Sức sống Trường Sa: Nhịp sống nơi đảo xa
Bài 1: Sức sống Trường Sa: Vươn mình trong gian khó
Sức sống Trường Sa như được nhân lên từ những ngôi làng xinh xắn và tiếng trẻ thơ đọc ê, a bi bô hoặc vui đùa dưới tán cây xanh mát ở những sân trường khang trang.
NHỮNG NGÔI LÀNG DƯỚI TÁN BÀNG VUÔNG
Tại thị trấn Trường Sa, đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn có nhiều ngôi làng lập nghiệp, hầu hết là các gia đình trẻ, có từ 1 đến 2 con. Các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà liền kề tương đối rộng rãi, khang trang, xung quanh rợp bóng cây.
Nhà nào cũng có khoảng sân trước, vườn sau, được cấp một thuyền thúng để đánh bắt hải sản gần bờ. Hiện nay, ở trên các đảo, việc phát điện đã ổn định, lại có trạm phát sóng Viettel, mạng thông tin VSAT nên “cầu nối” giữa đảo và đất liền được rút ngắn lại.
Một ngôi làng lập nghiệp ở đảo Sinh Tồn. |
Đón khách từ đất liền ra thăm, vợ chồng anh Đặng Văn Trị - chị Nguyễn Thị Ngọc Trang ở xã đảo Song Tử Tây vui mừng như gặp lại những người bạn thân thiết. Bên trong căn nhà có diện tích khoảng 100 m2 của vợ chồng anh Trị có cả ti vi, tủ lạnh....
Hàng ngày, mỗi khi biển yên, anh Trị cùng bạn chèo thuyền thúng ra khơi đánh bắt. Có cá, ngoài phần để lại gia đình, các anh đem biếu bộ đội trên đảo dùng. Còn chị Trang cùng những người phụ nữ khác ở nhà chăm con và trồng rau, chăn nuôi gà, vịt…, được nhiều đem tặng bộ đội.
Điều mà các gia đình đang sinh sống trên các đảo ở Trường Sa luôn cảm thấy quý nhất chính là tình cảm mà quân và dân trên đảo dành cho nhau. Chị Nguyễn Thị Kiều Loan, một trong những bà mẹ trẻ sinh con trên đảo Sinh Tồn đã xúc động chia sẻ:
“Tôi có 2 đứa con, một đứa sinh ở đất liền, sau đó ra đây một thời gian thì sinh đứa thứ hai. Tuy mới hơn 4 tháng tuổi, nhưng được ngấm gió biển, ngấm nắng Trường Sa… nên cháu cứng cáp và ai cũng ưu ái cho công dân Trường Sa nhỏ tuổi nhất này…”.
Chị Phan Thị Như Trinh ở đảo Trường Sa Lớn cho biết, ngoài công việc nội trợ, chăm sóc con cái, những người phụ nữ tại đảo còn dành thời gian phục vụ công tác hậu cần cho các đơn vị bộ đội trên đảo. “Có bàn tay của phụ nữ, bữa ăn của bộ đội tươm tất hơn”. Nghe các anh em cán bộ, chiến sĩ khen như vậy, chị em chúng tôi cảm thấy vui và quên hết nhọc nhằn - chị Trinh nói.
Có thể nói, cuộc sống của các hộ dân đang sinh sống trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa bình yên như bao làng quê khác ở Việt Nam. Dù chưa hết khó khăn, nhưng trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về đời sống vật chất lẫn tinh thần của biết bao tấm lòng trên khắp mọi miền của cả nước, bộ đội và các hộ dân ở các đảo tiền tiêu của Tổ quốc quyết tâm bám đảo, bám biển, xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp và vững vàng.
Nói như ông Đỗ Thế Tuyến, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn): “Có ra đảo mới thấu hiểu hết tình cảm gắn kết keo sơn của quân và dân và lòng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”.
CHUYỆN HỌC Ở TRƯỜNG SA
Hiện nay, ở các đảo Trường Sa Lớn, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa đều đã có trường học. Chính tình yêu biển, đảo Trường Sa, các thầy cô giáo đã tình nguyện vượt nghìn trùng sóng gió đem con chữ đến đảo xa.
Thầy Nguyễn Ngọc Hạ (25 tuổi) dạy Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tôi đã tình nguyện ra đảo dạy học. Tình yêu biển, đảo quê hương và trẻ thơ đã giúp tôi gắn bó với nghề, với đảo!”. Gắn bó với Sinh Tồn 3 năm, thầy Hạ biết rõ tính nết từng học trò của mình, đã tận tụy truyền đạt kiến thức theo chương trình của Bộ GD-ĐT và giáo dục các em niềm tự hào được sống nơi đây…
Các em học sinh trong giờ học ở Trường Tiểu học Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa). |
Những ai ra đảo Song Tử Tây hẳn sẽ rất ấn tượng về một trường học đã được khánh thành vào đầu tháng 3-2015, với kinh phí xây dựng 8 tỷ đồng, do Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh vận động cán bộ, giáo viên, viên chức và học sinh đóng góp. Trường nằm dưới những tán cây phong ba sừng sững, cây bàng vuông xanh biếc, tiếng học sinh đọc ê, a xen lẫn với tiếng sóng biển.
Thầy Lê Xuân Quyết, giáo viên Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Ở đảo không có điều kiện thuận lợi như trong đất liền, nên ai cũng tìm mọi cách trang bị thêm kiến thức cho mình. Với tôi, thường xuyên gọi về đất liền nhờ đồng nghiệp hướng dẫn. Nhìn thấy các em ngoan, chăm học, trưởng thành từng ngày là tôi vui mừng khôn xiết!”.
HỮU NGHỊ (còn tiếp)