Hành trình trên đất Nhật: Thành phố "xanh - sạch - đẹp"
Nhận lời mời của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Đoàn cán bộ và doanh nhân Việt Nam gồm 26 người của 8 tỉnh, thành đã có chuyến công tác giao dịch, xúc tiến đầu tư - thương mại tại Nhật từ ngày 13 đến 18-10-2014. Cùng tham gia chuyến công tác này, chúng tôi có một số ghi nhận xin được chia sẻ.
Đoàn chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc nửa đêm (0 giờ 10 phút), sau khi di chuyển mất 5 giờ 10 phút bay, đoàn đã đến sân bay quốc tế Kansai thuộc tỉnh Osaka.
Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại |
Trong 2 ngày lưu lại Osaka làm việc với Lãnh sự quán Việt Nam và dự 2 cuộc hội thảo với các nhà đầu tư Nhật, có dịp nhìn ngắm “phố phường” của thủ phủ Osaka (và cả mấy ngày sau ở những địa phương khác mà đoàn đi qua) tôi có cảm nhận chung là: Thành phố đúng nghĩa là “xanh - sạch - đẹp” (trừ Tokyo thì cực kỳ hiện đại, nhà cao tầng chen chúc nhưng dường như thiếu “xanh”).
Chỉ nói riêng TP. Osaka, mới có cơn bão vừa quét qua từ sáng đến đêm 13-10 nhưng sáng 14-10 chẳng thấy dấu tích gì của nước đọng trên đường, chứng tỏ hệ thống thoát nước và cốt đường được tính toán rất tốt. Sau này khi trao đổi với các anh em Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka thì tôi được biết do đây là thành phố được xây trên biển nên ngay từ đầu chính quyền đã làm rất tốt khâu quy hoạch với tầm nhìn xa.
Thật vậy, suốt mấy ngày ở đây và cả di chuyển tới thủ phủ Kyoto, thành phố Kobe rồi tới Thủ đô Tokyo, chúng tôi nhận thấy rất rõ là hệ thống giao thông rất tốt, đường rộng rãi và chia làn rõ ràng (xe một chiều), có nhiều đường kiểu cầu vượt phân bố vừa mỹ quan, vừa hợp lý, tiện lợi trong giao thông.
Theo một số anh trong đoàn nhận xét do kỹ thuật thi công tốt nên mặt đường rất phẳng, êm, không có độ rung như đường cao tốc ở ta, chỉ có cái “dở” hơn Việt Nam mình (theo tôi) là hầu hết các tuyến đường - kể cả nội thị đều rất ít đèn đường, khi trời sụp tối nhìn chỉ một màu “đen thui”.
Đặc biệt, ý thức người tham gia giao thông rất cao, chúng tôi thấy ngay cả khi trời đang mưa bão tối đen, tại các ngã tư mặc dù vắng vẻ, thỉnh thoảng chỉ có 1 - 2 xe qua lại nhưng các xe này đều tuân thủ nghiêm tín hiệu đèn giao thông, “kiên nhẫn” chờ đèn tín hiệu cho phép mới đi tiếp.
Tại các siêu thị hoặc trung tâm mua sắm đều có bố trí điểm đến của hệ thống xe điện ngầm (có trung tâm mua sắm như trung tâm Daimaru Umeda có tới 12 làn dành cho xe điện ngầm, rất tiện lợi và nghe nói đi xe điện rẻ gấp chục lần so với đi taxi)...
Cây xanh tuy mật độ không nhiều nhưng cũng đều được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, chỉ có cái là hầu hết loại cây không tỏa tán cho nhiều bóng mát như ở bên ta; tuy nhiên để “níu giữ thiên nhiên giữa lòng thành phố” chính quyền địa phương đã bố trí nhiều điểm ngay trên dãy phân cách tại các ngã tư đường những dãy chuồng chim dài hàng chục mét, trong đó có đầy đủ thức ăn và nước uống cho các loại chim, nhìn cũng vui mắt và thư giãn.
Hệ thống điện phải nói là cũng khá chằng chịt, có chỗ cũng “thấp lè tè” nhưng tất cả đều tỏa ra đi theo tuyến, có treo theo cáp đàng hoàng, đặc biệt ở những đoạn dây điện đi xuyên qua tán cây xanh thì đều được bọc trong đoạn ống nhựa to như ống nước “phi 10” coi cũng không đẹp mắt lắm nhưng an toàn, chắc là không để cành cây, lá cây “xào xạc” làm trầy xước dây điện (!).
Ở Nhật cũng có khá nhiều chung cư cao tầng, để giải quyết bài toán chỗ để phương tiện chủ yếu là xe hơi, chính quyền dành hẳn những bãi đất trống xây dựng thành “nhà để xe” 5 - 6 tầng, xe dân chung cư cứ thế chạy đậu đúng vạch, đúng chỗ rồi thong thả đi bộ về nhà cách đó vài chục mét.
Hạ tầng giao thông ở thành phố Kobe. |
Một ưu điểm khác mà chúng tôi dễ dàng nhận ra là cũng có nhiều phương tiện như xe hơi, xe đạp, xe điện... cứ để ngoài trời (đúng theo vạch - nếu ở trước cửa hàng hoặc các điểm kinh doanh) và không có ai trông coi.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ chắc có camera quan sát kiểu như ở Đài Loan mà chúng tôi đã từng có dịp tham quan nhưng để ý kỹ thì không phải chỗ nào cũng có camera theo dõi, mà camera chỉ bố trí ở những điểm xe để tập trung số lượng nhiều, chia thành 2 tầng (cũng hiếm) và cũng chỉ “chỉa” tại hướng ra vào bãi mà thôi.
Một điểm chứng tỏ tính “thật thà” của dân Nhật không thích “cầm nhầm” cái không phải của mình là tại các cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ gì thì ai nấy cũng đều tự do mang theo túi xách, ba lô, không buộc phải “cất hộc tủ” trước khi vào siêu thị. Ví dụ như tại điểm du lịch ở núi Phú Sĩ, cửa hàng phải chen chúc nhau, hàng hóa bày cùng khắp, không ai trông coi, duy chỉ có 3 người tập trung tại các quầy tính tiền lúc nào cũng tấp nập người xếp hàng thanh toán.
Trong tuần lễ đi đây đi đó tôi nhận thấy các phương tiện giao thông thì nhiều nhất là ô tô, kế tới là xe đạp và ít hơn là xe điện, rất ít thấy xe chạy bằng xăng - chắc là để “bảo vệ môi trường”, nhưng thi thoảng vẫn còn thấy những chiếc Cup 81 giao hàng vi vu trên đường, nhưng dù là phương tiện xe hơi hay xe “4 thì” đều hoàn toàn không thấy nhả ra chút khói nào (nghe nói sẽ bị phạt nặng nếu xe nhả khói gây ô nhiễm môi trường).
Người dân Nhật khá thân thiện và... lễ phép, gặp nhau ngoài đường khi người già hỏi thăm (đường) người trẻ thì khi xong cả 2 đều cuối đầu chào nhau nghiêm cẩn, người trẻ cuối gập lưng thấp hơn người già; hay khi xe buýt dừng, lái xe xuống đứng trước xe chào từng người khách (và cũng được khách chào lại); người già và người tàn tật được ưu tiên, kể cả các thang máy tại các trung tâm, siêu thị, nhà hàng, khách sạn đều có ký hiệu ưu tiên dành cho đối tượng này.
Một điểm “văn minh đô thị” nữa là vào thời điểm giữa trưa, khoảng 1 giờ 30, trên đường đi giữa lòng Tokyo tôi đã thấy 1 xe buýt do nữ lái rất nghiêm cẩn khi tấp vào lề đón khách, khi vị khách này ngồi hẳn trên ghế (xe đang trống không) thì lái xe mới từ từ cho xe chuyển bánh.
Một số cái “hay” khác như: Không chỉ tại các siêu thị mà tại các “hộ kinh doanh” (Family house) dù chỉ có vài ba khách cũng phải xếp hàng tính tiền. Khi trên tuyến đang đi có xảy ra tai nạn giao thông thì tất cả các phương tiện đều được thông báo để chuyển hướng sang tuyến khác, nhờ vậy trong suốt 7 ngày làm việc và tham quan tại Nhật, chúng tôi không thấy xảy ra bất kỳ tình huống ùn tắc giao thông nào.
Trên tuyến vòng vo chạy lên núi Phú Sĩ, tôi quan sát tại các ngã tư tuy là “đường rừng” nhưng cũng đều có đầu tư đầy đủ hệ thống đèn tín hiệu, khi xe đoàn tới ngã tư “đường đèo” này dẫu không có ai nhưng xe vẫn phải dừng chờ qua đèn xanh thì mới đi tiếp (đúng là hạ tầng ở Nhật được đầu tư phủ kín từ thành thị đến nông thôn, không quá “tập trung” ở nơi nào cả).
Các hoạt động dịch vụ khá chu đáo, ví dụ tại các cây xăng đều có liên hoàn dịch vụ rửa xe, thay bánh xe, giải khát, nếu khách chỉ đến đổ xăng thôi thì có 1 người bơm xăng, 2 người khác lau xe, tài xế cứ việc yên vị trên xe chìa tay trả tiền, không cần bước xuống; nhiều cô gái vẫn giữ được nét duyên dáng trong bộ kimono truyền thống.
Hay trong giáo dục vẫn giữ nguyên đồng phục học sinh màu đen tuyền, nữ sinh mặc veston và váy (hoặc quần sort đối với nam). Người Nhật họp hành rất nghiêm túc, không chạy ra, chạy vào hoặc trao đổi chuyện riêng. Một số cánh đồng lúa nằm chen khu dân cư khá hiện đại nên câu “chạy xe hơi đi thăm đồng” là không có gì lạ ở đây...
PHÙNG QUốC ANH
Bài 2: Không chỉ là ánh hào quang