Thứ Bảy, 16/01/2016, 06:37 (GMT+7)
.

Đảo Đá Tây, Song Tử Tây: Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Bài 1: Buổi tiễn đưa trên Cảng Cam Ranh

Bài 2: Chuyện về con tàu Quân y hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam

Bài 3: Bình yên nơi Trường Sa

Nằm trên bãi ngầm san hô với những doi cát nổi cao, bên trong có hồ nước rộng, đảo Đá Tây, đảo Song Tử Tây… (trên huyện đảo Trường Sa) là những nơi lý tưởng làm chỗ neo đậu cho tàu đánh cá xa bờ của ngư dân tránh bão an toàn. Bên cạnh đó, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo này từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho những con tàu ra khơi khai thác đánh bắt dài ngày trên vùng biển xa của Tổ quốc.

 Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.

Đảo Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô có diện tích khá lớn (dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý), được hình thành bởi hoạt động của một dãy núi lửa ngầm dưới đáy biển từ hàng triệu năm. Do được hình thành từ sự phun trào của các dãy núi lửa dưới đáy biển nên cấu tạo của các dãy san hô thường là hình trải dài, có vành đai phía ngoài cao, ở giữa lõm xuống tạo thành hồ có độ sâu từ vài chục tới cả trăm mét.

Các hồ này trở thành nơi trú ẩn tự nhiên rất an toàn và thuận lợi cho các tàu bè khi gặp bão. Tận dụng lợi thế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đầu tư xây dựng một cụm dịch vụ kinh tế ở phía Đông của đảo, trong đó có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc Tổng Công ty thủy sản Việt Nam, cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá như: Lương thực, thực phẩm, nhiên liệu; sửa chữa, cứu hộ tàu, thuyền gặp nạn; sơ cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn khi khai thác hải sản thuộc vùng biển Trường Sa.

Trung tâm được xây dựng với diện tích 3.000 m2 trên nền đảo chìm san hô, được trang bị hiện đại gồm: Xưởng cơ khí hàn, tiện, khoan, phay bào, đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của ngư dân; trang bị thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc; có bồn chứa nhiên liệu dung tích 337 m3, bồn chứa nước ngọt 928 m3 cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân hoạt động trên biển. Tại đây còn thu mua hải sản cho ngư dân, tạo điều kiện để bà con bám biển dài ngày, làm giảm chi phí, tăng thu nhập cho từng chuyến ra khơi…

Theo Ban Quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (được quản lý bởi Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông), Trung tâm có 8 tàu dịch vụ, 1 pông - tông (thùng nổi, di chuyển nhờ tàu kéo) chứa dầu. Trong năm 2015, đã có 450 tàu, thuyền của ngư dân vào đảo, được Trung tâm cấp miễn phí hơn 2.500 m3 nước ngọt; 34 tấn lương thực, thực phẩm; cứu hộ 10 tàu gặp sự cố; cấp 300.000 lít nhiên liệu; sửa chữa 13 tàu hư hỏng…

Ngư dân đánh bắt được cá.
Ngư dân đánh bắt được cá.

Ông Trương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông cho biết, từ năm 2012, ngoài các dịch vụ tại đảo Đá Tây, công ty đã mở rộng các hoạt động hậu cần di động khắp vùng biển Trường Sa. Cụ thể, công ty đã đưa các tàu lớn chở đầy đủ nhiên liệu và hàng hóa đến các đảo Tốc Tan, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn và những ngư trường có nhiều tàu cá của ngư dân khai thác, neo đậu, trực tiếp cung ứng các dịch vụ hậu cần.

Phao chứa nhiên liệu Đá Tây 4 của Trung tâm thường xuyên trung chuyển dầu, nước từ các két trên đảo để các tàu cá của ngư dân khi cập mạn được tiếp nhận thuận lợi. Ngoài mục đích cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây còn là nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền của các ngư dân và cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra vào mùa mưa bão, biển động. Còn 2 tàu (Đá Tây 2 và Đá Tây 3) luôn túc trực, tuần tra khu vực đảo Đá Tây, tham gia cứu nạn, lai dắt và hướng dẫn tàu cá của ngư dân neo đậu an toàn khi vào tiếp nhận các dịch vụ hậu cần.

Bên cạnh hoạt động cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông còn triển khai thực hiện nhiều mô hình thí điểm nuôi thủy sản với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao: Cá chim trắng, cá chẽm, cá hồng đen, cá mú…, đang phát triển tốt, có triển vọng mở rộng quy mô đại trà phục vụ xuất khẩu.

Từ khi Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo Đá Tây, Song Tử Tây… được triển khai, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ở ngư trường trên các vùng biển xa của Việt Nam ngày càng nhộn nhịp.

Theo các ngư dân, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường xa.

Ngư dân Hồ Xuân Dũng thuộc tàu cá mang số hiệu 96479 của tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Những chuyến ra khơi thường phải kéo dài tới 2 - 3 tháng tùy theo ngư trường và mùa vụ, nên nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là thiếu nước ngọt, hết lương thực hay bạn thuyền bị bệnh. Tuy nhiên, từ khi các khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây và một số đảo khác đi vào hoạt động, chúng tôi đã vững tâm bám biển dài ngày trên biển”.

Ngư dân Trần Văn Thái (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chủ tàu câu mực khơi) vui vẻ cho biết thêm: Chúng tôi rất yên tâm khi khai thác hải sản vì đã có nơi trú ẩn những lúc giông bão và được mua nhiên liệu, lương thực với giá phải chăng…”.

Ngày 12-1-2016, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Theo quy hoạch tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đến năm 2020 sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây và Nam Yết. Trước hết, sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần cho các đảo, sau đó làm cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại duyên hải Nam Trung bộ, nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, hậu thuẫn cho hiện đại hóa khai thác.

Có thể nói, sự ra đời của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa đã củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, tạo thành vành đai bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi.

PHÙNG LONG

Bài cuối: Tất cả vì Trường Sa thân yêu

.
.
.