Thứ Năm, 12/01/2017, 13:53 (GMT+7)
.

Những "người lính" không quân hàm

Bài 1: Các thế hệ nối tiếp nhau giữ đảo

Nhắc đến Trường Sa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những người lính Hải quân đang ngày đêm chắc tay súng. Thực tế, còn có những “người lính” không trực tiếp cầm súng, vẫn ngày đêm cống hiến tuổi thanh xuân vì sự bình yên của biển trời Tổ quốc.

Để những ngọn hải đăng luôn tỏa sáng, vai trò của những cán bộ, nhân viên công tác ở đây rất quan trọng.
Để những ngọn hải đăng luôn tỏa sáng, vai trò của những cán bộ, nhân viên công tác ở đây rất quan trọng.

Biển Đông có vị trí chiến lược rất quan trọng trong lĩnh vực quân sự cũng như kinh tế. Để tàu thuyền qua lại vùng lãnh hải nước ta được an toàn, hằng đêm, những ngọn hải đăng đã soi đường, hướng dẫn tàu bè đi đúng luồng lạch, vượt bãi ngầm san hô. Quần đảo Trường Sa có tổng cộng 9 ngọn hải đăng tại các đảo: Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang, Sơn Ca, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Lát và  Đá Tây. Trong chuyến hải trình lần này, chúng tôi có dịp ghé thăm 4 ngọn hải đăng là Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn.

Bình minh vừa ló dạng, con tàu HQ 571 neo cách đảo Song Tử Tây khoảng 1 hải lý. Nhìn từ xa, hải đăng Song Tử Tây sừng sững giữa biển trời, được bao bọc xung quanh bởi những rặng cây xanh đầy sức sống. Ngày nào cũng vậy, cứ đến 17 giờ là ngọn đèn của hải đăng Song Tử Tây bắt đầu hoạt động cho đến 5 giờ sáng hôm sau. Hải đăng Song Tử Tây được xây dựng từ năm 1993, là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất ở quần đảo Trường Sa. Để ánh sáng của ngọn đèn khổng lồ này vươn xa và tỏa sáng, hằng ngày 6 “người lính” của trạm đã chia nhau trực suốt 24/24 giờ. Họ cũng như những cán bộ, công nhân, viên chức của 8 ngọn hải đăng khác thuộc Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Biển Đông - Hải đảo miền Nam đã ngày đêm cống hiến sức mình để những ngọn hải đăng luôn tỏa sáng.

Anh Đặng Văn Thanh có hơn 20 năm công tác tại các trạm hải đăng của quần đảo Trường Sa.
Anh Đặng Văn Thanh có hơn 20 năm công tác tại các trạm hải đăng của quần đảo Trường Sa.

Anh Nguyễn Quốc Tiến, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Song Tử Tây trải lòng: “Trong 20 năm công tác ở các ngọn hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa, tôi đã 17 lần đón tết xa nhà. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi cảm thấy buồn, bởi vì đó là nhiệm vụ rất đỗi vinh dự và tự hào. Vả lại, đón tết ở Trường Sa cũng có cái vui, vì được sự quan tâm chăm lo chu đáo từ đất liền về vật chất  lẫn tinh thần…”.

So với Trạm Hải đăng Song Tử Tây, Trạm Hải đăng Sơn Ca (đảo Sơn Ca) “nhỏ tuổi” hơn nhiều (xây dựng năm 2011). Hải đăng Sơn Ca cao 27 m so với mặt nước biển. Ngọn đèn của hải đăng Sơn Ca là đèn chớp trắng, với chu kỳ 10 giây/lần. Anh Đặng Văn Thanh có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, đã ngược xuôi qua 8/9 ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa cho biết, thông thường, sau 6 - 9 tháng làm nhiệm vụ ở các ngọn hải đăng, các cán bộ, nhân viên sẽ được giải quyết về đất liền nghỉ phép, sau đó trở ra tiếp tục làm việc. Trong thời gian công tác tại các trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa, anh Thanh đã rất nhiều lần giúp đỡ tàu thuyền qua lại được an toàn, hỗ trợ mỗi khi họ gặp sự cố. “Hằng ngày, 5 anh em chúng tôi chia nhau mỗi người 1 ca trực. Ngoài ra, chúng tôi còn bảo trì, lau chùi các thiết bị, đảm bảo ngọn đèn hoạt động trong trạng thái tốt nhất. Anh em chúng tôi yêu thương nhau như người một nhà, động viên, hỗ trợ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ…” - anh Thanh tâm sự.

Anh Đoàn Văn Tấn, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Nam Yết có 14 năm công tác tại các ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa. Trong khoảng thời gian này, anh đã làm việc tại 8/9 ngọn hải đăng ở Trường Sa. “Hơn 30 trong nghề, sống xa gia đình, 2 đứa con lần lượt ra đời nhưng không có mặt cha ở nhà và cũng không có điều kiện gần gũi con cái, cho nên khi tôi về phép, đứa con đầu lòng tuy gọi tôi bằng bố nhưng lúc đầu tỏ vẻ không mấy thân thiện, đứa con thứ hai thì không nhận tôi là cha. Đến khi tôi tiếp tục đi công tác thì hai cháu mới cảm nhận được tình cảm của người cha, chạy khắp nhà, chui xuống cả gầm giường để tìm bố…” - anh Tấn tâm sự. Qua đây, chúng tôi đồng cảm và hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng của những “người lính” không quân hàm nơi đảo xa đã không quản ngày đêm gác trực hải đăng để giữ gìn sự bình yên biển trời Tổ quốc - là những người bạn đường không thể thiếu, để tàu thuyền qua lại trên Biển Đông được an toàn.

MINH THÀNH

(kỳ sau Ấm áp tình quân - dân)

.
.
.