Thứ Ba, 02/06/2015, 07:15 (GMT+7)
.

Trăn trở cùng với biển Tân Thành

Gò Công Đông từ lâu được thiên nhiên ban cho một bờ biển chạy dài hơn 20 km, một lợi thế cho phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng vốn có thành thế mạnh, rất cần những dự án đầu tư mang tính đột phá và một chiến lược phát triển du lịch có tính căn cơ, bền vững hơn. Bởi lâu nay bức tranh du lịch biển Gò Công vẫn còn là những nét chấm phá mang đậm chất hoang sơ, tự phát.

Biển Tân Thành nhìn từ Khu du lịch Bình An.
Bãi biễn Tân Thành.

Tiềm năng còn “ngủ yên”

Chúng tôi về Tân Thành (nơi được xem là điểm du lịch biển của khu vực Gò Công) vào những ngày tháng 5 đầy nắng. Cơn mưa đầu mùa bất chợt làm cho nắng bỗng rực lên, chạy dài trên bãi biển. Sáng nay nước kém, bờ cát chạy dài ra xa hàng cây số, những chòi canh nghêu như những nét chấm phá trên bãi biển tạo nên bức tranh rất đặc trưng cho vùng biển vốn nổi tiếng với những sân nghêu. Đây cũng là nét hấp dẫn riêng, thu hút du khách đối với tour du lịch sinh thái biển.

Tân Thành hôm nay đã có sự chuyển mình, Tỉnh lộ 862 từ thị trấn Tân Hòa về biển hàng quán đông ken, chợ Tân Thành khang trang vừa được xây dựng hứa hẹn một thị trấn ven biển sầm uất trong nay mai. Trung tâm du lịch đã có dáng vóc hơn với những dãy hàng quán hải sản dã chiến mọc xen dưới những tán dương rợp mát. Khu du lịch Bình An trên tuyến đường kinh Láng Biển vừa được đầu tư là “điểm nhấn” làm mới cho Khu du lịch Tân Thành.

Tuy nhiên, tất cả gần như chỉ có thế; khu vực thị tứ của biển Tân Thành vẫn khá vắng lặng như 10 năm trước. Cầu tàu vươn dài ra biển buổi sáng vẫn vắng bóng du khách. Lang thang dọc tuyến đường láng biển chúng tôi không tìm được điểm giải trí thư giãn nào ngoài vài quán lá ven biển mà tính hoang sơ cùng chất lượng và giá cả phục vụ vẫn chưa thật sự làm yên tâm du khách.

Biển Tân Thành nhìn từ Khu du lịch Bình An.
Biển Tân Thành nhìn từ Khu du lịch Bình An.

Anh Thành quê ở Bến Tre đến đây mở quán đã hơn năm nay cho biết: Lượng khách vẫn chưa nhiều, chỉ đông vào các dịp lễ, tết do giao thông kết nối với thành phố còn khó khăn, khách ít nên cũng không dám đầu tư lớn.

Về giá cả tại sao lại khá đắt thì theo anh ngoài nghêu và tôm vốn là thế mạnh của địa phương thì các đặc sản biển khác vẫn phải thu mua từ nơi khác. Trong khi đó, anh Lê Hoàng Phương, chủ quán hải sản nhà sàn ven biển chia sẻ: “Do biển không tắm được và không có gì chơi nên vắng khách lắm, chỉ bán được 2 ngày cuối tuần cho thực khách thích hải sản thôi”.

Chiều Tân Thành vắng lặng và đầy trăn trở, trong tiếng gió biển vi vu, chúng tôi nghĩ đến những nhận định của lãnh đạo huyện trong những lần tiếp xúc trao đổi về thế mạnh của biển Tân Thành trong mối liên kết khép kín giữa du lịch sinh thái biển và du lịch văn hóa truyền thống. Đó là vị trí độc đáo của vùng đất ven biển với đặc trưng “trước biển sau vườn”; biển tựa lưng vào các ruộng lúa và vườn cây ăn trái, hiệu quả từ chương trình ngọt hóa.

Đây là nét rất riêng chỉ có ở biển Gò Công, rất thuận lợi cho việc kết hợp giữa du lịch biển và tham quan các vườn cây ăn trái với các đặc sản của vùng đất này như sơ ri, mãng cầu. Ngoài ra khu vực Gò Công còn có nhiều địa danh tham quan khá nổi tiếng như: Đình Gia Thuận, Lũy Pháo Đài, Đám lá tối trời, Ao Dinh ở xã Tân Phước, Làng tủ thờ Gò Công ở xã Tân Trung, cùng phong trào đờn ca tài tử, tất cả sẽ góp phần làm phong phú thêm cho các tour du lịch của địa phương.

Tuy nhiên, đó là những nhận định của 10 năm trước, vấn đề là làm thế nào để tổ chức và gắn kết được các tour tuyến du lịch. Với những gì cảm nhận được ở Tân Thành hôm nay, chúng tôi thấy rằng để đánh thức tiềm năng trên và biến nó thành thế mạnh trong phát triển kinh tế biển thì con đường phía trước còn lắm khó khăn.

Bao giờ đánh thức tiềm năng?

Hơn 10 năm trước (tháng 6-2004), UBND tỉnh đã có quyết định giao cho huyện Gò Công Đông cơ chế quản lý và làm chủ đầu tư các dự án phát triển du lịch biển Tân Thành, đây là một thuận lợi cho huyện trong việc`chủ động tìm kiếm đối tác, quy hoạch chi tiết theo yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức cho địa phương trong việc tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, biến những tiềm năng lâu nay vẫn ngủ quên thành những hiệu quả kinh tế  thực thụ. Thực thế, sau 10 năm những dự án du lịch biển Tân Thành vẫn còn đang ấp ủ.

Du khách chụp ảnh trên biển.
Du khách chụp ảnh trên biển.

Ông Võ Văn Mười, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Gò Công Đông cho biết: Để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì huyện đã chỉ đạo tập trung phát triển du lịch biển. Những năm qua, huyện đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các bước khởi động cho dự án, cơ sở hạ tầng, điện, đường đã được đầu tư đến chân dự án, nhưng việc thu hút còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ trong kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Theo ông Mười, ngày 3-2-2007 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hàng dương - Tân Thành với hơn 80 ha. Hiện nay ngoài 2 ha của Công ty CP Du lịch Tiền Giang xây nhà hàng thì Công ty TNHH MTV Vạn Bình An đã thuê 11,7 ha, hiện đã đầu tư giai đoạn 1 với 2 ha; còn gần 66 ha nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Được biết, ngoài Khu du lịch sinh thái Hàng Dương - Tân Thành, trước đây huyện Gò Công Đông cũng đã có ý quy hoạch Khu du lịch sinh thái Tràm bông vàng, với quy mô dự kiến 15 ha, nằm về phía Bắc tỉnh lộ 862 (trong đê biển) và Khu du lịch sinh thái Vàm Láng rộng 15 ha cạnh tuyến đê biển, nhằm đón đầu các dự án công nghiệp với khoảng 10.000 công nhân sẽ hình thành tại đây trong tương lai. Tuy nhiên, khi các dự án công nghiệp khu vực phía Đông bị đình trệ thì những tính toán du lịch cũng tạm dừng lại. 

Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương thì vấn đề khó khăn nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch biển Gò Công là nguồn vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những nét đặc trưng có lợi thế cạnh tranh thì biển Gò Công có một điểm yếu là nước biển quá dơ, gần như không tắm được, vì thế sức hấp dẫn, sự thu hút từ biển khơi của Tân Thành - Gò Công đã giảm đi rất nhiều nên các nhà đầu tư còn dè dặt khi muốn đầu tư, đây là vấn đề cơ bản nhất.

Vì thế, cần tạo ra nhiều vệ tinh độc đáo hơn nữa, khai thác tối đa thế mạnh của vùng đất Gò Công với các di tích, làng nghề truyền thống trong các tour du lịch liên hoàn, đang là vấn đề đặt ra cho địa phương cùng các nhà quản lý trong tỉnh. Vấn đề này đã được đặt ra 10 năm trước, nhưng đến nay tiềm năng của vùng đất này vẫn tiếp tục còn đang ấp ủ.

Rời Tân Thành trong tôi còn nhiều trăn trở, làm thế nào để đánh thức tiềm năng vốn vẫn còn ngủ quên trong lời ru của sóng, làm thế nào biến những tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh, nhằm tạo sự chuyển mình cho vùng biển còn đậm chất hoang sơ, biến ngành “công nghiệp không khói” trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của huyện trong tương lai gần, đặc biệt là khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành. Câu hỏi ấy theo tôi mãi suốt chặng đường về.

DUY SƠN

.
.
.