Thứ Sáu, 14/11/2014, 14:11 (GMT+7)
.

Hành trình trên đất Nhật: Nhà đầu tư cần chính sách nhất quán

Bài 1: Hành trình trên đất Nhật: Thành phố "xanh - sạch - đẹp"

Bài 2: Hành trình trên đất Nhật: Không chỉ là ánh hào quang

Trong 2 ngày 14 và 15-10, chúng tôi đã tham dự 2 cuộc hội thảo liên quan lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - Nhật Bản dưới sự phối hợp tổ chức của Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật và Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương).

Cảm nhận chung là phần lớn doanh nhân Nhật, mà đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có ít thông tin về các địa phương của VN và càng ít thông tin về cách thức để có thể tìm mối liên kết đầu tư, về cách triển khai dự án tại  Việt Nam.

Tiếp xúc các nhà đầu tư Nhật.
Tiếp xúc các nhà đầu tư Nhật.

Đa số đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo ông Trần Đức Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nhật (Văn phòng đặt tại thành phố Osaka), thì Osaka là thành phố trực thuộc Trung ương có thế mạnh về công nghiệp chế tạo. Ông cho biết ở Nhật, doanh nghiệp (DN) có vốn trên ngàn tỷ USD chỉ có trên trăm DN, trong đó có các tập đoàn lớn như Sony, Panasonic, Kawashaki...; DN có vốn trên 3 triệu USD khoảng 1.300 đơn vị; DN có vốn trên dưới 1 triệu USD có tới 316.000 DN, trong đó 99% số DN nhỏ này đều nằm trong thành phố Osaka.

Chính vì vậy, Osaka được xem là xương sống của nền kinh tế Nhật với GDP hàng năm của thành phố trên 500 tỷ USD; hiện thành phố này đang tập trung phát triển 6 lĩnh vực, trọng tâm là lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và phát triển nhân lực (Osaka có 52 trường đại học và dạy nghề).

Nhân đề cập vấn đề nguồn nhân lực, ông Bình cho biết, một trong những điểm nhà đầu tư Nhật ngán ngại khi vào Việt Nam là việc lao động sau khi được DN đầu tư đào tạo thành công nhân lành nghề (và cả ngôn ngữ) thì thường có tình trạng “nhảy việc” - trong khi ở Nhật thì vấn đề này hầu như không bao giờ xảy ra.

Một vấn đề khác đã được nhiều nhà đầu tư Nhật đặt ra tại cuộc hội thảo “Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản” tổ chức tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka (khoảng 150 doanh nhân Nhật tham gia) chính là tính nhất quán trong các chính sách đầu tư ở Việt Nam. Doanh nhân Nhật đưa ra vấn đề quy định không cho phép du nhập công nghệ đã qua sử dụng nhưng ngay sau đó Chính phủ Việt Nam đã tạm đình chỉ, không thực hiện.

Tuy vậy, vấn đề này đã khiến nhiều doanh nhân Nhật khá lo lắng và cần được Việt Nam khẳng định rõ ràng để họ tính toán bài toán đầu tư, bởi như đã nêu trên, phần lớn các DN Nhật là DN nhỏ, công nghệ, thiết bị và “trình độ” sản xuất của Nhật vẫn đang được Chính phủ Nhật cho vận hành nhưng nếu chiếu theo quy định (đã tạm đình chỉ) của ta thì DN Nhật rất khó “vào” (qua tìm hiểu kỹ, tôi được biết doanh nhân Nhật lo lắng về Thông tư 20/2014/TT-KHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định liên quan việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-9-2014, nhưng sau đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ này tạm dừng thực hiện thông tư trên và yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng chính sách “phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp”).

Trong giải đáp, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương Việt Nam cũng đã trấn an DN Nhật và ghi nhận, hứa sẽ báo cáo lại với Chính phủ Việt Nam để có nghiên cứu cụ thể, nhất quán về vấn đề này.

Kinh tế Việt Nam ổn định là một lợi thế thu hút đầu tư

Đó là nhận định trong báo cáo về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam của bà Tổng Giám đốc Công ty Sapporo của Nhật (sản xuất bia). Bà cho biết đã đầu tư tại Việt Nam trong thời gian khá là “kỷ lục”: Hoàn thành khảo sát thị trường trong 2 năm 2007 - 2009, xây dựng nhà máy trong năm 2010 và vận hành năm 2011.

Khi được các doanh nhân Nhật hỏi về kinh nghiệm làm ăn tại Việt Nam, bà cho rằng yếu tố đầu tiên Sapporo nhắm tới Việt Nam chứ không phải các nước khác trong khu vực chính là tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam luôn ổn định ở mức cao, giá nhân công rẻ và đặc biệt sự liên kết với một đối tác của nước sở tại (ở đây là Tổng Công ty thuốc lá mà bà Tổng Giám đốc Sapporo nói biết được là “nhờ sự môi giới”) đã giúp cho DN vượt qua nhiều khâu thủ tục cũng như trong công tác điều hành hoạt động - ý này đã được bà Tổng Giám đốc “trải lòng” khi có doanh nhân Nhật hỏi cắc cớ “vì sao lại hợp tác với một doanh nghiệp mà ngành nghề chả liên quan gì đến lĩnh vực sản xuất của Sapporo.

Tuy nhiên, bà cũng đưa ra nhận xét, hiện nay điểm hạn chế của Việt Nam vẫn chính là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực với chi phí dự báo sẽ tăng cao trong tương lai, bởi hiện nay tốc độ tăng lương của Việt Nam tuy thấp hơn Trung Quốc nhưng lại cao hơn các nước khác trong khu vực.

Đồng tình vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng mặc dù 70% DN Nhật đầu tư tại Việt Nam đã mở rộng sản xuất - kinh doanh sau 2 năm làm ăn và khoảng 60% DN đã có lãi, nhưng hiện có  khoảng 82% DN Nhật cũng đang... lo lắng về vấn đề này. Chính ông Tổng Lãnh sự Trần Đức Bình cũng cho rằng “Khâu liên vận ở bên ta còn yếu, hàng từ nơi sản xuất ra tới cảng chi phí khá cao, nếu không tổ chức liên kết tốt lĩnh vực logictics thì rất khó hút nhà đầu tư”.

Một số vấn đề khác mà nhà đầu tư cũng đặt ra là các khó khăn liên quan thủ tục hành chính, vấn đề tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn thấp, hiện chỉ khoảng 27%, trong khi các nước trong khu vực là 47%, yêu cầu đặt ra của các nhà đầu tư Nhật là cần trên 70%, đây là vấn đề mà lời giải phải từ các nhà hoạch định chính sách vĩ mô của chúng ta...

Nhật cũng có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư của mình

Một cảm nhận - có lẽ chỉ là chủ quan của tôi: Dường như các doanh nhân Nhật có rất ít thông tin về Việt Nam - nơi mà họ thật sự rất muốn đến làm ăn vì những lý do nêu trên. Minh chứng cho nhận định này là chính bản thân tôi (danh nghĩa là đoàn tỉnh Tiền Giang) đã được ban tổ chức bố trí riêng 1 bàn “tiếp thị hình ảnh của tỉnh” kèm phiên dịch là cô Natsuki Kitayama trong buổi chiều ngay sau buổi tọa đàm “Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến” tổ chức vào ngày 15-10 tại thành phố Kobe. Tại buổi tiếp xúc này, có 3 nhà đầu tư đến tìm hiểu.

Trước hết là ông Tanigawa Kiyoaki, Giám đốc Công ty Tanikiyo Food M chuyên về sản xuất máy móc khử trùng bảo quản nông sản, thực phẩm muốn tìm đối tác ở Việt Nam. Ông cho biết đã từng đến Hà Nội để tìm đối tác liên kết sản xuất tỏi đen (thực phẩm chức năng) và các loại thiết bị bảo quản, khử trùng các loại thực phẩm trong các siêu thị từ những nông sản nhỏ như hành lá, bánh bao... cho đến các sản phẩm như thịt...

Tuy nhiên, đến nay vẫn không biết phải tìm đối tác với ai, ông đề nghị Tiền Giang nếu có nhà đầu tư “chịu liên kết”, ông sẽ sẵn sàng trao đổi, làm việc để cùng hợp tác, nếu các máy móc (ông cho biết các loại thiết bị này khu vực Đông Nam Á chưa ai sản xuất được) không tiêu thụ hết ở Việt Nam và các nước trong khu vực thì sẽ được xuất trở lại Nhật.

Hay ông Masaharu Sakai, Giám đốc Công ty Hiromekai.Co.Ltd có nhà máy chuyên chế biến thịt bò nhưng do đặt gần vùng đã xảy ra sóng thần gây rò rỉ nhà máy điện hạt nhân nên tâm lý người dân e ngại sản phẩm của công ty “nhiễm hạt nhân” (mặc dù cơ quan chức năng đã kiểm tra và xác nhận hoàn toàn an toàn vệ sinh thực phẩm), nay ông muốn “di dời” nhà máy và công nghệ chế biến vào Tiền Giang (có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá giống Nhật), sản phẩm làm ra sẽ xuất sang Đông Nam Á và xuất trở lại vào Nhật. Đó là đề bài ông đặt ra, tuy nhiên khi tôi hỏi “nguyên liệu thịt bò (chuẩn Nhật) lấy từ đâu” thì nhà đầu tư tỏ ra lúng lúng, cho rằng sẽ đưa nguyên liệu từ Nhật sang.

Khi tôi hỏi ông liệu đã tính toán chi phí vận chuyển nguyên liệu đưa vào giá thành sản phẩm làm ra, rồi cộng với chi phí vận chuyển về Nhật hoặc các nước Đông Nam Á liệu có thể tiêu thụ được không thì ông Masaharu hoàn toàn lúng túng không trả lời được.

Đến lúc tôi gợi ý nên tổ chức liên kết với DN ở Tiền Giang làm đầu mối tổ chức cho nông dân nuôi bò (giống và quy trình từ Nhật đưa sang), bao tiêu sản phẩm thì có thể giảm chi phí thì ông tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng đây là ý tưởng mới và ông sẽ nghiên cứu, trao đổi sau với tỉnh Tiền Giang khi có dịp theo đoàn nhà đầu tư tìm hiểu thị trường Việt Nam dự kiến tổ chức vào cuối năm (trường hợp này khiến tôi có cảm giác nhà đầu tư dường như thiếu chuẩn bị, “chưa biết mình thực sự muốn gì” khi đến với hội thảo).

Hoặc trường hợp ông Toyoji Nakanishi, Chủ tịch kiêm... Salesman của Công ty Nakanishi Sangyo Co.Ltd muốn liên kết sản xuất, kinh doanh các loại hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhưng cũng lúng túng, mù mờ trong xác định “cái mình muốn”  khi tìm đến bàn tiếp xúc của tỉnh Tiền Giang... 

Có thể chính quyền địa phương cũng đã biết doanh nhân Nhật phần lớn khá là khó khăn về thông tin khi muốn vào VN làm ăn nên trong buổi tọa đàm, một mô hình mà tôi cho rằng rất hay, đó là khi ông Ishi - Trưởng phòng Kinh tế - Lao động tỉnh Myogo thông tin tỉnh này trong tháng 5-2014 đã thành lập Ban Hỗ trợ kinh doanh quốc tế Myogo tại TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ các DN Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ban này tập hợp thành viên bao gồm một số đại diện cơ quan của Chính phủ, của tỉnh Myogo và các địa phương khác hoạt động theo cơ chế “1 cửa” cung cấp thông tin và là cầu nối trao đổi, khai thác thị trường khi DN đầu tư vào Việt Nam. Theo tôi, một mô hình hỗ trợ mà có sự tham gia của “bộ, ngành Trung ương”, không chỉ giới hạn của một vài cơ quan cấp tỉnh trong cung cấp thông tin cho DN là điểm mà chúng ta cũng nên nghiên cứu...

Một vài trường hợp thiết nghĩ cũng cần học hỏi, ví dụ như tại cuộc tọa đàm Xúc tiến đầu tư (tại TP. Kobe) mặc dù đã kéo dài từ sáng đến gần 1 giờ trưa, nhưng tôi quan sát gương mặt của các doanh nhân Nhật (trong số này có mấy cụ khoảng 60 - 70 tuổi, có cả cụ bà) thì ai nấy đều vẫn rất say sưa lắng nghe diễn giả hoặc chăm chú đọc tài liệu, tuyệt nhiên không có việc đi tới, đi lui, ra bên ngoài hoặc ngáp vắn, ngáp dài, quay qua, quay lại nói chuyện riêng và càng không thấy ai bỏ về trước khi cuộc tọa đàm kết thúc.

Hoặc nhiều nhà hàng vào buổi trưa không biết sao rất khó tìm bia, rượu, không bao giờ vào quán kêu mà có liền (nếu không đặt trước), thường là phải “nói khó” mãi chủ quán mới chịu mua giùm và giá bia không hề rẻ: 1 ly bia có giá bằng cả chai Uýt-ky mi-ni bằng bàn tay bán ở cửa hàng hoặc bằng giá nguyên chai rượu sa kê loại nhỏ...

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.