Lời sám hối của người mang án và những tấm lòng vị tha
Bài 1: Con đường dẫn đến phạm tội
Bài 2: Lời sám hối của người mang án và những tấm lòng vị tha
Bài 3: Hoàn lương
Hôm đó, có lẽ là một ngày tràn đầy hạnh phúc của những người mang án và cả những người thân hoặc không thân thích của người mang án, bởi những tấm lòng bao dung, rộng lượng được gặp mặt nhau để giải tỏa lòng mình qua lời xin lỗi. Nhiều lá thư “Gửi lời xin lỗi” đã được chính phạm nhân đọc lên với những lời ăn năn, hối cải, trải lòng qua bức thư, ít nhiều trong lòng họ được vơi đi nỗi niềm ray rứt. Và những bức thư hồi âm của người bị hại hay người thân của người bị hại đã xoa dịu, động viên, mở đường cho người lạc bước có cơ hội hoàn lương. Những bức thư của phạm nhân ngổn ngang những tâm tư, nhưng đau lòng nhất là những lá thư của kẻ phạm tội là cha, là chồng hoặc là con; người bị hại lại là mẹ, là vợ, là ruột rà máu mủ. Nghiệt ngã thay khi tay họ từng nhuốm máu người thân.
Người thân và phạm nhân quây quần bên nhau trong bữa cơm trưa sau Hội nghị “Gia đình phạm nhân”. |
Đứng trước mọi người, trong đó có mẹ mình, phạm nhân Nguyễn Hồng Ngọc run run bày tỏ: “…Con buồn lắm mẹ ơi!... Chỉ vì không kềm chế được bản thân mà con đã gây ra tội lỗi tày trời, để giờ đây một người con của mẹ đã ra đi mãi mãi, một người con phải vào vòng lao lý… Mẹ biết phải thương ai? Ghét ai? Chọn ai? Bỏ ai?...”. Bản án 10 năm tù về hành vi giết chết em ruột của mình sẽ có ngày kết thúc để Ngọc về với gia đình, nhưng có lẽ nỗi niềm hối hận sẽ mãi giày vò trái tim Ngọc trong suốt quãng đời còn lại. Mẹ anh - bà Nguyễn Thị Cúc thân xác gầy gò, già trước tuổi bởi bao đêm dài thức trắng trăn trở, đau đớn vì một đứa con lầm lỗi và thương nhớ một đứa con bị chết oan vô tội. Bà viết những dòng chữ đầy nước mắt: “…Ngọc ơi! Mẹ rất đau buồn cho chuyện không may xảy ra với gia đình mình… Mẹ mong thời gian chóng qua để con về đoàn tụ với gia đình… Con cố gắng chấp hành tốt! Mẹ hy vọng ở những lời hối lỗi thật lòng của con… Thương con, mẹ gánh nỗi đau riêng, mong con sống tốt!…”.
Và đây cũng là nỗi đau nhức nhối của những người thân và xã hội chỉ vì một phút mất tính người mà Đỗ Hữu Phước đã “xuống tay” với người chung chăn gối. Vợ mất. Hai con bơ vơ. Kẻ gây án vào tù, kỷ niệm tình yêu, chồng vợ bao ngày tháng má ấp môi kề cứ hiện về. Phước muốn chết, nhưng ánh mắt vô tội của con thơ đang chờ… Phước oằn oại với nỗi đau và tự nguyền rủa mình khi lương tâm thức dậy. Đôi lúc Phước muốn dập đầu xuống chân con thơ nói lời xin lỗi, nhưng “kẻ tội đồ” không đủ can đảm làm điều đó, cho nên ông đã giải bày trong lá thư “Gửi lời xin lỗi”: “…Con gái ơi hãy tha lỗi cho cha!… Cha đã gây ra hậu quả vô cùng to lớn, làm tan nát gia đình của mình. Cha vô cùng hối hận con ơi!... Nếu con có về ngoại, cha gửi lời thăm ông bà và gửi lời xin lỗi, xin ông bà ngoại tha thứ… Bảo Như ơi! Con nhớ đốt nhang cho mẹ, đừng để bàn thờ mẹ lạnh lẽo nghe con!...”. Bảo Như đã hồi âm: “… Con hiểu cha đã có sự hối lỗi. Chuyện đã qua, con đã phải chấp nhận sự thật là mẹ đã mất… Tụi con chỉ còn cha. Em trai của con còn nhỏ quá… Cha cố gắng về sớm với tụi con!...”.
Còn nữa những hoàn cảnh nghiệt ngã tương tự, bài học đắt giá cho những kẻ điên cuồng và cho cả những người đang sống tự do hãy hướng cho mình một con đường sáng.
Chúng tôi được dự nhiều buổi Hội nghị “Gia đình phạm nhân” ở Trại giam Phước Hòa và Trại giam Mỹ Phước. Trước khi vào hội nghị, gia đình phạm nhân được tham quan nơi ăn, ở, sinh hoạt của phạm nhân với mong muốn của Ban Giám thị trại giam là họ sẽ an tâm và phối hợp tốt cùng cán bộ của trại động viên phạm nhân cải tạo tốt. Ông Nguyễn Văn Be, cha phạm nhân Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: “Được tham quan nơi học tập, nơi ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi giải trí của phạm nhân và biết được việc chấp hành án của con em mình nơi đây rất tốt, tôi và mọi người rất vui mừng, xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước có chính sách nhân đạo đối với người phạm tội và những vất vả, lo toan, tình thương và trách nhiệm của các cán bộ Trại giam Mỹ Phước dành cho phạm nhân. Chúng tôi hứa sẽ luôn phối hợp với cán bộ trại giam trong việc nhắc nhở, giáo dục người thân chấp hành nghiêm nội quy trại giam…”.
Sau hội nghị, phạm nhân và người thân được gặp gỡ, ăn chung bữa cơm và hàn huyên tâm sự. Chị Võ Thị Châu òa khóc, ôm hôn con trai là phạm nhân Trần Hải Phương. “Từ ngày con dính vào tội lỗi đến nay gần 3 năm rưỡi. Nhớ con lắm, đêm ngủ không an lòng vì không biết ở trong trại giam con có mặc đủ ấm lúc trời lạnh, có ăn đủ no... Được vào thăm nơi con ở, thấy có đủ thứ: Ti vi, sân bóng, chỗ đọc sách… và cán bộ trại giam ân cần, nhiệt tình…, tôi mừng lắm!” - chị Châu tâm sự. Lau vội nước mắt, chị cho biết thêm, con tôi là bộ đội phục viên, tính tình hiền lành, vậy mà trong lúc cao hứng với bạn bè đã vướng vào ma túy, xấu hổ với người thân và bà con lối xóm. “Con dại, cái mang”, giờ chỉ mong con cải tạo tốt để sớm về với gia đình, làm lại cuộc đời...
Màu áo phạm nhân thấp thoáng trong những sắc màu thường phục của những người thân trong gia đình. Họ nghĩ gì khi tình cảm gia đình dành cho họ quá nhiều và về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân? Tất cả vì một mục đích kết nối tình thương, mở lối đi đúng đắn giúp họ hướng thiện.
NGỌC LỆ (còn tiếp)