Bài 1: Thới sơn - ngày trở lại
Mang đặc trưng của các tỉnh miền Tây sông nước, Tiền Giang có 4 xã, phường cù lao chạy dọc sông Tiền. Mỗi cù lao có một nét riêng, một thế mạnh. Và hiện tại, trong xu thế hội nhập, những vùng đất một thời khó khăn giữa mênh mông sông nước đều đã được khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để chuyển mình đi tới trong sự phát triển chung của tỉnh.
Một góc cù lao Thới Sơn. |
Từ đỉnh cầu Rạch Miễu, cù lao Thới Sơn hiện ra như một hòn ngọc xanh chạy dọc sông Tiền mênh mông gió lộng. Hơn 5 năm trôi qua sau ngày nối với đất liền và “về với” TP. Mỹ Tho, vùng đất một thời được xem là ốc đảo này đang từng bước chuyển mình vươn tới, xứng tầm là một “tứ linh” trên sông Tiền.
“Cù lao Lân” khởi sắc
Cù lao Lân (cù lao Thới Sơn, một trong 4 cù lao được xem là “tứ linh” trên sông Tiền gồm: Long, Lân, Qui, Phụng), từ lâu được biết đến là điểm du lịch sông nước, trước đây du khách đến với cù lao xanh này bằng đường thủy. Vì thế, hạ tầng giao thông nơi đây chỉ phục vụ cho xe 2 bánh; khi có dự án nối với đất liền thì kế hoạch nâng cấp hệ thống giao thông để đón khách đường bộ cũng đã khởi động.
Hiện con đường xương sống chạy dọc cù lao đã láng nhựa thênh thang, nhà cửa 2 bên đường khá khang trang, san sát, một sự “thay da, đổi thịt” ấn tượng cho vùng đất một thời đò giang cách trở. Anh Võ Thành Thái, ấp Thới Thuận cho biết, nhà có 8 công vườn, từ lúc có cầu việc làm ăn thuận lợi, phát triển hơn nhiều; trước đây trái cây phải đem qua vựa mới bán được, giờ thương lái đến mua tận vườn, con cái đi học cũng dễ dàng hơn.
Ông Bùi Văn Bảo, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Sơn chia sẻ: “Từ ngày nối với đất liền việc đi lại, giao thương của người dân thuận tiện hơn; cộng với việc được đầu tư về cơ sở hạ tầng của thành phố, nên kinh tế của xã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người đề ra đến năm 2015 là 18 triệu đồng/người, nhưng nay đã đạt 41 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,4%.
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 Đảng bộ xã đã tập trung lo phát triển đời sống người dân, đến nay đã có trên 90% hộ có nhà kiên cố, không còn nhà tạm bợ; 100% hộ có điện, nước sạch sử dụng và có phương tiện nghe nhìn; 80% hộ có xe máy. Vốn có thế mạnh về du lịch sinh thái, nên những năm qua xã đã tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; hiện xã có 14 tuyến, điểm tham quan, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ khi nối với đất liền tăng 46,49%”.
Giờ đây, sau những “cơn sốt” về đất đai quanh dự án của Hoàng Kiều thì Thới Sơn đã trở lại sự yên ắng cố hữu. Tuy nhiên, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi và tâm thế người dân cũng phấn khởi hơn sau những thành công trong việc hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ qua. Tất cả kỳ vọng, tin tưởng trong nhiệm kỳ tiếp theo, với việc xác định thương mại - dịch vụ - du lịch vẫn là thế mạnh và chuyển dịch nông nghiệp phục vụ cho du lịch, thì đời sống của người dân và bộ mặt cù lao này sẽ tiếp tục đổi thay.
Đừng để mai một “thương hiệu” Thới Sơn
Trở lại Thới Sơn không thể không nói đến du lịch; bởi với không khí trong lành, bốn bề sông nước, ngay từ năm 1998 cù lao này là điểm dừng chân không thể thiếu trong các tour du lịch sông Mê Kông, là điểm son trên bản đồ du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, không ngoa khi nói rằng Thới Sơn là một điểm du lịch có “thương hiệu” của miền Tây Nam bộ. Vì lẽ đó, lượng khách du lịch đến với Thới Sơn luôn cao và chiếm hơn 50% lượng du khách đến Tiền Giang mỗi năm, đặc biệt là khi có cầu Rạch Miễu.
Tuy nhiên, theo nhận xét của du khách, các dịch vụ du lịch của cù lao này gần 10 năm qua vẫn chưa có gì thay đổi, nó đã trở nên đơn điệu trong mắt khách quốc tế và quá quen thuộc, không hấp dẫn với du khách nội địa. Cảnh quan cho du lịch của Thới Sơn ngày càng xuống cấp nên không quá ngạc nhiên khi nhiều du khách trong nước đã than phiền về một “du lịch Thới Sơn không có gì” sau chuyến tham quan.
Dù rất phấn khởi trước sự đổi thay của cù lao này, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Bảo vẫn cho rằng Thới Sơn chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó, nhất là về du lịch. Ông Bảo trăn trở nhiều về việc du lịch Thới Sơn đang mất dần đi tính “thượng phong” trước kia và vẫn chưa có “điểm nhấn” cần thiết để giữ chân du khách.
Du khách mua quà lưu niệm. |
Bác tư Đàng, người đầu tiên làm du lịch sinh thái tại cù lao này, hiện đang còn giữ 1 điểm du lịch tại khu Thới Sơn 1 than rằng: “Vài năm gần đây lượng khách quốc tế giảm mạnh, có ngày không có đoàn nào ghé; còn khách nội địa thì chỉ đông vào dịp lễ, tết, nhưng đều than phiền là không có gì để chơi. Tỉnh cần xem lại nếu không là mất “uy tín” du lịch Thới Sơn.
Riêng đò chèo tại bến Thới Sơn 1 trước đây có gần 240 chiếc, nay chỉ còn 24, anh chị em đò chèo có ngày không đi được tour nào, cuối tuần có khi được 2 tour. Lý do là các công ty lữ hành hạ giá tour nên không đưa khách lên Thới Sơn 1 do xa, trong khi khu Thới Sơn 4, 5 thì môi trường sinh thái không bảo đảm, nặng về yếu tố kinh doanh”.
Trong 4 cù lao mệnh danh là “tứ linh”, thì “cù lao Lân” (Thới Sơn) có diện tích lớn nhất. Theo sử sách ghi lại, “cù lao Lân” nổi lên từ thời Vua Duệ Tông (năm 1700), lúc bấy giờ gọi là Bãi Tôn hoặc cù lao Hộ. Đất cù lao phù sa màu mỡ, trở thành một vùng đất trù phú. Đứng bên này sông Tiền nhìn sang mảnh đất cù lao mượt mà, xanh tươi, người đời mường tượng ra một cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc nên mới đặt tên gọi là cù lao Thái Sơn, sau này do đọc trại nên mới có tên là cù lao Thới Sơn như bây giờ. Từ năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt xã Thới Sơn thuộc tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Tháng 2-1976, xã Thới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 3-9-2009, Thới Sơn sáp nhập về với TP. Mỹ Tho. Thới Sơn là vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Mùa xuân năm 1785, người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chiến thắng oanh liệt trận Rạch Gầm - Xoài Mút phá tan 5 vạn quân Xiêm. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cù lao này lại ghi dấu với thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm nên xã Thới Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1978, và Thới Sơn cùng với phường 4 - TX. Gò Công được công nhận là xã văn hóa đầu tiên của tỉnh từ năm 2000. |
Trong khi đó, chú ba Thảo, chủ 1 điểm homestay và nhà hàng tại khu Thới Sơn 5 thì cho rằng: “Nhà hàng chỉ có khách vào cuối tuần, homestay thì do tỉnh có chủ trương quá trễ nên cơ hội cũng qua đi và do Thới Sơn sau khi có cầu Rạch Miễu đã đô thị hóa nhiều nên khách Tây ít dần…”.
Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Du khách đến với Thới Sơn vẫn tăng hàng năm từ ngày có cầu Rạch Miễu.
Cụ thể năm 2009 có 402.030 lượt khách đến Thới Sơn, năm 2010 là 475.910 lượt, năm 2013 tăng lên 601.066 lượt và năm 2014 là 610.162 lượt.
Sở dĩ khu Thới Sơn 1 vắng khách là do trước đây, khi Hoàng Kiều “còn nắm” Công ty CP Du lịch Tiền Giang đã tăng giá tour nên các công ty lữ hành khác không đến, mà chọn khu Thới Sơn 4, 5 do tuyến đường di chuyển ngắn hơn; giờ đã quen, muốn khách trở lại Thới Sơn 1 phải chờ thời gian”.
Về dự án 7 khu du lịch chuyên đề với hơn 77 ha được quy hoạch từ năm 2006, ông Phong cho biết:
“Nay đã bỏ 3 khu, còn lại 4 khu là khu đón tiếp đường bộ 2,5 ha, khu thể thao dưới nước 7,4 ha, khu làng nghề Nam bộ 9,9 ha; khu nghỉ dưỡng 10,8 ha. Hiện đang triển khai khu đón tiếp đường bộ, tuy nhiên qua 2 năm chỉ mới giải tỏa được 0,8 ha; các khu khác đang kêu gọi đầu tư, nhưng gặp khó khăn do các dự án này đều gắn với cộng đồng, đều là đất của dân nên còn phải chờ sự đồng thuận về giá của người dân”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cấp phép cho hoạt động kinh doanh tại Thới Sơn là do Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Mỹ Tho. Hiện các điểm du lịch tại khu Thới Sơn 4, 5 đang phát triển nhanh, nhưng nặng yếu tố kinh doanh, môi trường, cảnh quan không được thẩm mỹ.
Sở VH-TT&DL đã đề nghị UBND TP. Mỹ Tho có biện pháp chấn chỉnh lại hoạt động khu này; đồng thời trồng cây trên tuyến đường xuyên xã để tạo cảnh quan cho du lịch xanh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thành phố triển khai.
Cù lao Thới Sơn nối với đất liền, môi trường sinh thái đã có những thay đổi và với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, nét hoang sơ của thế ốc đảo ngày nào ít nhiều đã mai một. Và như thế tính hấp dẫn của vùng đất mệnh danh “tứ linh” này rồi sẽ dần phai. Vì thế cần sớm có sự chấn chỉnh mang tính quyết liệt để vực dậy và khai thác tốt “thương hiệu” du lịch Thới Sơn là vấn đề đặt ra.
Đồng thời trong việc chấn chỉnh, sắp xếp và quy hoạch du lịch cần quan tâm hơn đến mối quan hệ tổng quan giữa yếu tố môi trường và an sinh xã hội. Bởi để giữ được cái gọi là “văn minh miệt vườn”, mang “thương hiệu” Thới Sơn, thì du lịch phải gắn với cộng đồng, không thể tách rời dân. Vì thế phương châm “khai thác hiện tại, không làm tổn hại tương lai” là vấn đề đáng được quan tâm.
DUY SƠN
(Còn tiếp)