Bài 2: Cồn Tân Long và ước vọng hóa rồng
Bài 1: Thới sơn - ngày trở lại
Nằm thơ mộng giữa bốn bề sông nước, cùng với sự trù phú, thịnh vượng vốn có của mình, cồn Tân Long một thời được xem là hòn ngọc trên sông Tiền của TP. Mỹ Tho. Tuy nhiên, ít ai biết được lịch sử thăng trầm, nhiều biến cố không vui của một nơi được xem là có “long mạch” dưới lòng đất.
Cồn Tân Long nhìn từ Công viên Lạc Hồng. |
Ký ức buồn…
Xa xưa vùng đất Tân Long còn được gọi là cồn Rồng. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, cồn Rồng bắt đầu nổi lên từ năm 1788, có hình dáng con rồng, nên khi Nguyễn Ánh đi qua đây đã đặt tên là Long Châu, dân gian gọi nôm na là cồn Rồng. Cồn có chiều dài khoảng 2 dặm, làm thành một cái la tinh trấn giữa thủy khẩu, ngăn đón sóng cồn, giúp thuyền bè qua lại trên sông tiện lợi nên nghiễm nhiên trở thành danh thắng.
Các nhà địa lý nói: Cửa sông mà có cồn cát nổi lên cao, đất ấy ắt có “long mạch”, sẽ thịnh vượng. Cũng theo Gia Định thành thông chí: Ngày xưa khi gió đông nam nổi lên thì thế nước rất dữ, sóng gió cuồn cuộn, thuyền bè qua lại luôn bị nguy hiểm nên khi có bãi rồng nổi lên, ngăn giữ sóng gió, thuyền bè qua lại rất tiện lợi. Có bài vịnh “Trường Giang như luyện”, nghĩa là sông phẳng lặng như tấm lụa, nay hung dữ, nguy hiểm đã tiêu tan mà thành con đường thủy rất phẳng lặng. Đến thế kỷ XIX, cồn Rồng được xem là một thắng cảnh của Mỹ Tho.
Từ lúc hình thành đến năm 1946, cồn Rồng vẫn còn hoang vu, đầy cỏ lau, nên thực dân Pháp đã chọn cồn là nơi cách ly những người bệnh phong từ các tỉnh Nam kỳ về ở và cho xây phía cuối cồn bệnh viện để quản lý và chữa trị. Do đó, cồn Rồng còn có tên gọi là “cồn cùi”. Năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp, người Nhật đưa những người bệnh phong về Trại phong Qui Hòa (Qui Nhơn), cồn Rồng lại bị bỏ hoang từ đó.
Bác Lê Văn Minh, nay 88 tuổi, đã có 50 năm gắn bó với cồn này cho biết: “Tân Long vẫn còn lưu lại trong ký ức của người dân về những dấu vết, địa danh nhắc nhở một thời là nơi cách ly của những bệnh nhân phong, như nhà thương cùi ở cuối cồn (thuộc ấp Tân Bình), nay đã đã bị sạt lở xuống sông; hay Lộ cùi là con đường xương sống chạy dọc cồn.
Trước đây giao thông đều là đường đất, cầu dừa, không có lộ tẻ, việc đi lại rất khó khăn. Cù lao này được xem là cù lao “quốc tế” bởi dân tứ xứ “chạy giặc” đến đây lập nghiệp, trong đó nhiều nhất là người Tiền Giang và Bến Tre. Chỉ đến sau giải phóng đường sá nơi đây mới được chỉnh trang và cuộc sống sung túc hơn.
Theo các vị cao niên, cồn Tân Long khi mới xuất hiện có diện tích hơn 200 ha, do tình trạng sạt lở nay chỉ còn khoảng 60 ha. Trước đây đầu cồn chạy dài đến ngang Cầu Bắc cũ (cuối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đuôi cồn kéo dài đến vàm Kỳ Hôn. Tình trạng sạt lở, nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nạn nước biển dâng cao, xâm ngập mặn, cùng với tác động của gió bão do địa hình trống trải giữa sông Tiền là những vấn đề đáng quan tâm của cồn này.
Và ước vọng nối với đất liền
Thế mạnh kinh tế hiện nay của Tân Long là thương mại - dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cùng các dịch vụ hậu cần cho nghề cá. Những năm hưng thịnh, Tân Long có đến hơn 300 bè cá, 55 chiếc tàu đánh bắt của phường và gần 300 tàu cá từ Bình Định về đây cư trú hàng tháng, tạo nên một Tân Long nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền.
Từ một vùng đất hoang vu, từng là nơi ẩn dật, cách ly của những bệnh nhân phong, cồn Rồng nay đã là phường văn hóa, cơ sở hạ tầng đã được chỉnh trang, đời sống người dân đã nhiều thay đổi. Đêm xuống từ Công viên Lạc Hồng nhìn sang, Tân Long rực sáng ánh đèn, lung linh soi bóng xuống sông Tiền mênh mông lộng gió.
Làng bè ở phía bắc cồn rồng. |
Đưa chúng tôi đi gặp những vị cao niên của cồn, chị Lai Thanh Thủy, cán bộ văn hóa - xã hội của phường cho biết, mình là người con sinh ra và lớn lên tại đây nên rất tự hào về những đổi thay của mảnh đất này. Tuy nhiên, nữ cán bộ trẻ của cồn Rồng vẫn còn trăn trở khi chưa thể giới thiệu được tiềm năng về du lịch của cồn với các nhà đầu tư. Một dự án cáp treo trên sông Tiền đi qua các cồn “tứ linh” (gồm Long, Lân, Qui, Phụng) là ý tưởng khá táo bạo nhưng cũng đầy lý thú của cô cán bộ thế hệ 8X này. Đây có thể là một cú đột phá trong du lịch sông nước của vùng Tiền Giang, Bến Tre nếu được triển khai.
Cũng như các cồn, cù lao trên sông Tiền, Tân Long có nét đặc trưng để phát triển vườn cây ăn trái và du lịch sông nước. Tuy nhiên, do gần với trung tâm TP. Mỹ Tho nên tốc độ đô thị hóa của Tân Long khá nhanh, cộng với vị trí thuận tiện do lịch sử để lại nên phát triển mạnh nghề đánh bắt xa bờ và nuôi thủy sản. Những năm gần đây, phát triển về thủy sản của Tân Long có dấu hiệu chựng lại.
Ông Lê Văn Nghiệp, Chủ tịch UBND phường Tân Long chia sẻ: “Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua của phường đều đạt, vượt, nhưng do các điều kiện khách quan như ngư trường thu hẹp, nguyên liệu đầu vào tăng, môi trường nuôi bị ô nhiễm nên hiệu quả kinh tế mang lại từ đánh bắt, cũng như nuôi trồng thủy sản của phường thời gian gần đây không cao.
Cụ thể, ở đầu nhiệm kỳ (năm 2010) đội tàu đánh bắt của phường là 55 chiếc, nay còn 42; bè cá giảm từ 350 bè xuống còn 220 bè; từ đó kéo theo khó khăn của 5 cơ sở đóng tàu; 3 hãng sản xuất nước đá phục vụ nghề biển, giờ chỉ còn 1 hãng hoạt động cũng không hết công suất. Vì thế, xác định và phát huy lợi thế, xây dựng cơ cấu kinh tế lại cho hợp lý là vấn đề đặt ra cho Đảng bộ phường trong thời gian tới với ước vọng biến cồn Rồng vươn xa hơn nữa”.
Vừa qua, tỉnh đã đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng bờ kè phía Tây của cồn và đang có chủ trương kè tiếp phần phía Đông của cồn. Đó là tiền đề để thu hút đầu tư các dự án du lịch cho cồn này. Ông Nghiệp cho biết thêm là sẽ di dời các bè cá từ bờ Bắc hiện nay sang phía bờ Nam của cồn, nhằm tạo vẻ mỹ quan cho cồn khi nhìn từ phía Công viên Lạc Hồng sang và cũng có động thái thực hiện Dự án cầu treo nối cồn Tân Long với đất liền từ phía Bến tắm ngựa (phường 2, TP. Mỹ Tho). Đây chính là tiền đề để phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cho khu vực phía Nam cồn vốn vẫn còn đậm nét hoang sơ.
Trong Nghị quyết của Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì Tân Long sẽ phát triển thành phường du lịch nghỉ dưỡng. Ông Lê Văn Nghiệp cho biết, phường sẽ tìm giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị.
Sẽ tận dụng lợi thế về sông nước, vườn cây ăn trái, bè cá trên sông, du thuyền trên sông; nghiên cứu một vài nghề thủ công truyền thống, làm ra các sản phẩm lưu niệm có nét đặc trưng. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên, tổ chức liên doanh, liên kết để tạo cho Tân Long có những sản phẩm du lịch mới, lạ, không nhàm chán. Trước mắt sẽ đầu tư di dời chợ Tân Long về Nhà Văn hóa cũ để mở rộng Bến phà Tân Long, nhằm tạo điều kiện cho khách đến cồn dễ dàng hơn.
Thế mạnh truyền thống về đánh bắt hải sản vẫn được phát huy với việc đầu tư máy móc hiện đại hơn cho những chuyến đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái là hướng đặt ra cho Tân Long trong tương lai.
Trong những định hướng đó, mơ ước về một chiếc cầu dây nối Tân Long với đất liền của TP. Mỹ Tho sẽ là một hướng mở, một bước đột phá nhằm phá thế ốc đảo bấy lâu của cồn này, tạo tiền đề cho cồn Rồng bay xa hơn nữa, trở thành trung tâm vui chơi, nghỉ dưỡng, xứng danh là một “ hòn ngọc” của Mỹ Tho trên sông Tiền.
Duy Sơn (còn tiếp)