Thứ Sáu, 11/09/2015, 10:19 (GMT+7)
.

Nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh

TX. Gò Công hiện có trên 500 công nhân làm việc cho Công ty Pouyuen Việt Nam đóng tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Hàng ngày, trong khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì những công nhân này phải đi làm và khi về đến nhà thì màn đêm đã buông xuống. Việc đi lại của họ dựa vào những chuyến xe đưa rước công nhân do công ty trang bị.

Các công nhân nhanh chân bước xuống xe để về nhà.
Các công nhân nhanh chân bước xuống xe để về nhà.

Đi sớm về khuya

Khoảng 4 giờ sáng, một số công nhân trên địa bàn TX. Gò Công đã tập trung tại bến đò Bình Xuân để chuẩn bị lên xe đưa rước công nhân của Công ty Pouyuen Việt Nam đến chỗ làm ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

Mỗi người mang một dáng vẻ khác nhau, sự mệt mỏi vì thiếu ngủ hiện rõ trên từng khuôn mặt. Người thì tay xách giỏ thức ăn, tay mang túi xách; có chị trong lúc đợi đò thì dựa đầu vào bờ rào chợp mắt một chút trông rất đáng thương. Trong màn đêm đầy hơi sương, từng bước chân nặng nhọc, mệt mỏi lần lượt bước lên xe bắt đầu cuộc hành trình cho một ngày mưu sinh vất vả nơi đất khách.

Công nhân qua sông trong đêm tối để lên xe đi làm.
Công nhân qua sông trong đêm tối để lên xe đi làm.

Đối với những công nhân ở TX. Gò Công làm việc ở Công ty Pouyuen Việt Nam thì việc thức khuya dậy sớm đã trở thành một thói quen. Một ngày của họ được bắt đầu từ khi mặt trời chưa mọc và kết thúc vào lúc màn đêm đã bao phủ. Chị Giảng Thị Mỹ Huyên (ngụ ấp 3, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) than: “Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ lúc 2 giờ rưỡi để chuẩn bị đi làm. Nhiều lúc mắt không mở nổi nhưng cũng phải cố mà thức dậy”.

Chuyến xe bắt đầu lăn bánh, chốc lát xe lại dừng để đón công nhân đứng chờ ở những điểm khác. Một số người tranh thủ thời gian ngồi trên xe chợp mắt một chút để bù lại giấc ngủ chưa đủ giấc. Chị Lê Thị Phượng (ngụ ấp 2, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) thủ thỉ với chúng tôi:

“Ngày nào cũng vậy, lên xe là tôi tranh thủ chợp mắt một chút. Hôm nào cũng đi sớm về trễ thành ra bị thiếu ngủ”. Dưới ánh đèn lờ mờ, chị Huyên mắt lim dim chia sẻ: “Mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 5 tiếng. Khi đi làm về tôi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo cho chồng con nên đi ngủ khá muộn. Đi làm xa nên rất mệt, nhưng phải ráng vì nếu không làm thì không có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình”.

Một chị ngồi ở hàng ghế đầu nói với mọi người mà như nói với chính mình: “Biết khi nào mới được ngủ một giấc ngon lành đây!?”. Một số người vì không chịu nổi sự vất vả trong cái cảnh mỗi ngày phải đi sớm về tối nên đã xin nghỉ và chuyển sang công việc khác. Một số khác thì mướn nhà ở lại TP. Hồ Chí Minh để việc đi lại thuận tiện hơn.

Những công nhân “đi sớm về khuya” đều có chung một hoàn cảnh đó là không có thời gian dành cho gia đình. Anh Phan Ngọc Thanh (ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) chia sẻ:

“Tôi làm công nhân ở Công ty Pouyuen Việt Nam đã 5 năm. Lúc trước ở nhà có chăn nuôi gà, vịt nhưng không có lợi nhuận, buộc lòng tôi phải đi làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học. Đi sớm về khuya vất vả như thế mà tiền lương mỗi tháng không đủ để lo cho gia đình”. Khi xe đã đi được một đoạn khá xa, mọi người đều tranh thủ chợp mắt. Tiếng nói chuyện đã không còn, chỉ nghe tiếng động cơ xe “rồ rồ” và tiếng cửa sổ va chạm kêu “lách cách” do mặt đường xấu gây ra.

Trung bình mỗi ngày, những công nhân tại TX. Gò Công làm việc ở Công ty Pouyuen Việt Nam phải đi quảng đường gần 70 km và mất hơn 1 giờ 30 phút để đến nơi làm việc. Do trải qua đoạn đường khá dài nên khi xe tới nơi ai nấy cũng uể oải. Trong lúc chờ tới giờ làm việc, những công nhân này tranh thủ lấy phần thức ăn mà họ đã chuẩn bị từ khuya ra để lót dạ. Chị Huỳnh Thị Cẩm Truyền với đôi mắt thâm quần vì mất ngủ, tay cầm phần cơm thở dài: “Không ăn nổi cũng phải ráng vài muỗng để lót dạ, đem thức ăn theo để tiết kiệm chi phí”.

Điểm tựa tinh thần

Bất chấp việc đi lại vất vả, nhiều người ngày này sang ngày khác vẫn cần mẫn với công việc của họ. Khi thu nhập từ mảnh vườn, thửa ruộng không đủ trang trải cho cuộc sống thì họ phải chấp nhận “đi sớm về khuya” để kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi con cái ăn học.

“Nhà tôi có được mấy công ruộng, làm lúa cho thu nhập thấp trong khi phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học nên cuộc sống rất túng quẩn. Từ ngày đi làm công nhân, thu nhập mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng, cuộc sống đã đỡ hơn trước. Làm công nhân đi sớm về khuya vất vả lắm, nhưng thương chồng con nên phải cố gắng thôi” - chị Cẩm Truyền trải lòng.

Đa phần những công nhân “đi sớm về khuya” không được học hành tới nơi tới chốn nên không thể tìm cho mình công việc tốt. Công việc hiện tại của họ tuy ổn định nhưng tương lai cũng còn nhiều bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Phương Truyền (ngụ xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) tâm sự: “Tôi làm công nhân từ lúc 17 tuổi, nay cũng được hơn 10 năm. Bây giờ, làm được tới đâu hay tới đó, chưa có dự định gì cho tương lai, ngoài làm công nhân ra tôi không có nghề nào khác. Cố gắng làm mỗi tháng cũng dư được hơn 1 triệu đồng”.

Một số công nhân tranh thủ dùng phần thức ăn đã chuẩn bị từ khuya trước khi vào ca.
Một số công nhân tranh thủ dùng phần thức ăn đã chuẩn bị từ khuya trước khi vào ca.

Ngoài những khó nhọc trong việc đi lại, thì công việc hàng ngày của những công nhân “đi sớm về khuya” cũng không kém phần vất vả. Do tính chất của công việc nên hàng ngày một số người phải tiếp xúc với những chất nguy hại.

Chị Phương Truyền chia sẻ: “Khâu của tôi làm là quét nước thuốc lên đế giày, mùi của loại nước này rất khó chịu. Mặc dù đã mang phương tiện bảo hộ lao động nhưng vẫn thấy không an tâm. Nhiều lần nản lòng muốn nghỉ việc nhưng nghĩ tới gia đình nên cố gắng vượt qua”.

Phần lớn thời gian trong ngày của những công nhân “đi sớm về khuya” là làm việc, vì vậy thời gian dành cho gia đình rất ít. Đối với họ chỉ có ngày chủ nhật là được quây quần bên gia đình, còn những ngày khác để có được một bữa cơm gia đình ấm cúng là điều hiếm hoi.

Chị Huyên giọng trầm buồn chia sẻ: “Hồi mới đi làm công nhân ở Công ty Pouyuen con tôi mới 1 tuổi, phải gửi con cho chị dâu giữ hộ. Nay con hơn 5 tuổi, đã đi học. Do đi làm suốt ngày không được ở gần con nên bây giờ nó mến chị dâu tôi hơn mến mẹ, nhiều khi cũng tủi thân. Động lực để tôi phấn đấu là sau mỗi ngày làm việc vất vả được trở về với chồng con, bên gia đình nhỏ yêu thương của mình”.

Kết thúc giờ làm việc, mọi người nhanh chân lên xe để về nhà. Việc được về nhà dường như tiếp thêm sức mạnh cho họ sau những giờ làm việc mệt nhọc. Sự hớn hở vì sắp được về bên gia đình hiện rõ trên từng khuôn mặt. Một chị ngồi lẩm bẩm: “Không biết bây giờ thằng nhóc ở nhà đã ăn uống gì chưa?”.

Hạnh phúc và điểm tựa tinh thần để vượt qua vất vả của các anh chị công nhân “đi sớm về khuya” là gia đình. Với họ, sau một ngày làm việc vất vả, trở về với mái ấm gia đình, được quây quần bên vợ (chồng) và con là một hạnh phúc, giúp họ vơi đi phần nào mệt nhọc trong cuộc mưu sinh.

Tuy nhiên, do phải đi sớm về khuya nên có người khi về đến nhà thì vợ (chồng), con đã ngủ, còn khi đi thì vợ (chồng) và con chưa thức. Và cứ thế, những công nhân “đi sớm về khuya” vẫn hàng ngày âm thầm vượt qua khó khăn trên dòng đời mưu sinh vất vả, nhưng đôi mắt họ vẫn ngời sáng niềm tin về một tương lai tươi đẹp.

Gia đình chính là điểm tựa, là niềm tin để họ đủ nghị lực vững bước trên con đường mưu sinh đầy vất vả.

MINH THÀNH

.
.
.