Bài 3: Bước thăng trầm của "vương quốc" sầu riêng
Bài 1: Thới sơn - ngày trở lại
Bài 2: Cồn Tân Long và ước vọng hóa rồng
Cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) được khai phá từ lâu đời. Cuối thế kỷ XVII đã có nhiều người đi khai hoang, lập ấp qua lại vùng này. Trong quá trình hình thành và phát triển, cù lao Ngũ Hiệp trải qua nhiều bước thăng trầm với nhiều biến cố và có nhiều tên gọi khác nhau như cù lao Trà Tân, cù lao Năm Thôn. Và đến nay, cù lao Ngũ Hiệp đang nổi danh như là “vương quốc” của sầu riêng.
Bác Tư Tây (bên phải),ngụxã Ngũ Hiệp - người có công nhân và phổ biến giống sầu riêng hạt lép “chuồng bò”. Ảnh: TL |
Từ cù lao… tự trị
Đến năm 1864 trên cù lao Ngũ Hiệp chỉ có 8 gia đình cư trú. Bấy giờ, trong hàng ngũ sĩ quan Pháp có tên thực dân Taillefer. Lợi dụng đất vắng chủ, Taillefer nhảy vô trưng khẩn 300 ha đất ở cù lao Ngũ Hiệp với giá rẻ mạt. Taillefer tung tiền ra mộ người làm thuê và áp dụng lối cai trị theo kiểu trại lính. Hàng ngày, cả sáng lẫn chiều, Taillefer đều đánh trống gom dân lại điểm danh. Taillefer tự xưng là “Tiểu vương quốc” và nắm trọn quyền ở cù lao Ngũ Hiệp...
Tại “vương quốc” của mình trên đất cù lao Ngũ Hiệp, Taillefer lập nhà máy xay lúa, mua lúa non của dân trên cù lao, cho vay cắt cổ với lãi suất 10%/tháng; người vay nợ phái ký giấy cầm cố đất, không trả được tiền thì phải chịu cảnh mất đất. Học theo kiểu lấy hàng đổi lúa của người Hoa, Taillefer nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Pháp về, rồi bắt dân cù lao mua lại hoặc đổi lúa. Nhưng do hàng hóa của Taillefer quá xa xỉ nên không mấy người mua.
Taillefer còn trồng cây va-ni để làm bột thơm gia vị, trồng bông vải, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía. Đến năm 1868, cù lao Ngũ Hiệp quy tụ gần 1.200 người, Taillefer cho lập 2 làng, nhìn bên ngoài rất phồn thịnh. Nhưng cũng chính năm này, vụ mùa trên cù lao thất bát, cùng với việc người dân không chịu nổi sự hà khắc của Taillefer nên đã bỏ trốn khá nhiều. Năm 1871, Taillefer phá sản và cù lao Ngũ Hiệp bị đem ra phát mại.
Lúc bấy giờ, Tổng đốc Trần Bá Lộc đang là chủ huyện Cái Bè nhân cơ hội này mua lại cù lao Ngũ Hiệp với tham vọng làm “lãnh chúa”. Trần Bá Lộc đầu tư mở rộng đất canh tác tại cù lao này lên tới 750 ha. Tuy nhiên, Trần Bá Lộc nắm trọn quyền trên đất cù lao này chỉ có 9 năm. Sau khi y mất, con là Trần Bá Thọ làm chủ quận Kiến Phong (Sa Đéc) kế thừa di sản, trong đó có cù lao Ngũ Hiệp, tiếp tục giấc mơ lập “vương quốc” ở cù lao này. Đến năm 1909, Trần Bá Thọ sạt nghiệp, tự tử. Theo sự thỏa thuận trong gia đình, cù lao Ngũ Hiệp được bán cho vợ chồng Đốc phủ Mầu. Một lần nữa, cù lao Ngũ Hiệp trở thành “vương quốc”.
Đốc phủ Mầu giải tán hội tề xã để nắm trọn quyền hành. Dân trên cù lao phải làm xâu và đóng thuế thân cho y. Tất cả người dân trên cù lao phải gọi vợ chồng y là ông cố, bà cố, gọi con cái y là ông lớn, bà lớn và mỗi khi gặp vợ chồng y đều phải quỳ lạy, thưa bẩm.
Vợ chồng Đốc phủ Mầu tính toán bóc lột rất tinh vi. Khi cho thuê ruộng thì dùng thước non, tính luôn cả bờ ruộng. Tôm cá dưới kinh rạch không ai được câu bắt. Hắn cho nông dân vay lúa bằng giạ 40 lít, thu lại bằng giạ 50 lít, không kể 50% lãi trong 1 năm. Đến mùa gặt lúa, các cửa cổng đều đóng kín, trên bờ bao có người cưỡi ngựa canh tuần suốt ngày đêm. Người đong lúa ruộng, lúa vay xong mới được cấp giấy chở lúa ra khỏi cù lao. Chắt bóp, vun vén như vậy nên Đốc phủ Mầu càng lúc càng giàu thêm.
Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 23-11-1940, nghĩa quân xã Long Hưng (huyện Châu Thành) phối hợp với nghĩa quân các xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) kéo qua cù lao Ngũ Hiệp chiếm kho lúa của Đốc Phủ Mầu và 50.000 đồng tiền Đông Dương để chia cho người nghèo. Số lúa rất nhiều, người dân phải chuyển 3 ngày mới hết. Dinh cơ của Đốc phủ Mầu ở đây cũng bị đốt cháy, chấm dứt một tham vọng xây dựng “vương triều” trên “Tiểu quốc” cù lao Ngũ Hiệp.
Đến “vương quốc” sầu riêng
Ngày nay đến Tiền Giang, nói đến “vương quốc” sầu riêng thì ai cũng nghĩ ngay là cù lao Ngũ Hiệp. Câu chuyện cù lao này trở thành “vương quốc” sầu riêng bắt đầu từ hơn 20 năm trước. Hồi năm 1985 - 1986, Ngũ Hiệp loay hoay với nhiều mô hình cây ăn trái. Bấy giờ, ở cù lao này chuối già chiếm ưu thế nhờ có thị trường xuất khẩu, nhưng thị trường tiêu thụ ngày càng bấp bênh. Rải rác một số hộ dân cũng chuyển qua trồng tiêu nhưng cũng không mang lại hiệu quả vì không hợp với thổ nhưỡng cù lao.
Vận chuyển sầu riêng đến điểm thu mua xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lan |
Ngũ Hiệp manh nha để trở thành “vương quốc” sầu riêng trong giai đoạn này. Âm thầm, lặng lẽ như người nông dân làm nhiều, nói ít, ông Hai Tôn (một nông dân sau này có thương hiệu “vua sầu riêng”) từ xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) sang cù lao Ngũ Hiệp lập vườn từ năm 1960, là người đầu tiên đem giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh sang trồng trên đất cù lao. Đây là giống sầu riêng của ông Chánh bái Mẫn ở làng Tam Bình trồng vào khoảng năm 1930. Khi sang đây lập vườn, nhà ông chỉ trồng mươi gốc. Vào mùa lượm trái bán cho ghe “mặt rằn” với giá 30 - 40 đồng/kg (tiền của thời bấy giờ).
Sau năm 1975, đất cù lao cũng bị cuốn theo phong trào tập đoàn sản xuất nông nghiệp, trái sầu riêng ít người nhắc đến. Bởi lẽ thời bao cấp, gạo còn không đủ ăn, trồng sầu riêng bán cho ai. Còn ông Hai Tôn thì vẫn lặng lẽ chăm sóc những gốc sầu riêng với tâm trạng bỏ thì thương vương thì tội. Rồi thiên nhiên tình cờ mang lại cho ông một bài học kinh nghiệm đắt giá.
Năm 1978, nước triều dâng làm bể bờ bao, khiến ông phải vất vả bơm nước ra, không ngờ sầu riêng bị sốc ra hoa đậu trái rất nhiều. Sau vụ lở đê này, ông mới phát hiện ra kỹ thuật xiết nước rồi dùng ny lông đậy gốc cho cây sầu riêng ra hoa trái vụ.
Từ đó, ông Hai Tôn đầu tư trồng sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh thành vườn chuyên canh. Với năng suất từ 20 - 30 tấn/ha, giá bán trên thị trường luôn cao. Sầu riêng chuyên canh cho hiệu quả gấp 3 - 4 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ cây trồng này, ông đã trở thành một triệu phú có tiếng tăm ở miệt vườn Ngũ Hiệp.
Không những làm giàu cho mình, người nông dân năng động, nhạy bén, cần cù, sản xuất giỏi Hai Tôn còn mở ra bước ngoặt mới cho cây sầu riêng. Rất nhiều nông dân theo gương ông Hai Tôn ở Ngũ Hiệp, tích cực chuyển đổi sản xuất sang chuyên canh sầu riêng và đều thành công, trở thành điển hình làm giàu ở nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, nhiều nông dân đều nhận thấy giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh tuy có ưu điểm cho năng suất rất cao, nhưng có nhược điểm hạt to, cơm mỏng, khó cạnh tranh với các giống sầu riêng mới, chất lượng cao được tuyển chọn qua các cuộc Hội thi Trái ngon do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức và giống mới nhập nội.
Do đó, từ năm 2000 trở lại đây có rất nhiều nông dân ở xã Ngũ Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi từ các giống sầu riêng khổ qua vàng, khổ qua xanh sang trồng các giống sầu riêng mới chất lượng cao như: RI 6, Monthong, “Chuồng bò”... có nhiều ưu điểm như cơm dày, hạt lép, phẩm chất ngon, luôn được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng nên người trồng bán được giá cao, hiệu quả lớn.
Cù lao Ngũ Hiệp hiện có 1.331 ha vườn chuyên canh sầu riêng chất lượng cao, với các giống cơm dày, hạt lép: RI6, Monthong, “Chuồng bò”. Thời điểm này, sầu riêng đang bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Nếu tính giá bán sầu riêng bình quân 20.000 đồng/kg thì nguồn lợi từ cây sầu riêng mang lại cho người dân cù lao Ngũ Hiệp rất lớn.
Do đó, sầu riêng không chỉ là cây trồng có sức tăng trưởng về diện tích, sản lượng, mà còn mang lại cho “vương quốc” sầu riêng Ngũ Hiệp ngày càng có nhiều triệu phú, tỷ phú miệt vườn. Theo đó, cũng thúc đẩy kinh tế của xã Ngũ Hiệp phát triển mạnh, trên đường đi lên xã nông thôn mới.
Từ chỗ là cây trồng giữ vị trí khiêm tốn trong vườn nhà; đồng thời trải qua nhiều thăng trầm nhưng sầu riêng vẫn “lên ngôi” và ngày càng phát triển trở thành cây trồng tạo nên “thương hiệu” cho Ngũ Hiệp. Hơn thế nữa, cây sầu riêng đã được tỉnh xác định là 1 trong 7 loại cây chủ lực và sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, hướng đến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đó cũng là mong muốn của người dân ở “vương quốc” sầu riêng Ngũ Hiệp.
HỮU NGHỊ (còn tiếp)