Thứ Hai, 24/10/2016, 14:41 (GMT+7)
.
Con đường phạm tội và khát vọng hoàn lương:

Bài 1: Con đường dẫn đến phạm tội

Bài 1: Con đường dẫn đến phạm tội
Bài 2: Lời sám hối của người mang án và những tấm lòng vị tha
Bài 3: Hoàn lương

Trong bức tranh muôn màu của cuộc sống, nguyên nhân dẫn đến phạm tội cũng “muôn hình vạn trạng”, có thể do tình, tiền, háo thắng, cờ bạc, say xỉn, buôn bán và sử dụng ma túy…, tự đưa mình đến ngõ cụt. Họ vướng vào vòng lao lý để rồi ăn năn, hối tiếc cho những lỗi lầm, hậu quả mà mình gây ra.

Đại tá Trần Văn Dung, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Phước Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi “Đội tự quản phạm nhân” trao thưởng cho các thí sinh đoạt giải cao.
Đại tá Trần Văn Dung, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Phước Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi “Đội tự quản phạm nhân” trao thưởng cho các thí sinh đoạt giải cao.

RƯỢU VÀ NHỮNG VẾT ĐEN TRONG CUỘC ĐỜI

Trên 50% số phạm nhân mà chúng tôi tiếp xúc bị vào vòng lao lý từ rượu. Ông bà thường bảo “rượu vào lời ra”, lúc còn kiểm soát được mình thì lịch lãm chào mời, xoay vòng, đến lượt…, nhưng khi đã quá chén thì tuôn ra những lời sân si, hơn thua, lăng mạ nhau, dẫn đến tranh cãi… và chém giết nhau.
Cách đây hơn 4 năm, Trần Trọng Truyền (SN 1962) đã gây án với bạn của mình khi quá chén.

Phạm nhân Truyền nhớ lại: “Bữa đó tôi đi sửa máy bơm nước, trong túi đồ nghề có con dao và một số dụng cụ để sửa máy. Sau khi nhậu quá chén, đã cự cãi hơn thua với bạn, con dao hành nghề trở thành hung khí…”. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu. Nhận được hung tin bạn qua đời, Truyền chạy vội ra Công an xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo) đầu thú. Tra tay vào còng, bên tai Truyền như văng vẳng tiếng khóc của quả phụ, con côi…, khiến Truyền bấn loạn, run rẩy, mắt mờ đi, không thể tin tay mình đã vấy máu. Không thể đổ thừa do trẻ người non dạ, bởi khi gây án Truyền đã 50 tuổi - cái tuổi làm ông, làm cha, ăn trên ngồi trước và đủ kinh nghiệm để dạy con, khuyên cháu…, vậy mà đã không làm chủ được bản thân.

Truyền bị kết án 12 năm tù và bồi thường cho gia đình bị hại 363 triệu đồng (tiền bồi thường đã được người thân chạy lo và giao đủ), đã thụ án được hơn 4 năm và được giảm án 1 lần - giảm 9 tháng. Phạm nhân Truyền nhìn xa xăm, mái tóc bạc trắng có lẽ do nhiều đêm trăn trở, thở dài tâm sự: “Tôi nghĩ đến ngày ra trại sẽ rất mừng vì được tự do, đoàn tụ gia đình, nhưng có lẽ tôi sẽ luôn mang tâm trạng ngại ngùng, xấu hổ với mọi người, nhất là với gia đình bị hại (là chòm xóm ra vô chạm mặt thường xuyên) chỉ vì một phút thiếu kiềm chế bản thân....”.

Cũng vì rượu mà Lê Hoàng Ân (SN 1987) vào trại giam với bản án 17 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”. Cuối tháng 3-2008, trong một lần tụ tập bạn bè vui chơi, trong đó có cô bạn gái của mình, khi tất cả đều quá chén, Ân không kiềm chế bản năng, đã giao cấu với bạn gái và bỏ mặc cho bạn trai cùng nhóm “ăn theo”. Mấy ngày kế tiếp Ân vẫn gặp lại bạn gái và đi chơi với nhau, nhưng 15 ngày sau thì “vụ hiếp dâm tập thể” ấy bị “xì ra” và Ân đã bị bắt. Phạm nhân Ân tâm sự: “Khi đi chơi chung, em không biết cô bạn ấy mới 15 tuổi, chỉ nghĩ rằng cô ấy đồng tình thì mình không có tội…”. Do thiếu hiểu biết về pháp luật và do quá chén mà Ân và người bạn trai cùng nhóm mỗi người nhận 1 bản án gần 20 năm tù.

Trần Minh Chí (SN 1990) hành nghề chạy xe ba gác ở huyện Cái Bè, vào trại giam đã 4 năm do uống rượu rồi gây tai nạn giao thông chết người. Chí kể: “Một ngày của tháng 10-2013, em đi giao hàng cho chỗ quen biết và được người nhận hàng giữ lại nhậu, do uống quá nhiều nên em không làm chủ tay lái và cũng không nhớ chi tiết mình gây tai nạn thế nào, bởi em bị chấn thương đầu và bất tỉnh.

Hai ngày sau, người nhà của em đến xin Ban Giám đốc bệnh viện cho em về thắp nhang người bị hại và xin lỗi gia đình họ, em mới biết mình gây tai nạn chết người. Em ân hận vô cùng trước cảnh vợ con anh ấy quấn khăn tang khóc tới lịm đi trước quan tài. Tòa xử phạt em 4 năm tù và bồi thường cho gia đình bị hại 219 triệu đồng. Vợ chồng em làm thuê và có con nhỏ, cuộc sống khó khăn nên được tòa cho trả hàng tháng 1,15 triệu đồng. Em hứa khi ra trại sẽ lo làm ăn để phụ tiền cấp dưỡng cho vợ con anh ấy và sẽ từ bỏ rượu…”.

GÂY ÁN TỪ LÒNG THAM, SỰ HÁO THẮNG VÀ ĐUA ĐÒI

Chúng tôi đến Trại giam Phước Hòa vào một ngày nắng đẹp, nhiều phạm nhân có sự tiến bộ trong học tập, lao động và đã ít nhất 1 lần được giảm án đang tập trung vào Cuộc thi “Đội tự quản phạm nhân”, trong đó có phạm nhân Trần Văn Thanh (ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho), là kế toán của một cơ quan Nhà nước được 10 năm, đã sa ngã vì cá độ bóng đá. Sau 1 năm trượt dài vào con đường cá độ, tài sản trong nhà Thanh đã “không cánh mà bay”, gia đình lâm cảnh nợ nần và Thanh đã tham lạm của công. Ngày 28-10-2004, Thanh bị khởi tố về tội danh lừa đảo, mức án chung thân. Những lần ba mẹ vào thăm là nỗi đau lòng và hối hận trong Thanh nhiều thêm vì đã làm khổ song thân...

Đối diện với chúng tôi là phạm nhân Nguyễn Sơn Hải, đã 60 tuổi, từng hoạt động trong Lực lượng vũ trang, vậy mà đồng tiền đã làm ông phản bội đồng đội, vướng vào con đường buôn bán ma túy. Ông trăn trở: “Bây giờ nói tiếng hối hận còn ngượng miệng. Những ngày ở Trại giam Phước Hòa tôi nghiệm ra, đừng để đồng tiền “sai khiến” mình, nếu không nó sẽ sớm đưa mình đi vào con đường tội lỗi….”.

Thời kỳ bùng nổ thông tin và nở rộ những tiện ích trên mạng xã hội, với mối quan hệ ảo, có không ít người đã lợi dụng lòng tin để lừa đảo. Có nạn nhân bị lừa đảo cả tình và tiền; hay những vụ chém giết nhau do nhục mạ nhau trên facebook… Điển hình là vụ án mà Báo Ấp Bắc số 3491, ra ngày 7-9-2016 đã đăng tải “Án mạng do mâu thuẫn trên Facebook”, cũng do hơn thua nhau trong lời bình luận dẫn tới xúc phạm, lăng mạ nhau mà Nguyễn Tấn Tín (19 tuổi, ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) lãnh 20 năm tù giam do dùng dao đâm chết Võ Thái Nguyên Phong (16 tuổi, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho).

TỘI PHẠM TRẺ NGÀY CÀNG TĂNG

Anh em ruột Tạ Tấn Đạt (19 tuổi) và Tạ Tấn Đức (14 tuổi), ngụ xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) đã khống chế mẹ mình là Võ Thị Kim Loan (39 tuổi) bằng cách nhét khăn vào miệng, trói lại bỏ vào nhà tắm để lấy 90 triệu đồng mà bà đã cực khổ dành dụm để đi chơi, ăn nhậu. Hay vụ án gây rúng động ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây: Cháu ngoại Phan Quốc Thái mới 16 tuổi đã giết ông ngoại Phan Như Đồng (SN 1949) một cách dã man vì cần tiền chơi game.

Đại tá Trần Văn Dung, Giám thị Trại giam Phước Hòa trăn trở: “Trại giam Phước Hòa hiện có 3,44% phạm nhân tuổi từ 20 trở xuống, tất nhiên trong số đó có không ít phạm nhân vi phạm trọng án khi còn tuổi vị thành niên. Ở độ tuổi này dễ bốc đồng, tính háo thắng…”.

Cùng chung nỗi niềm này, Trung tá Trần Thị Thi, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ Trại giam Mỹ Phước cho biết: “Hiện trại chúng tôi chiếm 60% phạm nhân có độ tuổi từ 18 đến 30, có cả phạm nhân phạm tội đến 2 lần. Tâm lý phạm nhân trẻ nông nổi, bất ổn, dễ bị kích động nên được trại đặc biệt quan tâm giáo dục. Khi tâm lý họ ổn định, có nhiều tiến bộ trong học tập, chúng tôi cho họ lao động, học nghề, mong họ biết lao động và yêu lao động, am hiểu luật pháp để khi tái hòa nhập cộng đồng trở thành người tốt…”.

NGỌC LỆ (còn tiếp)

.
.
.