Thứ Hai, 16/02/2015, 09:48 (GMT+7)
.

Chế tác kim hoàn: Từ làng nghề truyền thống đến sản xuất hiện đại

Tiền Giang là một trong những địa phương có nghề kim hoàn khá phát triển. Phần lớn thợ bạc hiện nay là người trẻ và đam mê với nghề. Bởi vì ít ai biết được rằng trước khi trở thành sản phẩm trang sức lấp lánh là cả một quá trình mài giũa, chế tác công phu và sự vất vả của người thợ kim hoàn.

TỪ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Ở ngã tư Bình An, thuộc ấp Tân Thạnh, xã Tân Hương, huyện Châu Thành có một làng nghề khá nổi tiếng là nghề Kim Hoàn. Khởi nguyên của làng nghề này xuất phát từ thợ bạc Nguyễn Văn Bạc (SN 1926). Ông là bậc thầy trong giới thợ kim hoàn thời trước giải phóng. Do tài nghệ cao trong nghề làm dây chuyền nên người ta quen gọi ông là ông Tư Chuyền.

Năm 14 tuổi, ông Tư Chuyền theo học nghề thợ bạc rồi sau đó phát triển nghề thành truyền thống của gia đình. Phần lớn con, cháu của ông hiện nay đều làm nghề thợ bạc, ngoài những người thợ cả lành nghề, một người con của ông đã trở thành nghệ nhân nổi tiếng trong nghề kim hoàn cả nước là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Đê.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng hướng dẫn thợ bạc thực hiện mẫu dây chuyền mới.
Anh Nguyễn Ngọc Dũng hướng dẫn thợ bạc thực hiện mẫu dây chuyền mới.

Nghề kim hoàn một thời được đánh giá cao, được trọng vọng nên dân gian mới có câu “Thông ngôn, ký lục bạc chục không màng/ Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay”. Chính vì nghề kim hoàn có giá như vậy nên nhiều người chuộng theo học. Do tay nghề cao nên ông Tư Chuyền thu hút được nhiều học trò khắp nơi trong tỉnh và cả các tỉnh miền Tây. Đặc biệt, những hộ dân quanh nhà ông Tư Chuyền cũng cho con đến học nghề và về làm nghề. Dần dà, nghề kim hoàn ở ấp Tân Thạnh phát triển mạnh.

Bà Nguyễn Thị Số, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương cho biết, lúc chưa giải phóng, cả vùng ngã tư Bình Yên (nay là ấp Tân Thạnh) đa số dân làm nghề thợ bạc. Sau giải phóng, một số hộ chuyển sang nghề khác, hiện tại còn khoảng 30 hộ giữ nghề, thu hút trên 200 lao động tham gia hoạt động chế tác gia công trang sức.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng, con trai ông Tư Chuyền hiện là chủ cơ sở gia công dây chuyền cho nhiều tiệm vàng lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện tại cơ sở của anh Dũng có hơn 10 thợ, trung bình mỗi ngày cho ra 40 thành phẩm dây chuyền các loại. Khác với thế hệ của ông Tư Chuyền hoàn toàn chế tác nữ trang bằng phương pháp thủ công thì hiện nay trong làm nghề của các con ông có thêm sự hỗ trợ của máy móc.

Anh Dũng cho biết: “Để thành thạo trong nghề kim hoàn đòi hỏi phải mất thời gian vài ba năm, đi từ chế tác đơn giản đến phức tạp, cầu kỳ. Thợ của tôi chủ yếu vẫn làm phương pháp truyền thống. Không có người tạo mẫu sẵn mà người thợ vừa làm vừa phải suy nghĩ để sáng tạo ra mẫu mã mới, bắt mắt.

Trước đây, cơ sở của tôi có đến vài chục nhân công nhưng do nghề đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắc khe như tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, đạo đức tốt, có khiếu thẩm mỹ… nhưng thu nhập cũng chỉ ngoài 5 triệu đồng mỗi tháng nên nhiều thợ bỏ nghề đi làm công nhân. Những người còn theo nghề là vì yêu thích, đam mê nên gắn bó”.

Bởi vì phía sau những món trang sức lấp lánh, đẹp đẽ là công sức miệt mài của anh thợ bạc. Trực tiếp xem từng công đoạn chế tác trang sức mới thấy cái nghề thợ bạc không lấp lánh mà là một nghề “lem luốc”. Người thợ thường xuyên tiếp xúc với hơi ga, hơi nóng và cả hơi... vàng. Đôi bàn tay và cả mặt mày của người thợ bạc thường dính đầy muội khói.

Và, muốn rửa tay thì phải rửa vào cái thau nước “cặn cáu đen thui” trước khi rửa lại với nước sạch. Từ cái sàn nhà đến cái bàn làm việc của thợ bạc cũng cứ để cho bụi bặm bám. Việc dọn dẹp chỗ làm việc của thợ cũng không thường xuyên, nhưng toàn bộ rác rến đều phải giữ lại làm của để dành. Trước khi ra về, thợ còn phải tắm giặt sạch sẽ và nước thải cũng được cho chảy tập trung về một hố ga và giữ lại.

Chúng tôi đến cơ sở của anh Dũng trong dịp cuối năm, cũng đúng vào thời điểm anh chuẩn bị “nấu heo”. Đây là phần tích lũy của cơ sở trong suốt một năm tích góp. Theo anh Dũng thì sau khi đã nung nấu tất cả cặn cáu, rác rến của xưởng sẽ thu được chất cặn  trong đó có chứa bụi vàng, bạc... Qua kỹ thuật phân kim, thợ bạc sẽ thu hồi được một lượng không nhỏ vàng, bạc nguyên chất. Năm nào gia công nhiều thì cuối năm được khá. Cái mớ rác rửi cả năm tích góp cũng thu được cả chục lượng vàng ròng chứ không ít!

ĐẾN SẢN XUẤT HIỆN ĐẠI

Tiền Giang có nhiều công ty vàng bạc đá quý lớn mạnh, có uy tín với quy mô sản xuất và kinh doanh vượt ra ngoài phạm vi tỉnh lẻ. Bắt nhịp với nghề kim hoàn hiện đại, những cơ sở sản xuất, kinh doanh trang sức lớn đã đưa máy móc và công nghệ vào chế tác. Mỗi một cơ sở kinh doanh sẽ có một dòng sản phẩm chủ lực và hệ thống kỹ thuật riêng.

Ông Trần Văn Ẩn, chủ tiệm vàng Hồng Phúc, phường 1, TP. Mỹ Tho cho biết, hiện cơ sở của ông có hơn 60 thợ kim hoàn làm việc. Cơ sở áp dụng kỹ thuật, thiết bị hiện đại của nghề kim hoàn thế giới vào quy trình sản xuất thành phẩm. Chẳng hạn ngày xưa muốn thử tuổi của vàng thì dùng lửa nhưng bây giờ máy điện tử có thể phân tích chính xác chi tiết thành phần của sản phẩm; mẫu mã sản phẩm có thể thiết kế trên máy vi tính…

Sản phẩm trang sức sản xuất theo dây chuyền hiện đại có độ đồng đều hơn so với sản xuất thủ công và mẫu mã cũng phong phú, đa dạng và bắt mắt hơn, sản xuất ra thành phẩm cũng nhanh hơn. Tiệm vàng Hồng Phúc có bộ phận chế tác mẫu trên máy tính, sau đó in trực tiếp thành khuôn sáp rồi đúc thành phẩm.

Người thợ bạc chỉ cần mài, giũa và thực hiện các công đoạn còn lại để cho ra đời sản phẩm tinh xảo hơn. Thợ kim hoàn làm việc với dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ ít vất vả hơn so với cách làm thủ công, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm được những đức tính cần thiết mà nghề đòi hỏi.

Ông Nguyễn Ngọc Thẩm, Chủ tịch Hội Kim hoàn tỉnh Tiền Giang cho rằng, nghề kim hoàn hình thành và phát triển ở Tiền Giang hơn 100 năm. Theo các vị cao niên trong nghề thì đời thợ đầu tiên là ông Khương Hữu, đời kế đến là Ngọc Quế, Vĩnh Hưng và ông là một trong những người thuộc lớp thợ thứ ba trên đất này.

Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 500 thợ kim hoàn đang hoạt động, phần lớn làm việc cho các cơ sở vàng bạc đá quý lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, số còn lại thì làm nghề theo cách thủ công. Hàng năm cứ đến ngày 12 - 2 âm lịch là cánh thợ kim hoàn lại tề tựu về Nhà thờ tổ nghề Kim hoàn (phường 3, TP. Mỹ Tho) để vừa tri ân tiền bối, vừa gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Nghề kim hoàn của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp thế giới. Nước ta không có trường đào tạo nghề kim hoàn bài bản mà thợ học nghề chủ yếu theo phương pháp truyền nghề. Tại Tiền Giang, nghề kim hoàn đang dần bước sang trang mới, lớp thợ già quy ẩn và lớp thợ trẻ đang chứng tỏ tài năng và bản lĩnh.

Trước xu thế phát triển và hội nhập, nghề kim hoàn cũng đứng trước những thách thức của thời đại và đòi hỏi thợ kim hoàn phải không ngừng tiếp thu cái mới. Tiếp nối tinh hoa của làng nghề truyền thống và tiếp thu công nghệ mới để đưa nghề kim hoàn phát triển thành ngành công nghiệp kim hoàn hiện đại là hướng đi tất yếu của nghề.

THỦY HÀ

.
.
.