Sức sống Trường Sa: Vươn mình trong gian khó
Hệ thống cung cấp điện sinh hoạt cho đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa). |
Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) ngày càng vững chãi, đẹp đẽ với những ngôi làng được mở rộng và hiện đại hóa; trẻ em trưởng thành từng ngày với ước mơ đưa đất nước mạnh giàu từ biển...
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của hàng chục triệu trái tim trên khắp mọi miền Tổ quốc, đã, đang và sẽ tiếp sức cho Trường Sa xanh hơn, sáng hơn và vững vàng hơn.
Trước đây, huyện đảo Trường Sa, là vùng biển, đảo đầy sỏi đá với cái nắng cháy da, gió rát mặt…; thì nay đã có nhiều đổi khác, được khoác lên mình diện mạo mới, với màu xanh bạt ngàn giữa đại dương, ánh điện lung linh, nhiều ngôi làng và công trình văn hóa - lịch sử, y tế, giáo dục được xây dựng khang trang… tràn đầy sức sống.
ĐẢO XANH GIỮA BIỂN
Nhìn từ biển vào, xã đảo Song Tử Tây hiện rõ một màu xanh của cây lá tốt tươi. Khuất trong rừng cây phong ba, bão táp, bàng vuông, mù u… là những ngôi nhà, ngôi chùa với mái ngói đỏ au; những con đường bê tông rợp bóng cây xanh nối dài từ khu nhà này sang khu nhà khác.
Đi sâu vào khu nhà ở của quân và dân trên đảo, trong mỗi khu vườn, những luống rau muống, dền tía, mồng tơi, giàn bầu bí, cải mầm xanh mơn mởn.
Trung tá Trương Sỹ Nam, Chỉ huy trưởng xã đảo Song Tử Tây cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi cho đảo có nguồn nước ngọt nên cây cối, rau, cỏ ở đảo quanh năm xanh tốt…”.
Ở xã đảo Sinh Tồn tuy không có mạch nước ngọt, thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô, vậy mà, kỳ lạ thay, đảo vẫn duy trì được một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú gồm: Cây phi lao, bàng thường, bàng vuông, phong ba, muống biển, dừa, đu đủ và rau xanh…
Đã nghe kể nhiều về Nam Yết, song chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sức sống ở nơi đây. Nam Yết có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có những cây mù u hàng trăm năm tuổi, cây bàng 8 nhánh và có cả cây ăn trái như: Đu đủ, dừa, xoài...
Hiện Nam Yết được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan, môi trường trong quần đảo Trường Sa. Giữa đại dương mênh mông, đảo Nam Yết luôn xanh tươi, làm điểm tựa cho những con tàu của ngư dân đến trú sau những hải trình dài. Riêng các đảo chìm như Đá Nam, Len Đao không trồng được cây xanh, nhưng vẫn có cây cảnh, rau xanh trồng trong chậu và triền đảo.
Trong các đảo lớn chúng tôi đi qua: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn… đảo nào nhìn từ xa cũng xanh ngát giữa biển khơi. Nếu cây phong ba, bão táp sừng sững, hiên ngang được trồng quanh mép đảo như điểm tựa vững chắc của các cán bộ, chiến sĩ, thì cây bàng vuông là người bạn tâm tình được trồng trong khuôn viên, sân bóng chuyền…
Khách từ đất liền ra thăm, ai cũng muốn có một tấm hình lưu niệm bên gốc phong ba hoặc “khoe” mình bên hoa bàng vuông trong bạt ngàn nắng gió.
Hầu hết những cây xanh trên các đảo được các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo chiết cành, gây giống trồng. Ngoài ra, còn có nhiều loại cây được đất liền hỗ trợ giống, nhất là các loại hoa. Màu xanh của cây cối, màu hồng của hoa giấy, màu trắng của hoa sứ cùng nhiều loại hoa khác đang từng ngày xua đi sự khô cằn hay cái nóng bức khắc nghiệt nơi đây. |
Thượng úy Hoàng Văn Huynh đang công tác ở đảo Nam Yết tâm sự:
“Màu xanh ở đảo tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của chúng tôi. Mỗi cây phong ba, mỗi giàn muống biển… đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của bao đồng đội và nhân dân trên đảo. Chính màu xanh ấy đã giúp chúng tôi yêu đời hơn, sống ở đảo xa mà như ở đất liền!”.
THẮP SÁNG NIỀM TIN NƠI ĐẢO XA
Đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trụ điện bằng quạt gió quanh đảo.
Dọc các con đường rộng trải bê tông là vô số tấm pin mặt trời. Quanh trụ sở UBND thị trấn Trường Sa, đặt tại trung tâm của đảo xây nhiều cột ăng ten tiếp sóng điện thoại, truyền hình. Cảm giác khi đến nơi đây cứ như đang ở một thành phố thu nhỏ giữa biển khơi.
Khi màn đêm dần buông xuống, Trường Sa Lớn bắt đầu giăng đèn. Đảo lung linh, sáng rực giữa màn đêm. Con đường dẫn vào nhà các hộ dân đang sinh sống trên đảo sáng ánh điện và thoang thoảng mùi hương của hoa bàng vuông. Hầu như nhà nào cũng có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt: Tivi, điện thoại, mạng Internet, tủ lạnh.
Ông Đỗ Thế Tuyến, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) cho biết, trước đây Trường Sa “khát” điện, vì chỉ có nguồn điện từ máy phát điện nên mỗi ngày quân và dân trên đảo chỉ có 4 tiếng đồng hồ (từ 18 giờ đến 22 giờ) được dùng điện.
Năm 2008, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Hải quân, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (TP. Hồ Chí Minh) đã lắp đặt những tấm pin mặt trời và những chiếc chong chóng gió để bắt nắng, gió vốn thừa ở Trường Sa chuyển hóa thành điện năng phục vụ bộ đội và nhân dân nơi đây.
Ông Tuyến cho biết: “Giờ đây, khắp các đảo nổi, đảo chìm và Nhà giàn DK ở Trường Sa đều sáng ánh điện. Từ ngày có nguồn điện tự sản xuất, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã thay đổi hẳn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại đảo rôm rả hơn, thông tin thông suốt. Việc học tập, sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng thuận tiện hơn.
Có thể nói, việc thực hiện thành công Dự án năng lượng sạch ở Trường Sa là bản lĩnh, ý chí Việt Nam quyết tâm bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
HỮU NGHỊ (còn tiếp)