫn ngày đêm bám biển vì yêu nghề, vì kế sinh nhai.

Trước đây, địa danh Long Uông chỉ là một con rạch nhỏ, dẫn nước từ sông Cửa Tiểu vào sâu trong đất liền phục vụ cho người dân sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Nước mặn ngày càng xâm thực. Trước thực trạng đó tỉnh đã thực hiện dự án ngọt hóa Gò Công để ngăn mặn; cống Long Uông nằm trong dự án ấy. Con rạch Long Uông ngày nào đã không còn hình dáng cũ, sau nhiều lần nạo vét, nó đã trở thành con sông khá lớn. Ở đấy có một xóm ghe cào đã tồn tại từ lâu.

20 năm trước, xóm ghe cào Long Uông vui không kể xiết. Cứ vài tháng, theo mùa, cả chục chiếc ghe cào lớn nhỏ ra vào bến tấp nập. Cá, tôm, ghẹ, mực, ốc… đủ loại đầy ắp các khoang, người qua lại nhộn nhịp, tiếng cười rộn rã khắp các bến ghe. Xóm ấy, nhiều người làm giàu lên từ biển thời đó.

Số lượng ghe cào ngày càng tăng, ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá cả biến động làm cho ngư dân xóm Long Uông khốn đốn. Cầm cự ra khơi một thời gian mà không có lợi nhuận, một số ngư dân phải bán ghe cào để chuyển sang nghề khác. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi ngư dân nơi đây làm sao quên được con cá, con tôm… Tự bao giờ, biển khơi đã hòa vào hơi thở của họ.

Đoàn chúng tôi xuất phát lúc trời gần sáng vì nếu đợi trời sáng thì rạch Long Uông nước ròng không nhổ neo được. Toàn bộ có 3 chiếc ra khơi, mỗi chiếc có 3 người bạn cào (người phụ) và 1 thuyền trưởng kiêm chủ ghe. Chủ những chiếc ghe đều là bạn bè cùng xóm, anh em trong một gia đình. Kế hoạch của họ bữa nay là đi về trong ngày. Len lỏi qua con rạch Long Uông, qua bao cong cong, quèo quẹo như hình con rắn. Ven bờ đầy rẫy những cây bần, cây đước của rừng ngập mặn.

Trời sáng, chúng tôi đã có mặt ở sông Cửa Tiểu, nơi mà ngư dân quê tôi gọi là sông Bến Chùa. Ghe ra đến chỗ giáp nước giữa biển và sông, anh thuyền trưởng trẻ tuổi Nguyễn Hoàng xem định vị trước mặt, dò tọa độ thật chính xác rồi phát lệnh “bỏ cào” (lưới đánh cá). Cả tấm cào nằm phía sau chiếc ghe được làm bằng nilon và dây cào được nhanh chóng quăng xuống mặt biển.

Tất cả mọi người đều im lặng nhìn dòng nước đục ngầu của biển phù sa nhấn chìm tấm lưới. Tất cả đều im lặng, hồi hộp, cầu mong cho mẻ lưới đầu tiên thật trúng. Nguyễn Hoàng giật ga, chiếc ghe xả khói đen sì, hùng dũng tiến về phía trước dù bị sức nặng của lưới kéo trì lại. Anh thuyền trưởng điều khiển chiếc ghe theo những tọa độ đã cài sẵn trong định vị GPS, máy điện đàm được mở liên tục để liên lạc với những ghe khác, thông báo cho nhau những thông tin cần thiết.

Mẻ lưới xuất hành đầu tiên được kéo lên khi vào lúc mặt trời vừa đứng bóng. Anh Hoàng cài số cho ghe lùi, khi thì lại tiến tới cho việc kéo lưới lên dễ dàng hơn. Sau nhiều thao tác phăng dây lưới, lấy họng đục (nơi chứa cá, tôm) buộc vào cẩu (dụng cụ kéo lưới lên bằng máy)… tấm lưới nilon trồi dần lên trên mặt nước, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Mọi người trên ghe hồi hộp chờ đợi, những cặp mắt ngư dân cứ dính chặt vào tấm lưới. Lưới im re, không hề phát ra âm thanh lạch tạch của đàn cá, đàn tôm.

“Ô! Cá úc!”. Bỗng có tiếng ai đó trong số họ la lớn lên. Mọi người ồ lên và thở phào nhẹ nhõm. Thuyền trưởng Hoàng bỏ vô lăng, chạy ra phía sau, đến tận miệng đục nhìn vào và nở nụ cười thật tươi. Cá úc là loài cá biển da trơn, có ngạnh nhọn 2 bên, bụng hay có trứng, thịt rất béo và giá rất cao.

Quá trưa, cả xóm ghe cào neo đậu san sát giữa biển khơi nghỉ ngơi sau phát lưới đầu tiên. Người nấu cơm, người làm cá. Những chú cá úc còn tung tăng, tươi rói được các ngư dân đem kho hoặc nấu canh chua. Họ tụ nhau lại cả chục người, xúm xít vừa ăn vừa chuyện trò về mẻ lưới thật rơm rả, vui vẻ.

Xong bữa cơm, tất cả nhổ neo, tiếp tục thả mẻ lưới cuối cùng để vào bờ cho kịp nước. Chiếc ghe tiếp tục lênh đênh trên ngọn sóng càng lúc càng cao khi trời xế chiều. Gần một nửa trong số người đi chuyến này là những lão ngư lớn tuổi có thâm niên đi biển trên 20 năm.

Còn lại là những ngư dân trai tráng khỏe mạnh. Người già thì có kinh nghiệm, người trẻ thì có đôi tay rắn rỏi, họ sẵn sàng bổ sung cho nhau, sẵn sàng chống chọi với mọi bất trắc của biển khơi.

Dỏi mắt nhìn ra biển, anh Bảy Út, tuy mới 45 tuổi nhưng đã đi biển hơn 30 năm, cho biết: “30 năm trước, ghe cào ở xóm Long Uông rất nhiều, ngày xuất hành, ghe trong xóm cùng ùa ra biển xếp thành một hàng dài. Ra đến nơi đánh bắt không biết bỏ cào ở chỗ nào vì ghe chật kín”. Anh Bảy lặng yên một lúc như để nén xúc động, giọng trầm xuống: “Giờ thì ghe cào Long Uông chẳng còn mấy chiếc”.

Trái với nỗi buồn của “người lớn”, đám thanh niên trai tráng ngồi sau những chiếc ghe đang từ từ về lại con rạch Long Uông vẫn nói cười rôm rả, luôn tay lựa cá. Họ vừa nhìn về phía biển Cửa Tiểu với ánh mắt đầy lạc quan. Bởi các ngư dân lớn tuổi phó thác tất cả chuyện rủi may của cả xóm vào các bậc thánh thần ở biển Cửa Tiểu.

Còn đám ngư dân trai tráng thì vững tin vào bàn tay, khối óc của chính mình sẽ chinh phục biển cả. Họ mạnh dạn đề xuất: “Thời buổi bây giờ, ghe càng to, máy càng lớn thì đánh bắt cá càng nhiều. Ra khơi thật xa và chịu bám biển mới có thể sống được bằng nghề biển và góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Đoàn ghe chuẩn bị vào bến. Đứng trên mui, mọi người nhìn xóm ghe cào Long Uông hiện rõ dần với bao hình ảnh thân yêu mà họ đã và sẽ gắn bó trọn cuộc đời. Ở đó có những bãi cát dài, những chiếc ghe phơi nắng gió, những sào phơi lưới phất phơ theo từng cơn gió từ biển khơi lùa vào. Mặc dù không ai nói ra, nhưng những tiếng ầm ào của sóng biển ngày đêm là những lời tình tự quê hương sâu thẳm trong lòng họ từ bao giờ…

THẢO TRÚC

.
.
.