Vị "mặn" bữa cơm xứ người
Khi nghề nông ở vùng đất đầy phèn, mặn Gò Công không đủ ấm no, một số người buộc lòng phải xa quê sang huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Bà Rịa - Vũng Tàu làm muối thuê để đổi lấy chén cơm, manh áo.
Mưu sinh nơi đất khách
Vào những ngày này, trên những cánh đồng muối thênh thang là hình ảnh những “diêm dân” đang cần mẫn với công việc của họ. Đến với đảo Đầu Đá (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào một ngày nắng sớm, trước mắt chúng tôi là những ruộng muối mênh mông, xa xa là những chòi lá của người làm muối nằm “quạnh hiu” giữa bốn bề thanh vắng.
Ông Nguyễn Văn Tèo đang thu gom muối trên ruộng. |
Đến thăm ruộng muối ngày thu hoạch, nơi ông Nguyễn Văn Tèo (41 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) đang thu gom muối lại thành từng đống. Ông Tèo cho biết, công việc này đã gắn bó với ông từ 7 - 8 năm nay, do nhà ít đất sản xuất nên không đủ sống, phải đi làm thuê quanh năm để có cái ăn, cái mặc.
Trước kia, ông đi làm đủ thứ nghề, có lúc lên Tây Nguyên làm cà phê, cuộc sống hết sức cơ cực. Thế rồi dòng đời đưa đẩy ông dạt sang xứ Vũng Tàu với nghề làm muối thuê. Xa quê hương, xứ sở ai mà chẳng chạnh lòng, nhưng vì cuộc sống ông đành bấm bụng ở lại nơi đất khách. Do nghề muối chỉ làm khi trời nắng, thế nên khi mùa mưa đến là ông về nhà tìm kiếm một công việc khác.
“Mỗi năm tôi đi làm muối thuê khoảng 6 tháng, những tháng còn lại thì làm việc khác. Những ngày đầu đến đây do xứ lạ nên rất buồn, hàng ngày cứ lầm lì trên sân muối mà làm, dần dần rồi cũng quen. Gia đình đổ vỡ từ lâu, bây giờ cố gắng làm để lo cho mẹ già ở nhà” - ông Tèo trải lòng.
Theo những người làm muối nơi đây thì người dân từ vùng Gò Công sang Vũng Tàu làm muối thuê rất nhiều, tập trung ở Phước Hòa, Long Sơn…, có nơi người dân Gò Công làm muối thuê còn đông hơn người tại địa phương.
Đến với chòi lá cách chỗ ông Tèo không xa, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Linh (59 tuổi, ngụ ấp Xóm Mới, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) đang bơm nước biển vào ruộng muối. Có gần mười mấy năm trong nghề làm muối thuê, khuôn mặt nhăn nheo, da cháy nắng, ông Linh nở nụ cười chào chúng tôi.
Đã gần 60 tuổi đời, đáng ra đã được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, nhưng ông Linh ngày ngày vẫn còng lưng trên ruộng muối “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Phận làm thuê nơi đất khách bao giờ cũng gánh chịu những thiệt thòi, do làm công cho chủ cùng với đặc thù của công việc, thế nên phải làm quần quật suốt ngày.
Mỗi tháng họ chỉ được về nhà một lần, có khi do công việc gấp, nhiều tháng liền cũng chưa được về nhà. “Đã 3 tháng nay tôi chưa về nhà, nhưng cũng phải chịu thôi vì làm thuê cho người ta mà. Nhà có 5 đứa con, đứa nào cũng có gia đình riêng. Mình còn khỏe làm được chừng nào thì hay chừng nấy, chứ quanh quẩn ở nhà lấy tiền đâu mà trang trải cho cuộc sống” - ông Linh bày tỏ.
Lắm nỗi nhọc nhằn
Trong hành trình mưu sinh, những người làm muối thuê đã phải trải qua biết bao gian khó, thiếu thốn về điều kiện sống, hơi ấm của gia đình.
Để làm muối được thì cần phải có nắng, bởi vậy người làm muối phải “đội nắng” suốt ngày ngoài trời, khi mặt trời lặn mới được nghỉ ngơi. Không như những nghề khác có sự quy định rạch ròi về thời gian làm việc, người làm muối thuê phải làm suốt, mỗi ngày hơn 10 tiếng trong khi tiền lương thì vẫn vậy.
Ông Linh than: “Cái nghề này khổ lắm! Nắng cháy da cũng vẫn phải làm, nhiều lúc bị cảm nắng. Gặp người chủ nào dễ thì mình đỡ đôi chút, gặp người khó thì cực thêm cho mình”. Nghề làm muối thuê là một nghề khá nặng nhọc, do đôi vai phải gánh những giỏ muối nặng trĩu, đôi chân phải thật khỏe để có thể trụ vững được. Có khi một ngày họ phải gánh gần 2 tấn muối từ ruộng đến hố cất.
Nơi biển khơi giữa bốn bề là nước, cuộc sống của những người làm muối thuê hàng ngày chỉ quanh quẩn bên ruộng muối, gần như khép kín. Do là đảo nhỏ nên không có điện sử dụng, việc thắp sáng dựa vào những chiếc bình được sạc điện sẵn.
Không điện, cuộc sống của người làm muối trở nên buồn tẻ hơn, không được xem những chương trình truyền hình giải trí, tin tức thời sự như khi ở nhà. Ngoài ra, việc thiếu nước ngọt để sinh hoạt cũng là một trong những khó khăn lớn của người làm muối thuê nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, ngụ ấp Cầu Xây, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Mỗi ngày sau khi làm việc xong, do không có điện nên sau khi ăn uống, tắm rửa là tôi đi ngủ. Nước tắm rửa cũng phải nhín nhút vì phải đổi từng thùng, không thoải mái như ở nhà. Ở đảo thành ra không cập nhật được thông tin, chỉ có chiếc điện thoại liên lạc với người nhà thôi”.
Những năm gần đây, giá muối xuống thấp, cho nên đồng lương mà chủ ruộng muối trả cho người làm thuê không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Mỗi tháng họ được trả hơn 4 triệu đồng, số tiền không lớn nhưng được chủ bao ăn, ở, nhờ vậy mà có dư gửi về cho gia đình. Do đảo cách xa chợ, thế nên 4 - 5 ngày chủ mới đi chợ 1 lần, chính vì vậy mà bữa cơm của họ không bao giờ được đầy đủ.
Nghề này buồn nhất là khi tết đến, trong khi nhiều gia đình sum họp, vui vầy bên nhau thì những người làm muối thuê vẫn phải ở lại để tiếp tục làm việc. Với họ lễ, tết cũng như những ngày bình thường, sáng ra ruộng muối tối lại vào nhà, cuộc sống là một vòng tròn khép kín.
“Đã lâu rồi tôi chưa về nhà ăn tết, làm thuê cho người ta công việc nhiều như thế này ai mà cho mình về. Ở đây bốn bề là biển, lại ít người nên không khí tết cũng như những ngày bình thường thôi” - ông Tèo bày tỏ.
Hoàn cảnh đã buộc những người con vùng đất Gò Công gắn chặt với cái nghề làm muối thuê. Nhờ sự cần mẫn, không ngại gian khó, hàng ngày họ đã góp phần làm nên cái vị đặc trưng không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Cái vị mặn ấy được kết tinh từ nước biển và những giọt mồ hôi của những người con vùng đất Gò Công.
MINH THÀNH