Chợ nổi được biết đến như một nét văn hóa sông nước mang tính cộng đồng của miền Tây Nam bộ. Chợ nổi khác với các chợ khác là chợ họp trên sông. Từ lâu, chợ nổi Cái Bè đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân Cái Bè nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung.
Trước đây, chợ nổi nhóm họp từ lúc 3 - 4 giờ sáng và kết thúc khi ánh mặt trời vừa ló dạng. Hiện nay, chợ nổi hầu như nhóm họp suốt ban ngày để vừa buôn bán vừa phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước.
Xuân về, Chợ nổi Cái Bè vốn đã thơ mộng nay lại càng thơ mộng hơn khi khoác lên mình bộ áo mới rực rỡ sắc màu của hoa trái. Ở đó, không khí mua bán trở nên hối hả, ghe xuồng từ các nơi chở đầy ắp hoa trái về neo đậu bán buôn, nhộn nhịp cả một khúc sông Tiền.
|
Toàn cảnh chợ nổi Cái Bè. |
|
Buổi sáng trong những ngày đầu xuân trên chợ nổi với các mặt hàng trái cây phục vụ cho ngày tết như: Dưa hấu, bắp cải, bưởi… về chợ nổi nhiều hơn. |
|
Đặc trưng buôn bán của chợ nổi bằng hình thức “bẹo hàng”. Trước mỗi mũi ghe, người ta thường cắm cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. |
|
Khóm được khách hàng chọn mua để chưng trong dịp tết. |
|
Trao đổi, mua bán dưa hấu ngay trên ghe. |
|
Ghe trái cây hối hả cho kịp chợ. |
|
Chị Tuyền tranh thủ phân loại bắp cải, chờ con nước lên cho ghe về quê bán tết cho bà con. |
|
Du khách thích thú, thưởng ngoạn vẻ đẹp mộc mạc, mang đậm nét văn hóa sông nước miền Tây tại Chợ nổi Cái Bè. |
|
Phút nghỉ ngơi chờ bạn hàng, ăn uống vội vàng của dân thương hồ trên Chợ nổi Cái Bè. |
|
Quán giải khát “di động” cũng góp phần làm cho chợ nổi càng thêm nhộn nhịp. |
|
Chị Lan với nồi bánh canh len lỏi vào từng ghe hàng. |
|
Từng tô cháo đến tay thương hồ vào buổi sáng sớm. |
PHƯƠNG MAI - TUẤN LÂM
.