Hành trình trên đất Nhật: Không chỉ là ánh hào quang
Bài 1: Hành trình trên đất Nhật: Thành phố "xanh - sạch - đẹp"
Mặc dù Nhật có những ưu điểm của một xứ sở vừa mang tính văn minh, hiện đại, vừa lưu giữ được nhiều nét truyền thống; tuy nhiên bên cạnh một “đất nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới” thì bên trong cũng còn không ít những cái chưa “hay”...
Đường hẻm dành chung cho cả xe hơi, xe đạp và... người đi bộ. |
Trước hết là phân hóa giàu nghèo cũng thấy rất rõ, ví dụ ngay khi chúng tôi di chuyển bằng xe bus nhanh như thế mà cũng kịp nhìn thấy 2 trường hợp “móc bọc”, 1 lần là 1 công dân Nhật mang cù móc tới lui “làm việc” tại thùng rác đặt trong 1 con hẻm khá là sạch, đẹp và 1 lần khác cũng nhìn thấy 1 ông đang cột túm tó rất nhiều bọc lỉnh kỉnh ny-lon, giấy, lon.... ràng rịch cùng khắp chiếc xe đạp của ông ta.
Cái thuận lợi cho dân “móc bọc” là rác ở đây đều được “phân nguồn” ngay từ đầu, ví dụ như chúng tôi thấy tại ga xe điện có thùng rác chia thành 4 ô thùng: Ô bỏ rác là giấy - tạp chí, ô bỏ rác là vỏ lon thiếc, ô bỏ rác là chai nhựa và ô Others (ngoài 3 loại trên).
Chúng tôi cũng đã nhìn thấy ngay tại khu trung tâm mua sắm thuộc hàng đắt đỏ nhất ở Nhật là khu Ginza, giá cả thấp nhất là vài chục ngàn đến hàng triệu yen (ở đây có cửa hàng chưng 1 đồng hồ trị giá 3,5 triệu yen, tương đương 700 triệu đồng Việt Nam), nhưng cũng lạ là giữa đường phố đông đúc và sang trọng, có 1 người ăn xin gục đầu bên các túi đồ rách nát của mình mà không ai quan tâm, làm giảm đi nét mỹ quan đô thị, không hiểu sao chính quyền lại không chú ý đến trường hợp này.
Ngoài ra, thi thoảng cũng thấy một vài trường hợp ngủ trên ghế đá bên đường, nhưng không biết là dân vô gia cư hay thanh niên “đi bụi” (?).
Trường hợp thứ hai là xe đạp và người đi bộ đều “đi chung” trên lề đường, trường hợp này ở những nơi ít dân cư như Osaka, Kyoto thì có vẻ như không sao, cũng lạ lạ, nhưng tại thủ đô Tokyo thì kiểu chen chúc này khá là khó coi!
Tuy nhiên tại các nơi có cơ quan công quyền hay một số nơi quan trọng khác, ví dụ như tại Lãnh sự quán Việt Nam thì phần lề đường phía trước 2 bên cơ quan này được bố trí làm 4 làn (sử dụng các vật chắn có tính ước lệ) cho người đi xe đạp và đi bộ, qua đoạn này thì mới đi luôn tuồn.
Món Sashimi chỉ có duy nhất 1 lá tía tô. |
Một số trường hợp không “hay” khác như: Xe chở đất tuy chất ngang thành xe nhưng không được đậy đệm kỹ; xe tưới nước lên đường nội thị vào buổi tối nhưng lại làm tất cả các lá văng lên lề (lẽ ra nên sử dụng xe vừa hút lá rác, vừa tưới nước làm sạch đường);
Thi thoảng cũng thấy xe đạp vượt đèn đỏ suýt gây tai nạn hoặc buổi tối khoảng 10 giờ đêm cũng thấy có 2 mô tô phân khối lớn đua nhau siết ga;
Một số chung cư xem chừng cũng khá nhếch nhác, cư dân phơi phóng quần áo cũng la liệt. Đặc biệt, một trường hợp cá nhân tôi thấy không đẹp mắt là vấn đề hút thuốc.
Phải nói là lần đầu tiên mới thấy từ “nghiện thuốc” là như thế nào, từ trẻ, già, trai, gái đều hút, lái xe taxi (khi không khách) cũng tranh thủ mở cửa ra vừa chạy vừa hút thuốc, ông bà già 70 - 80 tuổi cũng hút, thanh niên đứng chờ đèn đỏ vừa chúi mắt vào Smart fone vừa... hút thuốc, các cô gái “xinh như mộng” nhuộm tóc vàng cũng phì phà thoải mái tại các quán cà phê ngoài trời nhưng cái lạ là không thấy thuốc lá bày bán phổ biến, thậm chí vào một số siêu thị hay cửa hàng Family House cũng không thấy bán.
Một vấn đề khác có lẽ cũng có thể tranh cãi về quan điểm là do “tính kỷ luật” cao của người Nhật nên đôi khi biến thành “cứng nhắc” mà đoàn chúng tôi gặp phải: Một lần khi về đến khách sạn đúng 10 giờ đêm kết thúc chuyến xe hợp đồng, đoàn muốn đi tham quan thêm một số nơi và sẵn sàng trả tiền “ngoài giờ”. Khi phiên dịch làm việc thì tài xế đồng ý, quản lý khách sạn đồng ý nhưng người có lẽ là quản lý đội xe không đồng ý (dù cấp trên là quản lý khách sạn đã đồng ý), vậy là đành “bó tay”, ai nấy “lủi thủi” lê hành lý lên phòng.
Ở một số quán ăn có món lẩu, khi hết rau mà chủ quán đã bày sẵn trên bàn thì dù có muốn xin (hay mua) thêm đều không được, chả hiểu làm sao! Một số anh chị em trong đoàn là các doanh nhân cho rằng nếu các doanh nghiệp phát triển tới một trình độ nào đó thì cách quản lý này (tính nguyên tắc cao, bất di bất dịch) có thể dễ làm thui chột sáng kiến của nhân viên và có thể mất cơ hội làm ăn...
Hay trong vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chúng tôi để ý thấy món phổ biến ở Nhật là món Sashimi gồm chén chứa vài lát cá hồi, cá ngừ, bạch tuộc, mực, củ cải trắng thái chỉ nhưng đặc biệt bên trong chén chỉ có duy nhất 1 lá giống lá tía tô của bên ta, không thể xin hoặc mua thêm lá này (nếu muốn mua thì phải mua cả món này để chỉ... lấy 1 lá).
Hỏi vì sao lá này lại hiếm như vậy thì phiên dịch cho biết Chính phủ quy hoạch toàn nước Nhật chỉ có 1 xã trồng loại “rau đặc sản” này để cung ứng cho toàn quốc, các xã khác không được trồng. Chính vì vậy, mặc dù loại nông sản này không bao giờ lâm cảnh “được mùa rớt giá” nhưng chỉ phù hợp tập quán tiêu dùng của dân bản địa, chứ khó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch...
Và một trường hợp “dở” mà cá nhân người viết qua tìm hiểu thông tin thấy cũng na ná dân ta, đó là ngoại ngữ (tiếng Anh) của dân Nhật cũng khá là... tệ!
Trong một lần tìm hiểu thông tin qua cô Natsuki Kitayama là phiên dịch cho tôi cùng ngồi tại bàn làm việc mà Ban tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư - thương mại dành riêng cho tỉnh Tiền Giang để trả lời các vấn đề nhà đầu tư Nhật muốn tìm hiểu, khi tôi hỏi về vấn đề này thì cô Natsuki (đã từng học tập ở TP. Hồ Chí Minh, nói tiếng Việt rất rành và am hiểu nhiều về lịch sử Việt Nam) cho rằng, học sinh Nhật cũng “y chang” như bên Việt Nam là các em khi học ngoại ngữ rất ngại “mở miệng”, một phần do chính các em sợ môn ngoại ngữ, một phần các em sợ nói sai thì bạn cười, cô cười.
Hèn gì mà khi “trực tiếp mua bán, trao đổi” với nhiều người bán hàng lưu niệm thì cũng chẳng thấy họ trả lời giá cả bằng tiếng Anh mà chỉ “xí xô xí xào” xong rồi... chỉ vào máy tính số tiền khách (nước ngoài) phải trả...
PHÙNG QUỐC ANH
Bài 3: Nhà đầu tư cần chính sách nhất quán