Ngư dân Việt Nam: Những "cột mốc sống" kiên cường trên biển
Từ nhiều đời nay, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, sóng to, gió lớn, đặc biệt là các thế lực tranh chấp nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. Họ chính là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển, khẳng định quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Lý Sơn, một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi cách đất liền 15 hải lý, nơi 200 năm trước sản sinh ra Đội Hùng binh Hoàng Sa vâng mệnh chúa Nguyễn giong buồm ra khơi khẳng định chủ quyền của nước nhà trên biển Đông.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, khốc liệt của thiên nhiên, nối tiếp truyền thống cha ông, những cư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn vững vàng bám đảo, bám biển mưu sinh, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn quyết tâm ngày đêm bám biển, giữ vững ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
Huyện đảo Lý Sơn có hơn 21 ngàn dân nhưng có đến hơn 3.000 ngư dân đánh bắt hải sản ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hầu như gia đình nào ở Lý Sơn cũng có người đi biển và đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Với họ, biển khơi gắn chặt với cuộc đời. Họ bảo, ở biển nhiều hơn ở nhà, họ biết rõ từng dặm biển, thông thuộc từng nguồn lạch ở ngoài khơi và rành rẽ từng dấu mốc chủ quyền của Việt Nam.
Vào thời điểm đầu tháng 3, sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, hầu hết ngư dân Lý Sơn đều ra khơi bắt đầu cho một mùa đánh bắt. Ngư dân Nguyễn Ngữ, chủ tàu QNg 96569, xã An Hải (huyện Lý Sơn) chia sẻ:
“Ra khơi thì thôi chứ năm nào ở nhà chúng tôi cũng tham gia với dân làng chuẩn bị các lễ vật để cúng tế những bậc tiền hiền. Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ tri ân các đội hùng binh năm xưa có công cắm cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Và cột mốc này sẽ không bao giờ mất được, bởi chúng tôi ý thức rằng, mỗi một ngư dân ra khơi là một cột mốc chủ quyền”.
Đối với ông Lê Túc, một ngư dân ở xã An Hải (huyện Lý Sơn), lên tàu theo cha ra biển từ năm 17 tuổi. Trên con tàu QNg 66029, ngư dân Lê Túc ngang dọc khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Với ông Túc, ấn tượng hằn in từ những lớp mây đen vần vũ, ánh chớp như xé toạc bầu trời của những cơn giông bất ngờ ập đến hay những trận bão biển vẫn còn rợn người. Tuy nhiên, đến nay đã ngót nghét 20 năm, ông Túc vẫn bám biển.
Chính vì vậy, mỗi khi biển động không đi biển được là ông Túc thấy chân tay tù túng, người rậm rực khó chịu. Theo ông Túc, ngần ấy thời gian bám biển ngoài mưu sinh, còn thực hiện “sứ mệnh” thiêng liêng là góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Cờ Tổ quốc luôn tung bay trên tàu thuyền của ngư dân huyện đảo Lý Sơn - những “cột mốc sống” chủ quyền của Tổ quốc. |
Còn thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn) cho biết, ông đang cùng 12 ngư dân khác đang sửa chữa, sắm lại phương tiện chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới. Bởi vừa qua, tàu của ông đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc dùng roi điện, dùi cui khống chế rồi đập phá, thu giữ số máy móc, dụng cụ, nhiên liệu trên tàu, ước tính thiệt hại lên đến 300 triệu đồng.
“Mặc dù vậy nhưng chúng tôi không hề nao núng, vẫn kiên quyết ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền, vì đó là một phần Tổ quốc mình, của cha ông để lại và cũng là để mưu sinh. Hoàng Sa, Trường Sa với ngư dân chúng tôi như máu thịt. Mấy trăm năm nay, các thế hệ ngư dân chúng tôi là “cột mốc sống” chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa” - anh Thạnh nói.
Ngư dân Nguyễn Ngữ cho biết thêm: “Thuyền viên nào cũng háo hức ra Hoàng Sa, Trường Sa - ngư trường truyền thống của cha ông - để hành nghề. Anh em trên tàu cá chúng tôi một lòng quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Gặp ngư dân Bùi Tiêm (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn), năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn còn khỏe khoắn. Ông Tiêm cho biết, dù không còn ra khơi nữa, nhưng cứ mỗi khi hoàng hôn buông xuống hay lúc bình minh lên, ông lại thường đi về phía biển, nhìn ra đại dương mênh mông, nơi chân trời mờ ảo ấy là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà ngày còn trẻ ông đã từng ngang dọc.
“Cha ông đã mở cõi, thế hệ tiếp nối phải tiếp bước giữ gìn để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những đội tàu lớn nhỏ vẫn ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, cũng là khẳng định vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam” - ông Tiêm nói mà như gửi gắm đến thế hệ ngư dân trẻ hôm nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), những con tàu của ngư dân Việt Nam, trong đó có ngư dân huyện Lý Sơn, với lá cờ Tổ quốc trên tàu chính là “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Hàng trăm năm nay, ngư dân Quảng Ngãi nói chung và ngư dân huyện Lý Sơn nói riêng luôn xem sự có mặt của mình trên vùng biển Hoàng Sa, Trường sa là góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Nhiều ngư dân bị tàu Trung Quốc bắt giữ trái phép, lấy tài sản nhiều lần, nhưng với họ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là máu thịt của Tổ quốc, không thể cắt lìa. Nơi đó, từng con lạch, từng rạn san hô, bãi đá ngầm đã trở nên quen thuộc và ngấm sâu vào máu thịt của họ.
“Ngư dân coi Hoàng Sa, Trường Sa là gốc cội, là máu thịt của Tổ quốc, của tổ tiên, ông bà nên các thế hệ con cháu của ngư dân Quảng Ngãi cũng như Lý Sơn, cho dù khó khăn đến mấy, vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải khẳng định.
HỮU NGHỊ