Thứ Ba, 03/01/2017, 16:01 (GMT+7)
.

Về lại quê hương Ấp Bắc anh hùng

Cách đây 54 năm, tại một địa danh mang tên Ấp Bắc của xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), đã chứng kiến cuộc chiến đấu không cân sức giữa quân đội Mỹ và một lực lượng nhỏ của bộ đội địa phương. Đại đội 1 tiểu đoàn 514 và đại đội 1 tiểu đoàn 261 đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận và thiết xa vận” của kẻ thù, mở ra một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trên trận địa xưa, quân dân và xã Tân Phú nói riêng cũng như tỉnh Tiền Giang nói chung đã tiếp tục xây dựng quê hương giàu đẹp với hành trang quý báu là hào khí chiến thắng Ấp Bắc oai hùng.

H
Chiến trường xưa nay là ruộng lúa xanh rờn

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chiến trường Ấp Bắc ngày xưa nay đã thay da đổi thịt đến nỗi nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở đây khi trở lại chiến trường xưa đều phải ngỡ ngàng. Những hố bom loang lổ với chiều rộng gần mươi mét trên các địa hình với dấu xích xe tăng cày nát ruộng đồng của xóm làng nghèo xơ xác giờ đã được thay bằng những cánh đồng lúa xanh mướt. Tuyến đường chính dẫn từ QL.1A vào xã Tân Phú nằm cạnh dòng kênh nhỏ hiền hòa soi bóng rặng trâm bầu-loại cây đặc trưng ở vùng đất trũng nơi đây. Một ngôi trường mang tên Ấp Bắc đối diện với trụ sở UBND xã đều được xây dựng khang trang như minh chứng cho sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang đối với “địa chỉ đỏ” này.

Khu di tích chiến thắng Ấp Bắc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng với tượng đài Ba chiến sĩ gang thép sừng sững như nhắc lại một trận đánh mở đầu cho sự phá sản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” là các con chủ bài của Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”… Sau đó, cách đánh của bộ đội ta tại Ấp Bắc đã được nâng lên thành một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong việc đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam: “Bao vây, bức rút, bức hàng; đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn”.

H
Trường THCS Ấp Bắc

Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu “sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng” và “báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ – ngụy; đồng thời, nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang”. Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ “Mỹ thấy không thể thắng ta được trong chiến tranh đặc biệt”.

Nhiều lần đến Ấp Bắc nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp khác đều có một cảm xúc tự hào và xúc động khó tả khi đến viếng mộ của 3 chiến sĩ gang thép trong khu di tích. Tượng đài Ba chiến sĩ gang thép sừng sững như nhắc nhở người dân không bao giờ quên quá khứ hào hùng của dân tộc và càng sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người đi trước.

Những năm qua, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất nhằm ổn định kinh tế gia đình và tăng thu nhập. Trên chiến trường khốc liệt năm xưa, những cánh đồng xanh mướt mạ non nhìn hút mắt như hứa hẹn một mùa bội thu sắp tới. Chúng tôi gặp trên quê hương Tân Phú những người dân góp phần làm nên chiến thắng. Hầu hết trong số họ đều đã trải qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, trước và sau khi tham gia trận Ấp Bắc. Đến nay, thời gian dẫu xóa đi bao cảnh cũ nhưng chiến tích oai hùng và niềm tự hào chiến thắng vẫn còn mãi trong tâm trí. Bà Nguyễn Thị Trạng (Mười Trạng), một nhân chứng sống và là người nấu cơm tiếp tế cho bộ đội dưới làn đạn, pháo, hồ hởi: “Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều lắm, bà con ở đây có cơm ăn, áo mặc, con cháu được đến trường!” Bà dẫn chúng tôi ra hai hố bom mà gia đình vẫn còn giữ lại làm kỷ niệm, được gia đình thả cá nuôi. Chỉ tay vào từng đàn cá điêu hồng bơi lội tung tăng dưới làn nước trong xanh, bà cũng không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến những chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày xưa…

Chiến tranh qua đi, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phú tích cực chăm lo sản xuất, đẩy lùi đói nghèo, xây dựng một vùng quê trù phú. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh nhà, quân và dân xã Tân Phú đã san lấp hố bom, sản xuất nông nghiệp… xây dựng một Ấp Bắc như ngày hôm nay. Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.

Thời gian qua, nhờ công tác trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương đạt hiệu quả cao. Năng suất đạt bình quân đạt từ 6 tấn/ha trở lên, sản lượng lúa hàng năm đạt gần 10.000 tấn.

Bên cạnh trồng lúa, nông dân còn đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng màu dưới chân ruộng, đạt hiệu quả cao. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ của xã trước đây khá cao (khoảng 14,2% với thu nhập bình quân đầu người chỉ 5,5 triệu đồng/người/năm) thì nay theo thống kê vào cuối năm nay, thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm, toàn xã chỉ còn 7,07% hộ nghèo.

Đến nay, toàn xã Tân Phú đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nông thôn (các tuyến đường giao thông liên xóm, ấp đều được trải đá đỏ), trạm y tế và trường học. Nhờ sự đầu tư kinh phí của trung ương, tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy cùng sự đóng góp của nhân dân, đến nay xã đã xây dựng được hơn 10 km đường bêtông, 8 km đường nhựa. Chỉ tính nguồn vốn do nhân dân đóng góp xây dựng giao thông nông thôn mỗi năm là hơn 200 triệu đồng.

… Buổi chiều êm ả buông xuống làng quê Ấp Bắc. Ở khu di tích vẫn còn tiếng cười trong trẻo của các em học sinh đang chơi đùa dưới chân tượng đài ba chiến sĩ gang thép. Đây sẽ là những thế hệ tương lai sẽ tiếp tục xây dựng quê hương Ấp Bắc ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh hào hùng năm xưa.

HỮU CHÍ

 

.
.
.