Xé nát tương lai
Những người từng một thời lầm lỡ, mong “gột rửa” quá khứ để trở về làm lại cuộc đời. Con đường tìm về nẻo thiện sẽ bớt chông chênh khi có sự chung tay của gia đình và xã hội.
Kỳ 1: Xé nát tương lai
Kỳ 2: Khát vọng hoàn lương
Kỳ 3: Nơi hồi sinh những phận đời lầm lỗi
Kỳ cuối: Có yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy
Đối với nhiều phạm nhân, thời gian chấp hành án là lúc giúp họ nhận ra lỗi lầm trong quá khứ và phải trả giá bằng những tháng ngày ăn năn, hối cải đằng sau song sắt trại giam. Chỉ khi ở chốn lao tù, họ mới nhận ra giá trị của cuộc sống.
Tổ chức thăm gặp cho phạm nhân qua điện thoại. |
SỰ HỐI HẬN MUỘN MÀNG
Để thực hiện tuyến bài này, chúng tôi phải thực hiện quy trình thủ tục rất nghiêm ngặt từ phía các trại giam và cơ quan chủ quản (Cục C10 - Bộ Công an). Bởi việc tiếp cận các đối tượng có mức án nặng, tội phạm ma túy, nhiễm HIV, từng có tiền án, tiền sự luôn được Ban Giám thị các trại giam cân nhắc kỹ lưỡng.
Chúng tôi vào Trại giam Phước Hòa (đóng trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước) vào một ngày cuối tháng 7, được cán bộ trại giam hướng dẫn đến gặp phạm nhân Nguyễn Sơn H. (sinh năm 1958, nguyên quán tỉnh Nghệ An, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh), bị tuyên án tù chung thân với tội danh “Buôn bán trái phép chất ma túy” và đang chấp hành án tại đây.
Dù đã chấp hành án hơn 17 năm tù, nhưng khi chúng tôi hỏi H. về nguyên nhân phạm tội, đôi mắt H. đỏ lên và nước mắt chực chờ rơi. H. nhớ và kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc đời lầm lỗi của mình như một cuốn phim quay chậm. Năm 1999, vì tham gia cá độ bóng đá, dính líu đến nợ nần, nên H. đã tham gia đường dây buôn ma túy tổng hợp số lượng lớn từ Nghệ An đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Lật lại hồ sơ của phạm nhân Nguyễn Sơn H., chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết H. từng công tác tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh, bị ra khỏi ngành do làm sai quy định của ngành về chế độ thăm gặp. Sau khi ra khỏi ngành, H. hành nghề lái xe thuê rồi trở thành con buôn ma túy và vướng vào vòng lao lý. Dù đã hơn 17 năm trôi qua, nhưng H. vẫn nhớ như in từng chi tiết phạm tội, nhớ ngày, giờ tuyên án, bản án số mấy và mặc cảm tội lỗi với gia đình... như chuyện vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
H. chia sẻ, cuộc đời của H. có 2 cái sai không thể dung thứ, ấy là bản thân là cán bộ cảnh sát biết luật mà vẫn phạm luật. Thứ nữa, trong suốt 17 năm ròng rã ở chốn lao tù, điều khiến H. day dứt, ân hận và bận tâm nhất là việc không chăm lo được cho cha mẹ, vợ và con.
Ngày tòa tuyên H. án tù chung thân, mẹ già ở quê vì không chịu nổi cú sốc nên sinh ra bệnh và mất sau đó không lâu. Tính đến nay, H. thụ án tù khoảng 17 năm và niềm hạnh phúc cuối cùng của H. là vợ và con vẫn thường xuyên đến thăm gặp, động viên.
Dường như đã lâu lắm H. chưa được trải lòng mình, khi chúng tôi xin phép được tạm dừng cuộc gặp, H. ngập ngừng tiếp tục câu chuyện bằng nỗi niềm của một người cha, khi ước mơ được thi vào ngành Công an của đứa con trai không thành hiện thực, chỉ vì lý lịch của cha. H. trách bản thân, vẫn ôm trọn cho mình món nợ với đứa con trai - món nợ lương tâm mà có lẽ quãng đời còn lại không thể nào trả nổi.
Còn với phạm nhân Trịnh Bá C. (sinh năm 1983, quê Thanh Hóa) đã đánh mất đi tương lai khi can tội giết người ở Cà Mau và mức án chung thân là cái giá C. phải trả cho hành vi nông nỗi của mình. Theo lời C. kể, năm 2000, trong dịp nghỉ hè, C. cùng với bạn bè từ Thanh Hóa vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây chơi. Hết 3 tháng hè, C. ở lại miền Nam làm thuê kiếm sống. Năm 2003, C. xuống Cà Mau cùng bạn, trong lúc bị hại nhậu, C. đi ngang qua nhưng không vào nhậu cùng, lời qua tiếng lại, nên C. đã giết chết bị hại (quê Kiên Giang).
Hơn 16 năm chôn vùi thanh xuân, tuổi trẻ trong Trại giam Phước Hòa, những tâm sự chôn sâu ngần ấy năm được C. trải lòng cho chúng tôi nghe: “Ai cũng có sai lầm ở thời tuổi trẻ, nhưng sai lầm của tôi quá lớn. Cái giá mà tôi phải trả cho sự bồng bột của mình thực sự quá đắt. Tôi đã mất đi tuổi trẻ, mất luôn cả tuổi thanh xuân, sức khỏe và cả những ước mơ. Thời gian ở trong trại giam, người thân của tôi lần lượt mất đi. Lúc tôi vào miền Nam chơi thì bố mẹ còn khỏe mạnh, bây giờ mỗi khi gọi điện thoại về thì bố mẹ lại thay nhau nằm bệnh viện. Giá như ngày xưa tôi nghe lời bố mẹ, không hơn thua với bạn bè thì cuộc sống bây giờ có lẽ đầm ấm biết bao”.
NHỮNG LÁ THƯ VIẾT TỪ TRẠI GIAM
Viết thư xin lỗi là cách mà những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thực hiện như một cách để xóa đi mặc cảm của bản thân với gia đình, xã hội, người bị hại và chính tội lỗi đã gây ra. Đằng sau đó là nỗi giày vò cắn rứt về “bản án” lương tâm của những phạm nhân và cả những tấm lòng rộng mở để bao dung, tha thứ...
Có những bức thư lần đầu tiên trong cuộc đời mà các phạm nhân cầm bút viết lên những dòng chữ tận sâu trong đáy lòng, chất chứa những lời xin lỗi gửi cho ông bà, cha mẹ, cô chú và cả gia đình người bị hại.
“... Từ khi gây ra sự hối tiếc với anh P., trong lòng cháu luôn mang nỗi ám ảnh, chỉ vì chút tự ái của thanh niên, nông cạn trong suy nghĩ và hành động, mà cháu đã gây ra sự đau buồn là tước đi mạng sống của anh P. Chú cho cháu xin lỗi trước chú và vong linh của anh P., cháu luôn mong có một ngày cháu được đứng trước mộ anh P., thắp nén hương để bày tỏ nỗi ân hận của mình…”.
Cán bộ Trại giam Phước Hòa cho chúng tôi xem lá thư xin lỗi của phạm nhân Trịnh Bá C. gửi cho gia đình bị hại ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Lá thư được C. viết trong cuộc thi “Viết thư gửi lời xin lỗi” năm 2015 và không ngờ rằng gia đình bị hại đáp từ lời xin lỗi của C. bằng một lá thư hồi âm. Trong thư, gia đình bị hại đã tha thứ cho những lỗi lầm mà C. gây ra. Ngoài ra, gia đình bị hại còn động viên C. cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội…
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của phạm nhân Trịnh Bá C., cán bộ Trại giam Phước Hòa cho biết, trong trại giam C. đã phấn đấu cải tạo tốt và có nhiều tiến bộ, nên được Hội đồng xét giảm án phạt tù đã giảm án phạt tù xuống có thời hạn. Hiện nay, C. còn hơn 10 năm cải tạo; nếu cải tạo tốt, có thể còn hơn 4 năm nữa C. chấp hành xong án phạt tù.
Còn với phạm nhân Nguyễn Văn K. (sinh năm 1975, thường trú tại tỉnh Đồng Tháp) đang chấp hành mức án 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Trại giam Mỹ Phước (đóng trên địa bàn xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước) cũng đau đáu mong thư hồi âm của phía gia đình bị hại. Ở chốn lao tù, mỗi người là một câu chuyện, ai cũng có những nỗi niềm chất chứa không biết chia sẻ cùng ai.
Khi đối mặt với trang giấy trắng, các phạm nhân đã giãi bày hết những lời hối hận muộn màng, những cảm xúc chưa một lần nói ra được thể hiện tròn trịa tên từng con chữ. K. tâm sự, ngày thường anh chỉ tập trung lo làm ăn, không bao giờ viết thư, nhất là thời buổi có điện thoại di động, nhưng khi vướng vào vòng lao lý, cách biệt với gia đình, vợ con mới thấm thía nỗi cô đơn và hằng đêm cứ suy nghĩ về những lầm lỗi mình đã gây ra cho gia đình bị hại.
Vậy là khi Ban Giám thị Trại giam Mỹ Phước phát động Cuộc thi “Viết thư gửi lời xin lỗi”, K. đã đăng ký tham gia. K. bộc bạch: “Qua những lá thư xin lỗi, tôi đã bày tỏ hết sự ăn năn hối hận của mình và đã nhận được thư hồi âm của bị hại. Gia đình bị hại sẵn lòng tha thứ lỗi và mong muốn tôi lao động, cải tạo, chấp hành án tốt để sớm về lại với gia đình. Lá thư hồi âm của gia đình bị hại đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho tôi về một xã hội đầy tính nhân văn, sẵn sàng thứ lỗi cho những người từng lầm lỗi. Đây là động lực để tôi cải tạo tốt, sớm được trở về với gia đình và viết tiếp những ước mơ còn dang dở”...
HOÀI THU - VĂN THẢO
(còn tiếp)