"Cứu" nguồn nước sông Tiền trước khi quá muộn
Bài 1: "Cứu" nguồn nước sông Tiền
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Tiền đã được các ngành chức năng chứng minh qua quan trắc. Các nhà khoa học cũng đã cảnh báo về mức độ ô nhiễm nguồn nước sông này ngày càng trầm trọng hơn.
Thời gian qua, ngành chuyên môn đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, nhưng chất lượng nước của con sông này vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi. Đã đến lúc cần có giải pháp quyết liệt để “cứu” nguồn nước sông Tiền trước khi quá muộn.
Cá chết khiến cho nguồn nước ô nhiễm nặng được xổ xả thẳng ra sông Tiền. |
Ô NHIỄM NHẸ!
Từ màu nước trong xanh, người dân có thể sử dụng nguồn nước sông Tiền vào việc sinh hoạt hằng ngày như tắm, giặt; nấu ăn, uống… Ngày nay, chất lượng nước đã thay đổi, màu nước cũng đổi màu theo thời gian và người dân cũng không còn dám sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt hằng ngày.
Kết quả quan trắc môi trường năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chất lượng nước trên sông Tiền năm 2017 đang trong tình trạng ô nhiễm nhẹ tại một vài vị trí ở một số chỉ tiêu như: Chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng.
Kết quả phân tích hàm lượng sắt, nhôm... tại các khu vực chế biến thủy sản cho thấy, chỉ tiêu Fe tại đợt 3 và đợt 4 vượt so với quy chuẩn, giá trị vượt từ 1,04 - 1,48 lần so với Quy chuẩn Việt Nam 08-MT:2015/Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước tại các điểm quan trắc khu vực sông Tiền không tốt, chỉ đạt mức có thể dùng cho tưới tiêu hoặc giao thông thủy. Do đó, ngành khuyến khích người dân sinh sống quanh khu vực nếu có sử dụng nước vào mục đích sinh hoạt, ăn uống thì cần phải xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh ven sông Tiền trên địa bàn tỉnh.
Sau chuyến giám sát, đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có ý kiến: Các cơ sở, công ty có lượng xả thải lớn có đầu tư nhà máy hoặc hệ thống xử lý nước thải nhưng việc vận hành có đảm bảo đúng quy định, thường xuyên hay không thì chỉ có thể phát hiện khi lực lượng chức năng tiến hành thanh, kiểm tra.
Các cơ sở sản xuất nhỏ còn nhiều trường hợp không có hệ thống xử lý, nhất là các ao nuôi cá ven sông Tiền thuộc xã Ngũ Hiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho). Các hộ nuôi cá ven sông Tiền chưa được chính quyền các cấp tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nước sông Tiền.
CẦN KIỂM TRA, XỬ LÝ QUYẾT LIỆT HƠN
Hiện toàn tỉnh có khoảng 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động có xả nước thải trực tiếp ra sông Tiền, với các loại hình sản xuất chủ yếu là sản xuất, chế biến nông sản; sửa chữa ghe, tàu, dịch vụ ăn uống…(chưa bao gồm các cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình).
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Xuân Thành, các đơn vị này phần lớn tập trung trên địa bàn TP. Mỹ Tho (Khu công nghiệp Mỹ Tho) và huyện Châu Thành (Cụm công nghiệp Song Thuận). Trong đó, có 6/90 cơ sở có lưu lượng xả thải lớn trên 1.000 m3/ngày đêm là Khu công nghiệp Mỹ Tho, Công ty cổ phần Châu Âu, Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức - Tiền Giang, Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH Giặt tẩy Nhà Bè.
Những bè nuôi cá trên sông Tiền cũng góp phần làm cho mức độ ô nhiễm ngày càng nặng hơn. |
Trước tình hình trên, năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh, kiểm tra về lĩnh vực bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước đối với 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có 11 cơ sở có xả nước thải trực tiếp ra sông Tiền.
Ngoài ra, sở cũng tham gia cùng Tổng cục Môi trường thanh tra tại 30 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp xả nước thải trực tiếp ra sông Tiền thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành. Qua thanh tra, có 8/9 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có 10 cơ sở hoạt động ven sông Tiền. Kết quả kiểm tra đến tháng 9-2017, cơ quan chức năng đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm trên 236 triệu đồng.
“Cụm công nghiệp Song Thuận không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đã gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý việc xả nước thải của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải không đạt quy định ra môi trường.
Lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành còn mỏng, đặc biệt là cấp huyện chưa có thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường; trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên công tác giám sát, theo dõi, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp cũng còn hạn chế”- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, để giảm sụt lún cho Đồng bằng sông Cửu Long, cách duy nhất là phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì lời giải nằm ở nước mặt, tức là phải giảm ô nhiễm, phục hồi lại nguồn nước sông, rạch; không để sông, rạch tiếp tục gánh quá nhiều ô nhiễm như hiện nay.
Muốn phục hồi nguồn nước sông, rạch thì cần xử lý ô nhiễm trước khi thải ra sông, rạch. Về công nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải tránh những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và những công nghệ lạc hậu. Công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ nên là những công nghiệp ứng dụng công nghệ “sạch”, công nghệ chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp.
SĨ NGUYÊN