Thứ Hai, 25/01/2016, 16:24 (GMT+7)
.

Khoảng lặng của người công nhân những ngày cuối năm

Cứ độ đầu tháng Chạp hàng năm, thông tin về lương, thưởng tết sẽ được mọi người quan tâm nhiều hơn. Người bảo doanh nghiệp này thưởng ít, đơn vị kia thưởng nhiều. Và tất nhiên, trong số ấy có tâm trạng của hàng chục ngàn công nhân đang làm việc trong các nhà máy. 1. Chỉ khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh chóng. Tất nhiên, không chỉ có người dân địa phương mà còn có cả các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Long An, Trà Vinh... cũng đến mảnh đất Tiền Giang để tìm cơ hội ổn định cuộc sống. Và như thế, mỗi người đều mang trên mình mỗi hoàn cảnh, số phận và những ước mong cũng rất khác nhau. Mỗi khi tết đến xuân về cảm xúc của mỗi người cũng sẽ không giống nhau. Cảm nhận của mỗi người công nhân những ngày tết đến sẽ khác nhau. Những ai đã chạm vào từng ngõ ngách đời sống của người công nhân mới hiểu được phần nào những khoảng lặng mà chính họ từng ngày trải qua, nhất là mỗi độ xuân về. Với Nguyễn Thùy Trang, người con của huyện Ba Tri (Bến Tre), nếu tính đến hết năm 2015, cũng đã bám trụ ở mảnh đất Mỹ Tho gần cả chục năm. 10 năm trước, khi nhiều doanh nghiệp ở Tiền Giang được mở ra đã “lôi kéo” người con Bến Tre này về đây lập nghiệp. Thùy Trang nói với chúng tôi rằng, trước khi về Mỹ Tho, mình đã có thâm niên gần 7 năm làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh nên đã quen với cuộc sống tự lập, xa nhà: “Cứ 6 giờ 30 phút vào ca, 17 giờ 30 phút ra về, đến nhà trọ trời đã tối mịt, chưa kể những ngày công ty có đơn hàng gấp phải tăng ca đến 20 - 21 giờ mới rời khỏi xưởng. Nhịp sống cứ quay vòng đều đặn như thế. Người công nhân dường như thiếu thiếu cảm giác của cuộc sống bên ngoài, nhưng ngày qua ngày dần rồi cũng quen” - Nguyễn Thùy Trang tóm lược về khoảng thời gian mà mình đã trải qua. Và rồi, sau 10 năm “vật lộn” ở mảnh đất Tiền Giang, giờ đây Thùy Trang đã có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều. Cảm giác về Tết năm nay thế nào? - Chúng tôi hỏi. Thùy Trang tâm sự, Tết năm nay có lẽ là thời gian thanh thản, vui vẻ nhất. Vì sao thế? Hỏi thế nhưng chúng tôi cũng biết rằng, với bộn bề khó khăn trong cuộc sống của người công nhân, Thùy Trang được may mắn hơn rất nhiều công nhân khác. Bởi sau khi về làm công nhân tại Khu Công nghiệp (KCN) Mỹ Tho không lâu Thùy Trang “bén duyên” với người con trai đất Gò Công. Gia đình nhỏ này hiện đã có 1 con trai hơn 4 tuổi. “Vợ chồng em được công ty hỗ trợ một phòng trong dãy nhà mà công ty xây dựng cho công nhân ở ấp Bình Tạo, không tốn tiền thuê nhà, chi phí điện, nước nên cũng đỡ hơn một số anh em khác. Vợ chồng vào làm từ khi công ty mới thành lập đến nay nên được thưởng cũng khá, tổng cộng cũng gần 20 triệu đồng; mấy năm tích cóp cũng mua được ít vật dụng trong gia đình. Tụi em dự tính, Tết Nguyên đán tới sẽ dành nhiều thời gian về thăm gia đình nội ngoại” - Nguyễn Thùy Trang tâm sự như thế. Nằm lẩn khuất trong con hẻm nhỏ của ấp Bình Tạo, xã Trung An, trong căn nhà trọ chưa đầy 15 m2 là nơi trú ngụ của 4 công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần May Sông Tiền. Nguyễn Thanh Phong (xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè) có “thâm niên” ở đây lâu nhất, kể rằng: Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp nghề, không xin được việc làm nên em xin vào làm công nhân may. Dần dần rồi cũng quen, được lãnh đạo công ty quan tâm đào tạo, nên tay nghề của em được nâng lên. “Lúc mới vào làm em nhận lương chỉ 2,2 triệu đồng/tháng, nên sau khi trả tiền thuê nhà, chi phí điện nước, tiêu xài không có tiền để tích lũy gửi về cho gia đình. Năm vừa rồi, nhờ có tay nghề, thâm niên, thu nhập được nâng lên 5,2 triệu đồng/tháng nên cũng tạm đủ xoay xở cho chi tiêu cá nhân và có chút ít gửi về gia đình. Chưa kể, tết năm nay em còn được công ty thưởng hơn 7 triệu đồng. Em chỉ mong có công việc ổn định để giúp đỡ gia đình phần nào” - Nguyễn Thanh Phong tâm sự. 2. Đào Thân T., (xã Tân Lý Đông, huyện Châu thành) lại là một trường hợp khác. Là con trai lớn trong gia đình 4 anh em, vì gia đình khó khăn nên T. nghỉ học lúc 16 tuổi khi vừa học xong lớp 9 và bắt đầu vật lộn với cuộc sống với đủ thứ nghề: Bốc vác, thợ hồ... Khi KCN Tân Hương đi vào hoạt động, T. Xin vào làm công nhân của Công ty cổ phần May Tex Giang. T. cho biết, lúc mới vào làm tuy có gò bó về thời gian nhưng dần rồi cũng quen, có nghề, có tiền lương nên cảm thấy thoải mái hơn. Hiện nay, mỗi tháng T. nhận được trung bình khoảng 4,2 triệu đồng tiền lương, chưa kể tiền thưởng năng suất. Tết này T. được công ty thưởng 1 tháng lương cùng với tiền thâm niên nên cũng có chút ít giúp gia đình ăn tết. “Nghỉ học giữa chừng, giờ có việc làm ổn định là được rồi. Mình cũng không dám so bì thu nhập so với những ngành nghề khác đòi hỏi kiến thức, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, nhưng dẫu sao, khi đi làm ai cũng mong có mức thu nhập ngày càng tốt hơn” - T. cho biết. 4 năm làm việc tại KCN Sóng Thần (TP. Hồ Chí Minh) Nguyễn Hoài Bảo (xã Long Thuận, TX. Gò Công) đã quyết định trở về quê khi Công ty cổ phần may Công Tiến (TX. Gò Công) đi vào hoạt động. Nhờ có tay nghề trước nên Bảo nhanh chóng bắt nhịp với dây chuyền may hiện đại và tất nhiên cũng được hưởng mức thu nhập tương đối khá. Bảo khoe, tết này em được công ty thưởng 6,5 triệu đồng nhờ có thâm niên làm việc nhiều năm và có tay nghề. “Có lẽ niềm vui của em không phải là ở số tiền thưởng mà cái chính là được ở gần gia đình trong những ngày tết. Bởi những năm làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, nơi bộn bề tất bật ấy, mọi năm cũng chỉ về quê được mấy ngày. Tết cũng chỉ được về một vài ngày rồi đi” - Nguyễn Hoài Bảo nói với chúng tôi như thế. Chúng tôi cũng hiểu rằng, trong khoảng 70.000 lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng ngày làm việc trong các nhà máy thì cũng là 70.000 hoàn cảnh khác nhau và cảm xúc về cái tết cổ truyền cũng sẽ khác nhau. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi nhu cầu, mong ước của mỗi người mỗi khác. Có người cần có số tiền thưởng cao để về quê, giúp đỡ gia đình, chi tiêu cá nhân; có người cần một thời gian dài để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và cũng có người cần có thời gian để tìm kiếm bạn bè... Mỗi người đều có một nỗi niềm riêng cũng là lẽ thường tình. Nhưng đôi khi những giá trị về vật chất cũng chỉ là một lát cắt trong đời sống thực của người công nhân. Bởi ở đâu đó, những giá trị về tinh thần khác có thể mang đến cho họ nhiều niềm vui lớn hơn. Và như thế, câu chuyện về thưởng tết cao hay thấp cũng chỉ nói lên những lát cắt tương tự như thế... MINH THANH (Còn tiếp)
.
.
.