Những trăn trở và khát vọng vươn khơi
Bài 3: Nghĩa tình giữa biển khơi
Bài 4: Nghĩa tình giữa biển khơi
Nhiều ngư dân bày tỏ, trong nhiều chuyến đánh bắt, hải sản của họ được thu mua với mức giá không ổn định. Họ mong muốn Nhà nước cần có những chính sách kịp thời để hỗ trợ ngư dân trong việc giải quyết bài toán đầu ra, giúp ngư dân vững tâm bám biển.
TỪ NHỮNG TRĂN TRỞ
Trao đổi qua máy điện đàm, khuôn mặt thuyền trưởng Dũng bỗng hiện lên vẻ lo lắng. “Giá hải sản lại giảm nữa rồi” - thuyền trưởng Dũng than thở.
2 cha con anh Nguyễn Văn Toàn ước mơ có 1 chiếc tàu để tự làm chủ. |
Thuyền trưởng Đoàn Văn Tuấn, tàu TG 92156TS cho biết: “Mới mấy ngày trước ghẹ có giá 48.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 40.000 đồng/kg, dự báo trong mấy ngày tới sẽ giảm nữa. Anh em tụi tui nhiều chuyến đánh bắt trúng mùa nhưng khi vào bờ lại phải bán với giá rẻ, những chuyến thất thu thì bán được giá cao hơn, điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua.
Ở Vũng Tàu khô mực có giá hơn 300.000 đồng/kg, còn tại Vàm Láng chỉ có giá hơn 200.000 đồng/kg. Mỗi tàu có 7 người là phải nuôi 7 gia đình, niềm hy vọng đều được đặt vào chúng tôi. Đối với bản thân tôi là chủ, mỗi chuyến đánh bắt đạt giá trị khoảng 200 triệu đồng là không dám vô bờ, phải ở lại đánh bắt tiếp. Bởi lẽ, bao nhiêu đó mà về chỉ đủ chia cho anh em và những chi phí phát sinh”.
Giá cả bấp bênh là nỗi trăn trở lớn nhất của ngư dân. Cuộc sống của họ quanh năm gắn bó với biển, gặp phải nhiều khó khăn nhưng thành quả lao động lại không tương xứng với công sức bỏ ra. Hiện nay, có một thực tế đó là hải sản của ngư dân chưa thể tìm được đầu ra ổn định, từ đó giá cả thường xuyên biến động.
Bài toán tìm đầu ra ổn định cho hải sản xem ra còn rất nan giải đối với ngư dân. Anh em ngư dân mong muốn Nhà nước có những chính sách kịp thời để bình ổn giá cả, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bởi bám biển cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Một thách thức nữa đặt ra cho ngành khai thác hải sản của tỉnh là cần nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề cá. Cụ thể, Cảng cá Vàm Láng hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu của tàu thuyền. Thêm vào đó, việc cảng cá bị bồi lắng cũng gây khó khăn cho hoạt động ra vào của tàu thuyền.
Do phạm vi của cảng cá nhỏ nên nhiều lúc tàu thuyền ra vào va chạm nhau bị hư hỏng. Hiện tại, mặc dù Cảng cá Vàm Láng đang được xây mới, tuy nhiên cần phải nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho ngư dân.
Nhiều ngư dân mong muốn giúp tìm đầu ra cho hải sản. |
Ngoài những trăn trở về giá cả, trong chuyến đi lần này, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều ngư dân, được lắng nghe những tâm tư và mong muốn của họ. Nhiều người trong số họ ước muốn nâng cấp tàu thuyền để nâng cao hiệu quả đánh bắt nhưng chưa có điều kiện thực hiện.
Xuất thân từ nghề đi bạn (làm thuê), thuyền trưởng Đoàn Văn Tuấn đã gắn bó hơn 20 năm với biển cả, anh đã tích cóp được cho mình 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Hiện tại, anh đang dự định nâng cấp con tàu của mình để nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Tuy nhiên, nó đang vấp phải khó khăn do thiếu vốn. “Chúng tôi mong chính quyền cần quan tâm giải quyết những khó khăn cho ngư dân. Trước tiên là giúp bình ổn giá hải sản, tổ chức các buổi đấu giá hải sản để tránh tình trạng ép giá. Thành lập tổng đài cứu hộ cứu nạn để hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn. Tạo điều kiện để ngư dân chúng tôi nâng cấp phương tiện, mua sắm những thiết bị hiện đại… từ đó giúp cho kinh tế biển tỉnh nhà phát triển hơn nữa”.
ĐẾN KHÁT VỌNG VƯƠN KHƠI
Tựa lưng vào mui tàu, ngư dân Nguyễn Thanh Tâm (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) dùng kim khâu lại chiếc áo bị rách lưng đã bạc màu theo thời gian. Đôi mắt trũng sâu, làn da rám nắng, khuôn mặt khắc khoải những ưu tư.
Đã 1 tháng nay anh Tâm cùng anh em ngư dân trên tàu chưa liên lạc về gia đình. Nỗi nhớ gia đình, người thân dường như hiện lên trên đôi mắt của họ. Gia đình có 3 con đang tuổi ăn tuổi lớn, thế nên vợ chồng anh phải cố gắng làm lụng để lo cho đàn con. Gắn bó hơn 20 năm với biển cả, niềm mong mỏi lớn nhất của anh là sau mỗi chuyến đánh bắt, anh có thể tích cóp được một số tiền để lo cho gia đình, con cái được ăn học tới nơi tới chốn.
Anh Tâm tâm niệm: “Bây giờ tôi chỉ ước có sức khỏe để làm kiếm tiền lo cho gia đình, khi nào không còn làm nổi nữa thì về nhà nghỉ. Đời mình không được học hành đến nơi đến chốn, gắn bó với biển từ nhỏ thành ra biển cũng như quê hương thứ hai của mình. Ở ngoài này, thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình, những chuyến tàu về chỉ nghỉ được ít hôm rồi lại đi”.
Nhiều ngư dân cho biết, nghề biển là nghề cha truyền con nối, nhưng rất ít khi bắt gặp 2 cha con đi trên cùng một con tàu. Trong chuyến đi lần này, tình cờ chúng tôi đã bắt gặp 2 cha con cùng làm thuyền viên trên một con tàu.
Đó là người cha Nguyễn Văn Toàn cùng cậu con trai tên Ken. Ken vừa theo cha đi biển cách nay 2 tháng, cậu bé chỉ mới 15 tuổi nhưng đã rành rọt mọi việc như ngư dân thực thụ. Với thân hình nhỏ nhắn, nước da đen nhẻm, tính hơi nhút nhát, Ken như một chú sóc nhanh nhẹn trong mọi công việc.
Với ước mơ đi biển từ lúc còn nhỏ nên sau khi nghỉ học Ken đã theo cha đi bạn (làm thuê) để phụ giúp gia đình. Tiếp nối truyền thống gia đình và cũng đạt được ước mơ, giờ đây Ken có thể thỏa chí với giấc mơ đi biển của mình.
Còn về người cha Nguyễn Văn Toàn, tài sản anh đã bị cơn bão số 5 (năm 1997) lấy đi mất. Bấy lâu nay, anh cố gắng làm lụng với mong ước sau này có một số vốn để đóng con tàu khác, dẫu biết rằng với số tiền từ việc đi bạn khó lòng có thể giúp anh thực hiện được ước mơ.
Tuy nhiên, chỉ cần anh và cậu con trai Ken cố gắng làm việc và tích cóp, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hy vọng rằng anh có thể thực hiện được ước mơ của mình. Và rồi trong tương lai, chúng ta sẽ lại bắt gặp cậu bé Ken cùng những lớp trẻ khác tay cầm vô lăng trên những con tàu mơ ước, ngày đêm bám biển, tiếp nối truyền thống của ông cha, khẳng định khát vọng vươn khơi bám biển.
MINH THÀNH (còn tiếp)