Thứ Năm, 18/02/2016, 17:41 (GMT+7)
.

Một chuyến Cà Mau

Cuối năm 2015, Đoàn Văn nghệ sĩ Chi hội Văn, Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang do Phó Chủ tịch Hội Trương Trọng Nghĩa làm Trưởng đoàn đã đến thành phố Cà Mau, mở đầu cho chuyến đi thực tế tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Vừa cơm nước xong thì trời đổ mưa, vậy là kế hoạch chiều đi tham quan di tích hòn Đá Bạc bị tạm hoãn, đoàn chuyển qua phương án hai, giao lưu với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Chủ nhà hiếu khách, bữa cơm đãi bạn toàn đặc sản xứ miệt rừng U Minh, ly rượu nồng trao tay, chuyện đời, chuyện văn, lời ca tiếng hát đan quyện vào nhau trong bầu không khí ấm áp nghĩa tình.

Đoàn Văn nghệ sĩ Tiền Giang tại Đất Mũi.
Đoàn Văn nghệ sĩ Tiền Giang tại Đất Mũi.

Sáng hôm sau, đoàn nhằm hướng hòn Đá Bạc trực chỉ, do Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau Lê Minh Nhựt làm hướng dẫn viên. Trên đảo có nhiều cảnh đẹp như sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Tiên, chùa Cá Ông nằm trong một hệ sinh thái thực vật phong phú.

Phải công nhận rằng hòn Đá Bạc là một trong những điểm du lịch đẹp của tỉnh Cà Mau. Ghềnh đá lô nhô, sóng vỗ reo ì oạp, chợt nhớ cách nay 34 năm về trước (1981), hòn Đá Bạc trở thành Trung tâm chỉ huy của ta để đón bắt nhiều toán gián điệp biệt kích và cũng là nơi diễn ra  trận đánh cuối cùng kết thúc thắng lợi Chuyên án CM12 vào ngày 9-9-1984.

Trong 3 năm đấu tranh, lực lượng Công an đã lập nên kỳ tích: Đón lỏng bắt 18 chuyến xâm nhập của tổ chức phản động mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ta đã bắt và tiêu diệt 183 tên biệt kích, phản động, tịch thu hơn 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, phát hiện và phá vỡ 10 tổ chức phản động trong nước gồm hơn 1.000 tên.

Rời hòn Đá Bạc, đoàn tiếp tục hành trình tham quan Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Vườn có tổng diện tích 8.256 ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời. Nhìn đâu cũng thấy mênh mông rừng xanh, nước bạc!

Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài tràm, móp, năn, sậy, choại... Động vật đặc trưng là rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim muông, côn trùng...

Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong hai vườn Quốc gia tại tỉnh Cà Mau; năm 2009, cùng với Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Về miệt rừng U Minh Hạ, bỗng nóng lòng muốn đến thăm nhà bác Ba Phi, nhân vật huyền thoại trong Kho tàng Văn học dân gian vùng đồng bằng Nam bộ. Chợt mắc cười bởi trên đường đi, có khá nhiều quán nhậu trương tấm bảng “QUÁN VỢ THẰNG ĐẬU”.

Vậy là, tiếng cười, tiếng nói râm ran, bàn tán xôn xao về những chuyện “tệ hơn vợ thằng Đậu”. Mắc ghét là, mọi mũi dùi cứ chỉa vào tôi, chỉ vì tôi tên Hương, họ Đậu, giấy khai sanh ghi rành rẽ Đậu Viết Hương. Tôi làm báo, lấy bút danh Anh Đậu, ấy vậy mà bạn bè, đồng nghiệp thỉnh thoảng lại cứ gọi là “thằng Đậu”. Thậm chí, có người lâu ngày gặp còn cắc cớ hỏi : “Vợ thằng Đậu dạo này thế nào? Có khỏe không?”, vân vân và vân vân.

Bởi vậy cho nên chuyến đi này ai cũng bảo, đây là chuyến tham quan giành cho “thằng Đậu về thăm ông nội”. Được dịp, nhà thơ Lê Ái Siêm, Hội trưởng Hội Văn học Dân gian, có sự “hỗ trợ” nhiệt tình của dân nữ Huỳnh Mai (Chánh Văn phòng Hội) liên tiếp nổ ra nhiều câu chuyện “dâm gian” làm cả xe cười muốn vỡ bụng. Ai cũng muốn góp vui làm cho nỗi mệt nhọc trên chuyến đi dài dịu vợi.

Đến lượt tôi, mang danh thằng Đậu, đành phải kể chuyện vợ thằng Đậu chớ biết làm sao bây giờ. Tôi bấm bụng kể một câu chuyện đã từng nghe lỏm được rằng thì là: Hồi đó, vợ thằng Đậu là một dân nữ tên Đen, con riêng của ông phú hộ trong vùng.

Do tính tình tưng tửng, làm việc gì cũng trầy trà, trầy trật nên bị bà phú hộ ghét bỏ, hành hạ đủ điều. Vì vậy, ông phú hộ đành nhờ vào chỗ quen biết với Hương quản Tế (là cha vợ bác Ba Phi) xin cho Đen vào làm công cho bác Ba Phi. Đen mê thằng Đậu như điếu đổ nhưng thằng Đậu thường đi với bác Ba Phi ra chợ Bảy Sào, thấy mấy cô đào mắt xanh, mỏ đỏ nên không để ý gì đến Đen. Bác Ba Phi biết ý nên bảo: - Mầy đừng để ý gì đến mấy đứa con gái đó, chúng nó chẳng còn trinh tiết gì đâu.

Thằng Đậu không biết gì đến trinh tiết nên hỏi lại: - Trinh tiết là gì hả nội?

Bác Ba Phi phần thì ngại ngần, phần thì không biết phải giải thích thế nào cho thằng Đậu hiểu, đành nói: - Muốn biết, mầy về hỏi con Đen thì rõ.

Thằng Đậu thật thà về hỏi: - Mầy có biết trinh tiết là gì không hả Đen?

Mặt con Đen đỏ bừng vì e thẹn nhưng vì tính tình tưng tửng, nên trả lời: - Tao sẽ cho mầy biết với một điều kiện?

- Điều kiện chi? Thằng Đậu hỏi lại.

- Mầy phải cưới tao làm vợ.

Thằng Đậu lưỡng lự, phân vân nhưng vì quá tò mò, nó đành gật đầu đồng ý. Con Đen mừng rỡ nói: - Mầy muốn biết thì theo tao vô cái chòi vịt sau nhà, tao sẽ cho mày biết.

Sau khi biết được trinh tiết, thằng Đậu không muốn rời xa con Đen nửa bước để rồi nên vợ, thành chồng. Có điều, mặc ai nói gì thì nói, với thằng Đậu thì con Đen là người vợ trên cả tuyệt vời chớ không phải như dân gian truyền miệng “tệ như vợ thằng Đậu”. Không ngờ câu chuyện tôi kể cũng rất đặc hiệu bác Ba Phi làm cho cả xe cười ồ lên, đường dài gần như ngắn lại.

Nhà bác Ba Phi được công nhận là Khu di tích Văn hóa của tỉnh, đường đi đã được trải nhựa đến tận nhà để thuận tiện cho khách tham quan. Tuy nhiên, mặt đường còn nhỏ, cầu hẹp nên xe 30 chỗ ngồi không qua được nên đoàn phải thuê tắc ráng đi bằng đường sông.

Tới nơi lại cứ nóng lòng hỏi thăm nhân vật “thằng Đậu” nhưng bà Nguyễn Thị Anh, con dâu bác Ba Phi khẳng định một cách chắc chắn rằng “làm gì có thằng Đậu”. Bà tủm tỉm cười, nói: Hàng chục đoàn tới thăm, đoàn nào cũng có nhiều người hỏi về “thằng Đậu và vợ thằng Đậu”.

Thì ra, thằng Đậu là đứa con tinh thần của nhà văn Anh Động nhằm làm phong phú thêm tiếng cười trong Kho tàng Văn học dân gian vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà văn Anh Động từng bật mí: “Nhân vật thằng Đậu là do tui đẻ ra thiệt, nhưng còn vợ thằng Đậu là do thiên hạ đẻ đâu hồi đời nào, tui chỉ rinh về đặt vô truyện thôi, chớ không phải tui đẻ ra à nha”.

Cũng cần nói thêm rằng, trong khi nhân vật bác Ba Phi và thằng Đậu chỉ loanh quanh trên sân khấu hay truyền hình thì “vợ thằng Đậu” đã ra thương trường. Tại thành phố Cà Mau hiện nay có tới ít nhất ba quán ăn lớn mang tên: Vợ thằng Đậu 1, Vợ thằng Đậu 2 và Vợ thằng Đậu 3.

Hỏi thăm được biết, quán ăn nào cũng đông khách vào buổi chiều và tối. Nhiều người dân xứ này nói vui rằng, vợ thằng Đậu tệ ra sao chẳng thấy, chỉ nghe đồn quán ăn của nó ăn nên làm ra quá cỡ. Mà cũng phải thôi, vợ thằng Đậu tệ chuyện gì chớ ba cái vụ rắn, rùa, chim, chuột, ếch, nhái… áp chảo, chiên xào và cá lóc nướng trui là món sở trường của nàng từ trước đến nay làm sao không ngon được, khách đông là phải.

Sáng hôm sau, từ thành phố Cà Mau, đoàn vượt hơn 50 km đường bộ đến thị trấn Năm Căn, từ đó đi bằng ca nô cao tốc hơn 50 km nữa, vòng vèo qua nhiều kinh rạch, đoàn đã đặt chân tới mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Nhìn thấy biểu tượng bằng mũi thuyền lướt sóng nhô cao, chợt nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu đã gợi tả sinh động vùng đất cực Nam của Tổ quốc:

“Tổ quốc ta như một con tàu

Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”.

Đến Đất Mũi, chúng tôi mới thấm thía câu: “Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Những ngọn mắm từ bùn đất chui lên giữ đất, rồi tiếp sau là những rễ đước như hình mũi tên cắm sâu xuống bùn mọc lên thành cây, vây thành rừng. Loại cây này có rễ mọc ngược so với thân để hút khí. Hai loại rễ này hòa quyện vào nhau giống hệt như hai bàn tay đan xen, nhờ vậy, đất ở đây không bị sạt lở.

Đặt chân đến Đất Mũi, ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh một cột trụ cao, có tầm nhìn bao quát toàn bộ vẽ đẹp hiền hòa và thanh bình của con người và cảnh vật nơi đây, đó chính là Đài quan sát.

Với độ cao 21 m, tượng trưng cho thế kỷ 21, Đài quan sát có 54 bậc thang tượng trưng cho 54 các dân tộc anh em. Bậc thang uốn lượn vòng vèo dọc theo thân trụ được làm theo biểu tượng của cây đước nhô lên cao. Đứng tại chóp mũi Cà Mau này, chúng tôi cứ ngỡ như mình đang đứng trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc chuẩn bị rẽ sóng ra khơi.

Tại Đất Mũi có Cột mốc quốc gia, là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tận cùng trên đất liền cực Nam của Tổ quốc. Hình ảnh Đất Mũi thanh bình, hiên ngang đứng giữa sóng gió biển, những kênh rạch lấp lóa ánh chiều buông xen lẫn màu xanh mướt của rừng đước ngập mặn khiến những ai một lần đặt chân đến đây không khỏi xao xuyến, bồi hồi về mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc.

Phút lưu luyến nào rồi cũng phải chia tay, tạm biệt Đất Mũi, mảnh đất cuối cùng của địa đầu Tổ quốc. Hy vọng chuyến tham quan sẽ đem lại một mùa bội thu, những sáng tác mới sẽ làm cho những ai chưa một lần đến Đất Mũi phải nao nao, xao xuyến trong lòng.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.