Ký sự: Nước Mỹ, đôi điều nghe thấy
Nước Mỹ gần như nằm hẳn ở tây bán cầu, cách nước ta nửa vòng trái đất, diện tích hơn 9,3 triệu km2 (thứ ba thế giới sau Nga, Canada) và dân số trên 305 triệu người (thứ ba thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ).
Nước Mỹ còn gọi là Hoa Kỳ với tên đầy đủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America) gồm có 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang, trong đó có 48 tiểu bang lục địa và thủ đô Washington D.C. Tiểu bang Alaska nằm cách biệt nước Mỹ trên vùng tây bắc của lục địa Bắc Mỹ, giáp với Canada ở phía đông. Tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương…
Tác giả trước Tòa nhà Tuyên ngôn Độc lập (Independence Hall) |
Nước Mỹ rộng lớn như thế nhưng tôi chỉ “chấm chân” được ở một số nơi theo cách “cỡi ngựa xem hoa” trong một tour du lịch 12 ngày. Dù sao cũng là một chuyến đi thú vị, xin ghi lại đôi điều chia sẻ cùng bạn đọc.
Rời sân bay Tân Sơn Nhất lúc gần nửa đêm 26-6-2012, quá cảnh sân bay Nirita (Nhật Bản) lúc 7giờ30 sáng hôm sau và 11giờ30 trưa đi tiếp đến Mỹ. Do vượt tuyến đổi ngày nên đến sân bay Dallas (Mỹ) lúc 9iờ10 sáng cùng ngày. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh và kiểm tra hành lý, đoàn chuyển tiếp chuyến bay nội địa lúc 12giờ20 trưa và đến New York lúc 16giờ45 chiều.
THĂM TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO, TRỤ SỞ LIÊN HIỆP QUỐC
Nguyên ngày 28-6, đoàn thực hiện chương trình tham quan một số địa điểm của thành phố lớn nhất nước Mỹ, New York, ngày xưa ta thường gọi Nữu Ước. Đầu tiên, đoàn đến thăm Tượng Nữ thần Tự do, một biểu tượng đặc sắc và đầy kiêu hãnh của người Mỹ, được đặt trên đảo Liberty tại cảng New York.
Du khách xuống phà đi một vòng ngắm tượng từ xa rồi ghé lại lên đảo chọn góc đứng chụp ảnh lưu niệm quanh tượng. Được biết, du khách nào muốn vào tầng hầm và bệ tượng phải mua vé “mời tham quan bảo tàng/bệ tượng”, muốn đi cầu thang trong lòng tượng lên đến phần mũ miện phải mua vé đặc biệt trước một năm. Đoàn chúng tôi không ai có những yêu cầu đó.
Tác phẩm điêu khắc kích thước cực lớn này có chiều cao riêng tượng là 46m, tính luôn từ nền bệ ở mặt đất lên đến đỉnh của ngọn đuốc cao 93m, chiều dài bàn tay 5m và ngón trỏ dài 2,44m... Tượng do kiến trúc sư người Pháp Frédéric Bartholdi thiết kế theo đơn đặt hàng của Chính phủ Pháp để gửi tặng Chính phủ Mỹ và được khánh thành ngày 28-10-1886.
Tượng mang dáng dấp Nữ thần Tự do Libertas của La Mã, tay phải cầm bó đuốc còn tay kia cầm tấm đá phiến có khắc ngày tháng độc lập của Hoa Kỳ; 7 đường tia sáng trên mũ chiếu sáng các đại châu, đại dương; dưới chân có một đoạn xiềng xích bị phá đứt, tượng trưng cho việc xóa bỏ chế độ nô lệ và lật đổ chính quyền tàn bạo.
Tượng Nữ thần Tự do gợi tôi nhớ lại mẫu chuyện về Bác Hồ ghi cảm tưởng khi đến tham quan tượng năm 1912. Không như nhiều người chỉ ca ngợi ngôi sao trên vòng nguyệt quế tỏa ánh sáng tự do cho mọi người, Bác viết đại ý:
Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thì người da đen bị chà đạp… (1). Chúng ta đều biết, lúc bấy giờ Bác Hồ vừa mới rời bến Nhà Rồng (1911) ra đi tìm đường cứu nước, dân ta đang sống trong đêm dài nô lệ của thực dân Pháp. Trên đất Mỹ thì người da đen bị đối xử tàn tệ.
Khi tìm thêm tư liệu viết bài này, tôi được biết năm 1984, Tượng Nữ thần Tự do được UNESCO công bố là di sản thế giới (theo Wikipedia tiếng Việt). Tôi có chút thắc mắc tại sao một “kiệt tác tinh thần của nhân loại” đang “đứng vững như một biểu tượng hùng tráng cao độ - truyền cảm hứng cho dự tính, tranh luận và đấu tranh - cho những lý tưởng như tự do, hòa bình, nhân quyền, bãi nô, dân chủ và cơ hội”(Trích Tuyên bố của UNESCO) có từ thế kỷ XIX mải đến năm 1984 mới được UNESCO công bố là di sản thế giới? Có gì liên quan đến một số cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ không, điển hình như cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chẳng hạn?
Buổi chiều, đoàn đến Manhattan, hòn đảo chính của New York. Sau đó tiếp tục tham quan Ground Zero (Vùng đất Số Không, tên gọi di tích tòa tháp đôi World Trade Center - WTC - Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh sập, chết gần 3.000 người, ngày 11-9-2001).
Tại đây, Đài tưởng niệm khắc tên người chết quanh hai đài phun nước hình vuông đã hoàn thành năm 2011. Nhưng Tòa Tháp Tự do (Freedom Tower) thay thế WTC còn đang xây dở dang, nghe nói năm 2013 sẽ hoàn thành.
Đoàn tham quan tiếp Phố Wall (Wall Street - Trung tâm tài chính, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới), Trụ sở Liên Hợp Quốc (United Nation), Đại lộ Số 5 (Fifth Avenue - Nơi trưng bày hàng hiệu mới nhất và đắt nhất), Quảng trường Thời đại (Times Square), Đại lộ Broadway (Trung tâm kịch nghệ thế giới). Các địa điểm vừa kể gói gọn trong buổi chiều nên chỉ dành nhiều thì giờ cho điểm tham quan Trụ sở LHQ.
Cổng vào Trung tâm điện ảnh. |
Tòa nhà 39 tầng của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới phất phới quốc kỳ của 193 quốc gia thành viên, nơi thu hút khách quốc tế đến chụp ảnh lưu niệm dưới lá cờ Tổ quốc mình. Quốc kỳ Việt Nam tung bay cạnh quốc kỳ nước chủ nhà do vần V gần với vần U (USA). Tiếp theo là dãy hành lang trưng bày tặng phẩm.
Mỗi thành viên có một món quà tiêu biểu được trưng bày giới thiệu với bạn bè quốc tế. Việt Nam mang đến đây chiếc trống đồng Ngọc Lũ đậm đà bản sắc dân tộc. Ở cổng vào phía trái đập vào mắt mọi người là khẩu súng lục bị bẻ cong nòng, tượng trưng cho nhiệm vụ chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình, giải trừ quân bị của LHQ.
Trong công viên ngoài trời phía bên phải trụ sở cũng có một bức tượng mang ý nghĩa tương tự: hình một người đang cầm búa đập xuống thanh gươm. Đây chính là nguồn cảm hứng của vua nhạc pop Michael Jackson, được ông đưa vào ca khúc bất hủ “Heal The World”.
Vào gian trưng bày bên trong phải qua các thủ tục an ninh chặt chẽ nhưng nhanh chóng và khi vào trong thì đi lại rất thoải mái. Nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng ,tranh ảnh, hiện vật khắp nơi trên trên thế giới, ảnh chân dung các đời Tổng Thư ký LHQ… được trưng bày ở đây.
Kết thúc cuộc tham quan trụ sở LHQ, đoàn được đưa đi dùng cơm tối tại quán ăn Nam Sơn, nằm trong khu phố Tàu (Chine Town). Thực đơn của quán có đủ các món ăn Việt Nam được viết trên tường: gỏi tôm đu đủ, chả giò tôm, bò lá lốt, tôm hùm xào hành, bún bò Huế, canh chua, cá kho tộ, hủ tíu Mỹ Tho…
Tôi đặc biệt chú ý hủ tíu Mỹ Tho, nhưng ở đây và sau đó ở các quán ăn khác có quảng cáo món ăn này, tôi dùng thử chỉ thấy đó là hủ tíu… Mỹ, không có “Tho” chút nào, cả về nguyên liệu và hương vị. Tuy nhiên, giữa thành phố New York sầm uất, lớp lớp nhà chọc trời, những món ăn Việt với chữ quốc ngữ có dấu đầy đủ, rõ ràng như vậy được quảng bá, khiến du khách người Việt có cảm giác ấm lòng, gần gũi.
GHÉ NƠI KHAI SINH BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP HOA KỲ
Sáng sớm 29-6, chúng tôi trả phòng, ăn sáng buffet kiểu Mỹ, lên xe đi Philadelphia - thành phố lớn nhất của tiểu bang Pennsylvania, thủ đô lập quốc của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tại đây, xe dừng lại tham quan Quả chuông Tự do (Liberty Bell - nơi đánh tiếng chuông tự do đầu tiên của nước Mỹ), Tòa nhà Tuyên ngôn Độc lập (Independence Hall - Nơi bản Tuyên ngôn Độc lập được phê chuẩn ngày 4-7-1776).
Đây chính là bản Tuyên ngôn Độc lập mà 169 năm sau, Bác Hồ có trích dẫn một đoạn, đưa vào bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, cùng với một đoạn trong bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789.
Việc này cho thấy Bác Hồ rất trân trọng tinh hoa văn hóa, lịch sử vẻ vang của các nước, các dân tộc. Đồng thời cũng cho thấy mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của người Mỹ, người Pháp cũng là của người Việt Nam chúng ta.
Khu liên hợp khách sạn - casino Luxor được xây dựng theo kiến trúc Kim tự tháp với tượng nhân sư lớn hơn tượng thật tại Ai Cập |
Theo nhiều tài liệu, Bác Hồ sau khi sang Pháp năm 1911, đầu năm sau Bác đến Mỹ. Trong thời gian ở Mỹ, Bác Hồ đã sống ở các thành phố New York, Boston, Brooklin, tạm trú một thời gian ngắn ở khu Harlem (nơi sinh sống của người da đen). Ở Boston, Bác làm việc tại khách sạn Omni Parker House, trong bộ phận làm bánh. Bác tranh thủ trau dồi tiếng Anh, tìm hiểu lịch sử, văn hoá Mỹ, đặc biệt bản TNĐL của nước Mỹ năm 1776 do Thomas Jefferson khởi thảo.
Về nơi làm việc của Bác ở cái khách sạn được xây dựng từ năm 1855 này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cùng đoàn cán bộ cấp cao khi sang Mỹ hội đàm với Tổng thống George W. Bush năm 2000, được phía bạn đưa đến đây tham quan. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là khách sạn vẫn còn lưu giữ chiếc bàn mà Bác Hồ đã dùng để nhồi bánh!
Và có câu chuyện rất cảm động kèm theo là một cựu binh Mỹ - anh Kevin Bowen, nhà thơ, giáo sư văn học Đại học Massachusetts và là giám đốc Trung tâm William Joiner (Trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh và những vấn đề xã hội thông qua những hoạt động văn học nghệ thuật) - đã tìm mọi cách để mang chiếc bàn đó về cho Việt Nam, nhưng không thành.
Ông đề nghị khách sạn bán chiếc bàn đó cho ông: bị từ chối. Ông thuê người chế một chiếc bàn khác giống y để thay thế: cũng bị khước từ. Nước Mỹ, đất nước một thời bị coi là kẻ thù số 1 của Việt Nam, vẫn gìn giữ chiếc bàn đơn sơ ấy như một tài sản tinh thần của chính họ.
Xung quanh câu chuyện về hai người viết bản TNĐL, có một sự trùng hợp kỳ lạ. Ông Thomas Jefferson, người viết bản TNĐL cho nước Mỹ năm 1776, làm Tổng thống hai nhiệm kỳ (1801-1809), từ trần lúc 0giờ 50phút sáng ngày 4-7-1826, nhằm ngày Quốc khánh của nước Mỹ. Bác Hồ qua đời lúc 9giờ47phút sáng ngày 2-9-1969, Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau khi ăn trưa ở một quán ăn dọc đường, đoàn trực chỉ Thủ đô Washington D.C. Đoạn đường “ngốn” gần hết buổi chiều nhưng hai hướng dẫn viên một nữ một nam chẳng những thuyết minh rành rọt các điểm tham quan mà còn có nhiều “tài vặt”khuấy động không khí tươi vui trong hơn 30 du khách trên xe.
Và chính du khách mà trong đó không ít người biết ca hát và có nhiều mẩu chuyện trào lộng đã làm cho đường xa trở thành gần, lại còn gắn kết tình cảm giữa những người vốn xa lạ lúc đầu trở nên thân quen trong suốt các chặng đường còn lại.
Tôi là một trong số ít du khách “độc thân” trong đoàn được lợi nhiều hơn cả. Không khí vui nhộn trong xe kể từ hôm đó càng đậm đà hơn ở những chặng đường về sau, nhất là khi đoàn chuyển sang bờ tây nước Mỹ, có thêm hơn 10 du khách đi riêng tour này vừa mới đến nhập vào, trong đó có vài cháu thiếu nhi thuộc loại “thần đồng” về kể chuyện vui.
Phần tôi, chốc chốc tôi lại nhìn ra phong cảnh hai bên đường cố thu vào tầm mắt hình ảnh một đất nước có nhiều “ân oán” với nước mình mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình có cơ hội đến tham quan. Hơn nữa, đi chuyến này là chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng, bởi hai lẽ: vé tour quá đắt và tuổi tôi trên cái mốc “cổ lai hy” đến sáu bảy năm rồi, lại có bệnh về tim đang dùng thuốc hằng ngày.
ĐẾN THỦ ĐÔ NƯỚC MỸ: LẦU NĂM GÓC VÀ CÂU CHUYỆN TỰ THIÊU
Cả ngày 30-6, đoàn thực hiện chương trình tham quan Thủ đô nước Mỹ: Nhà Trắng (White House), Tòa nhà Quốc hội (Điện Capitol), Đài tưởng niệm Washington, Nhà lưu niệm Abraham Lincoln, Lầu Năm Góc, Bức tường kỷ niệm chiến tranh Việt Nam, Bảo tàng Hàng không Không gian, Bảo tàng Tự nhiên...
Thủ đô nước Mỹ mang tên Washington D.C. nằm bên bờ sông Potomac, thuộc bờ đông nước Mỹ, là thành phố duy nhất không trực thuộc tiểu bang nào. Mỹ còn có bang tên Washington nằm tận phía bắc bờ tây. Tên Washington được đặt để tưởng nhớ vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, còn D.C. là viết tắt cụm từ “District of Columbia”(quận mang tên nhà thám hiểm Christopher Columbus, người đã tìm ra châu Mỹ).
Nhà Trắng trước còn thường được gọi là Tòa Bạch Ốc hoặc Bạch Cung, là nơi ở và làm việc chính thức của các đời Tổng thống Mỹ. Tòa nhà Quốc hội là nơi làm việc của Thượng và Hạ nghị viện. Hai nơi này đoàn chỉ tham quan bên ngoài. Như trong phim ảnh mọi người thường thấy, hai tòa nhà đầu não của Nhà nước Hoa Kỳ đều có chiều cao khiêm tốn vì tất cả nhà xây ở đây đều phải thấp hơn Tháp Bút Chì, tức Đài tưởng niệm Washington cao khoảng 500 feet (chừng 180m).
Tuy chỉ đứng ngoài nhìn “hai cơ quan tối cao” này, tôi cứ liên tưởng đến những quyết định từ đây của một đại cường quốc đối với nước Việt Nam “nhược tiểu” chúng ta, năm 1954 không để cho nước đó được thi hành Hiệp định Genève thống nhất nước nhà sau một cuộc kháng chiến lâu dài 9 năm chống thực dân Pháp tái xâm lược, mình còn đầy thương tích và bao gánh nặng của thời hậu chiến.
Nhưng rồi chẳng có thời hậu chiến để hàn gắn vết thương chiến tranh mà là khởi sự ngay một cuộc kháng chiến mới, nhanh chóng trở nên vô cùng ác liệt với quyết tâm của một siêu cường rắp tâm đưa đối phương trở lại “thời kỳ đồ đá” với đủ kiểu chiến lược chiến tranh, với đủ loại vũ khí, chỉ trừ bom nguyên tử, với chất độc màu da cam đến nay còn để lại dị dạng, bệnh tật trên cơ thể nhiều người Việt Nam, kể cả những người Mỹ, người Hàn.
Chưa nói, khi kết thúc chiến tranh còn bao vây cấm vận Việt Nam, về hùa với một vài thế lực để mặc cho bọn Pôn Pốt diệt chủng đồng bào mình, xâm lược, tàn sát đồng bào Việt Nam vùng biên giới tây nam… Mãi đến tháng 11 năm 2000, mới có một vị Tổng thống Mỹ đến Việt Nam (Bill Clinton), bắt đầu “phá băng”quan hệ Mỹ - Việt.
Và nơi đây, 11 giờ ngày 22 tháng 6 năm 2007 (giờ địa phương, tức 22 giờ tối ở Việt Nam), tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ G.WW. Bush hội đàm với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết, chính thức “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
Lầu Năm Góc trước còn gọi là Ngũ Giác Đài, là trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ, nằm bên bờ sông Potomac phía tiểu bang Virginia, xe chỉ chạy qua ngang cho khách nhìn từ xa. Được biết, Lầu Năm Góc là một phức hợp văn phòng có công suất sử dụng cao nhất thế giới với diện tích sàn 616.518m2, có năm cạnh, năm tầng (không kể hai tầng hầm) và năm hành lang tổng chiều dài 28,15km, có 23.000 quân nhân và nhân viên làm việc, 3.000 người giúp việc.
Rộng như thế nhưng từ trung tâm đến các cạnh chỉ cần 7 phút đi bộ. Ngày 11-9-2001, cùng với Tòa Tháp đôi (WTC) ở New York, Lầu Năm Góc đã bị không tặc lái chiếc máy bay thương mại chở khách đâm vào một phần mặt tiền phía tây, làm chết 189 người.
Xe chạy qua cầu Potomac, cậu hướng dẫn viên nhắc lại sự kiện nơi đây đã từng có một công dân Mỹ tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam, và đọc một số câu thơ trong bài thơ “Êmily, con…” của nhà thơ Tố Hữu mà cậu còn nhớ:
Êmily con ơi !
Trời sắp tối rồi…
Cha không bế con về được nữa !
Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa
Đêm nay mẹ đến tìm con
Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn
Cho cha nhé.
Và con sẽ nói cùng với mẹ :
Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn !
Tôi rất tiếc mình không nhớ những câu còn lại để bổ sung, phục vụ bạn đồng hành. Tôi chợt nghĩ, một sự kiện quan trọng như thế này, tiêu biểu cho phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, cũng là sự ủng hộ quý báu cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, cần được chính thức đưa vào chương trình của tour du lịch để xe dừng lại cho du khách nhìn phong cảnh, nghe hướng dẫn viên giới thiệu đầy đủ hơn. Lúc viết lời góp ý với nhà tour trên đường về, tôi có ghi ý này. Xung quanh vụ tự thiêu gây chấn động nước Mỹ từ 47 năm trước, có nhiều chuyện hay và cảm động (2).
ĐÀI TƯỞNG NIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Khoảng hơn 10 giờ sáng, đoàn đến điểm tham quan nhiều người mong đợi: Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial - Đài tưởng niệm các cựu binh tử trận trong chiến tranh Việt Nam).
Được biết, ý tưởng xây dựng Đài tưởng niệm là của các cựu chiến binh Mỹ, họ cảm thấy tủi nhục và bất bình khi nhìn thấy bạn bè đã hy sinh ở Việt Nam bị lãng quên, thấy cần phải xây dựng một chứng tích gì đó cho người dân Mỹ và du khách năm châu đến thăm Mỹ thấy những mất mát không gì bù đắp nổi mà Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Anh Jan Scruggs, từng tham chiến tại Việt Nam, bị thương nặng và may mắn được trở về nước. Thoát chết ở chiến trường nhưng anh chứng kiến tận mắt hình ảnh đau thương của 30 đồng đội cùng đơn vị bỏ mạng ở Việt Nam, là một trong những người tích cực nhất vận động quyên góp tiền bạc để thực hiện ý tưởng này.
Cuộc vận động được nhiều người ủng hộ, trong đó tỷ phú Ross Peros nhận làm nhà tài trợ chính. Năm 1980, cuộc thi sáng tác mẫu Đài tưởng niệm được phát động và mẫu thiết kế của cô Maya Ying Lin 21 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, sinh viên kiến trúc Đại học Yale đã được chọn từ 1421 bản vẽ dự thi.
Đài tưởng niệm là hai bức tường dài 75m bằng đá hoa cương màu đen đặt mua từ Ấn Độ, ghép lại theo hình chữ V với một góc rộng chừng 120 độ, cao 3m. Một cánh của chữ V ấy chỉ về phía Tháp Bút Chì, tức Đài tưởng niệm vị Tổng thống đầu tiên, cha đẻ của nền cộng hòa Mỹ George Washington; cánh kia chỉ về Nhà lưu niệm vị Tổng thống giải phóng người nô lệ da đen Abraham Lincoln. Mỗi cạnh tường có 70 ô ghi tên quân nhân Mỹ theo thứ tự ngày báo tử hoặc mất tích.
Như vậy có 140 ô tất cả, như những trang sách của một cuốn sách đang mở. Cả hai bên, ô đầu tiên chỉ có 3 tên tuổi. Tiếp theo, càng chạy đến gần trung tâm tường càng cao, danh sách càng dày đặc. Không biết có phải ý tác giả muốn nói “càng về cuối cuộc chiến tranh, số lính Mỹ chết trận càng nhiều hơn?”. Hai đầu bức tường là hai chiếc bàn nhỏ có mái che với hai cuốn sách dày ghi rõ tên, đơn vị, ngày tử trận, ngày mất tích và vị trí từng người trên tường để người thân dễ tìm kiếm.
Có tên ở đây, chỉ các quân nhân trong biên chế được rà soát kỹ, được coi là mất tích, hay đã tử trận được xác định bằng cacbon14 mới được khắc tên trên bức tường này. Năm 2004, bức tường được bổ sung tên của 10 quân nhân Mỹ nữa. Vậy là tổng cộng hiện có 58.245 tên các quân nhân nam nữ tử trận, trong số đó có 1.200 người được coi là mất tích.
Nếu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã gây chia rẽ sâu sắc người Mỹ lúc nó đang diễn ra thì việc tưởng niệm về nó ra sao cũng gây không ít mâu thuẫn trong giới cầm quyền. Trong một thành phố nơi mà các đài tưởng niệm đều có hình dáng cao vút chĩa lên trời như biểu tượng của sức mạnh và những cuộc chiến tranh luôn được nhớ đến là những chiến thắng thì bức tường dài màu đen nằm ngang của Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam nhắc nhở về một cuộc chiến kết thúc tồi tệ, về một phần lịch sử đen tối của nước Mỹ, trông giống như một “mộ bia khổng lồ”, “một vết cắt màu đen nhục nhã”.
Đó là quan điểm của những người bác bỏ mẫu thiết kế của cô Ying Lin, trong đó có đương kim Tổng thống Ronald Reagan. Nhưng Hội đồng giám khảo và những người ủng hộ khẳng định đây là đồ án nói lên hết ý nghĩa chiến tranh Việt Nam đã từng gây chia rẽ nước Mỹ, một nơi để nhân dân Mỹ suy ngẫm và tưởng niệm chứ không phải là một sự vinh danh chiến thắng.
Trước sức ép của dư luận cả nước, chính quyền Mỹ đã phải cử ra một Ủy ban nghệ thuật để thẩm định lại đồ án. Đồ án vẫn được thông qua tuy còn một số ý kiến chưa thật đồng tình. Cuối cùng, để dung hòa, người ta xây dựng thêm một nhóm tượng ba người lính và một nhóm tượng nữ y tá đặt gần đó.
Gần Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, có Đài tưởng niệm chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên, nhưng ở đây khách đến tham quan luôn chiếm số đông. Thường có khoảng 3 triệu người đến viếng mỗi năm, có năm đến 4 triệu người. Trước mắt tôi, thỉnh thoảng có một đoàn khách đông đảo đi qua, theo sự dẫn dắt của một người cầm lá cờ nhỏ hình tam giác ghi dấu hiệu của hãng du lịch hoặc của cơ quan, đoàn thể.
Còn thường xuyên là dòng người qua lại trước bức tường, có cả người ngồi trên xe lăn, trẻ em nằm trên xe nôi. Hẳn đây là thân nhân, bạn bè của những người có tên trên bức tường. Họ chăm chú dò, đọc, có người lấy khăn lau nước mắt. Hôm đó còn có người bắc thang dùng bút chì cà lên mảnh giấy trắng lấy tên người thân mang về.
Nhiều người khi về còn để lại bên chân tường một bông hoa nhỏ, bài thơ, bức thư, tấm ảnh, chiếc huân chương, chiếc giày nhà binh, chai rượu uống dở với hai cái ly, một mẩu bánh sinh nhật… Sau mỗi ngày, nhân viên trông coi công viên thu thập những vật kỷ niệm này mang về có chỗ cất giữ cẩn thận.
Đặc biệt, ít người biết hơn, ở tiểu bang Washington tây bắc nước Mỹ cũng có một bức tường kỷ niệm chiến tranh Việt Nam. Bức tường bằng đá hoa cương này là sự biến cách của bức tường ở thủ đô Washington, ở giữa là một cung tròn 120 độ nhô cao lên, hai đầu thấp dần.
Các ô khắc tên người tử trận bằng nhau. Sát giữa trung tâm bức tường, phiến đá được đục sâu thành bản đồ Việt Nam. Bên trái (từ ngoài nhìn vào) là danh sách người tử trận. Bên phải khắc hai hàng chữ lớn: Washington State Vietnam Veterans Memorial – Đài tưởng niệm các cựu binh tử trận tại Việt Nam của tiểu bang Washington.
THÀNH PHỐ CỜ BẠC TRÊN VÙNG SA MẠC
Đoàn chúng tôi còn tiếp tục tham quan, mua sắm, ăn tối và nghỉ đêm tại đây. Sáng sớm hôm đến sân bay Washington Dulles đáp chuyến bay nội địa đi Las Vegas (quá cảnh sân bay Dallas). Đây là thành phố lớn nhất thuộc tiểu bang Nevada phía tây nước Mỹ, được mệnh danh là “thủ đô của các sòng bạc”. Xế chiều đến nơi, đoàn nhận phòng nghỉ ở khách sạn kiêm sòng bạc MGM Grand, tiêu chuẩn 4 sao, quy mô trên 5.000 phòng, có hội trường hội nghị, rạp hát, hồ bơi, khu thể thao, khu ăn uống, chuồng nuôi sư tử…
Với casino là trung tâm, hàng chục khách sạn 4 sao, 5 sao nguy nga, tráng lệ phục vụ cho việc đánh bạc và giải trí nằm hai bên đại lộ của Las Vegas hoạt động suốt ngày đêm. Mỗi hotel & casino là một kỳ quan, mô phỏng các thành phố lớn ở Mỹ và thế giới như New York với tòa nhà Empire State, Paris với tháp Eiffel và những nghệ sĩ hát rong trên đường phố, Luxor với kiểu kiến trúc Kim Tự tháp, tượng nhân sư hoành tráng, Wynn với khu vườn nhiệt đới và thác nước trên sa mạc, Venice với dòng sông xanh thơ mộng, những người chèo thuyền Gondola chở các cặp tình nhân đi dạo…
Đoàn du khách chúng tôi phần lớn đi Mỹ lần đầu, đa số nhằm thăm thân nhân, một số “đi cho biết đó biết đây”, kết hợp mua sắm. Không ai mang những đồng đô khiêm tốn của mình đến “thử thời vận” ở các sòng bạc.
Đường phố ban ngày khá vắng vẻ, vì nghệ thuật chiếu sáng là một phần đặc trưng của Las Vegas chỉ có thể tiến hành về đêm. Mặt khác, hôm chúng tôi đến đây lại nhằm lúc nhiệt độ rất cao, buổi trưa ngoài trời đến 47 độ C.
Đêm về, đường phố và bầu trời Las Vegas mới rực rỡ sống động với các loại đèn màu được trang trí ở các hotel&casino và đèn lade giăng lưới trên các vòm đường được điều khiển thành những con vật trong truyện cổ tích lồng lộn trên bầu trời. Tản bộ trên đường phố về đêm, chúng tôi choáng ngợp trước thành phố rợp trời ánh sáng này. Tôi muốn tìm hiểu về tình hình kinh doanh casino ở đây, nhưng các hướng dẫn viên không đáp ứng được (3).
Ngày thứ hai ở Las Vegas đoàn tiếp tục tham quan một số nơi, trong đó có Đập thủy điện Hoover Dam đi hơn nửa giờ ôtô. Đây là một trong bảy công trình kiến trúc vĩ đại nhất mang tên Tổng thống thứ 31 Hoa Kỳ Herbert Hoover. Hoover Dam được xây dựng năm 1931 tại lưu vực sông Colorado nằm giữa hai tiểu bang Nevada và Arizona còn được coi là một kỳ quan của nước Mỹ và thế giới, khách đến Las Vegas đều không bỏ qua đập thuỷ điện này.
Thật hùng vĩ, từ trên cao nhìn xuống thấy hồ Mead mênh mông nước xanh rì và con đập chắn ngang, xe chạy quanh quanh sườn núi rồi đổ xuống lưng chừng dốc, dừng lại ở tấm biển “Lookout Point” cho khách quan sát toàn cảnh và chụp ảnh, lại đi tiếp ngắm nhiều cảnh quan ngoạn mục khác…
Sáng 3-7, chúng tôi giả từ Las Vegas, thực hiện tiếp chuyến tour đến Los Angeles, thành phố lớn nhất của tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ California, nằm ven Thái Bình Dương, diện tích lớn hơn nước ta, nơi có cư dân người Việt đông đảo nhất trên đất Mỹ.
Chặng đường đi bằng ôtô dài 432 km mất khoảng 5 tiếng, ngoài việc ghé vài nơi ăn sáng, ăn trưa, mua sắm tại một cửa hàng sale off (giảm giá), chúng tôi lại tiếp tục kể chuyện, chia đội thi tài ca hát... thu ngắn đường dài.
CÁC THÀNH PHỐ ĐẸP BỜ TÂY NƯỚC MỸ
Đến Los Angeles, xe ghé thương xá Phước Lộc Thọ, nơi tập trung mua bán nổi tiếng của cộng đồng người Việt ở quận Cam. Đó là một tòa nhà hai tầng, tầng lầu có thờ Đức Quan Thánh dành cho những người đến khấn vái, xin săm, xem quẻ. Quảng trường phía trước là nơi thường diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, trong đó có chợ đêm mỗi cuối tuần.
Sau 37 năm sinh sống trên đất Mỹ, đặc điểm nổi bật nơi có đông người Việt sinh sống là các ngôi chợ mang những cái tên Việt Nam như Hòa Bình, Á Đông, Bến Thành, Chợ Lớn… có đủ các món ăn, các loại rau, củ, quả, kể cả các loại mắm ở Việt Nam.
Tại đây, có một số du khách tách đoàn, được người thân rước về nhà. Tôi cũng theo xe riêng của vợ chồng một gia đình Việt kiều, quê quán Gò Công Tây, rước về nhà chơi trong buổi tối. Anh này đã mấy lần về Việt Nam, câu chuyện giữa chúng tôi rất tự nhiên, thoải mái. Rồi tất cả cùng đi ăn cơm ở một quán ăn Việt Nam có nhiều hải sản.
Ngày hôm sau (4-7), chương trình trọn ngày dành cho các điểm tham quan nổi tiếng ở khu vực được coi là trung tâm lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ: Hollywood (xưa gọi theo Trung Quốc là Hồ Ly Vọng, Hoa Lệ Ước). Hoa Kỳ là cờ hoa, ngày này cờ treo khắp nơi, kỷ niệm ngày quốc khánh lần thứ 236. Từ bãi đậu xe, đi bộ ít phút đến đại lộ Hollywood, nhìn xuống lề đường thấy trải dài những ngôi sao màu hồng năm cánh, được mệnh danh là Con đường Danh vọng (Walk of Fame).
Mỗi ngôi sao đặt trong một viên than đá hình vuông mang tên của người được vinh danh và biểu tượng hình tròn bằng đồng biểu thị ngành nghề của người đó: máy quay phim, máy thu hình, máy hát, micro, mặt nạ bi kịch/hài kịch.
Tôi thấy có tên của vua hề Charlie Chaplin, minh tinh Marilyn Monroe, vua nhạc pop Michael Jackson… Tên của người được vinh danh nằm dưới chân mọi người, ai cũng có thể dẫm qua, kiểu vinh danh có lẽ chỉ có ở đây! Chúng tôi lên lầu một tòa nhà bên đại lộ tham quan bảo tàng tượng sáp mô phỏng các nhân vật nổi tiếng thế giới, có cả đương kim Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama.
Tiếp tục xem qua (có khi chỉ ngồi trên xe) các rạp Chinese Mann, nơi in dấu tay, dấu chân của các tài tử nổi tiếng; rạp Kodak, nơi phát giải Osca; đồi Bervely, khu biệt thự của các ngôi sao; đại lộ Rodeo và Sunset, nơi các đạo diễn, nghệ sĩ mua sắm những món hàng thời trang với giá “khủng”...
Buổi chiều tham quan phim trường nổi tiếng thế giới Universal Studios của Hollywood. Phải xếp hàng đi vòng vo mất khá nhiều thời gian mới lên ngồi được trên băng chiếc xe điện trống trải bốn bên, tha hồ quan sát.
Xe chạy chầm chậm qua các khu nhà kiến trúc đủ kiểu không có người ở (và bên trong chắc cũng không có vật dụng gì, chỉ trang trí khi có quay phim), những khu rừng đa dạng, bãi xe nhiều loại, chiếc nguyên vẹn, chiếc nát vỡ, bãi xác máy bay, cảnh nước lũ, cuộc chiến giữa hắc tinh tinh với khủng long rùng rợn, khủng long vờn nhau như sẵn sàng nuốt chững cả xe điện và người… Nghe nói đây là phim trường lớn nhất thế giới, rất nhiều bộ phim chỉ cần lấy bối cảnh ở đây cũng đủ quay.
Về khách sạn, lúc tối tôi lại có dịp cùng đi với một người trong đoàn đến chơi nhà một gia đình Việt kiều. Có nhiều khách đến chơi, chủ yếu trò chuyện quanh chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cháu, chỉ đá động một ít đến chính trị, tuy nhẹ nhàng nhưng cũng thấy rõ quan điểm của mỗi người.
Ngày 5-7, đoàn từ giã Los Angeles, đi tiếp lên thành phố San Jose với đoạn đường 720km, mất khoảng 8 tiếng ôtô. Không ngại đường xa đối với những người đồng hành quen thân, và hướng dẫn viên có nhiều kinh nghiệm với vài ba “cây đinh” văn nghệ đã tạo được không khí đầm ấm, tươi vui.
Cũng như mọi khi, tôi chốc chốc lại nhìn ra phong cảnh hai bên đường. Vùng này thuộc trung bộ Cali phì nhiêu với những cánh đồng trồng bông, đào và các lại cây ăn trái trải dài mênh mông bất tận. Xe dừng lại một cửa hàng bán trái cây, phía sau là khu vườn trồng cây cho trái cherry với những hàng cây cành lá sum sê.
Vài ba vị khách đàn ông lần đầu tiên đi toilet hoang dã thoải mái trên xứ Hoa Kỳ!. Xe còn dừng lại ăn trưa ở ngôi làng Solvang, một khu phố nhỏ đặc trưng văn hóa của người Đan Mạch, có cối xay bột Windmills, có bánh, bia Đan Mạch.
Đến San Jose, thành phố lớn thứ ba của tiểu bang California, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Thánh Giuse, nơi có thung lũng Silicon nổi tiếng được xây dựng từ thập niên 70. Nhưng địa điểm này chỉ là nơi nghỉ đêm để sáng hôm sau (6-7) đi tham quan các thắng cảnh, công trình ở thành phố San Francisco, cách đó 50km.
San Francisco theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Thánh Francisco, ngày xưa người Việt Nam chúng ta hay gọi theo người Trung Hoa là Cựu Kim Sơn. Xưa kia nơi đây người ta đổ xô đi tìm vàng nên Cựu Kim Sơn có nghĩa là “Núi Vàng Xưa”. San Francisco có Lãnh sự quán của ta và là thành phố kết nghĩa của TPHCM, cùng với San Jose là hai thành phố có nhiều người Việt thành đạt ở tiểu bang California.
Thành phố có nhiều điểm tham quan nổi tiếng: Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge), đường hoa Lombard, Bến tàu Ngư Phủ (Fisheman’s Wharf), Bảo tàng nghệ thuật châu Á, Bảo tàng lịch sử đại dương…
Cầu Cổng Vàng hoàn thành năm 1937, là cầu treo dài nhất thế giới lúc bấy giờ. Đến nay đã có 8 chiếc cầu treo vượt nó về chiều dài, trong đó có cầu Verrazano-Narrows ở New York, nhưng nó vẫn được coi là một trong những kỳ quan của nước Mỹ và thế giới.
Cầu được sơn màu đỏ cam, rực rỡ màu sắc dưới ánh nắng ban ngày, huy hoàng lộng lẫy dưới ánh đèn ban đêm. Lớp sơn nguyên thủy bị rỉ sét vì hơi muối từ nước biển, đến năm 1965 được cạo bỏ sơn lại bằng những loại sơn đặc chế mới nhất, phải mất 30 năm mới hoàn tất. Hiện nay hằng ngày một toán thợ sơn 38 người lo sơn cầu quanh năm, vừa xong đến đầu cầu bên này thì bên kia, lớp sơn đã bắt đầu rỉ sét!
Công trình giao thông vĩ đại này của nước Mỹ, ngoài dự đoán, nó còn được mệnh danh là “bãi tự sát nổi tiếng thế giới”. Làn đường trên mặt cầu cách mặt nước 79m, khi nhảy xuống, khoảng 4 giây sau chạm mặt nước, vận tốc khoảng 142km/giờ. Nước thường ở 8 độ C, đặc biệt có bầy cá mập trắng thường quanh quẩn bên chân cầu.
Vụ tự vẫn đầu tiên xảy ra khi cầu vừa khánh thành được một ngày. Đến năm 2005, thống kê được khoảng 1.200 vụ, trung bình hai tuần xảy ra một vụ. Nhưng không thể thống kê được hết, vì nhiều vụ xảy ra khi có sương mù dày đặc, trời tối, không có người chứng kiến, mất xác.
Đường hoa Lombard dài 400m từ trên đồi cao đổ dốc xuống, nghiêng 27 độ, được thiết kế uốn lượn qua lại để giữ tốc độ ôtô không quá 8km/giờ. Hai bên con lộ là những luống hoa, cụm hoa ôn đới rực rỡ màu sắc, khiến các ngôi nhà hai bên con phố trở nên đắt đỏ nhất thành phố.
Đến Bến Ngư Phủ ngắm tàu bè qua lại trong Vịnh San Francisco, nhìn những con hải cẩu nằm phơi mình trên các bè gỗ tại cầu tàu. Trên phố thì có bảo tàng, phòng tranh, nhà hàng hải sản, cửa hàng mua sắm, nghệ sĩ biểu diễn đường phố…
Bữa ăn trưa hướng dẫn viên đưa vào Khu phố Tàu, nhưng là nhà hàng Tháp Rùa, có quảng cáo các món đặc sản Hà Nội, tất nhiên phở đứng đầu. Nghe nói Khu phố Tàu (Chine Town) ở đây người Việt, kể cả người Việt gốc Hoa, rất khó chen vào cư trú, làm ăn.
Khác với các Khu phố Tàu ở các thành phố khác, như New York, Los Angeles, người Việt và người Việt gốc Hoa có khi lấn át người Hoa cố cựu. Người Hoa ở Khu phố Tàu San Francisco sang đây đã hơn 150 năm làm đường xe lửa, bây giờ đa số đều giàu có, bang hội rất mạnh, có thế lực chính trị đáng kể, hơn nữa giá nhà phố lại đắt, đã tạo nên một thành trì kiên cố của người Hoa cũ. Cách đó hơn một cây số, gần Tòa thị chính, có khu Little Saigon của người Việt.
Ở San Francisco còn có Khu Castro District là nơi tập trung đông đảo nhất giới đồng tính ở Mỹ. Pháp luật ở đây công nhận hôn nhân giữa những người đồng tính và Tòa án thành phố đã làm hôn thú cho hàng trăm cặp “vợ chồng” cùng giới tính. Họ có lá cờ sọc bảy màu, hôm xe chúng tôi đi ngang qua thấy treo ở cột cờ bên đường.
Lý giải tại sao nơi đây trở thành “vương quốc” của người đồng tính, trong khi nhiều nơi khác coi họ là một thành phần tội lỗi, hướng dẫn viên nói có lẽ do khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm, phong cảnh hữu tình, khiến cho tính tình người dân cởi mở, phóng khoáng, dễ chấp nhận những người có lối sống tuy khác thường nhưng không ảnh hưởng gì đến trật tự, quyền lợi của họ.
Xế chiều, đoàn được đưa đến một trung tâm mua sắm lớn, đủ các mặt hàng, giá cả từ bằng đến rẻ hơn các nơi, để dốc túi lần cuối cùng. Ăn tối, trở lại khách sạn ở San Jose.
Đêm cuối cùng ở Mỹ, có ba cha con một gia đình Việt kiều ở San Jose, bà con của người bạn cùng phòng với tôi vào chơi. Ông có mang theo một két bia Mexico. Chúng tôi mời thêm vài người bạn ở phòng kế bên, như vậy là khách uống bia đã trên tiêu chuẩn “rượu tứ”. Câu chuyện râm ran về đời sống của bà con Việt kiều, chuyện học hành và khuynh hướng của lớp trẻ (hai con ông một gái một trai còn đang đi học)… Như vậy là chuyến đi này tôi có dịp tiếp xúc với một số bà con Việt kiều, đến tận nhà hai gia đình.
*
* *
Thế là sắp kết thúc một chuyến đi Mỹ, lại sắp về Mỹ Tho! Sáng hôm sau, ngày 7-7-2012, gần 20 người trong đoàn về trước, trong đó có tôi, ra sân bay San Jose làm thủ tục xuất cảnh, đáp máy bay về Việt Nam.
Xin từ giã nước Mỹ cờ hoa! Đáng tiếc quá một thời đạn bom thảm khốc, mất mát đau lòng. Đến nay đáng mừng mới vượt lên ngự trị.
Nước Mỹ xa mà gần. Xa về địa lý nhưng gần về quan hệ. Cả quan hệ tốt đẹp và quan hệ đắng cay. Gần vì cách nay đúng 100 năm (1912-2012) người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đã đến đây nghiên cứu, học tập những điều hay trong lịch sử nước Mỹ, đã đến chiêm ngưỡng Tượng Nữ thần Tự do, đã vận dụng bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ vào bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam.
Gần vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cứu phi công Mỹ bị Nhật bắn hạ, giúp các sĩ quan tình báo Mỹ hoàn thành trọng trách của họ năm 1945 tại biên giới Việt - Trung. Gần vì Mỹ can thiệp và xâm lược Việt Nam bằng một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc, chưa từng có đối với Mỹ. Gần vì Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài và gian khổ hy sinh chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
Gần vì có hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống trên đất Mỹ là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Gần vì hai nước khép lại quá khứ không hay, hướng tới tương lai tươi sáng, cùng nhau giải quyết những hậu quả nặng nề trong chiến tranh, tôn trọng lẫn nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
T.H.
Chú thích
(1) Khi viết bài này, tôi tìm xuất xứ mẩu chuyện, gặp một số báo điện tử có nêu, như trên www.nguoicaotuoi.com có bài “Bác Hồ nghĩ về Tượng Nữ Thần Tự do” kể lại: Nhà sử học Mỹ J.Stéron, người dày công nghiên cứu về Bác Hồ, đã viết: “Tôi đã lật xem những trang ghi cảm tưởng của du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng Tượng Nữ Thần Tự do, họ đều ghi “ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do…”. Duy có Nguyễn Tất Thành ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa khắp trời xanh, còn đưới chân tượng Thần Tự do thì người da đen bị chà đạp. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.
(2) Norman Morrison sinh ngày 29-12-1933 tại tiểu bang Pennsylvania. Là một thanh niên đẹp trai với mái tóc màu nâu hạt dẻ và đôi mắt sâu thẳm, Morrison sống rất thanh bạch và tiết kiệm. Và dù là một người sống khép kín, nhưng anh lại có thiên hướng muốn trở thành một cố vấn về tinh thần cho người khác.
Tại Trường dòng Thần học phương Tây, Morrison đặc biệt bị cuốn hút bởi những nguyên tắc của phái Quaker, trong đó cam kết đi theo chủ nghĩa hòa bình. Anh tham gia giảng dạy về Kinh phúc âm ở một Trường phổ thông. Vào dịp cuối tuần, anh thường tổ chức cho học sinh tham gia vào những hoạt động tình nguyện giúp sửa chữa đồ đạc cho người dân sống ở khu vực lân cận.
Từ khi Mỹ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, Morrison luôn trăn trở. Anh coi chính quyền Mỹ theo đuổi cuộc chiến này là “can thiệp” và “thiển cận”. Khi cuộc chiến càng trở nên khốc liệt, Morrison cùng những người bạn của anh lên tiếng phản đối. Anh viết thư gửi các tín đồ Quaker tại Washington D.C. và lên kế hoạch tổ chức các buổi cầu nguyện, hội thảo vì hòa bình. Vợ anh – Anne Welsh Morrison – hoàn toàn ủng hộ chồng. Nhưng vì lúc này cô đã là mẹ của 3 đứa con nhỏ, nên chỉ lo việc gia đình cho anh rảnh rang hoạt động.
Vào ngày 2-11-1965 định mệnh, vì bị cảm lạnh, Morrison trở về nhà từ chỗ làm để chuẩn bị cho lớp giảng kinh thánh. Morrison và vợ nói chuyện rất nhiều vào hôm đó. Đến giữa buổi chiều, Anne lái xe tới trường đón Ben và Christina, hai đứa con lớn, để bé út Emily chưa đầy một tuổi ở nhà với cha. Morrison đã viết cho vợ một bức thư ngắn gọn, bế Emily khỏi nôi và lái xe một tiếng đồng hồ tới Washington D.C. Tới nơi, anh gửi lá thư cho vợ tại bưu điện và tới Lầu Năm Góc vào lúc chạng vạng tối.
Lúc này, nhân viên Lầu Năm Góc bắt đầu tan sở. Nhiều người thấy Morrison tiến gần đến ngôi nhà, một tay cầm chiếc bình cỡ 4 lít còn tay kia ôm đứa bé nhỏ xíu. Khi chỉ còn cách văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara khoảng 30m, anh trút dầu lên người và châm lửa.
Hầu như không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra sau đó cùng những chi tiết liên quan đến bé Emily. Người thì nói Morrison ôm chặt Emily cho tới khi mọi người chạy tới giằng bé ra khỏi tay anh. Người khác thì nói trước khi lửa bùng lên, Morrison đã đặt bé vào một chỗ an toàn.
Khi Anne trở về, cô cứ nghĩ Morrison đã đưa Emily đi chơi. Nhưng điện thoại của một phóng viên tờ Newsweek đã báo cho cô biết tin khủng khiếp này. “Nếu như tôi biết điều gì sẽ xảy ra, tôi có lẽ sẽ ngăn chặn anh ấy bằng mọi giá”. Anne kể lại. Cô nhờ người trông giúp hai cháu lớn rồi lái xe đi đón Emily. Cô viết cáo phó nhờ bạn bè đăng lên báo:
“Norman Morrison đã hy sinh ngày hôm nay để bày tỏ sự phẫn nộ của anh trước những tổn thất về người mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang gây ra. Anh phản đối sự can thiệp quân sự quá mức của chính phủ…”.
Ngày hôm sau, 3-11-1965, tờ Washington Post đưa tin về sự kiện này với tiêu đề: “Người đàn ông tự thiêu tại Lầu Năm Góc, đứa con trên tay được cứu thoát”. Tờ New York Time thì giật tít: “Con của tín đồ phái Quaker vẫn an toàn”.
Cũng ngày hôm sau, Anne nhận được thư chồng, có đoạn: “Anne yêu quý, đừng chỉ trích anh… Hãy hiểu rằng anh yêu các con, nhưng phải hành động vì những đứa trẻ trong ngôi làng của vị linh mục”. Kèm theo bức thư là một bài viết của nhà báo Pháp Jean Larteguy được Morrison đánh dấu bằng mực đỏ. Rõ ràng, đây chính là bài báo Morrison đã đọc vào buổi sáng ngày 2-11-1965. Bài viết có tựa đề: “Một linh mục kể về việc quân đội Mỹ đã đánh bom nhà thờ và sát hại đồng bào ông”. Có thể chính hình ảnh những trẻ em bị thiệt mạng tại Việt Nam đã khiến Morrison đi tới quyết định này.
Vào buổi chiều ngày 2-11-1965, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara có một cuộc họp với các quan chức Lầu Năm Góc. Đang giữa cuộc họp, phụ tá của ông thông báo về sự náo loạn bên ngoài. Khi McNamara bước tới cửa sổ, ông thấy các nhân viên y tế và một thi thể được cuộn trong vải trắng. “Đó là gì?”.
Ông hỏi người phụ tá…Về sau, khi nhớ lại sự kiện này, McNamara viết: “Cái chết của Morrison là một thảm họa không chỉ cho gia đình anh mà cho cả tôi và nước Mỹ. Đó là lời phản đối rõ ràng nhất trước hành động hủy diệt cuộc sống của người dân Việt Nam và rất nhiều binh sĩ trẻ Mỹ”.
Ngay sau khi Morrison chết, hình ảnh của anh đã được cả thế giới, nhất là người dân Việt Nam ngưỡng mộ. Đã có những bài thơ viết về anh, điển hình như bài “Emily, con…” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Bác Hồ lúc đó đã gửi thư chia buồn với bà Morrison và mời gia đình bà sang thăm Việt Nam. 34 năm sau, chuyến thăm đó mới được thực hiện.
Trong chuyến thăm vào tháng 4-1999, các thành viên gia đình gồm bà Anne, hai con gái và con rể có nguyện vọng gặp nhà thơ Tố Hữu. Trong cuộc gặp, các thành viên gia đình đã đọc thơ tặng ông, trong đó cảm động nhất là bài thơ của Emily “Gửi ông Tố Hữu”.
Với giọng Huế trầm ấm, ông đọc bài thơ làm các bạn Mỹ và tất cả những người dự đều rất xúc động. Không ngờ đó lại là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Tố Hữu đăng trên Tuần báo Văn Nghệ số 50 ngày 14-12-2002, năm ông qua đời.
Bà Anne về nước có viết cuốn hồi ký mang tên “Giữ trong nguồn sáng” xuất bản năm 2008 ở Mỹ, viết về ông Morrison và về chuyến đi “để đời” của gia đình bà đến Việt Nam.
Năm 2007, trong chuyến thăm theo lời mời của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến bờ sông Potomac trước Lầu Năm Góc đọc to bài thơ “Emily, con..” trước khi gặp ông Bush (Theo Việt Báo.vn và Báo Mới.com).
(3) Đối với người Việt Nam hiện nay, đánh bạc là cái gì đó xấu xa. Thế nhưng đánh bạc ở Mỹ là một ngành công nghiệp giải trí rất phổ biến. Mặc dù một số hoạt động đánh bạc phi pháp vẫn tồn tại, đại đa số các hoạt động đánh bạc ở Hoa Kỳ là công khai hợp pháp. Tuy không phải tiểu bang nào cũng có những khu đánh bạc nổi tiếng khắp thế giới như ở Las Vegas hay Atlantic City, nhưng có thể nói hầu hết các tiểu bang ở Mỹ đều hợp pháp hóa hoạt động này với mức độ khác nhau..
Về mặt kinh tế, đánh bạc có thể coi là mảng quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp giải trí. Năm 1995, doanh thu từ đánh bạc hợp pháp ở Mỹ là hơn 40 tỷ USD, trong khi doanh thu của tất cả các công viên giải trí là 7 tỷ USD, của các rạp chiếu bóng là 5,5 tỷ. Năm 2006, doanh thu từ đánh bạc lên tới 90 tỷ USD, cung cấp 351.000 việc làm và góp 5,2 tỷ tiền thuế.