Nơi ấy Trường Sa
Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - mảnh đất phên dậu của Tổ quốc nằm giữa trùng khơi của Biển Đông, luôn được cả nước hướng về với tình cảm đậm đà như vị mặn đậm đà của nước Biển Đông. Diện mạo của huyện đảo Trường Sa ngày càng thay đổi, với thị trấn Trường Sa lung linh ánh điện về đêm, xã đảo Song Tử Tây hiền hòa soi mình xuống dòng nước biển…
Ở nơi đó có các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo và những ngư dân bám ngư trường để góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đến và đi, nhưng những kỷ niệm về Trường Sa sẽ mãi in sâu vào tâm khảm.
Hướng dẫn xuồng vào đảo. |
Trong hành trình vượt Biển Đông đến với đảo Trường Sa vào những ngày cuối năm, tôi được gặp Thượng tá Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa trở về đất liền để nhận nhiệm vụ mới. Hôm chia tay, ông rất xúc động, nhắn nhủ với người kế nhiệm, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên thị trấn Trường Sa hãy tiếp tục ra sức xây dựng thị trấn ngày càng phát triển.
Ông ra nhận nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa vào năm 2003, cuộc sống của bộ đội và người dân ở đây lúc bấy giờ còn gặp nhiều thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện về mọi mặt, cán bộ, chiến sĩ đã kề vai sát cánh cùng chính quyền và người dân trên đảo vuợt qua mọi khó khăn, thách thức.
Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ quý báu từ đất liền với tinh thần “tất cả vì Trường Sa thân yêu!”, quân và dân huyện đảo Trường Sa được tiếp thêm động lực để xây dựng huyện đảo khang trang như hôm nay…
Năm 2006, ông được phân công nhận nhiệm vụ ở xã đảo Song Tử Tây; năm 2008 ông sang đảo Nam Yết và trở lại đảo Song Tử Tây vào năm 2011; năm 2013 ông trở lại thị trấn Trường Sa cho đến ngày trở vào đất liền vào đầu năm 2016.
Trong một thời gian dài gắn bó với Trường Sa, Thượng tá Hòa có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Trường Sa. Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất là trường hợp cấp cứu anh Nguyễn Hoàng Phương, nhân viên của Trạm Hải đăng đảo Đá Lát vào năm 2004 do bị viêm tụy cấp.
Khi được chuyển đến Trạm xá thị trấn Trường Sa, tình trạng sức khỏe của anh Phương đã chuyển biến nặng. Kíp trực lúc bấy giờ là Bác sĩ Lê Văn Sang (Bệnh viện 108, tăng cường ra đảo) quyết định mổ ngay tại chỗ mặc dù trong điều kiện thiếu thốn về y cụ và thuốc men.
Với bản lĩnh, sự quyết đoán, tay nghề vững cùng cái tâm của người thầy thuốc, Bác sĩ Sang đã thực hiện ca phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân. Thượng tá Hòa chia sẻ: “Trực tiếp theo dõi ca cấp cứu này, đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ những giọt mồ hôi của kíp trực sau khi phẫu thuật xong. Trong thời gian công tác trên đảo, mỗi khi đón các y, bác sĩ từ đất liền đến Trường Sa công tác, đã tạo thêm niềm tin vững chắc về tinh thần cho ngư dân cả nước khi đánh bắt ở các ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc…”.
Đối với ngư dân Trần Ngọc Quang (32 tuổi, quê ở Nghệ An), ngày 7-1 vừa qua là một ngày đáng nhớ. Sau khi tàu cá rời đất liền hơn 2 tuần và đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống, anh bị lên cơn đau bụng dữ dội. Anh em bạn trên tàu đã dùng mọi biện pháp sơ cứu nhằm làm giảm cơn đau cho anh nhưng bất thành. Cơn đau càng lúc càng dữ dội và sức khỏe của anh Quang càng lúc càng yếu dần.
Trước tình huống bất ngờ và nguy hiểm này, thuyền trưởng tàu cá của anh phát tín hiệu cấp cứu và đã được lực lượng Trạm Cứu hộ - Cứu nạn Trường Sa nhanh chóng cơ động đến nơi, kịp thời đưa bệnh nhân Trần Ngọc Quang vào Bệnh xá thị trấn Trường Sa để cấp cứu.
Theo Bác sĩ Thái Ngọc Bình, Bệnh xá trưởng Bệnh xá thị trấn Trường Sa, kết quả sau khi chẩn đoán cho thấy anh Quang bị thoát vị bẹn, cần thiết phải phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật được các y, bác sĩ Bệnh xá trên đảo tiến hành khẩn trương, chính xác, nhờ vậy anh Quang đã qua được cơn nguy kịch. Gặp chúng tôi sau ca phẫu thuật dài hơn 2 giờ đồng hồ, anh Quang xúc động: “Tôi rất biết ơn các anh cứu hộ và các y, bác sĩ ở Bệnh xá Trường Sa đã cấp cứu kịp thời!”.
Trung úy Lê Nghiêm Nam viếng mộ bạn ở đảo Trường Sa Đông. |
Cũng trong hành trình này, mọi người trong đoàn không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện của Trung úy Lê Nghiêm Nam (Ban Hậu cần Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) về người bạn thân mãi mãi ở lại với huyện đảo Trường Sa. Được biết, Thiếu úy Ngô Quyết Thắng (quê huyện Quang Hưng, tỉnh Hải Dương) là bạn thân của Nam từ lúc cả 2 cùng học ở Trường Hải quân, cùng được kết nạp Đảng và về Vùng 4 Hải quân công tác cùng ngày.
Cuối năm 2013, Thắng ra đảo Đá Tây A công tác với nhiệm vụ là nhân viên quản lý. Đến ngày 28-4-2014, trong lúc đi tuần tra, một cơn sóng của những ngày biển động chồm lên, cuốn anh vào lòng biển… Khi tìm được thi thể người đồng đội trẻ, anh em đơn vị đã đưa anh sang đảo Trường Sa Đông để an táng.
Hôm lên đảo, Trung úy Nam lặng lẽ mang hoa cúc tươi (được bảo quản cẩn thận trong kho lạnh của tàu), có cả đặc sản Hải Dương là bánh đậu xanh hiệu Rồng vàng và đã thắp hương cho bạn. Nước mắt của người lính trẻ Trường Sa làm mọi người có mặt dường như quặn đau. Ngôi mộ của thiếu úy trẻ nằm dưới bóng mát của cây bàng vuông và cây phong ba, hướng ra Biển Đông như ngày đêm canh gác, giữ bình yên biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Đặc biệt, câu chuyện về sự kiện bãi đá ngầm Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa ngày 14-3-1988 không chỉ in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, mà còn trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Vào thời điểm đó, đảo Đá Len đao cùng với 2 hòn đá Cô Lin, Gạc Ma (hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nổi lên như 3 cạnh của 1 hình tam giác. Lúc đó, Thiếu úy Trần Văn Phương (Phó Chỉ huy trưởng), chỉ huy bộ đội chốt giữ đảo đá ngầm Gạc Ma bị lực lượng tàu chiến Hải quân “nước ngoài” sử dụng tàu quân sự tấn công đảo.
Cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng xây dựng biển và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại của lực lượng Hải quân “nước ngoài” đã xảy ra. Trong sự kiện này, 74 cán bộ, chiến sĩ cùng 3 tàu vận tải mang số hiệu HQ 505, 604 và 605 đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng của biển cả. Tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ trong sự kiện này đã hóa thành bất tử tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc…
Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân (vào thời điểm đó, ông mang hàm trung úy, chỉ huy bộ đội ở đảo Đá Lát) nghèn nghẹn khi nhắc lại sự dũng cảm chiến đấu, hy sinh của anh em đồng đội.
Đại tá Sơn tâm sự: “Sau khi nhận được thông tin sự kiện trên bãi đá ngầm Gạc Ma xảy ra, tôi và các cán bộ, chiến sĩ đều căm phẫn trước hành động tấn công quân sự trắng trợn của thế lực Hải quân “nước ngoài” và sôi sục quyết tâm sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trả thù cho đồng đội của mình!”.
Xin mượn lời của Đại tá Sơn để kết thúc bài viết: “Với những toan tính và tham vọng thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông của các thế lực nước ngoài, Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, chúng tôi - những người đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí xin nhắn nhủ với các bạn trẻ và các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên Biển Đông”.
PHÙNG LONG