Ký ức không thể nào quên
Chuyện về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Huỳnh (ngụ ấp Thanh Đăng, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo), được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Nhìn tay mẹ thoăn thoắt vung cái chét nặng chặt từng đống nhánh củi mận to bằng cổ tay, tôi không nghĩ rằng mẹ sắp bước qua tuổi 90, càng không thể ngờ mẹ còn có một trí nhớ tốt.
Ngồi dưới gốc cây nhãn già trong giữa vườn nhãn chỉ có 2 người, trong không gian mát mẻ và yên ắng, mẹ chầm chậm, khe khẽ kể cho tôi nghe những ký ức sâu lắng trong suốt cuộc đời mà mẹ bảo là không thể nào quên:
Năm 21 tuổi, tức vào năm 1947, mẹ theo chồng tham gia kháng chiến. Hồi ấy mẹ được bầu làm Thư ký Hội Phụ nữ Cứu quốc của xã.
Năm 1950, chồng mẹ được điều về huyện phụ trách ngành Thông tin tuyên truyền, từ khi ấy gia đình mẹ ngày càng gặp nhiều khó khăn, rắc rối, trước hết là sự theo dõi kềm kẹp, khủng bố gắt gao của giặc.
Mặt khác, mẹ chồng của mẹ bị bệnh mù lòa ngày càng nặng, không tự sinh hoạt được và 1 người dì của chồng bị bại liệt nằm một chỗ cùng ở chung nhà, trong khi 2 đứa con mỗi ngày một lớn không có người chia sẻ, gánh vác công việc nhà.
Vì vậy Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc xã khuyên mẹ về sinh hoạt tại ấp để còn thời gian lo cho gia đình “để cho ảnh yên tâm công tác”. Rời công việc mẹ thấy buồn nhưng không thể từ chối. Từ đó mẹ bảo: Bắt đầu “sự chịu đựng”.
Trận đầu tiên là vào sáng ngày 13 tháng Giêng (ÂL) năm 1950, toán lính do đội Nhượng mới từ bót Cầu Bần của quận Chợ Gạo chuyển đổi về quận Bến Tranh đóng ở bót xã Thanh Bình dẫn đi khảo sát cho biết ranh giới địa bàn cai quản, chúng bắt được 1 người cùng xóm với mẹ là giao liên của huyện, xét trong người thấy có thư của huyện chỉ đạo cho cơ sở.
Chúng tra tấn. Khi chịu không nổi buộc phải khai ra người nhận thư chỉ đạo, anh ta lại nghĩ rằng khai chồng mẹ thì chúng sẽ không bắt được vì biết chồng mẹ đã thoát ly về huyện rồi. Thằng đội Nhượng bắt mẹ.
Qua một hồi truy vấn, nó đuối lý nhưng không cho lính tra tấn. Nó bắt mẹ bồng đứa con chưa tròn thôi nôi theo nó về bót Thanh Bình, đến chiều thì nó thả và cũng không còn lo tìm bắt người nhận thư chỉ đạo của cấp trên nữa. Nó đã nghĩ khác.
Sau 3 ngày, sáng sớm ngày 16 tháng Giêng, nó nói với tên Một Ấn (quan một) chỉ huy rằng, hồi ở bót Cầu Bần vợ nó bị Việt minh bắn chết, bây giờ nó phải lấy vợ của Việt minh, không ai biết có phải vì nó thấy mẹ đang còn xuân hay vì thực sự muốn trả thù Việt minh.
Thằng đội Nhượng dẫn lính xuống nhà mẹ, nó hết lời dụ dỗ mẹ về làm vợ nó. Mẹ phản ứng gay gắt nhiều lần. Nó bắt đầu cho lính tra tấn mẹ. Một toán lính hơn 10 người thay nhau đánh mẹ, chúng đánh “như người ta học võ đánh vào bao cát”.
Cứ sau một đợt tra tấn, thằng đội Nhượng lại thoa dầu, năn nỉ mẹ, nó hỏi chịu làm vợ nó không? Mẹ phản ứng. Nó cho lính đánh tiếp. Cứ như vậy, từ sáng sớm cho tới xế qua, cả thân hình mẹ sưng vù, mặt, mắt tụ máu bầm đen không còn nhận ra là mẹ.
Tra tấn hết cách, thằng đội Nhượng cho lính khiêng mẹ nằm vắt nghiêng trên cái miệng cối chày đạp giã gạo rồi cho 2 thằng lính lên đạp cần chày. Cứ mỗi lần chày rơi thì thằng đội Nhượng đỡ lấy đầu chày cho nhẹ bớt. Nằm trên miệng cối cứ sợ chày rơi mà thằng đội Nhượng không đỡ thì chỉ cần 1 chày thôi cũng đủ chết. Nó ác đến thế là cùng.
Mẹ thoáng nghĩ: Cự tuyệt có thể nó sẽ bắn mình thật. Mẹ lanh trí bảo với nó rằng mẹ sẽ đồng ý với 3 điều kiện. Thằng đội Nhượng mừng ra mặt, đỡ mẹ ngồi dậy và bảo cứ nói, điều kiện gì nó cũng sẽ làm ngay. Thở thật sâu để lấy lại sức, mẹ nói rõ ràng từng tiếng: “Điều thứ nhất là ông đem 2 bà già trong nhà ra bắn trước mặt tôi.
Điều thứ hai là chính tay ông châm lửa đốt nhà tôi. Điều thứ ba là phải để cho tôi nhìn thấy tới khi nào lửa cháy hết ngôi nhà này thì tôi sẽ bồng con theo ông làm vợ, vì như vậy dư luận mới nói cái ác là của ông chứ không phải của tôi”.
Đến chừng ấy thằng đội Nhượng ngồi im thin thít, có lẽ nó phải chịu thua người đàn bà quá kiên định này. Còn đám lính, khi nghe mẹ ra 3 điều kiện thì người lắc đầu, người thè lưỡi và nhao nháo kêu đói, đòi ông đội dẫn về. Lúc ấy mặt trời đã xuống tới ngọn tre.
Mẹ nói, trong chống Pháp nó bắt, nó đánh mẹ như cơm bữa nhưng không có lần nào như lần đó. Tới chống Mỹ, chiến tranh ác liệt hơn nên “sự chịu đựng” cũng khác hơn. Khét tiếng ác ôn ở Chợ Gạo là tên thiếu úy Pho, điển hình là trận nó thảm sát 34 người dân vô tội ở xã Bình Ninh ngày 17 tháng 4 năm 1961.
Nghe tới tên thiếu úy Pho thì ai cũng sợ, vì nó có thể bắn bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Một ngày cuối tháng 3 năm 1964, lính của thiếu úy Pho đi càn, bắt nhiều người, trong đó có chị Nga là con gái lớn của mẹ, lúc ấy là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ xã. Lính đi trước, mẹ giữ khoảng cách theo sau cùng với những người trong gia đình có người bị bắt.
Đến chiều, khi lính tập trung trên lộ Long Hòa, cách mé vườn sông Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong chừng non 100 m, thấy chúng quá hung hăng đối với những người bị bắt, mẹ tiếp cận chị Nga và thúc chị cùng mẹ lợi dụng bờ trâm bầu chạy trốn. Mới chạy được chừng 50 m thì nghe thằng Pho to tiếng hỏi: Còn con nhỏ hồi nãy đâu rồi?
Con mẹ nó dẫn nó chạy trốn rồi phải không? Rượt theo nó, bắt được thì bắn con mẹ nó trước, còn nó tính sau. Chưa vô tới được mé địa hình, nghe nó la, cả hai mẹ con như cóng giò không chạy nổi, cứ chân nọ đá chân kia nhưng rồi cũng chạy được vào tới địa hình, vẫn nghe thằng Pho to tiếng la thúc đám lính truy đuổi.
Tới sông Cầu Vĩ, hai mẹ con đều không biết lội cũng vẫn phải nhảy ùm xuống lội, ra tới giữa sông bị hụt giò nhưng không biết vì sao cũng lội qua được tới bờ bên kia sông Cầu Vĩ. Rồi hai mẹ con dẫn về nhà như hai cái xác không hồn.
Tới năm 1965 thì chị Nga hy sinh. Năm 1968, mẹ vẫn là một cơ sở của Huyện ủy Chợ Gạo. Đợt 1 của Chiến dịch Xuân Mậu Thân, đồng chí Năm Sơn là Bí thư Huyện ủy phân công mẹ ra chợ Mỹ Tho nắm tình hình đấu tranh của quần chúng cánh phía Đông thành phố Mỹ Tho. Lần ấy mẹ bị địch bắt tra tấn, cầm tù trong nhà lao Mỹ Tho (khám đường).
Mẹ nói chuyện bị giặc bắt, bị tra tấn đối với mẹ như là “chuyện thường ngày” nhưng lần ở tù này sao mẹ cứ cảm thấy bồn chồn, lo lắng hơn vì đang ở nhà là mẹ chồng mù lòa với 5 đứa con đều còn nhỏ, đứa lớn mới 14 tuổi đầu, đứa út mới tròn thôi nôi, chồng mẹ lúc ấy là Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gò Công - vùng địch bình định trắng, con trai lớn cũng thoát ly công tác trên Mỹ Tho; trong khi tình hình địch phản kích sau Mậu Thân ngày càng ác liệt, nằm trong tù mà nghe tiếng pháo từ Bình Đức, Hãng Phân bắn ngày bắn đêm, hỏi sao không lo lắng cho được.
Cuối năm 1968 địch thả, từ khám đường ra tới cầu Quay thì hay tin chồng mẹ đã hy sinh trước đây mấy tháng, mẹ bươn bả về nhà - lại cũng đi như cái xác không hồn. Về tới nhà thì căn nhà đang được sử dụng làm cơ quan Văn phòng Đảng ủy xã Thanh Bình và một bộ phận Văn phòng Huyện ủy, cũng là công trường sản xuất lựu đạn - nơi mà đồng chí Hai Trọng sau được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT với thành tích sản xuất lựu đạn trong cái nhà ấy. Mẹ cứ để nhà mình làm văn phòng và đi ở trọ nhà của ông anh ngoài bìa xóm.
Rồi mẹ xuống Gò Công tìm mộ chồng nhưng không ai chỉ, lúc đó xã Bình Xuân hầu hết là gia đình lính, gia đình cơ sở thì không ai dám lên tiếng. Tới sau hòa bình mẹ mới tìm được hài cốt chồng đem về nghĩa trang.
“Chưa thấm đâu” - mẹ nói, trận này mới “sinh tử”. Sáng một ngày đầu tháng 2 âl năm 1969, nghe lính biệt kích của thằng Mai bên Long An càn từ hướng xóm Ao xuống, đồng chí Hai Trọng ra gài lựu đạn bị nó phát hiện, nổ súng và đuổi theo, đồng chí chạy về hướng nhà mẹ đang ở rồi xuống hầm. Nó vô bắt mẹ, hỏi có thấy ai chạy qua đây?
Mẹ trả lời: Các ông bắn quá, tôi lo đem con vô trảng xê làm sao thấy. Một góc xóm nhỏ chỉ có mấy cái vuông nhà, xung quanh là đồng trống, thằng du kích không trốn ở đây thì ở đâu, nó nghi mẹ giấu. Nó bắt mẹ tra tấn, đánh miết mẹ cũng trả lời không thấy.
Chúng trói tay chân mẹ lại bỏ nằm đó rồi cho lính vô nhà lục lấy cái khăn lông và cục xà bông sả ra, khăn lông nó nhúng nước rồi đắp phủ mặt, lấy xà bông chà lên cho nổi bọt, mẹ thở không được bị ngất, nó lột khăn ra cho thở vẫn không khai.
Nó lại đắp nữa, năm bảy lần như vậy vẫn không moi được gì. Thằng Mai bảo vô nhà xách chai nước mắm ra đây, nó lột khăn rồi đổ thẳng nước mắm chảy òng ọc vào hai lỗ mũi mẹ, khiến cái đầu mẹ như sắp nổ tung, toàn thân tê dại, không còn nhúc nhích cựa quậy gì được. Nó hỏi, không thể trả lời. Nó đá lăn qua, lăn lại, cả người mẹ như cái bị thịt chết. Nó tưởng mẹ đã chết nên bỏ đi. Lính đi rồi mẹ mới kêu con ra cởi trói bò vô nhà.
Còn chuyện mẹ vào Đảng, được mẹ giải bày: Từ những ngày trước khi Đồng khởi, mẹ đã là cơ sở hợp pháp của Huyện ủy, nhiều lần được tổ chức đề nghị kết nạp vào Đảng nhưng mẹ đều từ chối, vì phải giữ cho được thế hợp pháp để vừa phục vụ cho cách mạng vừa lo cho gia đình, bởi chỉ có một mình mẹ là trụ cột lao động nuôi gia đình và nuôi chồng con đi kháng chiến. Mãi đến sau hòa bình mẹ mới vào Đảng và vừa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Được hỏi cảm nhận của mẹ khi được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ cười hiền và nói rằng sự hy sinh của gia đình cho cách mạng nay cũng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao cho mẹ danh hiệu cao quý ấy khi mẹ sắp bước qua tuổi 90 là một niềm an ủi, động viên mẹ. “Vui thì cũng vui vậy, nhưng nhiều đêm nằm nhớ lại chuyện chồng con hy sinh, nhớ một thời gian khổ, lòng cảm thấy ngậm ngùi lắm!” - mẹ tâm sự như trải lòng mình.
Tôi còn tham lam hỏi thêm bí quyết mẹ sống khỏe, mẹ cười xòa bảo: “Chắc là do trời định cháu ơi! Hồi trước bị tra tấn dã man nhưng rồi tự vượt qua, tự khỏi, có thuốc thang gì đâu, cho tới giờ cũng chưa nghe thấy gân cốt bị nhức bị đau, còn ăn được, ngủ được, còn sức nên mần việc nhà cho vui tay vui chân!”.
Nhìn mẹ, thầm cảm ơn mẹ - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã từng hy sinh vì nước. Mẹ như gốc nhãn già dặn, sù sì nhưng vẫn còn cho trái trong mảnh vườn xanh um nhà mẹ. Năm mới kính chúc mẹ sống lâu hơn trăm tuổi để còn kể chuyện “đời xưa” cho chúng con nghe.
NGUYỄN MINH CHUYÊN