Thứ Hai, 17/11/2014, 14:09 (GMT+7)
.

Ấn tượng khó quên trên đất Nhật

Đọc ký sự Hành trình trên đất Nhật của tác giả Phùng Quốc Anh, tôi thấy rất hấp dẫn và nhớ lại những ấn tượng khó quên trên đất Nhật 10 năm trước khi lần đầu tiên đến Nhật.

Có nhiều thông tin hay, trong đó có 4 ấn tượng sâu đậm nhất tôi xin ghi lại để chia sẻ. Rất mong các ngành hữu quan nghiên cứu, sắp xếp, cải tiến sao cho du khách khi đến Tiền Giang cũng có ấn tượng sâu đậm về tỉnh nhà như đoàn chúng tôi khi đến Nhật.

Trung tuần tháng 10-2004, tôi được cử tham gia Đoàn bác sĩ làm công tác quản lý bệnh viện (BV) dự Hội thảo khoa học về Quản lý BV và chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo lời mời của ngành Y tế Nhật. Bây giờ ngẩm nghĩ lại ngoài công việc chuyên môn tôi đã trao đổi trong ngành, đáng lẽ ra chúng tôi phải bị rừng hoa anh đào thu hút mới đúng, đằng này cái thu hút chúng tôi nhiều nhất lại liên quan đến cách sinh hoạt, cách suy nghĩ, cách làm của người Nhật; tuy thông thường nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức mỗi anh em trong đoàn.

Một góc nông thôn ở Nhật Bản.                                                                                                 Ảnh: PHÙNG QUỐC ANH
Một góc nông thôn ở Nhật Bản. Ảnh: Phùng Quốc Anh

Đón khách nồng nhiệt

Giám đốc đơn vị tổ chức ra tận sân bay đón Đoàn bác sĩ Việt Nam chúng tôi. Người Nhật rất quan tâm đến việc chào hỏi xã giao sao cho gây được ấn tượng cho khách ở 30 giây đầu tiên. Chủ nhà đi xe điện cùng đoàn chúng tôi từ sân bay về nhà ga và sau đó rước chúng tôi về chỗ nghỉ bằng xe taxi Mercedes; ở Nhật sử dụng xe công cộng đã trở thành “mốt” phổ biến.

Xe gần đến cổng nhà nghỉ đã thấy cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng (lá cờ vừa mở mới toanh, còn nguyên nếp gấp). Đoàn chúng tôi nói với nhau: Đoàn bác sĩ chứ có phải nguyên thủ gì đâu mà họ cũng treo cờ trân trọng quá!

Về đến nhà nghỉ 4 sao bên bờ biển, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn chọn phòng nghỉ theo sở thích riêng mỗi người. Có 2 loại phòng: Phòng nghỉ có giường nệm bình thường và phòng nghỉ không có giường; khách nghỉ trên chiếu trải dưới nền nhà như cách sinh hoạt truyền thống của người Nhật. Đa số anh em trong đoàn chọn cách nghỉ kiểu truyền thống Nhật. Ở đây, vấn đề tôn trọng sở thích, theo yêu cầu hợp lý của khách được quan tâm đặc biệt.

Anh em được hướng dẫn cách sử dụng đèn phòng, nhà tắm, toilet, cách thay dép “3 lần” để đảm bảo vệ sinh nhà nghỉ. Lần 1: bỏ giày dưới tầng trệt, mang dép lên lầu; lần 2: vào phòng phải thay dép đi trong phòng và lần 3: vào toilet phải mang đôi dép riêng chỉ dùng trong toilet và không được mang ra phòng sinh hoạt (tránh lây bẩn khắp phòng). Đây đúng là bạn thực hiện nghiêm việc “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong thực hành vệ sinh hàng ngày.

Áp dụng tự động hóa, tập trung lo đầu ra

Trong chương trình, đoàn được mời tham quan một số bệnh viện, công ty dược phẩm. Chúng tôi rất bất ngờ lần đến thăm Công ty sản xuất dịch truyền Otsuka tại tỉnh Nagoya khi thấy phân xưởng sản xuất dịch truyền hiện đại của công ty này chỉ có lèo tèo vài nhân viên.

Hóa ra do áp dụng dây chuyền tự động hóa và robot nên công ty còn dư rất nhiều người. Cái hay của họ là thay vì giảm biên chế nhân viên, họ lại bố trí, sắp xếp hơn 100 nhân viên này đi chào hàng khắp thế giới (Marketing).

So với các công ty, hợp tác xã của mình thường có rất nhiều người lo sản xuất, còn bộ phận bán hàng - lo đầu ra - lại thường chỉ có ít người và luẩn quẩn trong tỉnh, trong nước hay khu vực, cho nên số lượng bán được đương nhiên là chưa được nhiều.

Khuyến khích sáng tạo

Người Nhật luôn huấn luyện, tạo điều kiện thuận lợi và nhắc nhở nhân viên mình cải tiến, sáng tạo liên tục. Người Nhật biết rằng xuất phát điểm của đất nước họ không được thuận lợi vì là quần đảo, bốn bề là biển, đất đai nhiều sỏi đá, thời tiết mùa hè và mùa đông rất khắc nghiệt..., cho nên muốn phát triển đất nước, từ lâu họ đã tìm cách phát huy nội lực chất xám công dân Nhật, học hỏi công nghệ phương Tây cộng với phát huy tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo và quyết liệt theo truyền thống “võ sĩ đạo” Nhật.

Triết lý sợi dây thừng được bện chặt từ nhiều sợi dây nhỏ luôn được nhắc đến trong các câu chuyện thường ngày để kêu gọi tinh thần đoàn kết - tương tự như câu chuyện “bó đũa” của người Việt mình.

Các công ty Nhật thường sử dụng nhân viên suốt đời cho nên đương nhiên là họ rất chú ý khâu tuyển người để sử dụng lâu dài. Sau khi tuyển dụng, họ quan tâm đặc biệt việc huấn luyện nhân viên biết cách xóa tính ì tâm lý (theo kiểu bảo thủ, tự mãn hay tự cao, tự đại), cung cấp phương pháp tư duy sáng tạo và động viên, kích thích tinh thần đổi mới liên tục của nhân viên.

Họ luôn khuyến khích nhân viên phát ý tưởng sáng tạo: Ý tưởng gửi đến lãnh đạo công ty luôn luôn có phản hồi hay khen thưởng tùy giá trị ý tưởng, cải tiến, sáng kiến. Cho nên không lạ gì 1 công nhân Nhật 1 năm có vài ý tưởng, cải tiến, sáng kiến, góp phần giúp các công ty Nhật luôn phát triển trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt.

Mỗi công ty có chiến lược khuyến khích khách hàng cho ý kiến theo nhiều cách khác nhau. Tôi ấn tượng với cách lấy ý kiến khách hàng theo kiểu “tấn công não” của Công ty Honda. Công ty Honda đưa ra bản vẽ thô xe Honda hiện tại, mời khách vẽ thêm theo ý thích của khách... Nếu bản vẽ có giá trị cải tiến mẫu mã dòng xe hiện thời, khách sẽ được thưởng 1 xe Honda. Từ đó đã giúp Công ty Honda liên tục cải tiến mẫu mã hay thay đổi mẫu mã nhanh khi có công ty khác bắt chước, sao chép mẫu mã.

Người Nhật tự hào với 5S (sàng lọc, sắp xếp, săn sóc, sạch sẽ, sẵn sàng), Kaizen (cải tiến) và phong trào chất lượng sản phẩm. Theo nhận định của người Nhật, bí quyết giúp nước Nhật từng là một nước nghèo thua trận trong chiến tranh, vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất nhì thế giới, các công ty Nhật có mặt ở cả 5 châu lục; có nhiều lý do, trong đó việc áp dụng 5S, Kaizen ở phạm vi cộng đồng và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng.

Người Nhật áp dụng 5S, Kaizen và phong trào chất lượng khá nhuần nhuyễn trên mọi lĩnh vực, ở khắp mọi nơi và làm cho du khách gặp nhiều bất ngờ thú vị. 5S đi vào đời sống, sinh hoạt hàng ngày, cả tầm vĩ mô lẫn vi mô, chi tiết.

Họ chú ý cải tiến công việc hướng vào việc hỗ trợ khách ngay cả những việc nhỏ như xếp giày, đưa cây nong giày (để khách khỏi cúi xuống mang giày, bất tiện, đau lưng, mất thời gian), dù che cho khách tránh nắng mưa, xách vali hộ khách, mở cửa xe cho khách... 5S và Kaizen cũng được vận dụng khá khéo léo, phù hợp trong nghệ thuật ẩm thực, món ăn, thức uống, cung cách phục vụ chuyên nghiệp.

Và điều làm các thành viên trong đoàn đặc biệt thích thú là “Triết lý cây cà chua” của Công ty dược phẩm Otsuka. Đây là 1 công ty dược phẩm lớn của Nhật với thế mạnh nhất là sản xuất các sản phẩm nuôi dưỡng cơ thể từ dịch truyền mặn, ngọt, đến dịch đạm, albumin, chất béo dạng nhũ tương cao cấp...

Họ giới thiệu với đoàn cây cà có 10.000 trái và phương pháp nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho cây cà chua cho năng suất cao. Cây cà thuộc giống thông thường cho trái như các cây cà thường thấy ở chợ, có điều khác biệt là cây cà được trồng thủy canh trong dung dịch do công ty sản xuất. Cây cà được đặt trong nhà kính để tránh sâu bệnh và tránh lạnh cho cây vào mùa đông, được kỹ sư theo dõi pH dịch thủy canh định kỳ...

Lãnh đạo Công ty Otsuka cho rằng nếu không có môi trường và phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp thì một cây cà chỉ cho 10-20 trái vì khi trồng trong môi trường đất có lẫn nhiều tạp chất, đá, sạn, cát... sẽ hạn chế bộ rễ cây cà không phát triển mạnh được.

Môi trường ít sức cản nhất chính là môi trường nước và dĩ nhiên phải đầy đủ dinh dưỡng, cộng với môi trường thuận lợi, ít gây stress cho cây. Bấy nhiêu thôi sẽ làm nên kỳ tích cây cà cho 10.000 trái

Lãnh đạo công ty cho rằng óc sáng tạo của nhân viên cũng có thể phát huy được theo cách nuôi dưỡng, chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi như cách trồng cây cà chua thủy canh. Và số ý tưởng mới, cải tiến, sáng kiến của nhân viên Công ty Otsuka liên tục tăng nhiều năm liền cùng với sự phát triển toàn cầu của công ty đã là minh chứng hùng hồn cho tính thực tế của triết lý nuôi dưỡng và phát huy óc sáng tạo trong mỗi nhân viên của Công ty Otsuka.

Ấn tượng khi chia tay

Sau 5 ngày hội thảo khoa học và tham quan một số cơ sở y dược cùng danh thắng trên đất nước Nhật, ngày chia tay rồi cũng đến. Buổi chia tay đoàn, có đại diện chủ nhà và 6 nhân viên Công ty Otsuka đến chào tạm biệt.

Sau khi phụ khách đem hành lý lên xe và chào chia tay, chủ nhà và 6 nhân viên lưu luyến vẫy tay chào đoàn và cả đoàn chúng tôi cũng vẫy tay chào hẹn sớm gặp lại. Xe chạy qua 3 đoạn đường dốc uốn lượn dọc triền đồi, tôi ngoáy đầu nhìn lại xem bạn có làm gì khác cách chia tay của người mình không.

Và tôi vô cùng xúc động khi thấy chủ nhà và 6 nhân viên vẫn đứng đó vẫy vẫy tay chào như bịn rịn, như lưu luyến khi chia xa những người bạn quốc tế hồn hậu, vui tính mới quen. Chao ôi! Ngoài trời mưa cuối thu bay lất phất, trời se lạnh mà chúng tôi lại cảm thấy ấm lòng làm sao!

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh các bạn Nhật lưu luyến đứng vẫy tay chào đoàn dù trời mưa. Tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng các bạn Nhật đã biểu hiện tình cảm theo cách riêng - mà chúng tôi nghĩ đó là tình cảm thật sự, là tấm lòng của bạn, mộc mạc, dễ hiểu thay vì chỉ là lời nói khách sáo cửa miệng, gió bay.

Rõ ràng, bạn đã đạt đến nghệ thuật tiếp tân chuyên nghiệp, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng anh em đoàn chúng tôi về lòng hiếu khách, sự ân cần, chu đáo, tính khiêm tốn và thân thiện của người Nhật.

TS. BS NGUYỄN HÙNG VĨ

.
.
.