Nón bàng, buông - Bao giờ trở lại ngày xưa
Sản phẩm bàng, buông từ lâu là một “ thương hiệu” của Châu Thành, đặc biệt là với các xã “kiến họ” Tân của huyện. Vì thế, không bất ngờ khi 3/4 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận của Châu Thành là sản xuất các sản phẩm từ bàng, buông và được tập trung tại 3 xã liền kề: Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Thân Cửu Nghĩa.
Bàng - nguồn nguyên liệu tạo nên nghề truyền thống của huyện Châu Thành. |
CÓ MỘT THỜI HOÀNG KIM
Nói đến nghề đươn bàng, buông là nhớ đến Châu Thành, nó như đã “ mặc định” cho vùng đất này, là một lợi thế cạnh tranh của huyện trong những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước. Trong các văn kiện, nghị quyết của các xã nhiều nhiệm kỳ liền, luôn xác định “phát triển nông nghiệp gắn với tiểu, thủ công nghiệp”. Vì thế, trong những ngày đi tìm hiểu về hoạt động của các làng nghề hiện nay, tôi thường nghe lãnh đạo các xã, các cô chú lớn tuổi nhắc về thời hòang kim của các xóm nghề bàng, buông với cả sự phấn khích.
Nghề đươn các sản phẩm từ bàng chủ yếu ở các xã họ Tân như Tân Hội Đông, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hòa Thành, bởi khu vực này tiếp giáp với vùng nguyên liệu bàng tự phát thuộc Đồng Tháp Mười thời đó (huyện Tân Phước nay).
Người dân vùng này, đàn ông ngoài việc đồng áng, còn có nghề vào bưng nhổ bàng về bán và hầu như phụ nữ, trẻ em nào cũng đều biết đươn bàng, một công việc “gia truyền” trong lúc nông nhàn, góp phần tăng thêm thu nhập.
Tại chợ Cổ Chi (xã Tân Hội Đông), ngôi chợ lâu đời của các xã “kiến họ” Tân, có một chợ bàng chỉ nhóm họp từ nửa đêm về sáng; một thời được mệnh danh là “chợ ma” với những ngọn đèn dầu leo lét khi nhóm chợ, từng được báo chí nói đến rất nhiều. Hay như tại thị trấn Tân Hiệp, một thời có một chợ giỏ xách bàng tụ ngay lề QL1A vào buổi chiều; tất cả minh chứng về một giai đoạn hưng thịnh của nghề đươn bàng.
Riêng với nghề sản xuất các sản phẩm từ lá buông thì lại tập trung chủ yếu ở xã Thân Cửu Nghĩa với các ấp Thân Đức, Thân Đạo, Thân Hòa. Đây là nghề gắn bó với xã gần 100 năm; thời hưng thịnh, đi đâu cũng thấy trắng xóa lá buông, nón trần nhuộm đủ màu phơi dọc các tuyến đường trong xã.
Đặc biệt, Thân Cửu Nghĩa còn có Hợp tác xã (HTX) nón Thống Nhất, chuyên về các sản phẩm lá buông, một thời là điển hình của kinh tế hợp tác, cánh chim đầu đàn của các HTX trong tỉnh, từng tốn nhiều giấy, mực của các cơ quan báo chí.
Ông Phạm Văn Luông, Phó chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa cho biết, trước đây làng nghề thu hút hơn 2.000 lao động nông nhàn, nay chỉ còn khoảng 700 lao động. Nguyên liệu giá cao, giá nhân công tăng, sản phẩm giá thấp, hoạt động không hiệu quả, thị truờng không ổn định, trước cơ chế thị trường, HTX nón Thống Nhất làm ăn thua lỗ, hiện đã ngưng hoạt động.
NHẬN ĐỊNH NHỮNG KHÓ KHĂN
Trong kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Châu Thành, có những giải pháp cho các làng nghề truyền thống. Cụ thể làng nghề Tân Lý Đông kiến nghị các trung tâm tỉnh hỗ trợ cho tổ hợp vay vốn, các cơ quan xúc tiến thương mại hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, đăng ký thương hiệu, từng bước xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ sở theo tiêu chuẩn ISO. Với làng nghề xã Tân Lý Tây, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất; tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi cho các cơ sở sản xuất. Khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, thiết bị; tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với các làng nghề với kế hoạch, biện pháp cụ thể. Làng nghề Thân Cửu Nghĩa sẽ củng cố lại hoạt động của HTX, sau khi xử lý xong những vướng mắc còn lại của HTX Nón Thống Nhất. Riêng làng nghề dệt chiếu Long Định sẽ thành lập Ban quản lý chuyên trách; tiếp tục đầu tư các cơ sở vật chất như điện, đường; tiếp tục đào tạo nghề cho lao động làng nghề, tạo điều kiện cho người dân mua máy móc sản xuất… |
Các làng nghề của Châu Thành được tỉnh công nhận từ năm 2004, đây là tiền đề quan trọng để các làng nghề duy trì và phát triển.
Từ khi được công nhận, cơ sở vật chất của làng nghề đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp; nhiều chương trình hỗ trợ về công nghệ, về vốn đã tạo thuận lợi cho các làng nghề chuyển đổi, đi lên.
Cụ thể: về giao thông tỉnh, huyện đã đầu tư 17 tuyến đường với chiều dài hơn 24 km, 3 cây cầu với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.
Đưa vào sử dụng 11 tuyến hạ thế cho 3 làng nghề với chiều dài 10,5 km, thực hiện 3 đài nuớc ở các làng nghề Long Định, Tân Lý Tây, Tân Lý Đông.
Tuy nhiên, xu thế phát triển trong nền kinh tế thị truờng đã đặt ra nhiều vấn đề khách quan làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân; đưa những nghề truyền thống vào thách thức lớn nếu không muốn mai một.
Lãnh đạo xã, huyện đã có nhiều động thái tích cực để duy trì, ổn định, tuy nhiên để vực dậy các làng nghề trở lại thời hưng thịnh truớc đây, cần có sự gắn kết đồng bộ nhiều ngành, trong đó yếu tố con nguời và nguồn vốn là rất quan trọng.
Đánh giá nguyên nhân của những khó khăn để có giải pháp thích hợp nhằm tháo gỡ là vấn đề đặt ra. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy có những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của các làng nghề hiện nay là: Chưa có Ban điều hành làng nghề, nên việc quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm còn ở dạng tự cung, tự cấp hoặc gia công theo đơn hàng của các tổ hợp, doanh nghiệp tư nhân.
Đầu ra của sản phẩm thường bị động, ép giá. Người lao động khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách, chuơng trình mục tiêu Quốc gia. Đa số các làng nghề không có quỹ đất cho sân phơi, nhà kho và cũng không có vùng nguyên liệu chủ động cho sản xuất.
Các sản phẩm tuy đẹp, độc đáo nhưng không được xuất khẩu trực tiếp nên đã ảnh huởng đến nguồn thu của người sản xuất. Xã hội phát triển, thu nhập ổn định từ các khu công nghiệp lân cận đã ảnh huởng đến lao động của các làng nghề. Gần như hiện nay ít người còn thiết tha đến chuyện đươn đát, ngoài người lớn tuổi và trẻ em.
Máy móc công nghệ của các làng nghề đa phần là lạc hậu, dẫn đến giá trị sản xuất không cao, do công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn còn yếu nên sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường còn yếu kém. Các chính sách ưu đãi cho hoạt động làng nghề tuy nhiều, nhưng dàn trải, thiếu thông thoáng nên không mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Tân Lý Đông, địa phương được xem là “lãnh địa” của nghề đươn bàng cho biết: Từ đầu năm 2016, nguồn nguyên liệu rất ít, giá cả lại cao nên sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Hiện số hộ tham gia làng nghề giảm đáng kể do ảnh huởng của kinh tế thị trường, KCN Long Giang, KCN Tân Hương đã thu hút hết lao động, nên việc phát triển làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo 3 xã có làng nghề còn lại cũng thế, có nhiều trăn trở khi chúng tôi đặt vấn đề đâu là giải pháp duy trì phát triển làng nghề?
Tất cả đều thống nhất cần bảo tồn những giá trị truyền thống từ các nghề mà cha ông đã dày công xây dựng, nhưng trong xu thế phát triển hiện nay thì vấn đề này xem ra ngoài khả năng của xã. Bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, trong đó có nguồn vốn và hiệu quả kinh tế mang lại cho người lao động.
SƠN PHẠM