Thứ Hai, 09/01/2017, 10:26 (GMT+7)
.
Tổ quốc nơi đầu sóng:

Bài 1: Các thế hệ nối tiếp nhau giữ đảo

Để động viên tinh thần quân và dân huyện đảo Trường Sa, hằng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều tổ chức chuyến công tác đến thăm, chúc tết, tặng quà tết quân và dân huyện đảo Trường Sa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đất liền đối với Trường Sa - nơi những người con của Tổ quốc đang ngày đêm kiên cường giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa động viên các cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ ở Trường Sa.                                                                                                       Ảnh: minh thành
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa động viên các cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ảnh: Minh Thành

Từ ngày 20-12-2016 đến 11-1-2017, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có chuyến hải trình cùng đoàn công tác và đã ghi nhận nhiều hoạt động nơi đây.

Trường Sa - mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc. Đã có biết bao thế hệ thay nhau gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay đã tiếp bước cha anh nắm chắc tay súng vì sự bình yên nơi tiền tiêu Tổ quốc.

TÌNH NGUYỆN LÀM NHIỆM VỤ Ở TRƯỜNG SA

Chiều cuối năm, mưa lất phất trên Quân cảng Cam Ranh, không khí tiễn đưa Đoàn công tác lên đường thăm, chúc tết, tặng quà tết quân và dân huyện đảo Trường Sa vừa nhộn nhịp, vừa đầy cảm xúc. Trong giờ phút chia tay, nhiều cung bậc cảm xúc hiện rõ trên nét mặt các cán bộ, chiến sĩ và cả người thân của họ. Điểm nhấn của buổi tiễn đưa chính là nụ cười rạng rỡ như thay cho lời hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung, Trường Sa nói riêng.

Binh nhất Trần Thừa Kiên (thị trấn Phước Vân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nhập ngũ tháng 2-2016. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Kiên đi làm nhiều việc phụ giúp gia đình, sau đó đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa, với mong muốn góp sức mình để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Trước đó, người anh lớn của Kiên cũng đã đến công tác tại Trường Sa.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với chiến sĩ Phạm Thành Liêm (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), đang học năm thứ 3 Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, đã tình nguyện đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự. Khi biết tin mình sẽ đi làm nhiệm vụ tại Trường Sa, Liêm càng phấn khởi và tự hào. Chiến sĩ Phạm Thành Liêm bày tỏ: “Em đã bảo lưu kết quả học tập của mình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em sẽ về lại trường cũ học tiếp. Em rất thích được trải nghiệm cuộc sống của người lính nơi đảo xa, vì lẽ đó em đã viết đơn tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa…”.

Vì sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Vì sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.

HAI THẾ HỆ CÙNG GIỮ ĐẢO

Sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trường Sa - nơi tuyến đầu Tổ quốc, đã ghi nhận nhiều thế hệ cha con cùng nhau giữ đảo.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi được gặp 2 cha con cùng đang công tác tại huyện đảo Trường Sa. Đó là Trung tá Nguyễn Trọng Đương, trợ lý xe tăng đảo Sơn Ca, cùng con trai là binh nhất Nguyễn Thành Công, hiện công tác tại đảo Nam Yết. Tính đến đời con mình, gia đình Trung tá Nguyễn Trọng Đương đã có 3 đời tham gia trong hàng ngũ Quân đội. Trải qua 31 năm gắn bó trong Quân đội, Trung tá Đương đã có 2 lần đi công tác ở Trường Sa (lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ  hai từ tháng 7-2016 cho đến nay). Trung tá Đương mong con mình tiếp nối con đường binh nghiệp của gia đình. Không phụ niềm kỳ vọng của cha, sau khi tốt nghiệp THPT, Công đã tình nguyện đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự tại Trường Sa và có nguyện vọng cống hiến lâu dài trong quân ngũ. Binh nhất Nguyễn Thành Công tâm sự: “Mặc dù cuộc sống ở Trường Sa còn không ít khó khăn, nhưng em rất vinh dự và tự hào, vì được góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Trường Sa thân yêu!”.

Đặc biệt hơn, chúng tôi có dịp gặp gỡ 2 cha con đang công tác trên cùng một đảo. Đó là Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên đảo Sơn Ca và con trai là Vũ Duy Anh. Thượng tá Vũ Duy Khánh có 27 năm công tác trong Quân đội, thuộc Lữ đoàn 83 Công binh xây dựng các đảo ở Trường Sa. Ông chia sẻ: “Lúc Duy Anh chào đời, tôi đang công tác ở đảo Đá Tây. Mỗi lần về thăm nhà, tôi thường kể cho con nghe về nhiệm vụ của mình nơi đảo xa. Có lẽ vì vậy mà cháu Duy Anh từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đã có nguyện vọng theo nghiệp của cha. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cháu đã viết đơn tình nguyện gia nhập Quân đội và tình nguyện đi công tác ở Trường Sa. Càng vui hơn khi 2 cha con cùng công tác trên đảo Sơn Ca”. Binh nhất Vũ Duy Anh tâm tình: “Điều thôi thúc em đến với Trường Sa là hình ảnh người cha là bộ đội Hải quân đang công tác nơi đây. Sau 1 năm công tác ngoài đảo, em cảm nhận mình trưởng thành nhanh chóng về nhiều mặt và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng!...”.

Trên thực tế, những năm qua, đã có nhiều cha con cùng cống hiến sức mình để bảo vệ chủ quyền huyện đảo Trường Sa. Bao thế hệ cứ thế nối tiếp nhau, chung sức vì sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.

MINH THÀNH

(Kỳ sau: Những “người lính” không quân hàm)

.
.
.