Ra khơi giữa mùa mưa bão: Một ngày đầy sóng gió
Bài 1: Một ngày đầy sóng gió
Bài 2: "Chợ nổi" giữa biển
Bài 3: Nghĩa tình giữa biển khơi
Kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh nhà, trong đó hoạt động khai thác hải sản xa bờ luôn được chú trọng trong những năm qua. Trong bối cảnh nguồn lợi thủy, hải sản gần bờ đang dần cạn kiệt, khai thác xa bờ được xem như một bước đi lâu dài mang lại kết quả tích cực.
Vào những ngày cuối tháng 6, biển đầy sóng gió do tác động của áp thấp nhiệt đới, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có chuyến ra khơi cùng tàu đánh bắt xa bờ để tìm hiểu và trải nghiệm như những ngư dân thực thụ.
Ra sức trút hải sản ra khỏi túi cào |
Lênh đênh giữa biển khơi hàng tháng trời, cuộc sống gặp không ít khó khăn và rủi ro tìm ẩn, nhưng nhiều ngư dân với tinh thần vượt khó cùng khát vọng vươn khơi vẫn ngày đêm đạp sóng để mưu sinh.
SÓNG XÔ PHẬN NGƯỜI
Chúng tôi xuất phát tại Cảng cá Vàm Láng vào rạng sáng ngày 24-6 trên chiếc tàu dịch vụ hậu cần Thu Hằng 3. Trong chuyến hải trình này, tàu dịch vụ hậu cần đưa chúng tôi đến ngư trường Nam Côn Sơn. Sau đó, chúng tôi chuyển sang tàu lưới kéo của thuyền trưởng Trần Văn Dũng bắt đầu chuyến hải trình cùng tàu đánh bắt xa bờ.
Sau 5 giờ đi “dò bụng biển”, dông tố nổi lên, tiếng gió rít “hù hụ”, từng con sóng “ầm ầm” lũ lượt kéo đến như muốn nuốt chửng con tàu của chúng tôi. Cơn áp thấp nhiệt đới làm mưa rơi tầm tã kéo dài trong nhiều ngày, thấm ướt cả chỗ ngủ của chúng tôi.
Gió giật cấp 6 - 7, những cột sóng cao gần cả mét làm cho con tàu cứ dật dờ chao đảo. Trên buồng lái, thuyền trưởng Dũng tay nắm chặt vô lăng, mắt nhìn thẳng về phía trước với vẻ mặt căng thẳng. Những lúc như thế, vai trò của người cầm lái là quan trọng nhất, phải đưa ra lựa chọn giữa neo tàu và chạy.
Phân loại hải sản vừa thu hoạch được. |
Thời điểm sau Tết Nguyên đán và từ tháng 5 - 8 (âm lịch) là khoảng thời gian đánh bắt lý tưởng nhất trong năm. Thời điểm hiện tại, mùa gió Tây Nam đang hoạt động, vì vậy biển có phần “dễ chịu” hơn so với mùa gió chướng. Tuy nhiên, những cơn dông tố, mưa bão hay áp thấp nhiệt đới là những mối đe dọa đến an toàn của ngư dân và hoạt động đánh bắt.
Sau những ngày đi “dò bụng biển” với những mẻ cào thất bát, nỗi lo lắng lại hiện lên trong từng đôi mắt của ngư dân trên tàu. Thông qua máy điện đàm, thuyền trưởng Dũng gọi hỏi thăm tình hình đánh bắt của những tàu khác. Tay cầm chặt vô lăng, mắt luôn hướng về phía trước, thuyền trưởng Dũng chia sẻ: “Chuyến này đánh bắt không bằng chuyến vừa rồi, nhiều mẻ cào kéo lên chỉ đủ tiền dầu”.
Đúng 13 giờ 30 phút ngày 26-6, trên buồng lái phát ra 2 tiếng “cốc cốc” khiến mọi người trên tàu bừng tỉnh. Một ngư dân nhanh miệng nói: “Đó là ám hiệu của thuyền trưởng cho chúng tôi để chuẩn bị thả cào, nghe 2 tiếng cốc cốc là tự hiểu”.
Ngoài trời, mây đen vẫn bao phủ, sóng đập ầm ầm vào mạn tàu, chúng tôi đứng thành hàng ngang phía sau con tàu chuẩn bi thả cào. Trên buồng lái, thuyền trưởng Dũng đã nổ máy chờ sẵn, sẵn sàng cho mẻ cào tiếp theo. Nhìn trên bản đồ, lúc này chúng tôi đang ở tọa độ 70 56’ B, 107025’ Đ, cách đất liền hàng trăm hải lý.
Mặc cho dông gió những ngư dân vẫn ra sức thả lưới. |
Con tàu dật dờ lao đi với vận tốc 5,3 hải lý/giờ, chúng tôi ra sức tháo những sợi dây buộc 2 tấm ván gỗ hình chữ nhật (chiếc dép) đưa xuống biển. 2 chiếc dép là bộ phận quan trọng của lưới cào, tầm cỡ 2 người khiêng, có kích thước khoảng 1m2. Vật dụng này có nhiệm vụ làm vật cố định để khi tàu di chuyển miệng cào sẽ căng ra, từ đó cá, tôm sẽ lọt vào trong miệng cào.
Tiếp đến, chúng tôi căng sức quay máy thả phần lưới cào xuống biển. Cả lưới cào dài khoảng vài trăm thước với vô số dây thừng, phao và xích sắt được mắc vào nhau. Phần lưới cào được quấn quanh trục sắt cứ thế quay đều theo từng nhịp thở của chúng tôi.
Tiếng xích sắt reo lên “lách cách”, nước biển văng tung tóe làm rát cả mặt. “Nhiều lúc đang kéo lưới, miệng cào bị vật sắc, nhọn đâm thủng coi như mẻ cào đó thất trắng. Anh em ngư dân lại phải chịu cực để vá lại” – thuyền trưởng Dũng cho biết.
ĐI “DÒ BỤNG BIỂN”
Theo thống kê của Chi cục thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh có 1.269 ghe tàu với tổng công suất 402.734 CV. Số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ có 945 chiếc với tổng công suất 390.211 CV, trong đó cào đơn chiếm số lượng cao nhất với 514 chiếc. |
Đúng 22 giờ 45 phút ngày 26-6, 5 người chúng tôi đứng thành 1 hàng ngang phía sau tàu bắt đầu kéo cào, 2 người lên phía trước khởi động máy quay. Những bắp tay lực lưỡng, đôi tay chai sần, bàn chân to chắc cố bám vào thành tàu.
Trong màn đêm tối om, gió vẫn thổi “hù hụ”, con tàu nằm chơi vơi trong cơn giận dữ của biển cả. Sau một hồi căng sức kéo những sợi dây thừng dài thườn thượt, sức nặng của lưới cào làm chúng tôi đuối sức. Lúc này, nhờ có sự hỗ trợ của máy quay, phần lưới cào đầu tiên đã được chúng tôi kéo lên tàu.
Tiếp đó, 2 chiếc dép cũng đã ngoi lên khỏi mặt nước và được buộc cẩn thận vào 2 bên hông tàu. Tức tốc, chúng tôi ra hiệu cho nhau cùng di chuyển về phía trước chuẩn bị lấy túi cào lên. Mặc cho con tàu cứ tròng trành lên xuống như ngựa bất kham, chúng tôi đứng thành một hàng dọc bên hông tàu hì hục kéo miệng cào từ dưới biển lên. Trong giây phút này, chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể làm chúng tôi ngã nhào xuống biển.
Sau 8 tiếng ròng đi “dò bụng biển” thì đây là lúc chúng tôi biết được thành quả lao động của mình, vì vậy ai nấy cũng làm việc trong trạng thái khẩn trương. Miệng cào được kéo lên, thuyền trưởng Dũng ra hiệu cho mọi người khẩn trương trút hải sản ra khỏi túi cào.
Khuôn mặt của các anh em ngư dân dường như “biến dạng”, quần áo ướt sũng khi phải căng sức trút hải sản ra. Túi cào được trút ra với khoảng hơn nửa tấn hải sản các loại, nào là mực, ghẹ… nằm lủ khủ trên tàu.
Trút xong túi cào cũng là lúc mọi người thở phào nhẹ nhõm, và rồi, chúng tôi nhanh chóng buộc lại miệng cào thải xuống biển. Vừa buộc lại miệng cào ngư dân Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: “Bây giờ tiếp tục thả cào để đánh mẻ tiếp theo, một đêm cào 2 lần như thế”.
Mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hàng tháng trời, cuộc sống của ngư dân trên biển gặp không ít khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão. |
Việc thả cào hoàn tất, mọi người xúm lại cùng nhau phân loại mẻ hải sản vừa thu hoạch được. Bỏ qua sự mệt mỏi do phải căng sức kéo cào, chúng tôi ra sức phân loại mẻ hải sản, mỗi loại được lựa vào từng giỏ khác nhau.
Những con cá biển còn sống nằm giãy đành đạch, những con ghẹ với chiếc càng to khỏe cố gắng gượng dậy tìm lối thoát, tất cả được hội tụ tạo nên 1 bức tranh sinh động về công việc của ngư dân trên biển. Phân loại xong, hải sản được rửa sạch rồi cho vào túi ni-lon mang xuống hầm ướp đá để bảo quản.
Chúng tôi bắt đầu leo xuống hầm, bên trong hầm là những thùng phi lớn chứa đầy hải sản được bảo quản bằng nước đá. Tức thì, một anh ngư dân hô to: “Coi chừng bị cá ngát đâm đó, bị đâm là bỏ cơm mấy ngày”.
Công việc hoàn thành thì trời cũng đã hơn 12 giờ đêm, mọi người mang ít hải sản vừa thu hoạch được ra phía sau nấu cơm ăn chống đói chuẩn bị cho mẻ cào tiếp theo. Trong màn đêm dày đặc giữa trùng khơi, phía đằng xa, thỉnh thoảng hiện lên những đóm sáng lấp lánh như những ánh sao.
Mọi người cho chúng tôi biết đó là những tàu lưới vây, câu mực đang chong đèn để dẫn dụ cá, mực tới. Trong lúc ăn cơm, chúng tôi vẫn không thôi suy nghĩ về mẻ cào vừa qua. Đôi mắt mọi người hiện lên một chút lo lắng nhưng nó cũng ẩn chứa những niềm tin, sự hy vọng giữa bao la trời biển.
MINH THÀNH
(còn tiếp)