Sức sống Trường Sa: Dành trọn tấm lòng cho đảo xa
Bài 1: Sức sống Trường Sa: Vươn mình trong gian khó
Bài 2: Sức sống Trường Sa: Nhịp sống nơi đảo xa
Những chuyến ra thăm Trường Sa đã giúp mọi người hiểu thêm cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả và ý chí vượt khó của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Qua đó hun đúc lòng yêu nước và có trách nhiệm với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Thả hoa cầu nguyện cho 64 anh linh liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma vào năm 1988. |
NẶNG LÒNG VỚI GẠC MA
Trong chuyến ra thăm Trường Sa, kỷ niệm xúc động đã in đậm trong ký ức của mỗi người là buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma vào năm 1988, được tổ chức trên boong tàu Trường Sa HQ 571, tại vùng biển các anh đã hy sinh.
Sáng hôm đó, biển xanh, sóng êm, xa xa là đảo Gạc Ma. Tất cả thành viên tập hợp trên boong tàu, lặng đi, xúc động khi nghe Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu Trưởng Hải quân đọc “Lời ai điếu” 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì biển, đảo quê hương.
Câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của 64 cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma hiện về như cuốn phim quay chậm trong làn khói hương ngay trên vùng biển các anh hy sinh. Nghi thức buổi lễ vừa kết thúc, cả đoàn xuống cuối tàu, thả vòng hoa xuống biển, trôi nhanh về phía đảo Gạc Ma và nhiều thành viên trong đoàn công tác đã khóc thương 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc trên tay cầm bó hoa cúc, đứng lặng trên boong tàu nhìn vòng hoa mải miết trôi về phía đảo Gạc Ma, mắt ngấn lệ.
Thả bó hoa cúc xuống biển, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường bày tỏ: “Sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ Gạc Ma là biểu tượng tuyệt vời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu mong linh hồn các anh được thanh thản. Tổ quốc và nhân dân luôn ghi nhớ công ơn của các anh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng đã thấm máu của các anh!...”.
Cùng tham gia với Đoàn công tác số 5 đến thăm hỏi và tặng quà cho quân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước những chính sách về ngư dân, biển đảo có hiệu quả hơn nữa. Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường đưa ngư dân ra sinh sống, lập nghiệp trên các đảo; đầu tư xây dựng thêm các mô hình khuyến ngư; đề xuất những giải pháp để đảm bảo nguồn nước ngọt cho quân và dân quần đảo Trường Sa; đôn đốc các đơn vị tiếp tục hoàn thiện dự án, đề tài xây dựng mô hình nhà lưới nhằm tăng nguồn rau xanh cho các đảo. |
Không giấu được xúc động, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương tâm sự:
“Lần đầu tiên đến với Trường Sa, đứng trước biển, lòng tôi dâng trào bao cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tưởng niệm các liệt sĩ, được tận tay thả vòng hoa xuống biển nơi các anh đã ngã xuống làm tôi rơi nước mắt.
Các anh trạc tuổi tôi, trong khi tôi được học hành và sống trong hòa bình thì các anh đã tự nguyện đến nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển, đảo quê hương và đã anh dũng hy sinh. Tôi cảm phục, biết ơn và ngưỡng mộ các anh. Cảm xúc này sẽ mãi trong tôi!”.
Những người lính, người dân ở Trường Sa là những nhân chứng sống tuyên truyền về biển, đảo quê hương có hiệu quả nhất và công sức của họ xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa là vô cùng lớn lao, cao cả.
LUÔN HƯỚNG VỀ TRƯỜNG SA
Trong chuyến thăm các đảo của huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của Đoàn công tác số 5 vào giữa tháng 4-2016, nhiều đoàn đại biểu, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã trao nhiều phần quà cho quân, dân trên các đảo và nhà giàn với trị giá gần 5 tỷ đồng, là tình cảm của người dân nơi đất liền luôn hướng về Trường Sa.
Chị Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hải Phòng cho biết: “Đến đảo nào ở Trường Sa tôi cũng liên hệ, gặp gỡ các cán bộ, chiến sĩ quê tỉnh Hải Phòng công tác trên các đảo để thăm hỏi, động viên và trao quà tặng của quê hương…”.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, công tác ở Nhà Xuất bản Phụ Nữ tâm sự: “Trường Sa đã cho tôi nhiều cảm xúc lớn lao. Mỗi khi đặt chân lên các đảo ở Trường Sa, việc đầu tiên của tôi là tìm chỗ ngồi và ký họa chân dung các cán bộ, chiến sĩ và gửi tặng họ. Tôi dự định sẽ tổ chức triển lãm tranh về Trường Sa để góp phần tuyên truyền về tình yêu biển, đảo quê hương đến với mọi người”.
Ông Lưu Nhơn Đức, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi đem quà của bao học trò, thầy cô nơi đất liền dành cho Trường Sa và tôi đã cảm nhận sâu sắc về tình yêu đất nước, về sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, hứa sẽ kể lại cho học sinh, cho đồng nghiệp những điều “mắt thấy, tai nghe” nơi đây để mọi người luôn hướng về Trường Sa, góp phần xây dựng Trường Sa ngày càng giàu đẹp và vững chải…”.
Xin mượn lời của ông Đỗ Thế Tuyến, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) khi nói lời chia tay với Đoàn công tác số 5 làm lời kết bài viết này: “Được sự quan tâm của cả nước, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo không ngừng được cải thiện và được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió vì đất liền!”.
HỮU NGHỊ