Ra khơi giữa mùa mưa bão: "Chợ nổi" giữa biển
Bài 1: Một ngày đầy sóng gió
Bài 2: "Chợ nổi" giữa biển
Bài 3: Nghĩa tình giữa biển khơi
Cùng với những đội tàu đánh bắt xa bờ, thì đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần (DVHC) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề đánh bắt hải sản. Tàu DVHC có nhiệm vụ cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân, giúp cuộc sống của họ phần nào giảm đi khó khăn, thiếu thốn trong những chuyến ra khơi.
Xay nhuyễn nước đá để ướp hải sản. |
“HỌP CHỢ” GIỮA BIỂN
Gió giật từng cơn, những cột sóng cao cả mét ập vào thân tàu ầm ầm, 2 chiếc tàu cứ trồi lên hụp xuống không thể cặp sát vào nhau. Tài công Võ Phước Trí (tàu DVHC) tỏ vẻ lo lắng hô to: “Thu dây lèo lại! Sóng đập bể tàu bây giờ”. Chúng tôi mệt lả người khi phải giằng co với những con sóng dữ.
Sau gần 2 ngày đêm xuất phát, chiếc tàu DVHC Thu Hằng 3 do tài công Võ Phước Trí chỉ huy cũng tới được ngư trường Nam Côn Sơn. Đây là ngư trường mà nhiều ngư dân Tiền Giang tham gia đánh bắt. Chiếc tàu neo lại ngay tọa độ 70 55’B, 1070 25’ Đ để chờ tàu của ngư dân đến thực hiện giao dịch.
Trời vừa hửng sáng, không khí của buổi “họp chợ” đã diễn ra sôi nổi. 2 chiếc tàu lưới kéo đầu tiên sau khi giao nhận những thứ cần thiết từ tàu DVHC nhanh chóng rời đi nhường chỗ cho các tàu khác.
Thuyền trưởng Dũng cho tàu neo sát lại tàu DVHC để lấy thực phẩm và nước đá. Lúc này, trời nổi dông gió, sóng biển nổi lên có lúc cao cả mét khiến việc cặp tàu sát vào nhau gặp rất nhiều khó khăn. Hai chiếc tàu cứ va đập vào nhau, nước biển văng lên đến tận buồng lái, sốt ruột, thuyền trưởng Dũng lệnh cho anh em ngư dân khẩn trương thu ngắn dây nối 2 tàu lại với nhau.
Sau một hồi vật lộn với những con sóng dữ, hai chiếc tàu đã được neo sát vào nhau nhưng nỗi lo vẫn còn nằm đó. Thuyền trưởng Dũng nhanh chân nhảy sang tàu DVHC để nhận hàng từ đất liền gửi ra. Anh nhanh chóng nhận hàng từ “hậu phương” rồi chuyền cho chúng tôi mang về tàu cất. Ngay sau đó, chúng tôi vào vị trí sẵn sàng để vận chuyển nước đá từ tàu DVHC.
Lần này, tàu của chúng tôi chỉ lấy hơn 100 cây nước đá, do nước đá lấy từ lần trước vẫn còn. Một số nước đá được giữ nguyên được chuyển xuống hầm dự trữ, một số được xay nhuyễn ra để ướp số hải sản vừa mới thu hoạch đêm hôm qua.
Những cây nước đá trắng tinh, nặng trĩu, bốc khói nghi ngút được chúng tôi chuyền tay nhau đưa xuống hầm. Tiếng máy xay, tiếng sóng hòa cùng tiếng người làm cho bức tranh lao động trên biển thêm phần hăng say, náo nhiệt.
Cùng lúc với tàu của chúng tôi, một chiếc tàu khác cũng cặp vào để lấy nước đá và thực phẩm phục vụ cho chuyến đánh bắt của họ. Những bao rau củ, túi thịt, cá được bốc lên từ hầm đá có ghi rõ họ tên người nhận, một số ghi bằng bí danh được giao cẩn thận đến tay ngư dân.
Trên buồng lái, tài công Trí cẩn thận ghi chép những thứ đã giao và ghi lại những gì mà ngư dân dặn dò để chuyến sau mang ra cho họ. Thực phẩm vừa mới nhận được, những ngư dân trên tàu lưới kéo xúm lại soạn bao rau, củ ra chia làm 2 phần. Một phần được cho vào giỏ mang ra phía sau ghe dùng nấu ăn, một phần cho xuống hầm đá bảo quản để dùng trong những ngày tới.
Cầm trên tay quả dưa leo, trái mướp còn tươi xanh khuôn mặt những ngư dân bỗng trở nên rạng rỡ, vui mừng. Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong, tàu TG 92598TS cười và nói: “Một bao rau củ như vậy anh em ngư dân ăn được cả chục bữa, ở đây hải sản không thiếu, thiếu nhất là rau xanh”.
BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA NGƯ DÂN
Trước đây, khi chưa có đội ngũ tàu DVHC, đời sống của ngư dân trên biển gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, mỗi chuyến đánh bắt như vậy kéo dài hàng tháng trời, thực phẩm mang không bảo quản được lâu và cũng không đủ dùng trong một thời gian dài.
Để có thể duy trì hoạt động đánh bắt, những ngư dân thường liên kết với nhau thành 1 đội, cứ khoảng nửa tháng thì mỗi chiếc lại thay phiên nhau vận chuyển hải sản về; đồng thời vận chuyển nước sạch, thực phẩm trở ra chia nhau cho anh em ngư dân. Tuy nhiên, cách làm này không mang lại hiệu quả do tàu của ngư dân vận chuyển không được nhiều và tiêu tốn nhiều chi phí trong những chuyến ra vào.
Những túi thực phẩm được gửi ra từ đất liền có ghi đầy đủ tên người nhận. |
Đội tàu DVHC như là một người bạn đồng hành của ngư dân trong những chuyến vươn khơi bám biển, giúp đời sống ngư dân trên biển phần nào giảm bớt khó khăn, thiếu thốn. Nếu như trước đây, việc thiếu nước ngọt hay rau xanh trở thành chuyện thường nhật thì hiện tại những khó khăn này đã giảm bớt do được sự “chi viện” từ đất liền.
Thuyền trưởng Dũng cho biết: “Hiện tại, cứ khoảng 10 ngày là tàu DVHC lại ra biển 1 lần để cung cấp nước đá, thực phẩm cho ngư dân phục vụ đánh bắt. Có tàu DVHC này đỡ lắm, mình muốn ăn gì, hay cần gì thì gọi về gia đình gửi ra. Gia đình anh em ngư dân nào có chuyện gấp thì cũng có thể đi nhờ về, rút ngắn được thời gian. Ngoài ra, hải sản đánh bắt an toàn hơn do được vận chuyển về sớm không phải muối lâu như trước đây”.
Vừa nhận xong nước đá và thực phẩm, anh em ngư dân lại tiếp tục leo xuống hầm mang số hải sản đánh bắt được lên chuyển sang tàu DVHC để gửi về đất liền. Hải sản được chứa trong những thùng phi lớn, phải dùng tới cần cẩu mới có thể mang lên.
Thùng hải sản đầu tiên được bốc lên, 3 ngư dân ra sức trút chúng ra, rồi chuyển qua tàu DVHC để sắp xếp xuống hầm mang về đất liền. Trong lúc mọi người chuyển hải sản, một số thuyền viên của tàu DVHC ra sức xay nhuyễn những cây nước đá để ướp hải sản cho ngư dân, đảm bảo khi về tới đất liền chúng không bị hư.
Thuyền trưởng Phong cười và nói với chúng tôi: “Cứ khoảng 10 hôm thì chúng tôi lại gửi hải sản về một lần, người nhà ra nhận rồi bán cho các thương lái. Chuyến này chắc được khoảng 100 triệu đồng”.
Đối với những tàu chưa có điều kiện trang bị phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, việc tàu DVHC ra vào thường xuyên còn giúp họ cập nhật thông tin về giá cả và gia đình. Chắc có lẽ sau những ngày tháng lênh đênh trên biển, niềm hạnh phúc lớn nhất của ngư dân là đọc được những bức thư từ gia đình gửi ra.
Cầm trên tay lá thư từ gia đình gửi ra, thuyền trưởng Đoàn Văn Tuấn, tàu TG 92156TS không giấu được niềm vui. Anh nâng niu lá thư, chậm rãi đọc từng lời nhắn nhủ của người vợ, sau đó anh viết lại 1 lá thư đưa cho tài công Trí gửi về cho vợ. Những dòng tâm sự tuy ngắn ngủi nhưng chứa đầy sự yêu thương, niềm hy vọng, là nguồn động lực cho ngư dân vững tâm bám biển.
“Họp chợ” trên biển còn là dịp để nhiều ngư dân gặp gỡ nhau sau những ngày dài bươn chải mưu sinh giữa trùng khơi. Đôi ba câu hỏi thăm, lời trêu ghẹo, hay những nụ cười rạng rỡ làm cho tình người nơi biển cả càng thêm thắm đượm.
MINH THÀNH
(còn tiếp)