Phóng sự: Đất giồng khởi sắc
Từ lâu, nhắc đến Tân Lý Đông người ta nhớ đến con đường 866 đá đỏ long chong, đầy bụi; nhớ đến vùng cát giồng nóng bỏng, đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt. Vì thế mới có câu rằng “… lấy chồng đất giồng gánh nước phồng vai”.
Trường Mẫu giáo Tân Lý Đông. |
Ký ức một thời
Trước đây, người dân ở vùng này hay sử dụng giếng ống để lấy nước sinh hoạt, nhưng không phải nhà nào cũng có khả năng đào giếng, vì thế đa số đều sử dụng ao sâu để trữ nước dùng cho cả xóm. Những năm đầu sau giải phóng, tình hình còn rất khó khăn, cả khu vực thuộc ấp Tân Phú 1 dọc theo Tỉnh lộ 866 mùa khô đều trông vào ao nước lớn cạnh trường tiểu học “Bảy Ván” (nay là Trường Mẫu giáo Tân Lý Đông). Những đêm trăng, hình ảnh trai gái gánh nước dọc theo Tỉnh lộ 866 long chong đá đỏ đã gần như quen thuộc, là minh chứng cho những khó khăn của vùng đất này.
Việc sản xuất cũng gặp nhiều hạn chế do thiếu nước, chủ yếu sản xuất 1 vụ lúa, hoặc trồng hoa màu như dưa, khoai lang… năng suất thấp và bấp bênh, đời sống người dân rất chật vật. Vì thế ngoài việc đồng áng, phụ nữ, trẻ con ở đây còn thuần thục với nghề đương các sản phẩm từ cọng bàng và sau này là lá buông, tạo nên một nghề truyền thống gắn liền với các xã “kiến họ” Tân của huyện Châu Thành (Tân Lý Đông, Tân Hội Đông, Tân Lý Tây…). Vì thế, tiếng giã bàng đêm đêm đã trở thành âm thanh quen thuộc, là một phần trong ký ức tuổi thơ của người dân vùng này.
“...Tiếng ai giã bàng, nhịp nhàng như tiếng lòng tôi...”, lời trong bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Lưu Huỳnh đã nói lên điều đó. Và cũng từ nghề truyền thống này đã hình thành nên một phiên chợ đặc biệt, đó là chợ bàng và các sản phẩm của nó. Chợ chỉ họp từ nửa đêm về sáng tại khu vực chợ Cổ Chi, trung tâm của các xã “kiến họ” Tân, trong đó trao đổi các sản phẩm từ cọng bàng nhổ trong bưng về và các giỏ bàng, đệm bàng, nón bàng…
Theo đà phát triển, phiên chợ này nay đã mai một theo sự thoái trào của nghề đương nhưng nó đã trở thành ký ức một thời của người dân, trong đó Tân Lý Đông là xã có số nhân khẩu sống với nghề này nhiều nhất, lâu đời nhất.
Từng là xã nghèo nhất của huyện Châu Thành với đặc trưng đất giồng khắc nghiệt, khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất, Tân Lý Đông nay đã chuyển mình, từng bước thoát nghèo, trở thành xã đi đầu trong các phong trào thi đua của huyện. Năm 2014, Tân Lý Đông về nhất huyện Châu Thành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. |
Vượt khó vươn lên
Tôi về lại Tân Lý Đông trong những ngày tháng 5 đầy sôi động, khi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với một tâm thế rất phấn khởi. Nếu như 2 năm 2010 - 2011 Đảng bộ chỉ hoàn thành nhiệm vụ, năm 2012 vươn lên trong sạch vững mạnh thì 2 năm 2013 - 2014 đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Một minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Từ một xã nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt, nay toàn xã có 3.799 hộ sử dụng nước sạch, đạt 100% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Số hộ nghèo chỉ còn 166/3.799 hộ, chiếm 4,37% (nghị quyết đề ra là dưới 9%). Đặc biệt đã có 100% hộ dân sử dụng điện, trong đó có 80,7% sử dụng điện kế chính.
Giờ đây, có về Tân Lý Đông sẽ thấy rõ sự thay da đổi thịt trên từng con đường, xóm ấp, nhà cửa khang trang, Đường tỉnh 866 láng nhựa thênh thang, hàng quán dịch vụ nhộn nhịp, mỗi sáng tấp nập xe chở công nhân vào Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương.
Anh Nguyễn Hoàng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Hiện toàn xã chỉ còn 42 căn nhà tạm bợ, còn lại đều đạt chuẩn nhà ở nông thôn mới. Hệ thống giao thông nông thôn đã từng bước hoàn chỉnh, hiện xã đã nhựa, đan hóa 69 tuyến đường, trong năm 2014 xã được thưởng 300 triệu đồng từ việc thực hiện giao thông nông thôn”.
Là xã nằm ở trung tâm của KCN Tân Hương, KCN Long Giang, Tân Lý Đông đã tận dụng được yếu tố “thiên thời, địa lợi” này, làm động lực cho sự phát triển khởi sắc của xã. Sự hình thành của các KCN đã kích thích cho thương mại - dịch vụ của xã chuyển động theo, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là điều kiện tốt cho người dân thoát nghèo bền vững. Anh Huỳnh Văn Phong, ngụ ấp Tân Phú 1, với 3 đời làm ruộng, đương đệm vẫn không thoát được cảnh nhà nền đất, vách lá.
Từ khi 2 con gái vào làm ở KCN Tân Hương, cùng với việc chuyển từ sản xuất lúa sang trồng màu, anh đã xây được ngôi nhà khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi. Đây là một minh chứng cho sự thoát nghèo của người dân nơi đây. Cũng từ lẽ đó, trong 5 năm qua, xã đã chủ trương phát triển công nghiệp, dịch vụ, hiện có thêm 5 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng toàn xã lên 63 cơ sở.
Đường giao thông nông thôn của xã đã nhựa hóa. |
Về phát triển thương mại - dịch vụ, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện lĩnh vực này đang có chiều hướng phát triển, nhất là khi 2 KCN Long Giang và Tân Hương đã khởi sắc. Cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã hiện chiếm 20,62%.
Đánh giá về nguyên nhân sự chuyển mình của xã, anh Nguyễn Hoàng Thái cho rằng: “Quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Bí thư Đảng ủy xã trong việc thực thi các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội XI của xã đã đề ra.
Kế đến là công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đảng bộ xã đã kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, đã tập trung hoạch định các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế của xã; đã tập trung thay đổi cách làm việc trong hệ thống chính trị theo hướng “sâu ngành, sát việc”, gắn lãnh đạo với kiểm tra, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao”.
Từ một xã nghèo nhất huyện, luôn nằm tốp chót bảng trong các phong trào thi đua hàng năm, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, cùng phương thức lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đầy trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lý Đông đã khai thác tốt các yếu tố khách quan vào việc phát triển kinh tế - xã hội của xã, trong đó công tác xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn là cơ bản và rõ nét, tạo dấu ấn đậm nét nhất.
Giờ đây, vùng cát giồng khắc nghiệt ngày nào đã trở thành khu “đất vàng” với những dịch vụ ăn theo 2 KCN và sắp tới sẽ còn tiếp tục “nóng” lên khi đến năm 2020 Tân Lý Đông sẽ hình thành nên Cụm công nghiệp theo như quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển của vùng đất này trong tương lai.
DUY SƠN