Thứ Tư, 27/01/2016, 20:45 (GMT+7)
.

Những ngày cuối năm... Nỗi niềm giám đốc

“Nhiều người cứ nghĩ chúng tôi “bóc lột” công sức công nhân bằng việc trả lương, thưởng thấp nhưng họ đâu biết rằng lao động chính là nguồn lực quan trọng, cần được nuôi dưỡng, chăm lo” - giám đốc một công ty đã nói với chúng tôi như thế.

Cứ đến dịp tết là lãnh đạo doanh nghiệp chuẩn bị quà tết cho người lao động và cả gia đình của họ.
Cứ đến dịp tết là lãnh đạo doanh nghiệp chuẩn bị quà tết cho người lao động và cả gia đình của họ.

Trong lúc “trà dư tửu hậu” cuối năm, như thông lệ chúng tôi hỏi ông đủ điều, nào là tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD), doanh thu có đạt chỉ tiêu kế hoạch, lợi nhuận được bao nhiêu, có kỳ vọng gì cho năm mới... Ông làm chủ doanh nghiệp, hàng ngày, hàng giờ phải vật lộn với biết bao sóng gió nhưng ít ra vào dịp cuối năm ông cũng phải trả lời được các câu hỏi đại loại như thế.

Tất nhiên là có năm ông vui, có năm kém vui, vì kinh doanh mà đâu ai biết trước được điều gì. Năm nay cũng thế, ông chỉ nói một cách nhẹ nhàng rằng, trong giai đoạn kinh tế trong và ngoài nước đang “chòng chành” như hiện nay, công ty chỉ mong cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ông đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc một công ty không nhỏ. Ai cũng biết điều này. Bởi ít ra ông cũng đang điều hành 7 nhà máy, trong đó có 4 nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu có quy mô tương đối lớn, 1 nhà máy chế biến thức ăn, 1 nhà máy sản xuất bột cá, 1 nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng; bên cạnh đó là 200 ha vùng nguyên liệu.

Nếu tính phổng ra, doanh thu mỗi năm mà công ty ông tạo ra cũng ở tầm 1.700 tỷ đồng và chắc chắn rằng lợi nhuận mang về với con số cũng cỡ hàng chục tỷ đồng là ít. Những con số như thế thì ít ra ông cũng không phải lo “chạy gạo” hàng ngày như hơn 7.000 công nhân trong công ty cũng là điều đương nhiên, nhất là những dịp lễ, tết ông sẽ sung sướng hơn. Thế cũng là lẽ thường tình.

Cũng như mọi năm, khi những câu chuyện làm ăn tạm thời khép lại, chúng tôi thường đề cập đến lương, thưởng tết cho người lao động. Năm nay, ông chỉ nói đại khái, dù công ty có khó khăn cỡ nào, thưởng tết cho công nhân cũng sẽ không thấp hơn năm trước. Theo ông, mức thưởng bình quân sẽ là 1 tháng lương cho mỗi người lao động. Tất nhiên, mức lương mỗi người mỗi khác, nên mức thưởng cũng sẽ khác nhau.

Rồi ông nhẩm tính, với khoảng 7.000 lao động, với mức lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, tiền thưởng công ty bỏ ra cũng dao động từ 35 - 49 tỷ đồng. Một con số thực sự không nhỏ trong điều kiện tình hình SXKD không phải là thuận lợi.

Chưa kể vào các dịp lễ trong năm công ty cũng đã thực hiện chính sách cho người lao động, tất nhiên là không bằng khoản thưởng tết nhưng số tiền chi ra cũng không nhỏ. “Công ty cũng biết, mức thưởng như thế là không lớn so với các công ty khác và cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu trong cuộc sống của người lao động hiện nay, nhưng công ty cũng đã rất nỗ lực” - ông cho chúng tôi biết.

Và là chỗ thân quen, ông cũng bắt đầu từ chính cuộc sống thực của ông. Ông nói rằng, nhiều người nghĩ những người làm tổng giám đốc như ông chắc là sung sướng. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đằng sau đó, đối với chúng tôi là một câu chuyện khác. Ông bắt đầu đứng ra kinh doanh từ quy mô nhỏ rồi lấn dần lên.

“Lúc còn ở quy mô nhỏ việc quản lý nhẹ nhàng, nhưng với quy mô hiện nay cần phải có cái đầu, tư duy khác. Dường như công việc đã vắt hết thời gian của tôi, nhất là dịp cuối năm, đâu chỉ có lương, thưởng tết cho người lao động mà còn hàng trăm thứ khác. Nào là xây dựng chiến lược SXKD cho năm mới, đối nội, đối ngoại. Nên thông thường mỗi năm tôi về đến nhà thì giao thừa đã xong” - ông cho biết.

Chỉ riêng mảng xây dựng chiến lược SXKD trong giai đoạn hiện nay cũng đủ vắt kiệt sức của ông. Ông nói, tình hình kinh tế khó khăn liên tục trong những năm gần đây, cạnh tranh không lành mạnh, giá bán cứ trên đà tuột dốc cũng đủ để tóc ông ngày càng bạc hơn. Chưa kể, trong giai đoạn này, nếu công ty không chú trọng công tác đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm thì coi như thụt lùi. Mà thụt lùi thì đồng nghĩa là đi theo quy luật đào thải.

Trong xu thế chung đó, chỉ riêng trong năm 2015 công ty cũng đã bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng để đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, công nghệ. “Nhưng đầu tư, mở rộng quy mô không chỉ có vốn là được mà cái chính yếu là nguồn lực con người và khả năng quản trị. Vốn có thể huy động nhiều kênh nhưng nguồn lực con người và kỹ năng quản lý cần có thời gian và không dễ thực hiện. Đó là những yêu cầu đặt ra cho những người lãnh đạo công ty trước vô vàn sóng gió hiện nay” - ông nói với chúng tôi như thế.

Tất nhiên còn rất nhiều câu chuyện khác xoay quanh chức vụ Tổng Giám đốc của ông, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để chúng tôi hiểu rằng, vì sao chỉ trong vòng mấy năm tóc ông đã gần như trắng xóa. Ông còn ví von với chúng tôi rằng: “Làm ra được bao nhiêu tiền thì trong đầu cứ tính toán đầu tư mở rộng quy mô SXKD, đổi mới công nghệ, thay đổi mô hình quản lý, giải quyết công ăn việc làm, các vấn đề xã hội khác.

Cứ cuốn theo vòng chảy như thế, nhiều khi không còn thời gian để chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân...” - ông nói đùa như thế. Ông là Tổng Giám đốc của GODACO (KCN Mỹ Tho).

Có lẽ Tổng Giám đốc GODACO không là trường hợp ngoại lệ. Bởi chúng tôi may mắn có thời gian ngắn ngủi ngồi cùng với Tổng Giám đốc một công ty có quy mô tương đối lớn trên địa bàn tỉnh và được ông chia sẻ nhiều điều về cuộc sống thật của mình. Với hơn 11.000 công nhân, sức ép hàng ngày, hàng tháng đối với ông không phải là điều nhẹ nhàng.

“Chỉ cần điều chỉnh đơn giá tiền lương chút ít, số tiền mà công ty bỏ ra cũng trên hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Nếu tính chi thưởng tết bình quân cho mỗi công nhân 1 tháng lương thì cũng ngót nghét 70 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ cần thị trường tiêu thụ “hắt hơi” một ít, giá bán giảm đôi chút, hợp đồng xuất khẩu gặp trục trặc là cũng đủ mệt mỏi. Chưa kể, từ đầu năm 2016, mức đóng bảo hiểm, lương tối thiểu vùng của công nhân tăng lên, làm đội chi phí của công ty thêm hàng trăm tỷ đồng. Ai cũng mong muốn trả lương, thưởng cho người lao động tốt hơn để họ gắn bó lâu dài với công ty nhưng nguồn lực bao giờ cũng có hạn” - ông tâm sự.

Tất nhiên là trong xã hội ngày nay, văn hóa kinh doanh mỗi nơi mỗi khác nên cách hành xử của mỗi người cũng sẽ rất khác nhau. Người đứng đầu của mỗi doanh nghiệp cũng thế, nhưng hầu hết điều có điểm chung là xem lao động là vốn quý nhất của đơn vị mình. Do vậy, chế độ chi trả công lao động, đãi ngộ dù mỗi doanh nghiệp có khác nhau nhưng bao giờ cũng hướng vào lợi ích chung nhất của người lao động. Bởi họ luôn xác định doanh nghiệp hoạt động có ổn định và phát triển hay không là do chính nguồn lực lao động quyết định.

MINH THANH

(Còn tiếp)

.
.
.