Thứ Hai, 21/10/2019, 20:36 (GMT+7)
.

"Sống chung" với biến đổi khí hậu

Sạt lở, triều cường, thiên tai, xâm nhập mặn… và những tác động khác từ biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ là mối lo lớn đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tiền Giang cũng không nằm ngoài xu hướng chung này.

Sạt lở tại kinh Chợ Gạo.
Sạt lở tại kinh Chợ Gạo.

Bài 1: Nơm nớp nỗi lo sạt lở

Sạt lở bờ sông, kinh, rạch bờ biển đang là mối lo chung cho cả khu vực ĐBSCL nói chung, Tiền Giang nói riêng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của người dân.

DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Nằm trong bức tranh chung của khu vực ĐBSCL, sạt lở bờ sông, kinh, rạch, bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp và đáng lo ngại. Kinh Bảo Định (TP. Mỹ Tho) đoạn từ sông Tiền đến cống Bảo Định có chiều dài khoảng 10 km.

Những năm gần đây, dọc tuyến đê kinh Bảo Định (thuộc xã Mỹ Phong và xã Đạo Thạnh), với chiều dài khoảng 5 km (đê có đường đan rộng 2,5 m) thường xuyên bị sạt lở ăn sâu vào đất liền, trung bình mỗi đoạn dài khoảng 30 m.

Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều đoạn xuất hiện hiện tượng nứt, có nguy cơ sạt lở, trung bình mỗi đoạn khoảng 50 m. Qua khảo sát, dọc kinh Bảo Định hiện có 10 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở dài khoảng 680 m. Hiện tại, TP. Mỹ Tho đã lập hồ sơ dự kiến xử lý sạt lở bằng kè bê tông 3 điểm thuộc ấp 1, ấp 3A và ấp 3B (xã Đạo Thạnh), với chiều dài 470 m, tổng kinh phí khoảng 56 tỷ đồng.

Theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, tuyến đê kinh Bảo Định hằng năm đều bị sạt lở, nhưng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Hiện nay, đoạn đê thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong cũng đang suy yếu, có dấu hiệu tiếp tục bị sạt lở, nguy cơ có thể sụp đổ toàn bộ xuống kinh Bảo Định bất cứ lúc nào. Riêng năm 2019, trên tuyến kinh Bảo Định xảy ra 2 điểm sạt lở, làm sập 1 căn nhà xuống kinh.

Cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) gần đây trở thành “điểm nóng” về tình hình sạt lở. Dẫn chúng tôi đến các điểm sạt lở trên địa bàn xã, cán bộ xây dựng xã Tân Phong cho biết, các điểm sạt lở ở xã chủ yếu xảy ra ở đầu cồn và cuối cồn; trong đó, điểm sạt lở nghiêm trọng nhất dài khoảng 2 km thuộc ấp Tân Thiện.

Cũng theo cán bộ này, dòng nước đạp thẳng vào đầu cồn Tân Phong làm khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng trong những năm qua. Ước tính trong vài năm trở lại đây tại khu vực này, sạt lở đã lấn sâu vào vườn cây ăn trái của người dân vài chục mét. Ông Võ Quang Trường (ấp Tân Luông B, xã Tân Phong) chia sẻ, cách nay ít ngày, đoạn đê trước nhà ông bị sạt lở, tuyến đường dân sinh cũng là đê bao có nguy cơ đổ sụp xuống sông. Do đó, ông phải tự thuê kobe để gia cố lại đoạn sạt lở khoảng 30 m.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ở tỉnh ngày càng nghiêm trọng với quy mô lớn và đang có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2010 - 2018, tỉnh đã tiến hành xử lý 655 điểm sạt lở bờ sông, kinh với tổng chiều dài khoảng hơn 50 km, với kinh phí hơn 238 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 110 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 24 km.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 87 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 4,4 km.

Trong 87 điểm sạt lở xảy ra trong năm 2019, huyện Cái Bè có 42 điểm, huyện Cai Lậy 31 điểm, TX. Cai Lậy 8 điểm và huyện Châu Thành 6 điểm. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ khoảng 49,43 tỷ đồng cho các địa phương tiến hành xử lý 61 điểm sạt lở, các điểm còn lại được đầu tư gia cố bằng nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện. Đến nay, các địa phương đang xử lý 77 điểm, 10 điểm còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để tiến hành xử lý.

Trước diễn biến của sạt lở bờ sông, kinh đê biển ngày càng phức tạp, UBND tỉnh cũng đã ban hành 4 Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại 4 địa điểm, gồm: Bờ kinh Bảo Định (TP. Mỹ Tho); đê biển Gò Công, đoạn từ cống Tân Thành đến cầu Rạch Gốc (huyện Gò Công Đông); bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và tại khu dân cư ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành huyện Gò Công Đông)…
 

Theo ông Trường, trước đây đoạn đê bao này cách vị trí hiện tại khoảng 20 m, nhưng mỗi năm sạt lở cứ lấn dần.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Tân Phong Trần Văn Nhịn, hiện điểm sạt lở ở ấp Tân Thiện đã được Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè 200 m, với nguồn vốn 35 tỷ đồng. Hiện các đoạn sạt lở còn lại vẫn đang chờ kinh phí để tiếp tục thi công. Nhìn chung, 5 năm gần đây, tình trạng sạt lở trên địa bàn xã diễn ra rất nhanh. Nguyên nhân có thể là do tình trạng khai thác cát ở các mỏ xung quanh cồn và tình trạng khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở. Kể từ khi tỉnh ngưng cấp phép khai thác cát sông, tình hình sạt lở đã không còn diễn ra nhanh và nghiêm trọng như trước đây.

Nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp. Chẳng hạn, dọc theo tuyến kinh Rạch Gầm (đoạn qua xã Bàn Long, huyện Châu Thành), thời gian qua, dọc theo 2 bờ kinh xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nhiều điểm khác có nguy cơ sạt lở.

Theo một người dân tại ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, người dân nơi đây sống trong cảnh “thắc thỏm” trước nguy cơ sạt lở. Chưa kể, triều cường đầu tháng 10 vừa qua cũng đã làm một số đoạn đê bao bị vỡ, nước tràn vào vườn cây ăn trái, ao cá gây thiệt hại cho người dân. Hiện tại, địa phương đang tiến hành xây dựng bờ kè để chống sạt lở.

THÁCH THỨC SINH KẾ

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh từ năm 2010 đến nay, nhiều về số điểm sạt và nghiêm trọng về mức độ so với trước đó. Nhiều nguyên nhân cũng được đặt ra để lý giải cho hiện tượng sạt lở hiện nay.

Ngoài việc lượng phù sa đổ về bị giảm, việc xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông như: Đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng..., hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó gia tăng nguy cơ sạt lở; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển có xu hướng ngày càng dâng cao. Bởi, theo tính toán của các nhà khoa học, trong 20 năm qua, trung bình nước biển dâng cao từ 2 đến 3 mm/năm.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để lấy nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản làm đất bị lún dần. Theo nghiên cứu gần đây của Viện Địa chất Na Uy chỉ ra rằng, mặt đất ở ĐBSCL bị lún trung bình 3 cm/năm trong 30 năm qua.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, sụt lún là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển. Sụt lún làm cho kết cấu của đất rời ra, khi có tác động thêm của dòng chảy sẽ làm sạt lở.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 10 năm qua, khu vực Bắc sông Hậu ít lún hơn (chỉ từ0 - 5 cm), các tỉnh phía Nam sông Hậu lún nhiều hơn (từ 5 - 10 cm). Có những điểm đặc biệt như tại TP. Cần Thơ trong 10 năm đất bị lún tới 47 cm.

Còn theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), nguyên nhân của tình trạng sạt lở ở ĐBSCL là do suy giảm phù sa và bùn cát. Ngày xưa bùn cát về ĐBSCL đạt 160 triệu tấn/năm, giờ đây chỉ còn phân nửa. Trước đây, hoạt động sạt lở và bồi lắng đan xen nhau; trong đó, bồi lắng nhiều hơn sạt lở nên ĐBSCL được nâng cao và lấn dần ra biển. Còn bây giờ, phù sa giảm, bồi lắng giảm nên sạt lở gia tăng.

Còn chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện lại cho rằng, khi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông được xây dựng, sẽ không còn hạt cát, viên sỏi nào về ĐBSCL. Nếu tiếp tục khai thác cát, lòng sông sẽ sâu thêm. Hiện lòng sông Tiền, sông Hậu đã sâu hơn 1,3 m so với 10 năm trước. Không chỉ bờ sông, mà bờ biển ĐBSCL cũng bị sạt lở, nhất là đoạn 250 km từ tỉnh Tiền Giang qua tỉnh Sóc Trăng. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo, nếu tiếp tục khai thác cát thì phải “hy sinh” ĐBSCL.

Tất cả hành động ứng phó ở ĐBSCL hiện nay đều không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là thiếu cát, phù sa, tức mọi hành động chỉ là chống đỡ tạm thời, còn sạt lở vẫn sẽ tiếp diễn. Ngăn chặn sạt lở chỗ này, sẽ sạt lở chỗ khác.

“Khi gây sạt lở ở điểm nào đó tức là dòng sông đã chọn điểm phù hợp nhất với nó để giải quyết vấn đề năng lượng dòng chảy. Khi đã sạt lở rồi, dòng sông không còn “tức nước nữa”, nhưng nếu ta trám hoặc lấp lại tức là ta lại đưa nó về trạng thái “tức nước” như trước khi sạt lở. Dòng sông sẽ phải tự tìm cách giải quyết năng lượng của nó” - chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

ANH PHƯƠNG  - MINH THÀNH

(Còn tiếp)

.
.
.