Tết ở Trường Sa
Giữa tiếng sóng biển rì rầm vỗ bờ tha thiết, nhân dân và cán bộ chiến sĩ huyện đảo Trường Sa đang đón mùa xuân mới đang về nơi đảo xa! Dù vẫn còn muôn vàn khó khăn nhưng ngày xuân ở Trường Sa không hề kém đất liền.
Cũng đầy đủ dưa, cà, hành, tỏi; bàn thờ gia tiên, bàn thờ Tổ quốc được trang hoàng rất bài bản. Điều thú vị, độc đáo trong ngày xuân ở Trường Sa là “tục lệ” gói bánh chưng bằng… lá bàng vuông – loại cây được xem là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt trên đảo.
Người dân làm dưa chua ăn Tết. |
Đêm giao thừa, khi nồi bánh chưng vừa chín cũng là lúc mọi người tập trung tại hội trường của đảo để vui xuân, đón Tết. Trong đêm “giao thừa”, quân và dân trên đảo không đón Tết riêng rẽ. Tết ở Trường Sa là tết của tình đồng đội, tình quân dân trên đảo. “Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ” là phương châm mà cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được phổ biến, quán triệt.
Tuy nhiên, để động viên cán bộ, chiến sĩ trong lúc làm nhiệm vụ để mọi người trên đảo vui xuân, đón tết, Ban chỉ huy đảo và UBND thị trấn Trường Sa còn tổ chức thăm hỏi, động viên và cũng làm thủ tục “lì xì” cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa và trong ba ngày tết. Quà Tết đầu năm chỉ là gói thuốc, bánh, kẹo nhưng cũng đủ làm ấm lòng chiến sĩ khi ăn tết xa nhà và có trách nhiệm cao hơn khi làm nhiệm vụ trong những ngày tết!
Người dân thị trấn Trường Sa đi lễ chùa đầu năm mới. |
Điểm nhấn chính của các hoạt động đón xuân trên thị trấn Trường Sa được bắt đầu bằng tiết mục hái hoa dân chủ và các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Từng đón xuân ở nhiều nơi, nhưng tôi khẳng định chưa bao giờ được chứng kiến một đêm giao thừa đầy xúc động như Tết này ở Trường Sa.
Hội trường sôi động với những ca khúc ca ngợi mừng Đảng, mừng Xuân do những người chiến sĩ, các em học sinh thể hiện như một niềm tự hào! Cảm động hơn, khi các em học sinh Trường tiểu học Trường Sa cùng nhau cất lên những ca từ: “Biển này là của ta, đảo này là của ta… Tổ quốc Việt Nam ta, Tổ quốc Việt Nam ta”.
Bài hát một lần nữa khẳng định sự quyết tâm giữ vững chủ quyền của đất nước; ca từ được cất lên như lời thề giữ đảo của người lính, của lớp lớp con cháu Lạc Hồng. Giữa quần đảo đầy giông tố, tiếng hát về Trường Sa được trẻ thơ cất lên trong đêm đón xuân nghe sao mà thiêng liêng, nghe sao mà can trường!
Trang trí cành mai vàng đón Tết. |
Sau khi giao lưu văn hóa văn nghệ trên hội trường lớn, bộ đội về đơn vị để nghe đọc thư chúc Tết của Chủ tịch nước trên TV, thủ trưởng các cấp rồi đi thắp hương ở Nhà tưởng niệm Bác Hồ, viếng Nghĩa trang liệt sĩ, viếng chùa; rồi trở về đơn vị đón giao thừa hoặc đi chúc tết lẫn nhau.
Đêm giao thừa của bộ đội trên đảo cũng vui như trong đất liền vậy! Cán bộ UBND thị trấn và người dân thị trấn Trường Sa cũng vào chúc tết đơn vị và ngược lại, không khí rôm rả tới sáng. Đúng 7 giờ sáng mùng một Tết, toàn bộ quân và dân trên đảo Trường làm lễ chào cờ và lễ cúng cột mốc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Trong xúc cảm hân hoan, trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) chia sẻ: Được đón xuân trên tuyến đầu của Tổ quốc là niềm tự hào của tất cả những người lính trên đảo. Không ở đâu có được cái Tết như ở Trường Sa. Dù vẫn còn nhiều thiếu thốn song mùa xuân của Trường Sa lúc nào cũng đầy ắp niềm vui, niềm tự hào và tình quân dân thắm thiết.
Trong năm mới, quân và dân trên đảo sẽ quyết tâm bám biển, bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Xuân sớm ở Trường Sa không rượu, bia, chỉ có bánh chưng xanh đậm đà vị béo, bùi của lá bàng vuông và tình người Trường Sa mặn mòi như vị mặn của nước biển. Trong tiếng hát vang xa giữa muôn trùng sóng vỗ, trong tình đất, tình người Trường Sa nồng nàn, tha thiết, tôi thấy mùa xuân đang hối hả về…
PHÙNG LONG