Bài 1: Nỗi niềm của người khuyết tật
Không may mắn như những người bình thường khác, người khuyết tật bị khiếm khuyết hoặc suy giảm chức năng một hay nhiều bộ phận cơ thể khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn. Nhưng họ không hề tuyệt vọng, mà luôn cố gắng vượt qua để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Do cơ thể không lành lặn nên trong cuộc sống hàng ngày của người khuyết tật (NKT) gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Do khó tiếp cận với cộng đồng nên cuộc mưu sinh của NKT rất khó khăn, cuộc sống còn thiếu thốn nhiều mặt. Phần lớn NKT thuộc diện nghèo và cận nghèo, cuộc sống dựa vào người thân, gia đình, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và chế độ chính sách trợ cấp xã hội.
Với thu nhập chưa đến 1 triệu đồng 1 tháng từ tiền may gia công giỏ xách và tiền trợ cấp xã hội, mẹ con chị Đỗ Thị Khuyên không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. |
Hơn 40.000 NKT
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), toàn tỉnh có 43.081 NKT, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng là 33.962 người, NKT nhẹ đang sống tại cộng đồng là 9.119 người. Có 38.391 NKT được giải quyết chế độ chính sách gồm: 8.219 thương, bệnh binh; 1.201 trẻ em khuyết tật; 1.407 nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 1.024 NKT do tai nạn lao động và 282 NKT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Ngoài ra, còn 26.058 NKT đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng.
Thu nhập từ bó chổi không cao, chỉ 20.000 đồng mỗi ngày, vợ chồng anh Trần Quốc Thắng phải rất vất vả mới có thể nuôi 2 con ăn học. |
NKT được chia làm 6 dạng tật, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là khuyết tật vận động 49,7%, khuyết tật nghe và nói 4%, khuyết tật nhìn 6%, khuyết tật thần kinh 26%, khuyết tật trí tuệ 6,8%, khuyết tật khác 7,5%.
Ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có 10.279 nạn nhân chất độc da cam, trong đó số nạn nhân được giải quyết chính sách theo chế độ người có công là 1.488 nạn nhân, theo chế độ bảo trợ xã hội là 7.710 nạn nhân. Tuy nhiên, vẫn còn 1.081 người vẫn chưa được giải quyết chế độ chính sách do mất giấy tờ không chứng minh được thời gian tham gia kháng chiến hoặc không đủ tiêu chí theo Thông tư liên tịch 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH đối với nạn nhân là người có công, còn đối với nạn nhân là dân thường thì do chưa đủ các điều kiện theo Luật Người khuyết tật.
Ông Phan Văn Hà, Chủ tịch Hội Bệnh nhân nghèo, Người khuyết tật, Trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: “NKT bị khiếm khuyết hoặc suy giảm chức năng một hay nhiều bộ phận cơ thể bởi rất nhiều nguyên nhân: Do ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh để lại như bom, mìn, chất độc da cam/dioxin; tai nạn lao động, tai nạn giao thông; do các bệnh lý ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể; do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường và nghèo đói”.
Theo Luật Người khuyết tật, mức trợ cấp xã hội cho NKT từ 16 - 60 tuổi cụ thể như sau: NKT đặc biệt nặng được hưởng mức trợ cấp xã hội hệ số 2,0 với số tiền là 540.000 đồng/tháng. NKT nặng được hưởng mức trợ cấp xã hội 1,5 với số tiền là 405.000 đồng/tháng.
Về mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với NKT đặc biệt nặng và nặng như sau: NKT đang mang thai hoặc nuôi 1 con dưới 36 tháng tuổi, được hưởng trợ cấp xã hội hệ số 1,5 với mức trợ cấp 405.000 đồng/tháng; NKT đang mang thai và nuôi 1 con dưới 36 tháng tuổi, được hưởng trợ cấp xã hội hệ số 2,0 với mức trợ cấp 540.000 đồng/tháng; NKT đang nuôi từ 2 con dưới 36 tháng tuổi trở lên, được hưởng trợ cấp xã hội hệ số 2,0 với mức trợ cấp là 540.000 đồng/tháng.
Và những nỗi niềm
Cách đây 10 năm, anh Trần Quốc Thắng (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) là một người đàn ông khỏe mạnh, bỗng một cơn bệnh ập đến lấy đi ánh sáng của đôi mắt. Được sự động viên của gia đình, anh vượt qua những chán nản ban đầu để làm nghề bó chổi. Anh Thắng cho biết: “Được Hội Người mù hỗ trợ vay vốn, tôi mua vật liệu về bó chổi tại nhà. Mỗi ngày tôi bó được 40 cây chổi, thu được 20.000 đồng. Vì thu nhập từ bó chổi không cao nên vợ tôi phải đi làm thuê để đủ tiền nuôi 2 con ăn học, khi không có việc làm thì phụ giúp tôi làm chổi, cuộc sống gia đình luôn vất vả”.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chia sẻ: “Người bị mù gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống hơn các dạng khuyết tật khác. Bản thân người mù không thể chủ động trong đi lại nên khó giao tiếp với cộng đồng, từ đó dẫn đến việc mưu sinh và tìm kiếm việc làm khó khăn, cuộc sống vất vả thiếu thốn nhiều mặt. Đối với người khiếm thị đã qua đào tạo nghề, dù rất cố gắng làm việc nhưng thu nhập cũng chỉ từ 500.000 - 700.000 đồng/tháng. Với thu nhập không cao, trong tổng số 1.025 người khiếm thị trong toàn tỉnh hiện nay thì có tới 24,28% người khiếm thị nghèo, 8,23% cận nghèo và 87 người khiếm thị phải ở nhà tạm”.
Theo Luật Người khuyết tật quy định: - Hộ gia đình trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc NKT đặc biệt nặng được hưởng phí hỗ trợ chăm sóc hệ số 1,0 với mức trợ cấp 270.000 đồng/tháng. - Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 1 NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ phí chăm sóc hệ số 1,5 với mức trợ cấp 405.000 đồng/tháng. - Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ 2 NKT đặc biệt nặng trở lên được hỗ trợ phí chăm sóc hệ số 3,0 với mức trợ cấp 810.000 đồng/tháng. |
Do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin nên đôi chân của chị Đỗ Thị Khuyên (33 tuổi, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy) đã bị liệt từ nhỏ. Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con nên chị đã phải gác lại ước mơ đèn sách từ năm lớp 7, vì không muốn gia đình phải vất vả. Chị Khuyên chia sẻ: “Từ khi chồng tôi bỏ đi, để lại tôi và đứa con thơ, cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn. Để có thu nhập, tôi nhận giỏ xách về may gia công. Do chân yếu nên việc điều khiển máy may gặp nhiều khó khăn, một ngày tôi chỉ may được khoảng 60 - 70 giỏ, với tiền công 20.000 đồng, cộng với 270.000 đồng tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng, tổng thu nhập của tôi chưa đến 1 triệu đồng/tháng, không đủ để mẹ con tôi trang trải cuộc sống”.
Với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống như thế, một việc làm phù hợp và có thu nhập ổn định giúp trang trải cuộc sống hàng ngày là mong mỏi của anh Thắng, chị Khuyên và cũng là khát vọng chung của tất cả những người khuyết tật trong tỉnh để có thể giảm bớt gánh nặng cho gia đình và ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: “NKT vẫn là vấn đề cần quan tâm của toàn xã hội. Đời sống của NKT vẫn còn rất nhiều khó khăn, phần lớn thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, cuộc sống dựa vào người thân, gia đình, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và chế độ chính sách trợ cấp xã hội. Dù được xã hội và cộng đồng quan tâm hỗ trợ về phương tiện và chăm sóc sức khỏe, nhưng do điều kiện giao thông nông thôn và việc hỗ trợ chi phí học nghề vẫn còn nhiều khó khăn nên NKT gặp nhiều trở ngại trong đi lại, giao tiếp xã hội và phát triển kinh tế gia đình”.
PHAN THẮNG (còn tiếp)