Quyết tâm bám biển
Bài 3: Nghĩa tình giữa biển khơi
Bài 4: Những trăn trở và khát vọng vươn khơi
Qua một tuần trải nghiệm cuộc sống của ngư dân giữa trùng khơi, chúng tôi cảm nhận được rằng: Những ngư dân chân chất vươn khơi không chỉ với khát vọng mưu sinh, mà còn trong tâm thế tự hào vì đã góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa trùng khơi mênh mông, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc con tàu đã tiếp thêm sức mạnh để ngư dân vượt qua khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy…
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như lời khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương. |
Trong những ngày dông gió liên tục nổi lên do ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới, nhưng những lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay phấp phới giữa trùng khơi như thách thức với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khẳng định khát vọng vươn khơi bám biển của những người con vùng đất Gò Công, khiến chúng tôi dâng trào cảm xúc.
Con tàu công suất 680 CV của chúng tôi bất chấp gió to, sóng lớn, vẫn cắt từng con sóng dữ với vận tốc hơn 5 hải lý/giờ để đi dò bụng biển, tìm luồng tôm cá. Con sóng to sừng sững phía trước như muốn nuốt chửng con tàu. Anh Trần Văn Dũng (thuyền trưởng tàu TG 94141TS) tay nắm chặt vô lăng, mắt hướng thẳng về phía trước để điều khiển con tàu cắt sóng. Ký ức về cơn bão số 9 (năm 2006) trong anh lại ùa về…
BIỂN ĐẢO LÀ NHÀ
Dù đã 10 năm trôi qua nhưng ký ức về lần thoát chết khi đối mặt với cơn bão số 9 vẫn chưa thể phai mờ trong ký ức của thuyền trưởng Trần Văn Dũng. Anh Dũng bồi hồi nhớ lại:
Trời đang yên ả thì cơn bão ập đến, gió giật dữ dội, mây đen ùn ùn kéo đến. Những cột sóng to cứ liên tục ập đến như muốn nuốt chửng con tàu. Chiếc tàu chao đảo, lắc lư, nước tràn vào khoang ầm ầm. Con tàu phút chốc trở nên nhỏ bé, mong manh trước cơn cuồng nộ của biển cả. Neo tàu hay chạy?
Quyết định của anh lúc này có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của tất cả thuyền viên. Và rồi, anh quyết định neo tàu lại để chống chọi với cơn bão. Suốt nhiều giờ chống chọi với bão dữ giữa trùng khơi, có lúc anh tưởng chiếc tàu không thể trụ vững trước những con sóng hung hăn. Cơn bão đi qua, anh và mọi người mới biết mình thật sự còn sống.
Ngư dân là những “cột mốc” bằng xương bằng thịt, vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
Sau cơn bão, một số người vì sợ nên đã bỏ nghề, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh, còn anh Dũng vẫn bám biển. Bởi với anh “biển là nhà, là quê hương”. Dù mới 34 tuổi nhưng anh Dũng đã có 22 năm gắn bó với biển, thời gian ở trên biển gần gấp đôi thời gian ở trên đất liền. Chính vì vậy “xa biển là anh nhớ không chịu được”.
Còn với anh Nguyễn Tuấn Khanh, 30 tuổi, có hơn 15 năm gắn bó với biển, chia sẻ: Những cơn bão tố hiểm nguy không thể nào dập tắt được tình yêu mà anh dành cho biển. Anh Khanh tâm niệm: “Đối với tôi thì thuyền là nhà, biển đảo là quê hương, là một phần máu thịt không thể tách rời của mình. Chính biển đã nuôi sống bản thân và gia đình, vì vậy tôi sẽ quyết tâm bám biển”.
Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong, tàu TG 92598TS, 42 tuổi, có hơn 20 năm trong nghề khai thác hải sản. Đến nay, gia đình anh đã có 3 đời làm nghề biển. Không những vậy, các anh em của anh mỗi người sở hữu một tàu lưới kéo tham gia đánh bắt ở ngư trường Nam Côn Sơn.
Dù gần 20 năm trôi qua nhưng ký ức về cơn bão số 5 (tháng 11-1997) vẫn chưa thể phai mờ. Anh Phong bồi hồi nhớ lại: Lúc đó, biển động dữ dội, gió giật liên hồi, mưa tối mặt, tầm nhìn rất hạn chế. Con tàu của anh cắt từng con sóng dữ cao đến 3, 4 m, hụp lặn, vượt qua khỏi tâm bão.
Trong cơn bão số 5 ấy, tàu của anh còn cứu được 2 ngư dân gặp nạn. Chính vì vậy, hơn ai hết, anh Phong hiểu được những hiểm nguy của nghề, nhưng vẫn không thể bỏ nghề, vì tình yêu dành cho biển trong dòng máu của anh có sự tiếp nối từ thế hệ ông cha.
3 thế hệ làm nghề đi biển thì cũng là 3 thế hệ trong gia đình anh Phong sống được là nhờ biển. Do đó, với anh Phong gắn bó với biển không chỉ do “biển là nhà”, mà còn là tinh thần trách nhiệm của bản thân đối với biển.
Anh Phong tự hào: “Mỗi con tàu của ngư dân vùng biển Gò Công vươn khơi bám biển không chỉ mang theo khát vọng mưu sinh, làm giàu, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trên nóc con tàu như tiếp thêm sức mạnh để giúp những ngư dân như anh vượt qua khó khăn, vất vả, hiểm nguy giữa trùng khơi mênh mông”.
LẮNG ĐỌNG GIÂY PHÚT CHIA TAY
Mấy anh em ngư dân với bộ quần áo bạc màu, người đầy mùi tôm, cá thay nhau xách những thùng nước biển lên tắm, gội. Sau đó họ xả lại bằng 1, 2 gàu nước ngọt để không bị ngứa. Một bác ngư dân cho biết: “Ngoài này, mỗi lần chỉ được tắm 1, 2 gàu nước ngọt thôi, phải nhín nhút dữ lắm. Sống như thế này coi vậy mà vui, những lúc tàu về đất liền là nhớ không chịu nổi”.
Mọi người tắm gội xong, chúng tôi dùng bữa cơm cuối cùng với anh em ngư dân trên tàu để chia tay về đất liền. Dân gian có câu “trời đánh tránh bữa ăn”, thế nhưng bữa cơm của chúng tôi là cả sự khó khăn. Chiếc ghe bị sóng đánh lắc lư khiến chén, dĩa, xoong nồi dịch chuyển liên tục, chúng tôi cũng phải nương theo từng đợt nghiêng, lắc của con tàu để không bị ngã.
Chúng tôi chia tay thuyền trưởng Dũng và anh em ngư dân trên tàu TG 94141TS để trở về đất liền. Những lời chúc tốt đẹp được chúng tôi dành cho nhau, những cái vẫy tay đầy lưu luyến, bịn rịn và hứa hẹn khi tàu về đất liền sẽ gặp lại nhau.
Sau màn chào tạm biệt, những ngư dân trên tàu nhanh chóng trở lại với công việc, chuẩn bị cho một mẻ lưới mới. Trên buồng lái, thuyền trưởng Dũng cho ghe nổ máy, chiếc tàu cắt sóng tiến thẳng về phía trước, lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong gió...
Chúng tôi quay về đất liền sau một tuần lênh đênh trên biển cùng với anh em ngư dân vùng biển Gò Công. Một tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm với ngư dân đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm sâu sắc, nhiều ý nghĩa và cảm xúc. Chúng tôi biết rằng, dù có khó khăn, vất vả, dù hiểm nguy luôn rình rập nhưng không riêng thuyền trưởng Dũng, mà tất cả ngư dân của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang ngày đêm kiên cường bám biển.
Bởi với họ biển là nhà, là quê hương, là một phần máu thịt không thể tách rời. Họ - những ngư dân - như những chiến sĩ thầm lặng, nhưng luôn kiên cường và vững chãi bám biển trong mọi lúc, mọi nơi, bất chấp hiểm nguy để vừa mưu sinh, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
MINH THÀNH