Nghĩa tình giữa biển khơi
Bài 1: Một ngày đầy sóng gió
Bài 2: "Chợ nổi" giữa biển
Bài 3: Nghĩa tình giữa biển khơi
Từ bao đời nay, biển cho ngư dân cơm áo, biển đem đến những mùa vui, nhưng biển cũng là nỗi đau, nỗi ám ảnh cho không ít gia đình sống đời ngư phủ. Giữa biển khơi mênh mông sóng dữ, ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, rủi lo luôn rình rập. Nhưng với tấm lòng yêu biển cả, cái duyên với nghề, cái nghĩa với anh em đã giúp cho họ vượt qua tất cả.
ĐẦY ẮP NHỮNG NỖI LO
Ngày thứ 4 của chuyến hành trình, dông tố lại nổi lên, mưa càng lúc càng nặng hạt, tiếng sóng biển kèm tiếng gió giật “hù hụ” khiến cho khung cảnh trên biển càng trở nên đáng sợ. Trước sự uy hiếp của thiên nhiên, con tàu của chúng tôi vẫn lướt sóng với vận tốc 5,3 hải lý/giờ. Trên buồng lái, thuyền trưởng Dũng tay nắm chặt vô lăng, mắt đăm đăm hướng về phía trước với vẻ lo lắng. Anh Dũng cho biết: “Biển cả mình không biết trước điều gì, nhiều khi đang yên lành bỗng nhiên lại nổi cơn thịnh nộ. Lúc đó, mình phải neo tàu dừng mọi hoạt động đánh bắt lại. Những đêm dông gió phải thức trắng để đề phòng rủi ro, có gì còn trở tay kịp”.
Giữa biển khơi, luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Một phút sơ sẩy có thể nguy hiểm đến tính mạng. |
Dù đã gần 20 năm trôi qua, nhưng những ám ảnh về cơn bão số 5 (tháng 11-1997) vẫn chưa thể phai mờ trong ký ức của ngư dân Nguyễn Văn Toàn (ấp Xóm Lưới, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông). Anh Toàn có thâm niên 23 năm trong nghề đi biển. Trước cơn bão số 5, anh là chủ của một tàu cá hoạt động đánh bắt ở ngư trường Vũng Tàu.
Tuy nhiên, khi cơn bão số 5 bất ngờ ập đến đã nhấn chìm mọi tài sản của anh, riêng anh được cứu kịp thời nên đã may mắn thoát chết. Kể từ sau tai họa đó, tài sản không còn, anh đành phải đi bạn (làm thuê) cho tàu khác để kiếm sống.
Anh Toàn trải lòng: “Ngư dân chúng tôi quanh năm lênh đênh trên biển, cuộc sống luôn phải đối mặt với nhiều điều bất trắc, rủi nhiều hơn may. Chỉ cần một phút sơ sẩy cũng có thể mất mạng. Làm nghề biển này chưa biết được ngày về trọn vẹn, những lúc gặp phải dông gió trong lòng phập phồng lo sợ, chỉ biết cầu mong cho trời yên, biển lặng. Từ nhỏ đã gắn bó với nghề này rồi, khi không đi biển bỗng dưng thấy trong lòng thiếu một thứ gì rất đỗi quen thuộc”.
Tai nạn lao động trong lúc làm việc cũng là nỗi ám ảnh đối với hầu hết ngư dân, có không ít người bị tai nạn dẫn đến bỏ nghề, cũng có người vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi bao la. Trong lúc cặp vào tàu dịch vụ hậu cần để lấy thực phẩm, dông tố nổi lên nên khiến cho dây neo tàu của tài công Khánh không may vướng vào chân vịt.
Anh em ngư dân phải mất gần 1 giờ để lặn xuống tháo dây ra, chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể khiến họ mất mạng. Sau nhiều lần hụp lặn trong làn nước lạnh buốt, cuối cùng họ đã tháo được sợi dây ra an toàn. Đã có nhiều trường hợp ngư dân lặn xuống biển không may bị chân vịt chém trọng thương, có người phải bỏ nghề.
Ngoài những rủi ro gặp phải trong quá trình mưu sinh, nỗi lo biển chật, cá ít là điều những ngư dân luôn trăn trở. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy, hải sản đang ngày càng suy giảm, từ đó dẫn tới sản lượng đánh bắt giảm đi khiến cho đời sống của ngư dân lâm vào cảnh khó khăn.
Sau một đêm dài vật lộn với sóng gió, một mẻ cào nữa lại được kéo lên trong sự thất vọng của mọi người. Những ánh mắt buồn rười rượi, nỗi lo lắng lại hiện lên trên khuôn mặt của thuyền trưởng Dũng và những ngư dân trên tàu. Nhiều ngư dân cho biết, năm nay hoạt động đánh bắt gặp khó khăn do sản lượng hải sản đánh bắt được không nhiều như mọi năm. Trung bình mỗi đêm, số lượng dầu tiêu tốn cho 2 lần kéo lưới khoảng 300 lít nhưng có khi những mẻ lưới kéo lên chỉ đủ tiền dầu.
Ngư dân Nguyễn Thanh Tâm thở dài: “Nghề biển này cũng bấp bênh lắm, khi đánh bắt trúng thì làm rất hăng hái, có tiền xoay trở trong gia đình và lo cho vợ con, những lúc thất đâm ra chán nản không có động lực để làm. Mẻ cào này hòa vốn, công sức bỏ ra coi như đổ sông, đổ biển, lấy tiền đâu mà chia cho anh em”.
NGHĨA TÌNH NƠI BIỂN CẢ
Người dân miền biển với đức tính hiền lành, chất phác, quanh năm bám biển để mưu sinh, mặc dù cuộc sống còn lắm khó khăn nhưng họ vẫn sẵn sàng tương trợ nhau nơi đầu sóng ngọn gió. Trong hành trình ăn, ở và làm việc cùng ngư dân càng làm cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn về tình người trong cuộc mưu sinh giữa biển cả mênh mông. Ngư dân luôn tràn đầy nhiệt huyết với khát vọng vươn khơi bám biển mưu sinh, trong họ là những trái tim nồng ấm, luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.
Mỗi ngày, khi công việc kéo cào hoàn tất, thuyền trưởng Dũng dùng máy điện đàm báo cho anh em ở những tàu khác về mẻ cào vừa thu hoạch. Những tàu khác cũng lần lượt chia sẻ về mẻ lưới của họ. Những ngư dân cho biết, để giúp đỡ nhau trong đánh bắt và sinh hoạt hàng ngày họ thường trao đổi thông tin với nhau qua máy điện đàm trên cùng tần số.
Họ liên kết với nhau thành 1 đội khoảng hơn chục chiếc để tương trợ nhau khi cần thiết, thông báo cho nhau những vị trí đánh bắt trúng để anh em ngư dân cùng nhau đánh bắt. Ngoài ra, trong đời sống hằng ngày còn nhiều thiếu thốn, họ sẵn sàng chia cho nhau từng bình nước ngọt hay gói mì để họ cùng nhau vượt qua khó khăn.
Với tâm niệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thuyền trưởng Dũng bày tỏ: “Khi đánh bắt trên cùng một vùng biển có thông tin gì mới anh em ngư dân thường trao đổi với nhau. Những khi nghỉ ngơi, gặp lúc biển không có sóng, mọi người thường cặp ghe vào với nhau để trò chuyện, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Anh em trên tàu mặc dù là người dưng nhưng ra đây thì yêu thương nhau như anh em trong nhà. Ai bị bệnh mà người nào có thuốc thì đem cho họ uống, nhiều khi một điếu thuốc cũng có thể cùng nhau hút”.
Nói về những nguy hiểm gặp phải khi mưu sinh trên biển, thuyền trưởng Dũng cho biết, làm nghề biển này thì cẩn thận là yếu tố đầu tiên, chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể mất mạng như chơi. Làm nghề biển khi mà “đụng chuyện” thì không ai bỏ ai hết, sẵn sàng giúp đỡ nhau hết mình. Có những trường hợp đánh bắt gặp phải sóng gió, ngư dân không may bị trượt chân rơi xuống biển rồi mất tích không hay.
Còn nhớ cách nay khoảng 5 năm, trong một lần tàu của anh Dũng đang kéo lưới thì phát hiện một cậu bé khoảng 12 tuổi đang hụp lặn dưới biển. Thấy có người gặp nạn, anh tức tốc cho tàu đến ứng cứu, đưa cậu bé lên ghe sưởi ấm và cho ăn uống để lấy lại sức. Sau đó, anh thông báo cho tất cả các tàu cá trong khu vực để dò xem trên tàu nào có ngư dân bị mất tích đến nhận về.
Ngoài ra, những cơn đau ruột thừa hay chứng bệnh bất chợt có thể đe dọa đến tính mạng của ngư dân. Những lúc như thế lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh, dù đang gặp luồng cá họ cũng sẵn sàng bỏ để đưa ngư dân vào đảo chữa trị.
Đi, nghe và trải nghiệm cùng ngư dân, chúng tôi mới thấu hiểu được những cơ cực, vất vả mà họ gặp phải. Gian nan, vất vả là vậy, nhưng mỗi chuyến về nhà hay những ngày trú mưa bão, nỗi nhớ biển lại cồn cào trong lòng, bởi tình yêu dành cho biển đã ăn sâu vào máu thịt của họ. Đời ngư phủ chỉ mong sao trời yên, biển lặng để được tung hoành trên biển, trên những con tàu thắm đượm nghĩa tình và đầy ắp cá tôm.
MINH THÀNH
(còn tiếp)