Khám phá cồn, bãi ven biển Gò Công
Với bờ biển chạy dài cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc, gắn liền với con người và đất phương Nam thời mở cõi, vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt” Gò Công còn có những cồn, bãi ven biển đã và đang trở thành những điểm khám phá lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái biển.
Bắt nghêu ở cồn ông Mão. |
Hấp dẫn cồn Ngang.
Theo đánh giá của ngành Du lịch Tiền Giang, một trong những điểm nhấn của tiềm năng du lịch sinh thái biển Gò Công là các cồn, bãi nằm ven cửa Tiểu trên sông Tiền tiếp giáp biển Đông, bên cạnh điểm du lịch bãi biển Tân Thành đã và đang được khai thác.
Những cồn, bãi ven biển như cồn Ngang, cồn Cống, cồn ông Mão… hội tụ những điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long.
Vài năm trở lại đây, tiềm năng du lịch của các cồn, bãi ven biển này dần được nhiều người biết đến bởi những bài viết giới thiệu được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long, Đài Truyền hình Việt Nam… đã có những phóng sự truyền hình giới thiệu về cồn Ngang. Nếu tìm trên Google, từ khóa “cồn Ngang, Gò Công” sẽ có 266.000 kết quả được tìm kiếm trong 29 giây.
Nằm ở vị trí tiếp giáp phía Đông cù lao Tân Thới, thuộc xã Phú Tân (huyện Gò Công Đông), cồn Ngang có chiều dài 5,5km, rộng 2,5km với diện tích 1.617 ha. Theo các bậc cao niên ở Gò Công, cồn này ngày xưa còn có tên là cồn Gầm vì mỗi khi mùa gió chướng về, người dân ở các xã Tân Thành, Phú Tân... sẽ nghe tiếng sóng vỗ vào cồn lúc mới hình thành nghe như tiếng gầm rõ mồn một. Cồn Ngang là vùng bồi tụ tự nhiên hình thành với hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đa dạng sinh học phong phú gồm cây bần, đước, mắm… cùng hệ động vật vùng biển gồm các loại cá ngát, cá đuối, ốc hương…
Bên cạnh những cảnh quan sinh thái tự nhiên hết sức lý thú, cồn Ngang còn có một vành đai xanh gồm rừng cây dương, đước do cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh trồng từ những năm cồn vừa nổi lên để bảo bọc cồn Ngang khỏi xói mòn và gió, bão.
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên cồn Ngang đã và đang trồng, chăm sóc hàng trăm cây dừa, góp phần tạo thêm màu xanh cho đất cồn ngoài biển. Trên cồn Ngang đã có tòa nhà làm việc của Đội Kiểm soát Biên phòng với kiến trúc 1 trệt, 1 lầu, cùng sân thượng với tổng diện tích 375m2 được xây dựng kiên cố với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, do UBND tỉnh đầu tư, được đưa vào sử dụng năm 2008.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa (bìa trái) trong chuyến khảo sát tại cồn Ngang. Ảnh: Đoàn Phát. |
Đôi lần đến với cồn Ngang, tôi và nhiều đồng nghiệp khác không khỏi bị “hút hồn” bởi vẻ đẹp như bức tranh sơn thủy của màu xanh rừng cây được bọc bởi những bãi cát trắng mênh mông; đặc biệt là vào những đêm trăng tròn, từng ánh vàng xuyên qua những hàng dương êm ả trong tiếng gió biển rì rào… Được biết, Công ty cổ phần thương mại Kinh Thành đã đăng ký thực hiện dự án đầu tư vào Khu du lịch Cồn Ngang rộng 150 ha với tổng số vốn 1.300 tỷ đồng.
Và hơn thế nữa…
Cồn ông Mão cũng là một trong những điểm thu hút du khách khi đến với Gò Công bởi hình ảnh những sân nghêu mênh mông với nhiều bãi cát trải dài thoai thoải khi thủy triều xuống cùng các chòi canh nghêu nằm chơi vơi trên mặt biển. Cồn ông Mão nằm tiếp giáp với vùng đất liền thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), có chiều dài 7km, rộng 5km với diện tích 4.055 ha.
Theo lời truyền miệng của các bậc cao niên ở Gò Công, tên cồn này gắn liền với câu chuyện cảm động về cái chết của vợ chồng ông Mão do bị thủy triều nhấn chìm khi bắt cá, nghêu, sò trên biển. Thi thể vợ chồng ông khi dạt vào bờ vẫn trong tư thế ôm nhau như khẳng định tình thủy chung son sắt, trọn đạo vợ chồng của họ được cư dân làng biển nơi đây cảm phục! Ngôi mộ của họ đến nay đã mất dấu theo dòng thời gian cùng sự xói mòn, vun bồi của cát biển theo quy luật của thủy triều qua hàng trăm năm để tạo thành cồn ông Mão như ngày nay.
Ngoài ra, trên cồn ông Mão còn có di tích Nhà đèn (hải đăng) của Pháp được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX để dẫn đường tàu thuyền đánh cá, cảnh báo nguy hiểm đối với tàu buôn qua lại trên biển lúc bấy giờ…
Ông Võ Văn Mánh (71 tuổi, ngụ ấp Cầu Muống, xã Tân Thành), cán bộ quân đội nghỉ hưu, cho biết: “Vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước (những năm 1960), ông và ông Ba Lợi (lúc đó là Bí thư Xã đoàn) thường ra ẩn nấp ngoài Nhà đèn để tránh sự truy bắt của địch. Nhà đèn có quy mô gần bằng 1 căn nhà, được xây dựng trên các trụ sắt lớn, rất vững chắc.
Theo Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông, cồn ông Mão là khu vực được UBND huyện quy hoạch nơi nuôi nghêu thịt của huyện với 300 ha (chiếm hơn 2/3 diện tích nuôi nghêu thương phẩm trong huyện), năng suất bình quân 30 tấn/ha mỗi lần thu hoạch…
Còn cồn Cống là dải đất cuối cùng của huyện Tân Phú Đông hướng ra biển, nằm giữa các cửa sông, lại giáp biển, vừa là nơi thích hợp cho việc nuôi trồng và khai thác hải sản, vừa là nơi để phát triển du lịch sinh thái. Được biết, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lợi Đạt đã và đang đầu tư nguồn vốn 300 tỷ đồng để xây dựng Khu du lịch cồn Cống với diện tích 100 ha.
Cùng với hệ thống rừng ngập mặn khoảng 1.210 ha từ xã Vàm Láng đến ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành) bao gồm cả rừng phòng hộ, bãi bồi ven biển, các cồn ven biển Gò Công được đánh giá là nguồn dự trữ sinh quyển quý giá của huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Đây là tiền đề quan trọng góp phần hình thành nên tiềm năng du lịch sinh thái biển đặc trưng ở Gò Công nói riêng và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của cồn, bãi ven biển Gò Công rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện mới. Việc phát triển du lịch sinh thái biển sẽ nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các hệ sinh thái đặc thù của vùng biển. UBND huyện đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, khai thác cồn Ngang.
Được biết, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3441/QĐ-UBND phê duyệt chi tiết quy hoạch Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang là khu dịch vụ đa dạng với khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ cao cấp, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dã ngoại vui chơi, khám phá thiên nhiên cho du khách muốn tìm hiểu về thiên nhiên miền Tây Nam bộ.
Việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái cồn Ngang cũng như đã có doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng Khu du lịch ở cồn Cống, là bước đầu khẳng định vị trí du lịch đã được mọi người biết đến từ lâu nhưng vẫn còn ngủ yên, chưa được khai thác, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.
Trong tương lai, tiềm năng du lịch của các cồn, bãi ven biển nếu được khai thác đúng mức, đúng tầm sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh loại hình du lịch thiên nhiên hỗ trợ cho các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên và các giá trị lịch sử, văn hóa sở tại; đồng thời góp phần phát triển cộng đồng như tạo việc làm, tiêu thụ nông sản của người dân địa phương.
NGUYỄN HỮU