Thứ Sáu, 28/10/2016, 20:47 (GMT+7)
.
Con đường phạm tội và khát vọng hoàn lương

Hoàn lương

Bài 1: Con đường dẫn đến phạm tội
Bài 2: Lời sám hối của người mang án và những tấm lòng vị tha
Bài 3: Hoàn lương

Với khát vọng hoàn lương, nhiều phạm nhân cố gắng học tập, lao động thật tốt để sớm được đoàn tụ với gia đình. Bởi không ai khác, mà chính họ thấy được những mảng tối của cuộc đời mình khi đứng trước vành móng ngựa để nhận bản án. Khoác chiếc áo phạm nhân, ngồi sau song sắt, họ chiêm nghiệm ra lỗi lầm, mới thấy quý tình yêu thương của cha mẹ, vợ con, quý sự tự do của một công dân… 

Nguyễn Khoa Nam, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo hòa nhập cộng đồng với công việc trồng nấm.
Nguyễn Khoa Nam, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo hòa nhập cộng đồng với công việc trồng nấm.

KHÁT VỌNG HOÀN LƯƠNG

Là phạm nhân sống trong khuôn khổ của trại giam, đúng như người xưa ví von: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù bằng nghìn thu ở bên ngoài), cho nên các phạm nhân luôn mong muốn được tự do.

Phạm nhân Nguyễn Quốc Thái (Trại giam Phước Hòa) nghẹn ngào: “Tôi từng ngày nuôi khát vọng khi mãn hạn tù về nhà sẽ siêng năng làm lụng kiếm tiền xây mộ cho mẹ và cất lại căn nhà đã bị xuống cấp…”. Thái đã cải tạo tốt để được giảm án, sớm trở về nhà thực hiện khát vọng của mình.

Với phạm nhân Võ Văn Bằng (sinh năm 1992, thụ án ở Trại giam Mỹ Phước): “Em nhớ những bữa cơm chiều cùng gia đình dọn ra hiên nhà nhìn con sông dập dềnh nước, đi giăng câu để có mớ cá cho mẹ nấu canh chua với bắp chuối mà ba bẻ sau vườn. Cái mùi cá kho tiêu, canh chua nêm lá quế của mẹ làm em nhớ lắm. Nhiều khi quá đỗi nhớ nhà muốn chạy về ngay, nhưng kịp nhận ra mình đang là phạm nhân…”.
 Cũng từ những lời chia sẻ của Bằng những khi ba mẹ vô thăm, ông bà ân cần khuyên bảo, động viên con cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được sum vầy với gia đình. Nhìn theo bóng ba mẹ liêu xiêu dưới nắng lúc quay về, Bằng muốn chạy theo quỳ xuống chân tạ lỗi. Nỗi niềm mong muốn sớm được tự do - mong muốn đến cháy bỏng, bởi ba mẹ tuổi đã cao, sức yếu cần được vui vẻ, được nghỉ ngơi, vậy mà phải chắt chiu từng đồng để mỗi tháng lặn lội đi thăm con. Bằng ứa nước mắt và chúng tôi hiểu đó là giọt nước mắt chân thật, sự hối hận cho dù có muộn màng.

Phạm nhân Trại giam Mỹ Phước với nghề hàn và thợ xây đã được học trong trại, áp dụng vào lao động.
Phạm nhân Trại giam Mỹ Phước với nghề hàn và thợ xây đã được học trong trại, áp dụng vào lao động.

Nói chuyện với chúng tôi, phạm nhân Tuyền (quê xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, thụ án tại Trại giam Mỹ Phước) không giấu được niềm vui vừa được giảm án, đồng nghĩa với con đường trở về nhà được rút ngắn lại, thấy rõ hơn vùng trời tự do trong vòng tay yêu thương của gia đình.

NGÀY TRỞ VỀ

Dù đã lường trước, nhưng Nguyễn Văn H. (sinh năm 1990, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, lãnh mức án 12 năm tù, 4 lần được giảm án nên H. được trở về nhà sau khi thụ án 10 năm 4 tháng) vẫn đắng lòng sau những câu chúc mừng của hàng xóm là cái nhìn ái ngại pha ít nhiều sự kỳ thị, cảnh giác. Đau lòng hơn khi nghe phía sau mình thì thầm: “Nó ở tù mới về…”. Dù có cố gắng để làm người tốt, nhưng những người lầm lỡ như H. vẫn bị hoài nghi, chưa được tin tưởng, nên sẽ không dễ tìm được việc làm, song H. vẫn hy vọng mọi người dần sẽ có cái nhìn khác về mình nếu mình tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt.

Anh Nguyễn Văn Lảnh, Trưởng Công an xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cho biết: “Chúng tôi đang quản lý 9 phạm nhân chấp hành án xong, là những đối tượng đã sử dụng hoặc vận chuyển, mua bán ma túy nên phải quan tâm sâu sát. Thường thì, những đối tượng tái hòa nhập cộng đồng đã có gia đình sẽ mau tiến bộ hơn, bởi họ có vợ con, suy nghĩ chính chắn hơn; vả lại được các đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ quan tâm giúp đỡ vợ con họ, nên họ ý thức hơn trong việc “làm lại cuộc đời”. Đối với lớp trẻ, chưa lập gia đình, nếu được cha mẹ quan tâm thì các em biết “tu dưỡng đạo đức”, không tái phạm; nếu buông lỏng thì rất dễ tái phạm tội, bởi bị một bộ phận thanh niên sống tiêu cực lôi kéo”.

CUỘC SỐNG SANG TRANG

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và ý chí tự vươn lên,  nhiều phạm nhân  đã sống tốt sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi được anh Phan Văn Giúp, Phó Trưởng Công an xã Tân Thuận Bình giới thiệu 2 tấm gương tiến bộ điển hình còn khá trẻ. Theo chân anh Giúp, chúng tôi men theo con đường nhựa vào xóm nhà của Nguyễn Khoa Nam. Nam từng là một “tay lái lụa”. Từ sau vụ tai nạn làm chết người, Nam lo làm ăn, cưới vợ và sắp được làm cha. Nam trồng nấm bào ngư, với 10 ngàn hộp meo, nếu nấm ra đều, mỗi tháng thu nhập không dưới 20 triệu đồng. Nam dẫn chúng tôi đến thăm trại nấm, có nhiều bạn cùng trang lứa trong xóm theo chân đến xem, đã trầm trồ khen ngợi, hỏi cách làm để về áp dụng… Cuộc sống của gia đình Nam đang khởi sắc.

Cũng trên tuyến đường liên ấp của xã Tân Thuận Bình, chúng tôi thăm gia đình của Nguyễn Tấn Lộc. Lộc từng có một thời tuổi trẻ bốc đồng, thiếu suy nghĩ, đã gây ra lỗi lầm. Bị đưa vào trại giam, với suy nghĩ tích cực, em được giảm án, được đoàn tụ gia đình sớm hơn thời gian kêu án. Lộc đang sống lạc quan, do có được vòng tay yêu thương, quan tâm của cha mẹ, giúp em hòa nhập tốt với cuộc sống. Gia đình sắm thêm một xe ba gác, em cùng cha chở thuê. Ở vùng đất đang phát triển mạnh cây thanh long, nên hầu như ngày nào em cũng có người mướn chở thuê.

Cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, không phải lúc nào cũng là một con đường phẳng, đầy hoa; có người đã bị lạc lối, vấp ngã. Thế nhưng, xã hội và gia đình tha thứ lỗi lầm, luôn mở rộng vòng tay đón nhận, giúp họ làm lại cuộc đời, tạo dựng cuộc sống mới.

NGỌC LỆ

.
.
.