Những người âm thầm làm theo tấm gương của Bác
Bà Sáu Xuyến (thứ 2 từ trái qua) trong lễ bàn giao nhà tình thương. |
Tôi chuyên viết văn, làm báo nên đi nhiều, viết nhiều. Vậy mà, khi thực hiện đề tài viết về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì thú thật, tôi đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Nói chẳng ai tin bởi đề tài lớn, tập thể, cá nhân điển hình nhiều, vất vả, khó khăn cái nỗi gì?
Vâng! Vẫn biết là vậy nhưng có câu rằng: “có ở trong nghề mới biết”, cái khó ở đây không phải là đề tài mà ở chính các tập thể, cá nhân điển hình không chịu nói về mình. Sao kỳ lạ vậy?
Xin thưa: Chỉ vì một lẽ thường tình thôi, Bác vĩ đại quá, tấm gương đạo đức của Bác sáng ngời quá, như trời biển mênh mông, học tập và làm theo Bác cả đời vẫn cảm thấy chưa đáng là bao nên không một ai dám “vỗ ngực, xưng tên” là đã làm theo Bác được như thế này, như thế kia.
Vì vậy trong quá trình tác nghiệp, tôi đã vấp phải sự từ chối một cách khéo léo của những tập thể, cá nhân điển hình nên tác phẩm chưa thể hiện được những thành tích mà đã đạt được.
Dù vậy, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi nhận thấy rằng, hầu như tất cả mọi người mọi giới, các cấp các ngành đều âm thầm nỗ lực, phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Điển hình trong số đó có bà Nguyễn Thị Xuyến (Sáu Xuyến), sinh năm 1943, ngụ ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, huyện Châu Thành. Vốn là một người nông dân lam lũ, chồng là liệt sĩ, bản thân làm giao liên, từng bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, túng quẫn.
Thế rồi, sau khi được tặng nhà tình nghĩa, bà Sáu Xuyến bỗng dưng “lột xác” trở thành một con người khác. Bà thật thà kể: Nhiều hôm tỉnh giấc giữa đêm khuya, tôi giật mình tưởng đang nằm mơ. Lấy tay véo một cái thật mạnh vào hông thấy đau, mới tin căn nhà tường xây gạch, mái lợp tol sự thật là của mình. Nỗi niềm vui mừng, sung sướng của gia đình tôi không thể nào nói hết được, tôi càng cảm nhận được cái ân tình của Đảng, của nhân dân dành cho gia đình tôi.
Được sống trong căn nhà ấm áp nghĩa tình, tôi lại chạnh nghĩ đến những mảnh đời nghèo khổ đang phải sống trong những căn nhà vẹo xiêu, dột nát. Tôi nghĩ, mình phải làm một việc gì đó để đền đáp công ơn của Đảng, của nhân dân, góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng địa phương giúp đỡ những gia đình đang lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ, để họ cũng được sống trong những căn nhà ấm áp tình thương.
Bà kể tiếp: Trong chiến tranh, trên địa bàn của xã có rất nhiều đơn vị về đóng quân, trong đó có cả đơn vị Y4 của Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định về bám trụ. Lúc đó tôi làm giao liên nên có điều kiện quen biết nhiều người, những năm bị bắt tù đày, tôi lại quen biết nhiều bạn tù. Trong số những người đó sau này, có nhiều người thành đạt như anh Trương Công Dân (Tư An) từng làm Bí thư Quận ủy quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Dựa vào sự quen biết, bà Sáu Xuyến dò hỏi địa chỉ rồi khăn gói đi thăm bạn bè. Bà thật thà bộc bạch: Đi thăm chỉ là cái cớ thôi, chớ thực tình là tôi đi xin tài trợ. Tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn, nỗi khổ của từng gia đình để vận động bạn bè giúp đỡ. Thấy tôi lặn lội đi xin mà không phải xin cho mình, đi làm việc thiện nên bạn bè, anh em rất cảm động, hết lòng giúp đỡ.
Từng làm Bí thư Quận ủy quận 7, TP. Hồ Chí Minh, anh Tư An giới thiệu cho tôi đến một số công ty, xí nghiệp, các tổ chức từ thiện trên địa bàn thành phố. Kết quả thật bất ngờ, qua sự giới thiệu của bạn bè, Công ty TNHH Thiện Hoà ở quận 7 hứa tài trợ 60 triệu đồng. Vậy là chỉ mấy tháng sau, 3 gia đình chính sách của xã Bàn Long gồm: Nguyễn Văn Bền, Trần Văn Trì, Võ Thị Nhẫn được trao tặng 3 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 20 triệu đồng.
Cứ thế, bà Sáu Xuyến lại tranh thủ thời gian lặn lội đi thăm bạn bè và sau mỗi chuyến đi của bà, gia đình bà Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Thàng lại được trao tặng nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng. Không chỉ giúp đỡ gia đình chính sách, bà Xuyến còn vận động Công ty Minh Tấn, Quận đoàn quận 4, Công ty Địa ốc Chợ Lớn tài trợ cho 5 hộ nghèo trong xã 5 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá từ 10 đến 15 triệu đồng.
Mãi mê làm công tác từ thiện, bà Sáu Xuyến trở thành thành viên của Câu lạc bộ nữ Cựu chiến binh (CCB) huyện Châu Thành lúc nào không hay. Được sự phân công của Ban Chủ nhiệm, bà về xã vận động thành lập Câu lạc bộ nữ CCB xã Bàn Long do bà làm Tổ trưởng. Ngoài việc tập hợp chị em để tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bà còn vận động chị em góp vốn xoay vòng, giúp nhau làm kinh tế, tham gia nhiệt tình trong công tác xã hội.
Được mời dự lễ trao tặng căn nhà tình thương cho hộ Nguyễn Văn Bảy (ngụ ấp Long Thạnh, xã Bàn Long), tôi hỏi bà Sáu Xuyến: Đây là căn nhà thứ bao nhiêu do bà đi vận động tài trợ vậy bà Sáu?. Bà ngại ngùng bấm đốt ngón tay nhẩm tính một hồi rồi mới trả lời là căn nhà thứ 21 (10 căn nhà tình nghĩa trị giá 240 triệu đồng, 11 căn nhà tình thương trị giá gần 225 triệu đồng).
Không chỉ đi vận động hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương tặng các gia đình chính sách và các hộ nghèo, bà Sáu Xuyến còn vận động các tổ chức từ thiện ở quận 2, quận 4, quận Bình Tân tài trợ gần 100 triệu đồng, xây dựng 4 tuyến đường đan trong ấp với tổng chiều dài gần 2.500m.
Ngoài ra, bà Sáu Xuyến còn vận động được hàng trăm ký gạo, hàng trăm phần quà tặng các hộ nghèo trong các dịp lễ, tết và hàng ngàn cuốn tập cho các em học sinh nghèo hiếu học.
Thành tích là vậy nhưng khi bà Tám Thu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ CCB huyện Châu Thành đề nghị bà Sáu Xuyến làm bản thành tích đi báo cáo điển hình thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì bà Sáu Xuyến ngơ ngác hỏi: Như vậy là làm theo tấm gương đạo đức của Bác à? Câu hỏi chân chất, quê mùa của bà Sáu Xuyến làm bà Tám Thu bật cười: Thì đúng như vậy đó! Một đời vì nước, vì dân nên Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”. Chị đã làm nhiều việc có lợi cho dân thì cũng có nghĩa là làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Khuôn mặt bà Sáu Xuyến ra chiều đăm chiêu. Thì ra, lâu nay bà làm theo tấm gương đạo đức của Bác mà không hề biết. Nếu đúng là như vậy thì bà sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa, chớ bây giờ thì…. Bà bật lên thành tiếng: Cô Tám Thu à! Tui thấy mình chưa xứng đáng, cứ để tui làm thêm rồi sau này thưa với Bác cũng chưa muộn.
Giờ đây, mặc dù đã bước qua tuổi thất thập, nhưng hễ thấy bà Sáu Xuyến khăn gói đi thăm bạn bè là mọi người đều hy vọng và tin tưởng rằng, sẽ có một gia đình chính sách, một hộ nghèo được tặng nhà tình nghĩa, tình thương hoặc sẽ có một đoạn đường đan vươn dài kết nối tình làng, nghĩa xóm.
Nhân vật điển hình thứ hai là ông Võ Văn Mót, Bí thư chi bộ ấp Long Mỹ, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho. Chi bộ ấp Long Mỹ được bình chọn là nhân tố điển hình của thành phố trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thế nhưng, cũng như nhiều cá nhân điển hình khác, ông Võ Văn Mót không hề nói về mình mà chỉ nói rằng, thành tích là của chung tập thể. Phải vất vả thu thập từ nhiều nguồn thông tin, qua bạn bè, đồng đội, đồng chí của ông, tôi mới được biết ông nguyên là trung tá quân đội đã nghỉ hưu; nghỉ chưa đầy một năm thì được chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ ấp Long Mỹ.
Bí thư chi bộ Võ Văn Mót, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với nghề ươm và nuôi cá cảnh. |
Sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, ông Mót những tưởng sẽ được nghỉ ngơi nào ngờ, “Vậy là nhiệm vụ Đảng giao, mình đâu có thể từ chối được”. Mở đầu câu chuyện bằng một câu như vậy, ông Bí thư chi bộ ấp mới từ từ kể “nỗi truân chuyên” của mình: Không như ở trong quân đội, chỉ cần hô một tiếng là “cả ngàn người chết đứng”.
Tuy là đứng đầu một ấp, lãnh đạo gần hai ngàn dân với trên 490 hộ, nhưng “chín người, mười ý”, không thể muốn nói gì cũng được, làm gì cũng được. Khó khăn nhiều lúc muốn nản, nhưng rồi việc làng việc xã cứ bề bộn, giăng giăng, không làm không được.
Tiếng là ở TP. Mỹ Tho nhưng là một xã ven (nguyên trước đây thuộc xã Long An, huyện Châu Thành) nên tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là hạ tầng cơ sở nông thôn còn nhiều chuyện phải làm. Vì vậy, trách nhiệm của Bí thư chi bộ ấp là không nhỏ, nếu không muốn nói là rất nặng nề.
Vậy ông có cách gì để vượt qua? Tôi hỏi, ông Bí thư chi bộ không ngần ngại trả lời một cách tự tin: Thì cứ học theo Bác mà làm, Bác đã từng dạy: “Dễ một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu chuyện cứ thế mở ra chung quanh chuyện xóm, chuyện ấp, chuyện như thể không có gì đáng chuyện nhưng hấp dẫn vô cùng. Giọng của ông Bí thư chi bộ lúc nhỏ nhẹ như tâm sự với người thân, lúc rổn rảng như tiếng súng công đồn:
Trên địa bàn của ấp có con kinh Mỹ Hưng chảy ra sông Bảo Định lâu ngày bị tắc nghẽn do lục bình, dừa nước, cỏ dại mọc bít kín, rác rưởi nổi lềnh khênh gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Họp chi bộ, tôi đưa vấn đề ra bàn và thống nhất đưa vào nghị quyết để quyết tâm dọn dẹp, khơi thông dòng chảy.
Sau đó là cả một quá trình vận động sự đồng thuận của nhân dân, cái lợi, cái hại được đưa ra bàn bạc, mổ xẻ. Không ít hộ còn tiếc chút lợi ích từ đám lá dừa nước, cuối cùng cũng đã đồng ý tự chặt bỏ. Hàng trăm công lao động được huy động, nhiều tấm gương đầu tàu, gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên đã được thể hiện, khí thế thi đua vô cùng sôi nổi. Lời dạy của Bác quả có sức mạnh phi thường, con kinh ô nhiễm trước đó giờ đã trở thành con kinh xanh.
Từ chuyện kinh mương đến chuyện đường đan. Con đường số 3 dài khoảng 1 km xuyên suốt ấp hễ nắng là bụi mù, còn mưa thì lầy lội, nhiều đoạn cây cối hai bên vươn cành vướng víu lối đi. Ông Bí thư bộ lại họp bàn để thống nhất đưa vào nghị quyết của chi bộ, quyết tâm xây dựng đường đan.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với cẩm nang “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, qua nhiều lần vận động, được sự đồng thuận của nhân dân, con đường bụi mù, lầy lội ngày nào giờ đã trở thành con đường đan rộng rãi, thoáng mát, phẳng phiu.
Từng làm Đội phó Đội công tác cơ sở thuộc Cục Chính trị Quân khu 9, ông Võ Văn Mót có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng nên khi làm Bí thư chi bộ ấp, ông luôn quán triệt quan điểm của Đảng lấy dân làm gốc, trên tinh thần việc gì có lợi cho dân thì làm. Vì vậy, sau khi làm đường đan xong, ông lại đề ra kế hoạch vận động nhân dân trồng hoa hai bên đường, làm cổng rào an ninh, gắn đèn đường, lắp kẻng báo động để giữ gìn an ninh trật tự trong xóm ấp.
Con đường số 3 được công nhận Đường văn hóa đầu tiên của xã, ấp Long Mỹ tự hào được báo cáo điển hình để xã văn hóa Phước Thạnh nhân rộng mô hình làm nền tảng trên con đường xây dựng xã nông thôn mới. Phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được, ông Bí thư chi bộ ấp lại đề ra kế hoạch làm tiếp con đường số 7 dài 1,5 km trên tinh thần nâng cấp theo tiêu chí mới.
Ông phấn khởi cho biết: Lần này sự đồng thuận của nhân dân rất cao, nhiều hộ đã đồng ý hiến đất để mở rộng nền đường, bước đầu đã vận động được 30 triệu đồng. Trên địa bàn ấp đã xây dựng được 7 cổng rào an ninh, đợt này chúng tôi dự kiến sẽ làm thêm 2 cổng rào an ninh nữa để đảm bảo an ninh khép kín địa bàn.
Không chỉ làm tốt trên cương vị Bí thư chi bộ ấp, ông Võ Văn Mót còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Tự tìm tòi học hỏi, ông đầu tư làm nghề ươm và nuôi cá cảnh. Với 2 công vườn, ông xây dựng 3 dãy hồ ươm, nuôi cá, hàng năm thu nhập khoảng gần 70 triệu đồng.
Nghỉ hưu chưa đầy 5 năm, ông Võ Văn Mót đã có 4 năm làm Bí thư chi bộ ấp. Gần 2 nhiệm kỳ làm Bí thư chi bộ, với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông đã cùng với cấp ủy lãnh đạo nhân dân hoàn thành một số công trình trọng điểm, làm cho bộ mặt ấp có nhiều đổi thay trên con đường xây dựng nông thôn mới. Bản thân ông 3 năm liền đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc, năm 2013 được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Còn rất nhiều nữa, những người âm thầm làm theo tấm gương đạo đức của Bác, như bà Tám Thu (Trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Huyện đội Châu Thành). Trở về cuộc sống đời thường, bà Tám Thu nhiệt tình, hăng hái tham gia công tác xã hội, từng làm Phó Chủ tịch Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Châu Thành, Chủ nhiệm CLB nữ CCB huyện.
Cùng với Ban Chấp hành các cấp hội, bà đã cùng đi vận động gần 100 căn nhà tình nghĩa, tình thương; hàng trăm triệu đồng xây dựng các công trình giao thông nông thôn; hàng trăm phần quà tặng các gia đình chính sách và các hộ nghèo.
Cảm động nhất là với đồng lương hưu ít ỏi của mình, bà vẫn trích một phần để tài trợ cho hai sinh viên nghèo hiếu học. Cũng cần nói thêm rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đang càng ngày càng lan tỏa, không chỉ có nhiều người âm thầm làm theo Bác mà các cấp, các ngành đều nỗ lực, phấn đấu làm theo.
Thực hành tiết kiệm, nhiều đơn vị đã đề ra chỉ tiêu tiết kiệm xăng dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, giảm chi phí hàng trăm triệu đồng. Các cấp ủy Đảng đều đưa việc làm theo Bác vào nghị quyết để thường xuyên làm theo; hàng quý, hàng năm đều có sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình; uốn nắn những sai lệch nhằm đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình thực hiện.
Đ.V.H